Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các túi thừa - những phần phình nhỏ hình thành ở thành đại tràng. Khi các túi thừa bị nhiễm trùng, chúng thường gây đau bụng dữ dội, đặc biệt ở vùng bụng dưới bên trái. Mặc dù không phải ai cũng có túi thừa nhưng nếu túi thừa bị viêm, cần được điều trị y tế kịp thời để tránh các biến chứng như áp xe, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc.
Bài được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thuý Hằng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Tổng quan viêm túi thừa đại tràng
Túi thừa đại tràng là những đoạn ruột bị phồng ra tạo thành hình túi. Tình trạng viêm túi thừa đại tràng xảy ra khi một hoặc nhiều túi bị viêm và đôi khi bị nhiễm trùng. Những biến chứng viêm túi thừa bao gồm áp xe, dò hoặc thủng túi thừa bị viêm và tắc ruột.

Tỷ lệ tái phát viêm túi thừa đại tràng ở bệnh nhân dao động từ 20% đến 50%. Tuy nhiên, các đợt tái phát này không làm gia tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng so với lần đầu mắc. Nguy cơ tái phát có xu hướng cao hơn ở người trẻ và nữ giới.
Càng lớn tuổi, nguy cơ gặp các biến chứng toàn thân và tại chỗ cũng cao hơn theo từng thập kỷ. Một số ít bệnh nhân có thể phát triển viêm đại tràng phân đoạn sau đợt viêm túi thừa cấp, với tình trạng viêm giống như bệnh viêm túi thừa đại tràng.
Các đợt viêm túi thừa đại tràng cấp tính tái diễn hoặc viêm túi thừa đại tràng mạn tính có thể gây xơ hóa và tạo thành sẹo, dẫn đến tình trạng hẹp đại tràng. Người bệnh bị hẹp đại tràng có thể trải qua các triệu chứng đau bụng, táo bón hoặc tắc ruột cấp tính mà không có dấu hiệu viêm túi thừa.
Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc viêm túi thừa cấp tính thay đổi tùy thuộc vào sự xuất hiện của biến chứng và bệnh lý kèm theo. Đối với những bệnh nhân viêm túi thừa cấp tính không biến chứng, tỷ lệ thành công của phương pháp điều trị bảo tồn dao động từ 70% đến 100% và tỷ lệ tử vong là rất thấp.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng có biến chứng sau phẫu thuật dao động từ 0,6% đến 5%. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 20% ở những bệnh nhân bị viêm túi thừa có mủ hoặc viêm phúc mạc phân.
2. Triệu chứng bệnh
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thay đổi tùy theo mức độ viêm và những biến chứng đi kèm.
- Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất ở những người mắc viêm túi thừa đại tràng. Cơn đau thường tập trung ở ¼ vùng bụng dưới bên trái, tương ứng với vị trí đại tràng sigma. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể cảm thấy đau ở ¼ vùng bụng dưới bên phải hoặc vùng trên mu do viêm túi thừa sigma gây ra. Trường hợp viêm túi thừa manh tràng ít gặp hơn nhưng cũng có thể gây đau tương tự.
- Khoảng 20% bệnh nhân từng trải qua viêm túi thừa cấp tính có biểu hiện đau bụng mãn tính. Một số trường hợp có thể liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân lại bị đau bụng mãn tính do viêm túi thừa âm ỉ hoặc viêm túi thừa mãn tính kéo dài.
- Khoảng 20% đến 62% bệnh nhân bị kích thích phúc mạc hoặc tắc ruột có biểu hiện buồn nôn và nôn ói.
- Một số trường hợp cũng có thể gặp tình trạng sốt nhẹ.
- Biến chứng viêm túi thừa đại tràng như thủng túi thừa hoặc viêm phúc mạc có khả năng gây sốc và làm tụt huyết áp. Khám lâm sàng thường cho thấy các dấu hiệu tại vùng tổn thương như bụng cứng, có đề kháng khu trú và đau khi ấn. Qua khám trực tràng, bác sĩ có thể phát hiện khối áp xe hoặc dấu hiệu đề kháng ở đoạn đại tràng sigma và máu có thể xuất hiện trên găng tay khi rút ra.
- Người bị viêm túi thừa đại tràng có thể gặp rối loạn chức năng đường ruột, trong đó táo bón chiếm tỷ lệ 50% và tiêu chảy khoảng 25% đến 35%.
- 10% - 15% bệnh nhân viêm túi thừa cấp có thể xuất hiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn đường tiểu như tiểu gấp, đi tiểu lắt nhắt hoặc bí tiểu.

Trong số các trường hợp viêm túi thừa đại tràng cấp, 25% phát sinh biến chứng cấp hoặc mạn, chẳng hạn:
- Áp xe: Áp xe túi thừa xảy ra ở khoảng 17% bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán viêm túi thừa cấp. Các dấu hiệu lâm sàng của tình trạng này gần như giống hệt với viêm túi thừa cấp tính. Phương pháp chẩn đoán chủ yếu là CT bụng có tiêm thuốc cản quang. Bác sĩ cần cân nhắc đến khả năng áp xe túi thừa ở những bệnh nhân bị viêm túi thừa nhưng vẫn gặp đau bụng hoặc sốt kéo dài sau 3 ngày điều trị bằng kháng sinh. Trong một số trường hợp hiếm, tình trạng nhiễm trùng có thể lan qua hệ tuần hoàn cửa, dẫn đến áp xe gan sinh mủ.
- Tắc ruột: Đợt viêm túi thừa cấp có thể dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn một phần đại tràng do viêm gây hẹp hoặc áp xe chèn ép. Tuy nhiên, tắc nghẽn nghiêm trọng ở đại tràng hiếm gặp trong giai đoạn cấp tính mà thường xảy ra ở giai đoạn sau, khi viêm mãn tính làm ruột bị thít hẹp.
Khi bị viêm túi thừa đại tràng cấp tính, một phần ruột non có thể dính vào khối viêm túi thừa hoặc màng bụng, dẫn đến tắc ruột non. Tùy thuộc vào mức độ và vị trí của sự tắc nghẽn, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và không thể đi tiêu.
Bệnh nhân bị tắc ruột hoặc bán tắc ruột có thể bị đau quặn, bụng chướng, âm vang khi gõ bụng và thay đổi nhu động ruột, có thể tăng nhu động ruột nếu có tắc nghẽn hoặc giảm nhu động ruột khi bị liệt ruột.
- Một trong những biến chứng của viêm túi thừa đại tràng cấp tính là sự hình thành đường rò giữa đại tràng và các cơ quan xung quanh, thường là bàng quang. Những bệnh nhân bị rò đại tràng - bàng quang có thể đi tiểu ra máu, tiểu có phân hoặc tiểu buốt. Nếu là rò đại tràng - âm đạo, bệnh nhân sẽ thấy hơi và phân trong âm đạo.
- Thủng có thể xảy ra khi viêm phúc mạc toàn thể do áp xe túi thừa vỡ vào khoang phúc mạc hoặc do túi thừa bị viêm và nhiễm bẩn phân vào phúc mạc. Mặc dù chỉ khoảng 1-2% bệnh nhân mắc viêm túi thừa cấp tính bị thủng và viêm phúc mạc có mủ hoặc phân, nhưng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân gặp phải tình trạng này lại lên đến 20%. Điều này xảy ra khi túi thừa viêm thủng dẫn đến viêm phúc mạc lan tỏa kèm theo bụng chướng căng, đề kháng thành bụng và mất nhu động ruột.
2.2 Triệu chứng cận lâm sàng
- Kết quả xét nghiệm máu cho thấy sự gia tăng chỉ số viêm thể hiện qua bạch cầu, CRP và procalcitonin. Ngoài ra, các xét nghiệm như ure, creatinin, điện giải đồ, aminotransferase huyết thanh, phosphatase kiềm, bilirubin, amylase và lipase sẽ hỗ trợ trong việc loại trừ các nguyên nhân khác. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều nên thử thai.
- Phân tích nước tiểu: Nước tiểu có thể có mủ nhưng không nhiễm khuẩn do viêm mô xung quanh. Việc phát hiện vi sinh vật đặc trưng của đại tràng trong mẫu cấy nước tiểu cho thấy khả năng có rò rỉ giữa đại tràng và bàng quang.
3. Chẩn đoán bệnh viêm túi thừa đại tràng
Khi bệnh nhân bị đau bụng dưới và có phản ứng thành bụng khi khám lâm sàng, bác sĩ cần phải xem xét khả năng viêm túi thừa cấp. Cơn đau chủ yếu thường xuất hiện ở ¼ bên trái mặc dù có thể đau ở các vùng khác nhau.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu và CRP tăng cao (> 50mg/dL), mặc dù chỉ số này không đặc hiệu hoặc không nhạy cảm đối với viêm túi thừa cấp nhưng có thể hỗ trợ trong việc xác định chẩn đoán. Về phương pháp hình ảnh, chụp cắt lớp vi tính bụng có tiêm thuốc cản quang là lựa chọn tối ưu để khẳng định chẩn đoán viêm túi thừa cấp.
3.1 Chẩn đoán bệnh qua hình ảnh học
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) bụng với thuốc cản quang cho phép phát hiện sự dày cục bộ của thành ruột (> 4mm), sự gia tăng mật độ mô mềm trong mỡ màng bụng do viêm hoặc xâm nhập mỡ, cũng như hình ảnh túi thừa đại tràng. Độ nhạy và độ đặc hiệu của chụp CT bụng trong việc chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng cấp tính lần lượt là 94% và 99%.
- Các biến chứng của viêm túi thừa đại tràng có thể được phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh CT bụng. Áp xe được nhận diện qua các tụ dịch có hình ảnh bao quanh bởi vùng viêm. Dịch tụ có thể chứa không khí, mức dịch – khí hoặc các mô có mật độ thấp, cho thấy dấu hiệu của các mảnh hoại tử. Khi bệnh nhân gặp phải tắc ruột do viêm túi thừa cấp, trên CT bụng có thể thấy quai ruột giãn rộng kèm theo mực dịch – khí gần khu vực mỡ thâm nhiễm và túi thừa bị viêm. Nếu có hơi tự do trong các cơ quan ngoài ruột trong ổ bụng, điều này có thể gợi ý biến chứng rò đại tràng. Còn đối với viêm phúc mạc, hình ảnh hơi tự do trong ổ bụng cho thấy khả năng túi thừa bị thủng hoặc dò.
Những dấu hiệu trên siêu âm bụng chỉ ra khả năng viêm túi thừa cấp tính bao gồm:
- Viêm ở túi thừa có giảm âm.
- Áp xe có thể hình thành trong túi thừa, phúc mạc có thể có hoặc không có bóng hơi.
- Đoạn đại tràng bị dày thành, với độ dày > 4mm ở nơi đau nhất.
- Túi thừa hiện diện tại đoạn ruột kế cận.
Siêu âm có thể giúp phát hiện các biến chứng của viêm túi thừa. Áp xe sẽ xuất hiện dưới dạng khối không phản âm, trong đó có các mảnh vỡ không phản âm. Nếu có lỗ rò, sẽ có vùng giảm âm kèm theo bóng hơi nằm cạnh túi thừa bị viêm và có thể lan tới bàng quang, âm đạo hoặc thành bụng.
Đối với bệnh nhân viêm phúc mạc, siêu âm có thể cho thấy màng bụng dày lên hoặc dịch tụ, có thể khu trú hoặc toàn thể. Siêu âm có lợi thế về chi phí thấp và không sử dụng bức xạ, nhưng kết quả phụ thuộc vào kỹ thuật viên và không thể phân biệt được các nguyên nhân gây đau bụng khác.
- Các hình ảnh từ chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể chỉ ra viêm túi thừa đại tràng cấp tính thông qua những dấu hiệu như thành đại tràng dày lên, sự hiện diện của túi thừa, phù nề và có dịch trong các quai ruột. Các phát hiện không đặc hiệu cũng có thể thấy, bao gồm hiện tượng hẹp từng đoạn đại tràng, báng bụng và áp xe.
- X-quang bụng và ngực: Đây là công cụ hữu ích trong chẩn đoán viêm túi thừa cấp tính, giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường. X-quang bụng có thể xác định các vấn đề ở khoảng 30%-50% bệnh nhân với các dấu hiệu thường gặp như mực khí dịch trong ruột, quai ruột giãn do ứ hơi, cho thấy khả năng tắc nghẽn hoặc liệt ruột và tăng mật độ mô mềm – một dấu hiệu gợi ý áp xe. Trong khi đó, X-quang ngực thẳng đứng giúp phát hiện hơi tự do trong ổ bụng, dấu hiệu của thủng ruột. Liềm hơi dưới cơ hoành, thường thấy ở khoảng 3%-12% bệnh nhân viêm túi thừa cấp, là một chỉ báo quan trọng cần lưu ý. Các thông tin này giúp nhận diện và xử lý sớm các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Lưu ý: Nội soi đại tràng không phải là phương pháp chẩn đoán hiệu quả đối với viêm túi thừa cấp tính. Bác sĩ cần tránh tiến hành nội soi đại tràng khi viêm cấp tính đang diễn ra vì nguy cơ thủng và nhiễm trùng có thể xảy ra. Sau khi các triệu chứng viêm túi thừa cấp tính đã được điều trị hoàn toàn (thường trong vòng 6-8 tuần), bệnh nhân có thể thực hiện nội soi đại tràng để tầm soát ung thư.
3.2 Chẩn đoán phân biệt
- Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) thường trải qua cảm giác đau bụng giống với những người bị viêm túi thừa đại tràng. Tuy vậy, các triệu chứng ở IBS thường xuyên và kéo dài như đau bụng và sự thay đổi trong thói quen đại tiện. IBS còn gây ra các triệu chứng khác như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Viêm túi thừa đại tràng cấp tính và ung thư đại trực tràng có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng tương tự, đặc biệt khi hình ảnh trên CT bụng cho thấy dày thành đại tràng. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm xuất hiện ở thành ruột và mạc treo của đoạn đại tràng dài hơn 10cm mà không có hạch bạch huyết phì đại, điều này thường gợi ý viêm túi thừa cấp tính. Dù vậy, khoảng 10%-20% trường hợp vẫn khó phân biệt hai bệnh này dựa trên CT bụng. Trong những trường hợp đó, nội soi là phương pháp cần thiết để xác định ung thư đại trực tràng, nhưng chỉ thực hiện được sau khi kiểm soát tình trạng viêm cấp tính.
- Viêm ruột thừa cấp tính: Triệu chứng điển hình của bệnh này là đau bụng dưới bên phải, chán ăn, sốt, buồn nôn và nôn. Cơn đau thường khởi phát ở vùng thượng vị rồi lan ra hố chậu phải. Việc chụp CT vùng bụng có thể giúp xác định sự khác biệt giữa viêm ruột thừa cấp và viêm túi thừa đại tràng cấp tính.
- Bệnh viêm đại tràng thường có triệu chứng chính là tiêu chảy, trong khi đau bụng ít gặp hơn. Các dấu hiệu của bệnh thường âm thầm xuất hiện vài tháng trước khi trở nên rõ rệt. Trong chẩn đoán, chụp CT bụng có thể phát hiện tình trạng dày thành ruột, xuất hiện ở cả viêm đại tràng và viêm túi thừa cấp tính. Tuy nhiên, sự hiện diện của túi thừa kèm theo viêm là dấu hiệu đặc trưng của viêm túi thừa cấp tính. Đối với viêm đại tràng nhiễm trùng, tiêu chảy cũng là triệu chứng chính, thường liên quan đến tiền sử dùng kháng sinh hoặc đi du lịch tới nơi có điều kiện vệ sinh kém. Xét nghiệm cấy phân giúp xác định tác nhân gây bệnh, hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn.
- Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ: Bệnh nhân mắc chứng viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ thường xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, đi tiêu có máu hoặc tiêu chảy có máu. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh này thường là người trên 60 tuổi, đang chạy thận nhân tạo, mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, mất nước hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng. Hình ảnh chụp CT bụng có thể cho thấy thành ruột dày lên ở một số đoạn giống viêm túi thừa cấp tính, tuy nhiên không phát hiện hình ảnh túi thừa bị viêm.
- Những chẩn đoán phân biệt cần xem xét bao gồm áp xe vòi trứng, u nang buồng trứng, xoắn buồng trứng, thai ngoài tử cung, viêm bàng quang và sỏi thận. Việc chẩn đoán phân biệt được thực hiện dựa trên hồ sơ bệnh án, kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.