Thoái hóa khớp cột sống

Mục lục

Thoái hóa khớp cột sống gây ảnh hưởng đến các khớp mặt ở vùng lưng dưới và mông. Quá trình tiến triển của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ chấn thương cột sống và đặc biệt là phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Đặc biệt, những người thừa cân hoặc có công việc yêu cầu phải ngồi lâu và ngồi xổm cũng có nguy cơ cao bị bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Thoái hóa khớp là gì?  

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn khớp bị bào mòn, làm phá vỡ cấu trúc. Bên cạnh đó, các mô xung quanh cũng bị ảnh hưởng và lượng dịch nhầy bôi trơn tại khớp giảm đi, khiến việc di chuyển tại khu vực này trở nên khó khăn. Thoái hoá khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể bao gồm: thoái hoá khớp gối, khớp cột sống, khớp háng, ngón tay, cổ chân,...

Khớp bị thoái hoá được xem là một dạng tổn thương thường gặp, có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, với các nguyên nhân thoái hóa khớp khác nhau như tuổi tác, chấn thương, béo phì, di truyền… Các số liệu ở Việt Nam cho thấy khoảng 30% người trên 35 tuổi mắc thoái hóa khớp, tỷ lệ này tăng lên 60% ở người trên 65 tuổi và lên tới 85% ở những người trên 85 tuổi.

2. Thoái hóa khớp cột sống

Thoái hóa khớp và cột sống xảy ra khi sụn bảo vệ ở đầu xương bị mòn hoặc thoái hóa dẫn đến sưng và đau tại khớp. Thoái hóa khớp cột sống góp phần dẫn đến sự phát triển của các tế bào tạo xương hoặc hình thành các gai xương.

Đôi khi, viêm xương khớp hình thành các gai, gây sức ép lên các dây thần kinh rời khỏi cột sống, dẫn đến tình trạng yếu và đau ở chân hoặc cánh tay.

Khi tuổi cao dần, viêm xương khớp bao gồm cả viêm khớp cột sống dễ xảy ra hơn. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi vẫn có thể bị bệnh do chấn thương khớp hoặc do di truyền khiếm khuyết liên quan đến sụn…

Ở những người dưới 45 tuổi, bệnh thường gặp hơn ở nam giới. Tuy nhiên, sau độ tuổi này, phụ nữ lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, bệnh cũng dễ xảy ra ở những người thừa cân, béo phì hoặc những ai có công việc, chơi thể thao thường xuyên gây áp lực hoặc căng thẳng lặp đi lặp lại lên một số khớp nhất định. 

Những người béo phì có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp cột sống.
Những người béo phì có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp cột sống.

3. Các triệu chứng thoái hóa khớp cột sống

Các triệu chứng như cứng, đau ở cổ hoặc lưng có thể là hậu quả của thoái hóa khớp cột sống. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các dây thần kinh hay tủy sống sẽ gây yếu hoặc tê ở chân và tay.  

Thông thường, cảm giác khó chịu ở lưng sẽ thuyên giảm khi bệnh nhân chuyển sang tư thế nằm. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất, người bị thoái hóa khớp cũng có khả năng đối mặt với các vấn đề cảm xúc và xã hội. Những bệnh nhân viêm xương khớp thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và dẫn đến cảm giác bất lực hoặc chán nản.

4. Chẩn đoán bệnh

Chụp X-quang là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán viêm xương khớp hoặc thoái hóa khớp ở cột sống thắt lưng. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, hỏi về tiền sử bệnh và kiểm tra xem có triệu chứng như đau, căng cứng hoặc giảm khả năng cử động ở cổ hay lưng dưới không.  

Nếu cần thiết, bác sĩ cũng sẽ đánh giá các dấu hiệu thần kinh như suy nhược, thay đổi phản xạ hoặc mất cảm giác. Để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

  • Chụp X-quang để phát hiện các tổn thương tại các vị trí xương, gai xương và mất sụn hoặc đĩa đệm. Tuy nhiên, phương pháp này lại không thể phát hiện tổn thương sụn ngay từ giai đoạn sớm.
  • Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh khác
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho phép nhìn thấy rõ hơn những tổn thương có thể xảy ra với đĩa đệm hoặc thu hẹp các khu vực nơi các dây thần kinh cột sống thoát ra. 
Bệnh gây cứng hoặc đau ở cổ hoặc lưng của người bệnh.
Bệnh gây cứng hoặc đau ở cổ hoặc lưng của người bệnh.

3. Chẩn đoán thoái hóa khớp cột sống

5. Điều trị thoái hóa khớp cột sống

Mục tiêu của quá trình điều trị trong phần lớn các trường hợp là giảm bớt cơn đau và cải thiện khả năng vận động, từ đó giúp người bệnh sống khỏe mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong giai đoạn đầu điều trị thoái hóa khớp cột sống, việc giảm cân (nếu cần thiết) có thể là một phần trong kế hoạch điều trị. Sau đó, duy trì cân nặng hợp lý là cần thiết cho tất cả mọi người. Một yếu tố khác trong quá trình điều trị là tập thể dục, phương pháp này không chỉ hỗ trợ trong việc kiểm soát cân nặng mà còn mang lại những lợi ích sau:

  • Tăng tính linh hoạt của khớp.
  • Cải thiện thái độ và tâm trạng của người bệnh.
  • Củng cố các vấn đề liên quan đến tim mạch.
  • Cải thiện lưu lượng máu.
  • Giúp người bệnh thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng và thuận lợi hơn.

Các môn thể thao như bơi lội, đi bộ và thể dục nhịp điệu dưới nước là một phần trong các bài tập điều trị viêm xương khớp. Trong đó, bài tập cho người bị thoái hóa khớp cột sống được chia thành những loại sau:

  • Bài tập củng cố: Nhờ bài tập này, các cơ hỗ trợ khớp sẽ trở nên khỏe mạnh hơn. Bài tập thực hiện qua việc sử dụng sức đề kháng từ trọng lượng hoặc dây cao su.
  • Bài tập aerobic: Những bài tập này sẽ giúp tim và hệ tuần hoàn khỏe mạnh hơn.
  • Bài tập phạm vi chuyển động: Các bài tập này giúp tăng độ dẻo dai của cơ thể.

Thời gian nghỉ ngơi là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị tổng thể nhưng không nên kéo dài thời gian nằm trên giường, sử dụng nẹp hay thiết bị kéo. 

Người bệnh nên tập Erobic giúp tăng độ dẻo dai của cơ thể.
Người bệnh nên tập Erobic giúp tăng độ dẻo dai của cơ thể.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh viêm xương khớp có thể được áp dụng để điều trị thoái hóa khớp cột sống bao gồm:  

Mát xa, châm cứu.

Chườm nóng hoặc lạnh (đặt đá hoặc chườm nhiệt lên khớp bị ảnh hưởng)  

Sử dụng thiết bị phát xung điện lên vùng bị tổn thương để kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS).  

Bên cạnh đó, bổ sung dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị.

Trong điều trị thoái hóa khớp cột sống, việc sử dụng thuốc giảm đau có thể được áp dụng. Các loại thuốc không cần kê đơn bao gồm acetaminophen (Tylenol) hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, naproxen natri (Aleve) và ibuprofen (Motrin hoặc Advil). Tuy nhiên, NSAID lại có khả năng gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, kích ứng dạ dày, chảy máu, thậm chí là tổn thương thận (nhưng tác dụng phụ này ít gặp hơn).  

Để điều trị cơn đau do thoái hóa khớp cột sống, thuốc mỡ và kem bôi ngoài da cũng được sử dụng. Các loại thuốc này được áp dụng lên các vùng da bị đau. Dù vậy, các loại thuốc này thường không mang lại hiệu quả điều trị cao.

Các loại thuốc theo toa được bác sĩ đề xuất để điều trị triệu chứng vì không có loại thuốc nào có thể đảo ngược quá trình thoái hoá. Các loại thuốc này bao gồm thuốc giảm đau theo toa, chất gây nghiện nhẹ hoặc tiêm corticosteroid quanh cột sống (tiêm steroid ngoài màng cứng). Tuy nhiên, steroid không thể khắc phục vấn đề cơ bản của thoái hoá mà còn không mang lại hiệu quả khi sử dụng lâu dài. Ngoài ra, steroid đường uống không được sử dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa khớp cột sống.

Việc điều trị thoái hóa khớp cột sống trong đa số trường hợp không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt, phẫu thuật vẫn là phương án cần thiết. Thoái hóa cột sống là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến hẹp ống sống hay ống sống bị chít hẹp. Trong trường hợp chức năng của bàng quang và ruột trong cơ thể bị giảm sút, vị trí hệ thần kinh bị tổn thương hoặc đi lại trở nên rất khó khăn, bác sĩ sẽ khuyến nghị phẫu thuật cho bệnh nhân.

Các biến chứng của viêm khớp cột sống có thể xảy ra. Thoái hóa khớp cột sống có xu hướng tiến triển và nghiêm trọng theo thời gian. Dù một số người chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc đơn giản là cảm giác khó chịu nhưng nếu không điều trị kịp thời, tình trạng viêm khớp sẽ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và dẫn đến tàn tật lâu dài.

Để sống dễ dàng hơn với tình trạng thoái hóa khớp cột sống, việc thay đổi thói quen sống lành mạnh sẽ rất hữu ích. Chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với duy trì cân nặng hợp lý sẽ làm giảm các triệu chứng và giảm áp lực lên cột sống.

Hơn nữa, một chế độ tập thể dục vừa phải (ít nhất mỗi tuần phải thực hiện 3 lần tập luyện, mỗi lần 30 phút) cũng có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng này. Thể dục giúp tăng cường chuyển động của các khớp và mở rộng phạm vi vận động. Bên cạnh đó, tập thể dục đều đặn còn giúp người bệnh có tâm trạng tốt hơn, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện lưu lượng máu.

Nhìn chung, viêm khớp cột sống là một bệnh lý thoái hóa nhưng nếu được điều trị kịp thời và thay đổi lối sống phù hợp, người bệnh sẽ làm chậm tiến trình bệnh và duy trì một cuộc sống năng động, không đau đớn.  

Căn bệnh thoái hóa khớp cột sống không thể dự đoán trước. Một số người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn tật một phần hoặc nghiêm trọng do xương sống bị thoái hóa khớp. Trong khi đó, những người khác chỉ gặp phải triệu chứng nhẹ và bệnh không làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Để đạt được tiên lượng tích cực, người bệnh đừng bỏ qua các triệu chứng và trao đổi với bác sĩ nếu bị đau, tê, yếu hoặc bị sưng ở vùng lưng hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ