Tổng quan phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại

Mục lục

Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại là một phương pháp phẫu thuật tim hở, được thực hiện để loại bỏ một phần của mô tim dày. Các chuyên gia y tế thường áp dụng phương pháp phẫu thuật này trong quá trình điều trị bệnh cơ tim phì đại, đặc biệt là khi tình trạng bệnh không được cải thiện sau khi sử dụng phác đồ điều trị thuốc. Đây được xem là một phương pháp có tỷ lệ thành công cao, hầu hết các bệnh nhân đều có sự cải thiện đáng kể về sức khỏe và giảm nhẹ phần lớn các triệu chứng bệnh sau khi phẫu thuật.

1. Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại là gì?

Đây là một dạng phương pháp phẫu thuật tim hở. Bác sĩ thường chỉ định phương pháp phẫu thuật này để điều trị tình trạng bệnh cơ tim phì đại hay cơ tim dày lên.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần mô tim dày để cải thiện lưu lượng máu trong tim của bệnh nhân. Phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao, có thể điều trị bệnh cơ tim phì đại ở hầu hết bệnh nhân.


Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn được áp dụng để điều trị bệnh cơ tim phì đại
Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn được áp dụng để điều trị bệnh cơ tim phì đại

2. Những ưu điểm và rủi ro của phương pháp phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn

2.1 Ưu điểm

Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn được áp dụng trong quá trình điều trị bệnh cơ tim phì đại và được xem là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Phẫu thuật có thể làm giảm các triệu chứng như:

  • Đau thắt ngực.
  • Khó thở
  • Ngất.

Trong một nghiên cứu, 94% số người có thể cải thiện tốt những triệu chứng sau khi phẫu thuật. Về lâu dài, những người từng phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn có tỷ lệ sống tương tự như người bình thường. Nhìn chung, phương pháp này có tỷ lệ thành công rất cao và mang đến nhiều lợi ích to lớn.

2.2 Rủi ro

Tuy phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại có tỷ lệ thành công cao nhưng phương pháp này vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Tràn dịch màng tim hoặc màng phổi của bệnh nhân.
  • Rung nhĩ
  • Rối loạn nhịp tim do gián đoạn của hệ thống dẫn truyền điện học trong tim.

Những biến chứng này thường xuất hiện ở những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:

  • Có nhiều bệnh khác.
  • Hút thuốc hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá.
  • Người trên 65 tuổi.

Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ dễ gặp biến chứng sau khi phẫu thuật
Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ dễ gặp biến chứng sau khi phẫu thuật

3. Quá trình hồi phục sau khi phẫu thuật

3.1 Bệnh nhân sẽ cảm thấy thế nào sau khi phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại?

Hầu hết mọi người đều thấy giảm triệu chứng do bệnh cơ tim phì đại từ vài ngày đến vài tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể bị đau nhẹ ở ngực, nhưng hầu như sẽ không xảy ra tình trạng đau dữ dội và nghiêm trọng.

Thể lực của bệnh nhân sau khi phẫu thuật sẽ trở nên yếu hơn so với bình thường, họ sẽ dễ dàng cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ trở lại mức năng lượng bình thường sau vài tuần.


Hầu hết mọi người sẽ hồi phục trở lại sau khi phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại khoảng vài tuần
Hầu hết mọi người sẽ hồi phục trở lại sau khi phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại khoảng vài tuần

3.2 Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ điều trị của mình trong trường hợp nào?

Sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn để điều trị bệnh, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sau, hãy lập tức thông báo cho bác sĩ điều trị để được bác sĩ và bệnh viện hỗ trợ kịp thời:

  • Đỏ, sưng hoặc nóng quá mức xung quanh vết mổ.
  • Sốt cao hơn 100,4 oF (38 oC).
  • Tăng cân hơn 2 kilogram chỉ trong một tuần.

Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn cơ tim phì đại là một phương pháp phẫu thuật tim hở phức tạp, cần vài tuần để bệnh nhân hồi phục. Mặc dù phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn là một phương pháp còn tồn tại một số biến chứng nguy hiểm tuy nhiên, đây được xem là phương pháp điều trị có tính hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ