Tìm hiểu 5 loại bệnh viêm khớp thường gặp nhất

Mục lục

Các bệnh viêm khớp thường gặp đa phần biểu hiện qua những triệu chứng đặc trưng như đau khớp, sưng khớp, cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng. Những triệu chứng này không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết này sẽ liệt kê 5 bệnh viêm khớp thường gặp và tìm hiểu về những tác động của bệnh lên sức khỏe.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.  

1. Nguyên nhân bệnh viêm khớp

Trước khi tìm hiểu về các bệnh viêm khớp thường gặp, hãy cùng xem qua những yếu tố có thể làm viêm các khớp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp, được chia thành hai nhóm chính:

  • Nguyên nhân từ khớp:
  • Tình trạng viêm sụn khớp.
  • Thoái hóa khớp do lão hóa hoặc tổn thương.
  • Sụn khớp bị bào mòn dần theo thời gian.
  • Nhiễm trùng tại khớp gây ra viêm nhiễm.

Nguyên nhân bên ngoài:

  • Chấn thương khớp do tai nạn hoặc hoạt động thể thao.
  • Các vấn đề rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
  • Rối loạn hệ miễn dịch, dẫn đến tổn thương các khớp.
  • Yếu tố di truyền, như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống dính khớp.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Giới tính: Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới, tuy nhiên, bệnh gout (một loại bệnh viêm khớp thường gặp) lại phổ biến hơn ở nam giới.
  • Béo phì: Cân nặng cao gây áp lực cho các khớp, đặc biệt là khớp gối, khớp hông, cột sống.
  • Chế độ dinh dưỡng: Bệnh gout dễ xảy ra do chế độ ăn giàu purine và uống nhiều rượu bia.
  • Thuốc lá: Hút thuốc thường xuyên dễ khiến bệnh viêm khớp dạng thấp khởi phát và là tác nhân khiến bệnh thêm trầm trọng. 
Khi cân nặng tăng lên, các khớp phải chịu một lực tác động lớn hơn, gây mòn sụn khớp dẫn đến các bệnh xương khớp thường gặp.
Khi cân nặng tăng lên, các khớp phải chịu một lực tác động lớn hơn, gây mòn sụn khớp dẫn đến các bệnh xương khớp thường gặp.

2. Các loại bệnh viêm khớp thường gặp nhất

2.1 Thoái hoá khớp

2.1.1 Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là một dạng bệnh viêm khớp thường gặp, xảy ra khi lớp sụn bảo vệ tại các khớp dần bị hao mòn theo thời gian. Tình trạng này thường xuất hiện ở các khớp chịu áp lực lớn như khớp gối, khớp háng và cột sống.

2.1.2 Yếu tố gây thoái hoá khớp

Nguyên nhân thoái hóa khớp rất đa dạng, bao gồm:  

  • Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, sụn khớp dần bị hao mòn.
  • Béo phì: Trọng lượng dư thừa gây áp lực lớn hơn lên các khớp.
  • Chấn thương: Các tổn thương ở khớp có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa.
  • Các yếu tố khác: Nghề nghiệp và mức độ hoạt động thể chất cũng góp phần làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

2.1.3 Triệu chứng thoái hoá khớp

Triệu chứng thoái hóa khớp thay đổi tùy thuộc vào khớp bị ảnh hưởng, nhưng thường bao gồm:

  • Hạn chế vận động: Khó thực hiện các hoạt động thường ngày như mặc quần áo, chải tóc, cầm nắm đồ vật, cúi xuống, ngồi xổm, hoặc leo cầu thang.
  • Đau khớp: Cảm giác đau nhức kèm theo tiếng lục cục khi di chuyển khớp.
  • Cứng khớp: Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng kéo dài dưới 30 phút hoặc xảy ra sau khi nghỉ ngơi.
  • Sưng và nóng khớp: Đôi khi có hiện tượng sưng tấy, nóng đỏ khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn. Việc không vận động trong thời gian dài có thể khiến cơ bị teo, làm lệch trục đầu gối và gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn. 
Thoái hóa khớp là một trong những loại bệnh viêm khớp thường gặp nhất ở người lớn tuổi.
Thoái hóa khớp là một trong những loại bệnh viêm khớp thường gặp nhất ở người lớn tuổi.

2.2 Bệnh viêm khớp dạng thấp

2.2.1 Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?  

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp trên cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây viêm và làm tổn thương nghiêm trọng đến các khớp.

Bệnh viêm khớp thường gặp này sẽ ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trên cơ thể, như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối, điều này giúp phân biệt viêm khớp dạng thấp (RA) với các loại bệnh viêm khớp khác. Khi tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp cùng lúc (thường từ 4–5 vị trí trở lên), bệnh được gọi là viêm đa khớp dạng thấp.

2.2.2 Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp

Dù viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh viêm khớp phổ biến, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng hệ miễn dịch có thể hoạt động bất thường sau khi bị nhiễm một số loại vi khuẩn hoặc virus, tấn công nhầm vào các khớp và dẫn đến sự phát triển của bệnh RA.

2.2.3 Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp (RA) có thể phát triển từ từ hoặc xuất hiện đột ngột và thường nghiêm trọng hơn so với thoái hóa khớp. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau, cứng và sưng tại các khớp nhỏ và vừa: Các khớp như bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, vai, đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, hàm và cổ thường bị ảnh hưởng. RA thường tác động đến nhiều khớp cùng lúc.
  • Tính chất đối xứng: Sưng và đau xảy ra ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như cả hai cổ tay hoặc đầu gối.
  • Cứng khớp buổi sáng: Cảm giác cứng khớp kéo dài hàng giờ hoặc hơn, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động.
  • Triệu chứng toàn thân: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn và giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Biến chứng ngoài khớp: Khoảng 40% người mắc bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp không chỉ bị ảnh hưởng ở khớp mà còn gặp các dấu hiệu, biến dạng và triệu chứng tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi (tổn thương phổi kẽ), tim (viêm màng ngoài tim), mắt và các cơ quan khác. 
Viêm khớp dạng thấp tấn công các khớp, gây biến dạng và ảnh hưởng chức năng vận động.
Viêm khớp dạng thấp tấn công các khớp, gây biến dạng và ảnh hưởng chức năng vận động.

2.3 Gout

2.3.1 Bệnh Gout là gì?  

Bệnh Gout là một bệnh viêm khớp thường gặp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh xảy ra do sự tích tụ các tinh thể urat trong khớp, thường gặp nhất ở khớp ngón chân cái hoặc các khớp khác ở bàn chân.

Cơn đau do Gout thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày và có thể tự giảm ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, các cơn đau này có thể tái phát sau vài tháng hoặc vài năm. Theo thời gian, khoảng cách giữa các đợt đau thường rút ngắn lại và cơn đau có xu hướng kéo dài hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Gout có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp và thận.

2.3.2 Nguyên nhân bệnh Gout

Bệnh Gout là một trong những bệnh viêm khớp thường gặp, do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ bia rượu quá mức và chế độ ăn uống giàu đạm, dẫn đến tích tụ acid uric, gây ra bệnh.

Acid uric là sản phẩm phân hủy tự nhiên của nhân purin, một thành phần trong DNA và RNA. Sau khi được hình thành, acid uric đi vào máu, được thận lọc và đào thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, thận không kịp loại bỏ, dẫn đến acid uric tích tụ trong các mô, đặc biệt là tại các khớp xương, dưới dạng tinh thể urat. Sự tích tụ này gây viêm, đau nhức tại khớp và dần dẫn đến bệnh Gout.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, nguyên nhân gây bệnh Gout còn bao gồm:  

  • Cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric.
  • Chức năng thận suy giảm, khiến việc đào thải axit uric ra ngoài bị hạn chế.
  • Việc sử dụng một số loại thuốc như aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế tế bào (thường dùng trong điều trị ung thư) và thuốc điều trị cao huyết áp có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu, góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh Gout.
  • Nếu trong gia đình có người thân có tiền sử bệnh Gout, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Ngoài ra, tuổi tác và giới tính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh Gout thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt trong độ tuổi từ 30 đến 60.

2.3.3 Triệu chứng Gout  

Dấu hiệu bị Gout thường xuất hiện vào ban đêm, bao gồm:  

  • Đau khớp dữ dội và đột ngột: Thường xuất hiện ở ngón chân cái, mắt cá chân, mu bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay hoặc ngón tay.
  • Viêm khớp: Khớp bị sưng, nóng, đỏ và nhạy cảm khi chạm vào.
  • Cứng khớp: Gây khó khăn trong việc cử động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Các cơn đau do Gout thường kéo dài vài ngày rồi dần giảm bớt, sau đó khớp hoạt động bình thường.
  • Sốt và chán ăn: Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, ớn lạnh, chán ăn và suy giảm sức khỏe.

2.4 Lupus ban đỏ

2.4.1 Tìm hiểu về Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn có thể tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả khớp và là một trong những loại bệnh viêm khớp thường gặp. Bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản so với nam giới, thường khởi phát ở độ tuổi từ 15 đến 44.

Bệnh lupus ban đỏ có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột, với mức độ biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Không nghiêm trọng như một số bệnh viêm khớp thường gặp khác, lupus ban đỏ thường trải qua các giai đoạn bùng phát triệu chứng và sau đó thuyên giảm. Tuy nhiên, hiện nay bệnh vẫn chưa thể được chữa trị hoàn toàn.

2.4.2 Nguyên nhân bị lupus ban đỏ là gì?

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Lupus vẫn chưa được xác định, nhưng bệnh có liên quan đến các yếu tố làm rối loạn chức năng của hệ miễn dịch. Thay vì bảo vệ cơ thể khỏi virus và các tác nhân gây hại, hệ miễn dịch lại tấn công nhầm vào các mô và cơ quan của chính cơ thể, gây ra tình trạng viêm và đau ở nhiều nơi, từ khớp đến các cơ quan nội tạng và thậm chí cả não.

Một số triệu chứng lupus ban đỏ phổ biến, bao gồm:

  • Đau và sưng khớp.
  • Mệt mỏi và đau đầu: Cảm giác kiệt sức kéo dài, kèm theo đau đầu dai dẳng.
  • Sưng tấy: Thường gặp ở bàn chân, chân, tay hoặc vùng quanh mắt.
  • Phát ban: Đặc biệt là phát ban hình cánh bướm trên mặt.
  • Loét miệng: Xuất hiện các vết loét không đau trong miệng.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Da dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Rối loạn máu: Gây thiếu máu, giảm số lượng bạch cầu hoặc tiểu cầu. 
Nếu đang gặp các bệnh viêm khớp thường gặp, người bệnh nên thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình phù hợp hơn
Nếu đang gặp các bệnh viêm khớp thường gặp, người bệnh nên thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình phù hợp hơn

2.5 Viêm khớp vảy nến

2.5.1 Viêm khớp vảy nến là gì?  

Viêm khớp vảy nến, một trong những bệnh viêm khớp thường gặp, là một dạng viêm khớp tự miễn thường đi kèm với bệnh vẩy nến. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi từ 30 đến 50, nhưng trong một số trường hợp, có thể xuất hiện từ khi còn nhỏ. Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh tương đương nhau. Chỉ khoảng 10% đến 30% người mắc bệnh vẩy nến phát triển thành viêm khớp vẩy nến.

2.5.2 Triệu chứng

Khi mắc viêm khớp vẩy nến, các khớp ngón tay và ngón chân có thể bị viêm, dẫn đến tình trạng sưng tấy, căng phồng và đau đớn. Ngoài ra, móng tay của người bệnh thường xuất hiện các vết rỗ nhỏ hoặc có sự thay đổi màu sắc bất thường.

Ở một số trường hợp, viêm khớp vẩy nến chỉ tác động đến một hoặc vài khớp nhất định. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều khớp trên cơ thể hoặc thậm chí đến cột sống, gây đau và hạn chế vận động.

Viêm khớp là một bệnh lý phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Như vậy, bài viết trên cũng đã liệt kê một số bệnh viêm khớp thường gặp như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm khớp vảy nến... Mỗi loại bệnh đều có những đặc điểm riêng và cần được điều trị phù hợp. Nếu đang gặp phải các triệu chứng như đau khớp, sưng khớp, cứng khớp, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ