Nữ giới tắc ruột điều trị như thế nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là khi tình trạng này có thể gây nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời. Thông thường, các phương pháp điều trị tắc ruột bao gồm cả phương pháp nội khoa và phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chào bác sĩ, bà của em năm nay hơn 70. Bốn năm trước bị ung thư trực tràng đã cắt và nối hậu môn để điều trị khỏi nhưng hiện tại, bà thường xuyên có triệu chứng tắc ruột. Mỗi lần đi tắc ruột phải đi cấp cứu truyền nước. Vậy bác sĩ cho em hỏi nữ giới tắc ruột điều trị như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Chào bạn, với câu hỏi “Điều trị tắc ruột ở nữ giới như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Tắc ruột sau mổ cho đến nay vẫn là một vấn đề nan giải đối với y học, nguyên nhân được cho là do bệnh có liên quan đến yếu tố cơ địa (dễ tạo sẹo dính, sẹo phì đại,...), bệnh lý của lần phẫu thuật trước, tình trạng ổ bụng và vị trí phẫu thuật của bệnh lý của lần phẫu thuật trước,...
Nhìn chung tất cả bệnh nhân có phẫu thuật vào khoang phúc mạc ổ bụng đều có nguy cơ dính tắc ruột sau mổ, mổ nội soi tỷ lệ thấp hơn so với mổ mở. Triệu chứng của tắc ruột thường gặp là đau bụng từng cơ, bí trung đại tiện, bụng chướng căng, nôn mửa do tắc nghẽn gây ứ trệ dịch tiêu hóa và thức ăn.
Điều trị tắc ruột bao gồm điều trị nội khoa tích cực ở giai đoạn sớm, đặt ống sonde mũi dạ dày để giảm áp đường ruột, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, điều chỉnh các rối loạn toàn thân bằng thuốc, nhịn ăn uống hoàn toàn và nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, nếu điều trị nội khoa thất bại sau 24 giờ, thường bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật gỡ dính ruột và tái lập lại lưu thông tiêu hóa. Một đặc điểm nữa là càng mổ nhiều lần thì nguy cơ dính ruột sau mổ càng cao. Bạn nên đưa bà đến khám điều trị ở bệnh viện có chuyên khoa Ngoại tiêu hóa khi xảy ra tình trạng tắc ruột.
Ngoài ra, để cung cấp thêm thông tin cho bạn, dưới đây là phần giải đáp thêm về cách điều trị tắc ruột.
1. Tắc ruột là gì?
Tắc ruột xảy ra khi ruột non hoặc ruột già bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Thông thường, ruột có chức năng vận chuyển thức ăn và chất thải từ dạ dày đến trực tràng, đồng thời hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm. Khi ruột bị tắc, thức ăn và chất thải không thể lưu thông hoặc di chuyển chậm, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ tiêu hóa.
So với tắc ruột già (LBO), tỷ lệ mắc hội chứng tắc ruột non (SBO) thường cao hơn. Tỷ lệ mắc bệnh của nam và nữ gần như tương đương nhau. Trong đó, nguyên nhân chính quyết định tỷ lệ mắc bệnh cũng như loại tắc ruột thường xuất phát từ các yếu tố như tiền sử phẫu thuật, ung thư, bệnh lý mãn tính, sự hiện diện của dị vật hoặc tác động của liệu pháp điều trị.
2. Nữ giới tắc ruột điều trị như thế nào?
Nhiều người thắc mắc tắc ruột có phải mổ không. Thực tế, tắc ruột là một tình trạng nguy hiểm cần được can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tắc ruột phù hợp.
Trước khi tiến hành điều trị tắc ruột, bác sĩ sẽ thực hiện hồi sức ngoại khoa bằng cách đặt sonde dạ dày, truyền dịch để duy trì cân bằng nước - muối khoáng và sử dụng kháng sinh.
Khi bệnh nhân gặp tình trạng nghẹt ruột, việc hồi sức nhanh là cần thiết bao gồm cả hút và truyền dịch nhằm tránh tổn thương cho ruột. Nếu tắc ruột hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giải tỏa vị trí tắc, lấy khối bã, giải phóng dây chằng và loại bỏ đoạn ruột bị hư hỏng. Trong trường hợp tắc ruột do khối u, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật để cắt u, tạo hậu môn nhân tạo hoặc thực hiện nối bypass.
Điều trị tắc ruột cần có sự kết hợp giữa nội khoa và ngoại khoa để điều chỉnh các rối loạn toàn thân, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật, đồng thời giảm thiểu biến chứng và nguy cơ tử vong sau mổ. Vì tắc ruột có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân và là biến chứng của nhiều bệnh nên phương pháp phẫu thuật phải tùy theo nguyên nhân gây ra tắc ruột.

3. Mổ tắc ruột có nguy hiểm không?
Tình trạng sức khỏe, tuổi tác và mức độ tắc nghẽn đều ảnh hưởng đến tiên lượng phẫu thuật tắc ruột. Nguy cơ tử vong sau phẫu thuật điều trị tắc ruột có thể ở mức cao, với khả năng xuất hiện biến chứng trong và sau phẫu thuật. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày đối với tắc ruột non trung bình là từ 5% đến 30%, trong khi đối với tắc ruột già thì tỉ lệ này trung bình dao động từ 10% đến 20%.
Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc điều trị tắc ruột ở nữ giới như thế nào. Nhìn chung, tắc ruột là một tình trạng nguy hiểm cần được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, phẫu thuật là một phương pháp phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt ở những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe yếu. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị đúng cách sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và nâng cao hiệu quả điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.