Tắc tia sữa có mủ: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa

Mục lục

Tắc tia sữa có mủ là một tình trạng gặp phải ở những người phụ nữ sau sinh, bắt nguồn từ việc ống dẫn sữa bị tắc mà chưa có kế hoạch điều trị kịp thời. Tình trạng này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu và đau nhức cho mẹ, mà còn ảnh hưởng đến quá trình bú sữa của em bé, đồng thời tăng nguy cơ viêm vú hoặc ung thư vú.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tình trạng tắc tia sữa có mủ

Thông thường, sữa mẹ được sản xuất trong các nang sữa, sau đó chảy qua ống dẫn sữa để đổ vào khoang chứa sữa nằm phía sau vùng vú. Khi trẻ bú mút, sữa sẽ được đẩy ra bên ngoài. Tuy vậy, có nhiều trường hợp ống dẫn sữa bị hẹp hoặc tắc khiến cho sữa không thể chảy ra bên ngoài, dần dần bị vón cục, kết hợp với tình trạng sữa mới vẫn tiếp tục sản xuất khiến cho các ống dẫn sữa bị căng giãn. Tình trạng này được gọi là tắc tia sữa

Tắc tia sữa lâu ngày có thể xuất hiện mủ và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Tắc tia sữa lâu ngày có thể xuất hiện mủ và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Tắc tia sữa ảnh hưởng đến khoảng 20% phụ nữ sau sinh, gây ra đau nhức và mệt mỏi. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng quá trình bú sữa của bé. Nếu tắc ống dẫn sữa kéo dài và không điều trị, sau khoảng một tuần sẽ dẫn đến tắc tia sữa có mủ, trong đó mủ có màu đục. Tắc tia sữa cũng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm vú hoặc ung thư vú.

2. Những nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho thai phụ bị tắc tia sữa trong lúc cho con bú, điển hình như:

  • Trẻ chưa ngậm đúng khớp ngậm sữa, trẻ ngậm vú sai cách dẫn đến không hút đủ lượng sữa cần thiết, từ đó gây ứ đọng sữa trong ngực.
  • Mặc áo ngực chật, áo bó sát hoặc nằm ngủ sai tư thế dẫn đến tăng áp lực lên bầu ngực.  
  • Ngoài ra, trẻ không bú hết sữa mẹ hoặc mẹ không hút hết sữa còn lại sau khi cho con bú cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tắc tia sữa có mủ.
  • Mẹ gặp phải vấn đề gây căng thẳng, lo lắng khiến cho quá trình sản sinh hormone oxytocin (1 loại hormone kích thích vú tiết ra sữa) bị chậm.  

Trường hợp tắc tia sữa kéo dài hơn một tuần mà không tìm được cách điều trị có khả năng dẫn đến hiện tượng áp xe vú, gây ra cảm giác đau và sưng hạch, khiến cho mẹ sau sinh bị sốt.

3. Các biểu hiện cho thấy đang bị tắc tia sữa

Thông thường, để nhận biết khi nào bị tắc tia sữa không quá khó, người mẹ có thể nhìn thấy mủ trắng hoặc vàng chảy ra từ đầu vú, ngực có cảm giác căng tức, khó chịu hoặc bị bầm tím.  

Khi bị tắc sữa, mẹ có khả năng bị sốt và nổi các hạch nhỏ ở vú, khi cố gắng nặn hoặc hút sữa vẫn không thể ra sữa hoặc ra ít.  

Tắc tia sữa thường gặp với những trường hợp sinh con đầu lòng.
Tắc tia sữa thường gặp với những trường hợp sinh con đầu lòng.

Tình trạng tắc tia sữa có mủ khá phổ biến với những trường hợp phụ nữ sinh con đầu lòng, xảy ra sau khoảng 1 tuần kể từ khi phát hiện bị tắc tia sữa mà không có biện pháp điều trị, khắc phục.  

Tắc tia sữa có mủ sẽ có cảm giác đau nặng hơn so với tắc tia sữa bình thường. Đó là dấu hiệu cho thấy mẹ cần phải tìm cách điều trị ngay để tránh dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

4. Những biện pháp xử lý và điều trị tình trạng tắc tia sữa

Khi phát hiện ra bản thân bị tắc tia sữa, một trong những việc đầu tiên cần làm là đến bệnh viện gặp bác sĩ để được chẩn đoán, đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp để tình trạng không kéo dài và dẫn đến tắc tia sữa có mủ.  

Thông thường các bác sĩ có thể đề xuất dùng thuốc, thực hiện mát-xa bầu vú hoặc chiếu tia hồng ngoại giúp kích thích thông tia sữa. Biện pháp chiếu tia hồng ngoại đã được đánh giá là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như chất lượng sữa.  

Ngoài ra, bản thân người mẹ cũng nên vệ sinh đầu ti và bầu vú thật sạch, sau đó dùng máy hút sữa hỗ trợ cho việc đẩy hết sữa có mủ ra ngoài. Để giảm bớt sự căng cứng và khó chịu, người mẹ có thể lấy khăn quấn đá lạnh rồi chườm lên hai bầu ngực. Khi tắm, phụ nữ sau sinh cần tắm nước ấm để ống dẫn sữa không bị co lại nhiều hơn, đồng thời uống nhiều nước và không cố gắng nặn vú để ép sữa ra ngoài.

5. Cách phòng ngừa tắc tia sữa có mủ

Tắc tia sữa có thể gây ra cảm giác đau đớn và mệt mỏi cho người mẹ, đặc biệt làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Chính vì thế, việc nắm bắt thông tin về những biện pháp phòng ngừa là một điều rất quan trọng.  

Đầu tiên, mẹ cần duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, nghỉ ngơi đầy đủ để hạn chế cảm giác căng thẳng, mệt mỏi. Bên cạnh đó uống đủ nước cũng rất quan trọng, điều này có thể giữ được sự thông thoáng của tuyến sữa, đồng thời tăng cường sản xuất sữa cho bé. 

Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng để hạn chế tình trạng tắc tia sữa có mủ.
Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng để hạn chế tình trạng tắc tia sữa có mủ.

Sau mỗi lần trẻ bú xong, mẹ cần thực hiện hút sữa để không sót lại sữa trong bầu vú, có thể dẫn đến tắc tia sữa có mủ. Việc hút sữa cũng sẽ góp phần kích thích việc sản xuất thêm sữa mới. Cuối cùng là vấn đề trang phục, phụ nữ sau sinh cần đảm bảo lựa chọn áo ngực vừa vặn với khuôn ngực, đồng thời tránh nằm sấp khi ngủ và tránh những tác động mạnh lên vùng ngực.

Hy vọng mẹ đã có những thông tin cần thiết về tình trạng tắc tia sữa có mủ. Để có một giai đoạn sau sinh khoẻ mạnh, hạnh phúc, mẹ và gia đình hãy chăm sóc bản thân thật tốt, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cần thiết để có thể xử lý mọi vấn đề đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ