Phương pháp DEXA đo mật độ xương có thể giúp bác sĩ xác định được những bất thường của quá trình khoáng hóa xương ở các vị trí như vùng lưng dưới và hông, từ đó đưa ra chẩn đoán về chất lượng khung xương, đánh giá nguy cơ bị loãng xương hoặc thậm chí là gãy xương để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Xét nghiệm mật độ xương bằng phương pháp DEXA
Đối với người cao tuổi, xương khớp thường có xu hướng mỏng và yếu đi, gia tăng nguy cơ bị loãng xương hoặc gãy xương. Do đó, xét nghiệm mật độ xương là rất cần thiết đối với người cao tuổi. Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá lượng canxi trong xương, từ đó chẩn đoán sức khỏe xương khớp và phát hiện các vấn đề như loãng xương. Hiện nay, việc sử dụng phương pháp DEXA đo mật độ xương được coi là phổ biến và hiệu quả nhất.

2. Những trường hợp nên áp dụng phương pháp DEXA
Hầu hết những người từ 60 đến 70 tuổi khi đi khám sức khỏe tổng quát thường sẽ được khuyến khích thực hiện xét nghiệm mật độ xương bằng phương pháp quét DEXA (Dual-Energy X-Ray Absorptiometry). Đây là một kỹ thuật hiện đại và chính xác để đo lường mật độ khoáng hóa xương tại các vùng quan trọng như cột sống, hông và cẳng tay. Dựa vào đó, bác sĩ có thể phần nào chẩn đoán nguy cơ loãng xương.
Theo khuyến khích, độ tuổi trung bình để nữ giới thực hiện xét nghiệm này là từ 65 tuổi trở lên, còn ở nam giới từ 70 tuổi trở lên. Lý do là vì phụ nữ thường sẽ bị suy giảm Hormone Estrogen sau mãn kinh, từ đó dẫn đến việc tăng nguy cơ loãng xương cao hơn so với nam giới. Thống kê cho thấy, trung bình cứ năm phụ nữ trên 50 tuổi thì có một người bị loãng xương, đặc biệt là ở phần trên của chân hoặc cột sống - các khu vực dễ chịu ảnh hưởng nhất.

Ngoài ra, một số trường hợp trẻ hơn nhưng có nguy cơ mất xương cao như người có tiền sử gia đình bị loãng xương, người mắc các bệnh lý mãn tính hoặc sử dụng thuốc gây ảnh hưởng đến xương cũng được bác sĩ khuyến cáo thực hiện quét DEXA sớm. Phát hiện sớm tình trạng loãng xương giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, đồng thời mở ra cơ hội điều trị hiệu quả hơn.
3. Phương pháp DEXA đo mật độ xương thực hiện thế nào
Trước khi tiến hành xét nghiệm mật độ xương bằng phương pháp quét DEXA, bác sĩ thường sẽ khuyến khích tạm ngừng sử dụng các loại thực phẩm bổ sung canxi hoặc Vitamin D trong vòng 24 tiếng. Điều này nhằm đảm bảo kết quả đo lường không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi tạm thời nồng độ khoáng chất trong cơ thể.
Người được xét nghiệm sau đó sẽ tiến hành chụp X-Quang liều thấp ở một số vị trí quan trọng trên cơ thể, phổ biến nhất là vùng lưng dưới, hông và cẳng tay. Đây là các khu vực xương chịu lực lớn nhất khi cơ thể hoạt động, do đó bác sĩ có thể thu thập các chỉ số về mật độ khoáng hóa chính xác về tình trạng sức khỏe của xương.
Nếu các xương lớn như lưng dưới hoặc hông cho thấy dấu hiệu loãng xương thì khả năng các khu vực xương nhỏ hơn cũng sẽ gặp vấn đề tương tự.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng xét nghiệm DEXA chủ yếu dùng để đánh giá sự khoáng hóa của xương, không cung cấp được các thông tin liên quan đến những tình trạng tổn thương như gãy xương, viêm khớp hoặc bệnh lý xương khớp khác.
Do đó, để có được chẩn đoán toàn diện và chính xác, bác sĩ thường sẽ chỉ định thêm một vài xét nghiệm bổ sung, hoặc áp dụng những phương pháp kiểm tra khác. Dựa vào đó, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người.
4. Những điều cần làm sau khi xét nghiệm DEXA
Đối với những trường hợp xét nghiệm quét DEXA không phát hiện các dấu hiệu bất thường về mật độ xương, bác sĩ có thể khuyến khích duy trì thói quen kiểm tra định kỳ sau khoảng 2 đến 3 năm. Mục đích chủ yếu để theo dõi và phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường có thể xảy ra, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương như người lớn tuổi, phụ nữ mãn kinh hoặc người có tiền sử bệnh trong gia đình liên quan đến bệnh lý xương khớp.
Nếu nhận thấy có sự bất thường như mật độ xương giảm hoặc có dấu hiệu loãng xương, bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời như kê đơn thuốc làm chậm quá trình mất xương, giảm thiểu nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Các loại thuốc này nên kết hợp với một lối sống lành mạnh để đạt hiệu quả tối ưu như duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập giúp tăng cường sự dẻo dai và độ chắc khỏe cho xương khớp như đi bộ đường dài, yoga hoặc nâng tạ nhẹ.

Bên cạnh đó là bổ sung thêm Vitamin D, Canxi cho người loãng xương và các loại vitamin tổng hợp khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tái tạo xương, duy trì khung xương chắc khỏe. Áp dụng phương pháp DEXA đo mật độ xương là một biện pháp hữu ích để xác định được sức khỏe xương khớp của bản thân, cũng như giúp bác sĩ kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy cơ hoặc các vấn đề liên quan đến xương khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.