Điều cấm kỵ đối với bệnh viêm ruột kết là lơ là trong việc thực hiện chế độ điều trị và chăm sóc sức khỏe. Viêm ruột kết là một bệnh lý viêm mạn tính ở ruột kết, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong ruột kết. Để kiểm soát bệnh, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng thuốc và duy trì chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt hợp lý, giúp giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm ruột kết là bệnh gì?
Viêm loét ruột kết (hay còn gọi là viêm loét đại tràng, Ulcerative Colitis - UC) là một bệnh lý viêm mạn tính ảnh hưởng đến niêm mạc của đại tràng. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng thường được chẩn đoán ở những người trên 30 tuổi.
Khi mắc viêm loét đại tràng, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào niêm mạc đại tràng, làm tổn thương và gây viêm nhiễm. Kết quả là xuất hiện các vết loét tại niêm mạc đại tràng, gây ra đau đớn và khó chịu. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Vì vậy, nếu được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh cần thực hiện nội soi đại tràng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Một số triệu chứng viêm loét đại tràng thường gặp bao gồm:
- Đau bụng, thường là cơn co thắt.
- Rối loạn tiêu hoá: Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Chảy máu trực tràng hoặc tiết dịch từ trực tràng.
- Thiếu máu do viêm loét gây chảy máu mạn tính, dẫn đến mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt và da nhợt.
- Đau khớp, đặc biệt là ở các ngón tay và các khớp nhỏ.
Điều trị viêm ruột kết chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhưng thường không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển thành các đợt cấp hoặc loét lan rộng ra các khu vực khác của đại tràng, khi đó bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để can thiệp.
2. Nguyên nhân gây viêm loét ruột kết
Nguyên nhân chính xác gây viêm loét ruột kết hiện chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bệnh xảy ra do hệ miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến việc các kháng thể tự tấn công vào các mô và cơ quan trong cơ thể, gây viêm nhiễm tại đại tràng.
2.1. Những ai có nguy cơ mắc viêm loét đại tràng?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm loét đại tràng, nhưng những người có nguy cơ cao là những người có bệnh tự miễn hoặc có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh.
2.2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng, bao gồm:
- Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 15 - 30 và trên 60 tuổi.
- Khoảng 20% những người bị viêm loét đại tràng có thành viên trong gia đình mắc các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Sử dụng thuốc nhóm NSAID (thuốc chống viêm không steroid) kéo dài cũng là yếu tố nguy cơ.

Việc hiểu rõ nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm loét đại tràng là rất quan trọng để người bệnh có thể chủ động phòng ngừa và quản lý bệnh tốt hơn. Vậy, những điều cấm kỵ đối với bệnh viêm ruột kết người bệnh cần biết là gì?
3. Những điều cấm kỵ đối với bệnh viêm ruột kết
Bệnh viêm ruột kết làm cho ruột của người bệnh trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy, khi mắc bệnh, bệnh nhân cần lưu ý tránh một số điều sau:
3.1. Dùng thuốc quá nhiều
Không phải ai cũng có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc một cách hiệu quả. Mỗi người có khả năng đáp ứng khác nhau với các loại thuốc điều trị, đôi khi việc sử dụng thuốc có thể gây ra phản ứng phụ, làm bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn mà người bệnh không nhận ra.
Vì vậy, nếu người bệnh sử dụng thuốc mà không thấy cải thiện triệu chứng hoặc cảm thấy có tác dụng phụ đi kèm, hãy thảo luận với bác sĩ về việc giảm liều hoặc thay đổi phác đồ điều trị. Đôi khi việc thử nghiệm kết hợp các loại thuốc khác nhau có thể giúp người bệnh tìm ra phương pháp phù hợp hơn.

3.2. Thực hiện phẫu thuật khi chưa cần thiết
Phẫu thuật chỉ nên được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, hoặc bệnh có nguy cơ gây biến chứng nặng. Phẫu thuật điều trị viêm loét đại tràng thường đòi hỏi nhiều lần mổ, khoảng cách giữa các lần mổ là vài tuần, khiến cơ thể bệnh nhân \phải chịu đựng sự mệt mỏi.
Ngoài ra, phẫu thuật sẽ loại bỏ hết đại tràng và trực tràng, sau đó ruột non phải hoạt động thay thế chức năng của đại trực tràng, điều này có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa sau mổ.
Do đó, ngoài các trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật, người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật.
3.3. Bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe tinh thần
Nhiều người mắc viêm loét đại tràng chỉ chú trọng đến vấn đề sức khỏe thể chất mà không quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, bệnh viêm ruột kết không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn có tác động lớn đến tâm lý người bệnh. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc trầm cảm ở người bệnh viêm loét đại tràng cao hơn so với các nhóm bệnh khác và dân số chung.
Việc lo lắng về tình trạng bệnh, những cơn đau, hay việc phải thường xuyên vào nhà vệ sinh có thể khiến người bệnh cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Hơn nữa, mất máu kéo dài có thể làm cho bệnh nhân thêm phần kiệt sức.
Vì vậy, đừng bỏ qua sức khỏe tinh thần của mình. Hãy tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý khi cần thiết và đừng ngần ngại chia sẻ những lo lắng, cảm xúc của bản thân với gia đình hoặc bạn bè.
3.4. Ngại ngần khi chia sẻ về bệnh viêm ruột kết
Người mắc bệnh viêm ruột kết thường gặp phải tình trạng phải đi vệ sinh nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể sử dụng nhà vệ sinh riêng biệt và những người xung quanh có thể cảm thấy bất tiện khi người bệnh cần sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên. Để giúp mọi người hiểu và cảm thông, cách tốt nhất là người bệnh nên thẳng thắn chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình và giải thích về bệnh viêm ruột kết, từ đó nâng cao nhận thức của những người xung quanh về tình trạng này.
3.5. Không chú ý đến chế độ ăn uống
Khi được chẩn đoán viêm ruột kết, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Một số loại thực phẩm có thể gây kích ứng và làm bùng phát các triệu chứng bệnh. Người bệnh nên ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa như thịt nạc, thức ăn được nấu chín kỹ, carbs trắng (mì ống, gạo, bánh mì), trái cây và rau quả chế biến phù hợp, đồng thời uống đủ nước.
Người bệnh cần tránh các thực phẩm nhiều chất xơ hòa tan, đồ ăn cay, nước có caffeine, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, vì những loại thực phẩm này có thể gây khó tiêu, đầy hơi chướng bụng và kích thích niêm mạc ruột. Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nhưng nếu gặp khó khăn trong việc thực hiện, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng tại các cơ sở y tế để có chế độ ăn phù hợp cho tình trạng viêm loét đại tràng.
3.6. Không kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Bệnh viêm loét ruột kết làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như ung thư đại trực tràng, thủng ruột hay thiếu máu. Vì vậy, việc hiểu rõ những điều cấm kỵ đối với bệnh viêm ruột kết và chủ động đi khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và ngăn ngừa biến chứng. Dù người bệnh cảm thấy tình trạng bản thân đã ổn định hơn và không có vấn đề, bác sĩ vẫn khuyến nghị thực hiện nội soi đại trực tràng định kỳ để tầm soát ung thư đại trực tràng. Vì vậy, bỏ qua những đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ là một sai lầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bản thân.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về bệnh viêm loét ruột kết, từ đó tránh được những điều cấm kỵ đối với bệnh viêm ruột kết, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh, góp phần hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com