Cắt polyp đại tràng bao lâu nên nội soi tầm soát là câu hỏi nhiều người quan tâm sau khi thực hiện thủ thuật này. Polyp đại tràng, dù lành tính hay ác tính, đều tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành ung thư nếu không được theo dõi kỹ. Việc nội soi định kỳ giúp phát hiện sớm các polyp mới hoặc dấu hiệu bất thường, đảm bảo sức khỏe đường ruột.
Chào bác sĩ,
Tôi bị bệnh trĩ và polyp đại tràng. Trước đây, tôi đã thực hiện cắt trĩ và polyp vào các năm: 2010 (lần đầu), 2015 (lần thứ hai - chỉ cắt trĩ) và 2018 (lần thứ ba - cắt cả trĩ và polyp). Từ năm 2018 đến nay, tôi chưa thực hiện nội soi đại tràng lần nào.
Các polyp sau khi cắt trước đây đều được mang đi xét nghiệm, kết quả đều lành tính và có bề mặt trơn láng. Xin hỏi bác sĩ, cắt polyp đại tràng bao lâu nên nội soi tầm soát với tần suất như thế nào để tầm soát polyp hiệu quả? Rất mong được bác sĩ tư vấn.
Xin cảm ơn!
Le Ngoc Tan (1972)
Chào Le Ngoc Tan! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến tới Hệ thống Y tế Vinmec.
Sau khi cắt polyp đại tràng, bệnh nhân nên theo dõi sức khỏe thường xuyên và tiến hành nội soi đại tràng mỗi năm một lần để phát hiện kịp thời polyp mới hoặc các bất thường ở đường tiêu hóa nếu có. Việc tầm soát định kỳ hàng năm là khuyến nghị quan trọng từ các bác sĩ nhằm đảm bảo phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Ngoài ra, để giúp người bệnh có thêm thông tin tham khảo, dưới đây là thông tin chi tiết về sau cắt polyp đại tràng bao lâu nên nội soi tầm soát.
1. Triệu chứng sau khi cắt polyp đại tràng
1.1 Đau bụng và cảm giác khó chịu ở vùng bụng
Đau và cảm giác khó chịu vùng bụng là một trong những triệu chứng sau khi cắt polyp đại tràng thường gặp. Tình trạng này xảy ra do niêm mạc đại tràng bị tổn thương trong quá trình thực hiện thủ thuật, dẫn đến phản ứng viêm tại chỗ. Cơn đau bụng có thể xuất hiện ngay sau thủ thuật và kéo dài từ vài ngày đến khoảng một tuần. Người bệnh thường mô tả cảm giác này như chướng bụng, căng tức hoặc đau âm ỉ.
Để giảm bớt sự khó chịu, bệnh nhân nên dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời tránh ăn thực phẩm khó tiêu và hạn chế vận động mạnh trong những ngày đầu sau phẫu thuật.
1.2 Chảy máu nhẹ
Sau khi cắt polyp đại tràng, một triệu chứng khác mà bệnh nhân cần lưu ý là tình trạng chảy máu nhẹ. Tình trạng này thường không đáng lo ngại và có thể xảy ra trong vài ngày đầu sau thủ thuật, thường xuất hiện dưới dạng vệt đỏ tươi trong phân hoặc trên giấy vệ sinh. Đây là phản ứng bình thường khi niêm mạc đại tràng bị tổn thương và đang trong quá trình hồi phục.
Tuy nhiên, nếu máu chảy nhiều hoặc kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và xử lý kịp thời. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng hoặc áp lực lên vùng bụng, uống nhiều nước và thực hiện chế độ ăn nhẹ, dễ tiêu.
1.3 Khó tiêu và thay đổi thói quen đi tiêu
Sau khi cắt polyp đại tràng, một số người có thể gặp thay đổi trong thói quen đại tiện. Những thay đổi này bao gồm đi tiêu nhiều lần hoặc ít hơn so với bình thường, cảm giác mót rặn nhưng không đi được hoặc khó khăn khi đại tiện.
Ngoài ra, các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn sẽ xuất hiện. Những biểu hiện này thường là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi niêm mạc đại tràng đang trong quá trình hồi phục. Để hỗ trợ hệ tiêu hóa, người bệnh nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều chất xơ, uống đủ nước và hạn chế các thực phẩm có thể gây kích thích.
1.4 Mệt mỏi và giảm đề kháng
Sau khi cắt polyp đại tràng, một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi và sức đề kháng giảm sút. Quá trình phẫu thuật và hồi phục có thể tiêu tốn nhiều năng lượng, khiến cơ thể trở nên yếu hơn. Đồng thời, hệ miễn dịch cũng có thể bị suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc cảm cúm.
Để phục hồi năng lượng và tăng cường sức đề kháng, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ dưỡng chất. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ cũng giúp hỗ trợ quá trình hồi phục hiệu quả hơn.
2. Cắt polyp đại tràng có mọc lại không?
Polyp đại tràng sau khi cắt thường ít có khả năng tái phát tại vị trí đã cắt nhưng vẫn có khoảng 30% trường hợp polyp mọc lại. Vì vậy, việc tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng. Tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn phù hợp.
Những người trên 50 tuổi, người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh hoặc có tiền sử gia đình từng mắc polyp nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Ngoài ra, một số người có cơ địa dễ phát sinh polyp cũng có khả năng tái phát cao hơn bình thường. Do đó, người bệnh cần đặc biệt chú ý tuân thủ lịch tái khám và theo dõi sát sao sau khi cắt polyp đại tràng.

3. Cắt polyp đại tràng bao lâu nên nội soi tầm soát?
Polyp là sự tăng sinh bất thường ở niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc của đại tràng. Phần lớn các polyp đều là lành tính và có thể dễ dàng loại bỏ bằng phương pháp nội soi. Tuy nhiên một số loại polyp, đặc biệt là polyp tuyến, có nguy cơ cao phát triển thành ung thư, vì vậy cần được phát hiện và cắt bỏ sớm. Vậy, cắt polyp đại tràng bao lâu nên nội soi tầm soát?
Sau khi cắt polyp, người bệnh nên thực hiện nội soi định kỳ ít nhất mỗi 5 năm để theo dõi. Đối với trường hợp cắt polyp tuyến, người bệnh nên tái khám và nội soi sớm hơn, thường từ 1–2 năm hoặc theo hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ để phát hiện sớm các bất thường nếu có.
4. Sau cắt polyp đại tràng nên ăn gì?
Sau khi cắt polyp đại tràng, người bệnh cần lựa chọn thực phẩm phù hợp để vết thương mau lành, hỗ trợ phục hồi sức khỏe. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung:
- Trái cây tươi: Loại thực phẩm này cung cấp vitamin và khoáng chất. Người bệnh có thể chọn nho, xoài, dưa hấu; có thể làm nước ép hoặc sinh tố để dễ hấp thụ.
- Rau xanh: Giàu chất xơ, cải thiện tiêu hóa, ngừa táo bón. Nên dùng rau mềm, nấu chín như cà rốt, bí xanh, cà chua, rau diếp.
- Hạt tinh chế: Bổ sung năng lượng từ ngũ cốc, bánh mì trắng, bánh ngô.
- Thực phẩm giàu protein: Thịt nạc, trứng, đậu phụ sẽ hỗ trợ phục hồi tế bào. Thực phẩm này nên được chế biến mềm, ít dầu mỡ.
- Chất béo lành mạnh: Dầu đậu nành, dầu mè, dầu dừa giúp hấp thụ vitamin và tăng cường miễn dịch.
- Nước: Uống 2-2,5 lít/ngày gồm nước lọc và nước trái cây, để hỗ trợ tiêu hóa, loại bỏ độc tố.
Bạn có thể đến khám tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, nơi có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao, để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.