Sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi là bước thiết yếu để phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt thông qua các xét nghiệm ung thư phổi hiện đại. Việc thực hiện sàng lọc định kỳ không chỉ giúp phát hiện kịp thời mà còn tăng cơ hội điều trị thành công, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính, xảy ra khi các tế bào bất thường trong phổi tăng sinh không kiểm soát, dẫn đến sự hình thành một hoặc nhiều khối ung thư. Quá trình này bắt đầu tại phổi, nơi bao gồm các thành phần như khí quản, phế quản gốc, phế quản, tiểu phế quản và các cấu trúc nhỏ hơn trong nhu mô phổi, đến tận phế nang – nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide (CO2). Các tế bào ung thư có thể phát triển thành các khối u ác tính và di căn sang các cơ quan hoặc bộ phận khác trong cơ thể.
Có hai loại ung thư phổi chính, được phân loại dựa trên đặc điểm tế bào:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer - SCLC): Đây là loại ung thư ít gặp hơn nhưng có đặc điểm tiến triển nhanh và di căn rất sớm. SCLC thường xảy ra ở những người hút thuốc lá nhiều và kéo dài.
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer - NSCLC): Đây là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% trường hợp. NSCLC bao gồm: Ung thư biểu mô tế bào vảy, Ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào lớn (large cell carcinoma).
Ung thư phổi có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc và tử vong có sự khác biệt giữa các giới và các nhóm dân cư. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như phơi nhiễm với khí radon, amiăng, ô nhiễm không khí và các hóa chất độc hại khác.
2. Tầm quan trọng của sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi
Ung thư phổi, giống như nhiều loại ung thư khác, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Do đó, nhiều người bệnh có xu hướng chủ quan và chỉ đến bệnh viện khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng. Đáng tiếc, ở thời điểm này, bệnh thường đã tiến triển đến giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tăng nguy cơ đe dọa tính mạng.
Sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi bao gồm các xét nghiệm ung thư phổi chuyên sâu, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả điều trị mà còn cải thiện đáng kể cơ hội sống cho người bệnh. Việc phát hiện sớm giúp bệnh nhân có thể được chỉ định các phương pháp điều trị ít phức tạp hơn, đồng thời giảm thiểu các biến chứng liên quan.
Mỗi danh mục khám và xét nghiệm ung thư phổi trong quá trình tầm soát đều cung cấp những chỉ số và kết quả thiết yếu. Các kết quả này, khi được tổng hợp, sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào các xét nghiệm riêng lẻ thường không đủ cơ sở để khẳng định một người có mắc ung thư phổi hay không. Vì vậy, tầm soát đầy đủ, toàn diện là điều cần thiết để đảm bảo độ chính xác và tránh bỏ sót bệnh.
Nếu đang hút thuốc hoặc có các yếu tố nguy cơ đối với ung thư phổi, việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi là vô cùng quan trọng. Sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, trước khi các triệu chứng xuất hiện. Điều này mang lại cơ hội lớn hơn để điều trị hiệu quả và tăng khả năng khỏi bệnh.
Nếu kết quả sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm ung thư phổi để chẩn đoán. Những xét nghiệm này không chỉ giúp xác định chính xác loại ung thư phổi mà người bệnh mắc phải mà còn đánh giá mức độ lan rộng của bệnh đến các cơ quan khác trong cơ thể. Thông qua đó, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi như ho kéo dài, khó thở, đau ngực, bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để xác định nguyên nhân và phát hiện bệnh sớm (nếu có).

3. Xét nghiệm ung thư phổi: Sinh thiết
Trong xét nghiệm ung thư phổi này, bác sĩ sẽ lấy một số tế bào từ phổi để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm xác định xem có sự hiện diện của ung thư phổi hay không, cũng như phân loại loại ung thư. Có nhiều phương pháp thực hiện như sau:
- Sinh thiết kim hoặc hút kim: Bác sĩ sẽ gây tê da và sử dụng kim để lấy mẫu mô từ phổi. Nếu sử dụng kim mảnh, phương pháp này được gọi là hút kim mảnh. Nếu sử dụng kim rỗng hơi dày hơn để lấy mô và tế bào, phương pháp này được gọi là sinh thiết lõi. Bác sĩ có thể dùng chụp CT hoặc X-quang để hướng dẫn kim đến đúng vị trí cần sinh thiết.
- Nội soi phế quản: Trong xét nghiệm ung thư phổi này, mẫu mô được lấy thông qua một ống mỏng được đưa vào phổi.
- Chọc hút dịch màng phổi: Bác sĩ dùng kim chọc vào khoảng trống giữa phổi và thành ngực để hút dịch, sau đó kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào ung thư trong dịch hay không.
- Siêu âm nội soi: Một kim sẽ được đưa qua ống nội soi để lấy mẫu mô.
- Sinh thiết mở: Đây là phương pháp cần tiến hành trong phòng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô qua một vết mổ ở ngực và bệnh nhân sẽ được gây mê hoàn toàn trong quá trình này.
Dù thực hiện theo bất kỳ phương pháp sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi nào, các tế bào hoặc mô lấy được sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra dưới kính hiển vi, nhằm phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư.

Phòng thí nghiệm cũng có thể tiến hành các xét nghiệm sinh hóa trên mẫu mô này để cung cấp thông tin chi tiết hơn về đặc điểm của ung thư. Điều này giúp bác sĩ xác định được phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ sẽ trao đổi chi tiết về kế hoạch điều trị. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải chú trọng đến việc hỗ trợ tinh thần. Người bệnh cần tìm đến gia đình, bạn bè để nhận sự động viên và hỗ trợ về mặt tinh thần. Ngoài ra, các nhóm hỗ trợ cộng đồng cũng là nơi người bệnh có thể giao lưu, chia sẻ với những người đang trải qua hoàn cảnh tương tự, từ đó tăng thêm sức mạnh trong quá trình điều trị bệnh.
4. Các sàng lọc và kiểm tra ung thư phổi lan rộng trong ngực
Nếu phát hiện ung thư phổi, mọi người cần biết liệu ung thư đã lan rộng đến các bộ phận khác trong cơ thể hay chưa. Điều này rất quan trọng để xác định giai đoạn bệnh và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.
Dưới đây là một số xét nghiệm ung thư phổi thường được sử dụng để kiểm tra sự lan rộng của ung thư:
4.1 Xét nghiệm ung thư phổi: Siêu âm nội soi thực quản
Đây là một kỹ thuật giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng thực quản và thu được hình ảnh chi tiết của các hạch bạch huyết lân cận. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các hạch bạch huyết có thể chứa tế bào ung thư phổi. Trong trường hợp phát hiện hạch bạch huyết có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết ngay trong quá trình thực hiện siêu âm nội soi để xác định chẩn đoán chính xác hơn.
4.2 Nội soi trung thất
Nội soi trung thất là một quy trình y khoa cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp vùng trung thất - khu vực nằm giữa hai lá phổi. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch nhỏ ngay phía trên xương ức, sau đó đưa vào một ống có gắn camera và đèn chiếu sáng để kiểm tra. Thiết bị này giúp bác sĩ quan sát rõ các hạch bạch huyết nằm dọc theo khí quản và các khu vực gần ống phế quản chính. Quy trình được thực hiện khi gây mê toàn thân nhằm đảm bảo người bệnh không cảm thấy đau hay khó chịu.
4.3 Mở trung thất
Mở trung thất là một thủ thuật được thực hiện khi nội soi trung thất không thể tiếp cận một số hạch bạch huyết cần kiểm tra. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch lớn hơn, thường khoảng 5cm, nằm giữa xương sườn thứ hai và thứ ba, gần xương ức.
4.4 Xét nghiệm ung thư phổi: Nội soi lồng ngực
Nội soi lồng ngực là một thủ thuật giúp bác sĩ đánh giá xem ung thư phổi đã lan rộng đến các khu vực giữa phổi và thành ngực hoặc lớp niêm mạc của các khoang này hay chưa. Bằng cách sử dụng một ống nội soi có gắn camera và nguồn sáng, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp các cấu trúc trong lồng ngực. Quy trình này cũng cho phép lấy mẫu từ các khối u ở vùng ngoại vi của phổi, các hạch bạch huyết hoặc dịch gần đó. Các mẫu mô và dịch thu thập được sẽ hỗ trợ bác sĩ đánh giá liệu khối u có lan đến các cơ quan hoặc mô lân cận hay không, từ đó cung cấp thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán và điều trị.
Nội soi lồng ngực có thể được thực hiện với thuốc gây mê nhẹ, trong một số trường hợp người bệnh không cần phải gây mê sâu. Điều này giúp giảm thiểu tác dụng phụ và rút ngắn thời gian phục hồi.
Ngoài áp dụng xét nghiệm ung thư phổi, nội soi lồng ngực còn được sử dụng như một phương pháp điều trị trong trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu. Cụ thể, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực hỗ trợ bằng video (VATS) để cắt bỏ một phần phổi bị ảnh hưởng.
Tóm lại, ung thư phổi là một căn bệnh nghiêm trọng, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đây là một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao, nhưng việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời có thể giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện đáng kể chất lượng sống cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd