Sau khi nội soi đại tràng xong nên ăn gì cũng là một vấn đề cần được chú ý đặc biệt. Do quá trình nội soi đòi hỏi phải nhịn ăn trước đó, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sau khi nội soi là rất quan trọng nhằm tránh gây ra các biến chứng không mong muốn cho hệ tiêu hóa và đại tràng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tìm hiểu về phương pháp nội soi đại tràng
Đại tràng là cơ quan dễ bị tổn thương và có thể gặp nhiều biến chứng. Khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến hệ tiêu hóa, người bệnh nên tiến hành kiểm tra đại tràng. Phương pháp nội soi đại tràng được đánh giá là phương pháp thăm khám hiệu quả và chính xác nhất hiện nay.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mềm có gắn camera và đèn, đưa qua hậu môn vào trong đại tràng để quan sát trực tiếp và ghi lại hình ảnh các tổn thương (nếu có). Nếu cần, bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu sinh thiết hoặc can thiệp ngay để xử lý các tổn thương phát hiện được (nếu cần thiết).
Quá trình nội soi thường kéo dài từ 15 đến 30 phút hoặc lâu hơn. Nội soi có thể gây cảm giác khó chịu như tức bụng, đau bụng, do đó, người bệnh có thể chọn phương pháp nội soi gây mê để giảm thiểu sự khó chịu.

Nội soi đại tràng là thủ tục an toàn, hiếm khi gặp biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau nội soi, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, rét run, đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu, buồn nôn hoặc nôn, người thực hiện nội soi cần thông báo ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
2. Các bước thực hiện nội soi đại tràng
- Bước 1 - Chuẩn bị tư thế nội soi: Người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm nghiêng với chân gập lên đến bụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ống nội soi vào. Ống nội soi mềm, được gắn camera và đèn, sẽ được nhẹ nhàng đưa qua hậu môn vào bên trong đại tràng, giúp bác sĩ ghi nhận hình ảnh chi tiết bên trong.
- Bước 2 - Thổi khí vào đại tràng: Để làm đại tràng phồng lên và dễ quan sát hơn trên màn hình, bác sĩ sẽ thổi một lượng khí nhất định vào trong đại tràng. Việc này giúp tăng khả năng nhìn thấy rõ các tổn thương hoặc bất thường có thể có.
- Bước 3 - Quan sát và can thiệp: Trong khi quan sát, nếu phát hiện có tổn thương hoặc dấu hiệu bất thường trong đại tràng, bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ hoặc lấy mẫu mô (sinh thiết) để phân tích.

Sau khi hoàn thành quá trình nội soi, người bệnh có thể trở lại với các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, mọi người cần chú ý đến chế độ ăn uống sau nội soi để tránh gây kích ứng cho đại tràng mới được kiểm tra. Vậy nội soi đại tràng xong nên ăn gì?
3. Nội soi đại tràng xong nên ăn gì để hồi phục sức khỏe?
Nội soi đại tràng xong nên ăn gì để giúp hỗ trợ quá trình điều trị và nhanh chóng bình phục là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Sau khi thực hiện nội soi, người bệnh nên nghỉ ngơi khoảng một giờ để cơ thể hồi phục. Do quá trình nội soi yêu cầu nhịn ăn, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi. Vì thế, việc lựa chọn thức ăn sau nội soi rất quan trọng để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và đại tràng.

Một số lưu ý về chế độ ăn uống sau khi nội soi bao gồm:
- Sau khoảng một tiếng, người thực hiện nội soi có thể bắt đầu uống một cốc sữa tươi và một số món ăn khác như cháo loãng để nguội nhằm cung cấp năng lượng nhẹ nhàng cho cơ thể.
- Thực phẩm nên chọn là những loại mềm, lỏng, nguội và dễ tiêu hóa để giúp phục hồi niêm mạc đại tràng và giảm thiểu chướng hơi.
- Một số thực phẩm hỗ trợ khác bao gồm dầu oliu, lô hội, nước ép cỏ lúa mì, dầu cá và các loại thảo mộc như hạt mã đề, gừng, riềng.
- Người bệnh nên tránh ăn quá no, chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa và nhai kỹ trước khi nuốt. Khoảng cách giữa các bữa ăn nên khoảng từ 3 - 4 giờ.
- Trứng gà có thể được bổ sung với tần suất hợp lý do chứa nhiều dưỡng chất hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhưng mọi người không được lạm dụng.
- Ngoài ra, để bổ sung khoáng chất, vitamin và chất xơ, mọi người có thể ăn các loại trái cây tươi. Tuy nhiên, các loại quả có vị chua như cam, chanh cần được tránh tiêu thụ vì chúng có thể gây kích thích và ảnh hưởng không tốt đến đại tràng đang trong quá trình phục hồi.

4. Nội soi đại tràng xong nên kiêng ăn gì?
Bên cạnh hiểu rõ nội soi đại tràng xong nên ăn gì, việc tìm hiểu nội soi tràng xong nên kiêng những loại thực nào cũng là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Sau khi thực hiện nội soi, người bệnh cũng cần hạn chế hoặc tránh sử dụng một số loại thực phẩm và đồ uống để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể:
- Thực phẩm lạnh: Người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm lạnh như kem hay sử dụng đá, vì chúng có thể tác động tiêu cực cho đại tràng và dạ dày.
- Đồ ăn cay nóng, chua: Thực phẩm có hàm lượng acid cao như xoài, bưởi, chanh, dưa chua và cà muối cũng nên được tránh, bởi chúng có thể gây kích ứng niêm mạc đại tràng.
- Đồ ăn dầu mỡ: Thực phẩm giàu dầu mỡ không được khuyến khích sử dụng sau nội soi. Do khi hệ tiêu hóa đang yếu, việc tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ làm cản trở quá trình tiêu hóa và khiến dạ dày khó hấp thụ thức ăn, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
- Rượu bia, thuốc lá và đồ uống có gas: Người bệnh cũng cần tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas hay các chất kích thích khác. Các chất này có thể làm hại niêm mạc đại tràng và gây tổn thương cho cơ quan này.
Việc tuân thủ những lời khuyên này sau nội soi sẽ giúp quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ và bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa của người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.