Trẻ em mắc bệnh tim có nên chơi thể thao hay không là vấn đề được rất nhiều phụ huynh có con đang bị bệnh tim quan tâm. Theo ý kiến từ các bác sĩ, mỗi đứa trẻ đều có một tình trạng bệnh khác nhau, nhưng hầu hết trẻ em đều có thể chơi đùa, hoạt động thể dục thể thao trong mức độ phù hợp với sức khoẻ của mình.
1. Trẻ em mắc bệnh tim có nên chơi thể thao hay không?
Đối với nhiều trẻ em, thể thao là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ và tuổi thiếu niên. Tuy nhiên khi trẻ đang mắc bệnh tim cha mẹ sẽ lo ngại về mức độ an toàn khi để trẻ chơi thể thao.
Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch cho biết, để biết chính xác trẻ em mắc bệnh tim có nên chơi thể thao hay không cần phải xem xét đến nhiều yếu tố.

Để cho bé có thể hoạt động vui chơi thể thao lành mạnh và an toàn, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng bệnh của các bé, sau đó đưa ra kết luận trẻ nên và không nên tham gia các môn thể thao nào, cần thiết phải điều chỉnh môi trường tập luyện và chơi đùa như thế nào để phù hợp nhất, an toàn nhất đối với trẻ.
Các bác sĩ cho biết việc tham gia thể thao thường phụ thuộc vào tình trạng tim cụ thể của trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ có tình trạng bệnh khác nhau, ngay cả những đứa trẻ có cùng chẩn đoán bệnh cũng có thể có các triệu chứng khác nhau hoặc ở mức độ bệnh có thể nghiêm trọng hơn hoặc nhẹ hơn.
Một số tình trạng tim mà trẻ có thể mắc phải và các môn thể thao phù hợp:
- Bệnh cơ tim hoặc các tình trạng ảnh hưởng đến cơ tim: Trái tim của trẻ có thể cứng lại, có mô sẹo, cơ tim trở nên to hơn hoặc dày hơn. Đối với những trẻ mắc căn bệnh này, chúng có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột khi đang hoạt động. Trong đó, bệnh cơ tim phì đại là một trong những bệnh ẩn chứa nhiều nguy cơ nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ mắc bệnh cơ tim nào cũng giống nhau. Vì vậy, một số trẻ vẫn có thể chơi các loại thể thao đã được bác sĩ cho phép hoặc thực hiện các hoạt động thể dục ở một mức độ an toàn theo khuyến nghị từ bác sĩ.
- Trẻ đã qua phẫu thuật tim: Trẻ có thể chơi bóng chày ở vị trí người bắt bóng nhưng không nên là người đánh quả bóng đầu tiên trong môn thể thao này để hạn chế trường hợp trẻ gắng sức khi đang chơi, gây ảnh hưởng đến tim mạch.
- Những trẻ cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim: Cần tránh các môn thể thao gây va chạm và tác động lực mạnh vào cơ thể. Khi chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chày... bóng có khả năng tác động vào ngực, bụng, từ đó gây ảnh hưởng đến thiết bị được cấy dưới da. Để giảm thiểu nguy cơ hỏng các thiết bị này, trẻ nên lựa chọn các môn thể thao khác để thay thế.

Tuy nhiên, những khuyến cáo và hướng dẫn trẻ em chơi thể thao có thể thay đổi theo thời gian. Trước kia, tất cả trẻ mắc bệnh rối loạn nhịp tim thường được khuyên không nên tham gia thể thao. Nhưng ngày nay, lời khuyên đó không phải lúc nào cũng đúng, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng bệnh để đưa ra hướng dẫn tập luyện phù hợp với trẻ.
2. Những điều cần lưu ý trước khi chơi thể thao
Phụ huynh và trẻ cần phải có một cuộc thảo luận trước khi trẻ bắt đầu chơi thể thao. Bác sĩ sẽ xác định những nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải khi đang chơi trên sân, xác định trẻ có thể tham gia các môn thể thao nào và đưa ra các giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả.
2.1 Sàng lọc tim trước khi tham gia để biết trẻ mắc bệnh tim có nên chơi thể thao không
Khám sức khỏe tim mạch là một trong những bước quan trọng nhất vì đây là bước đầu xác định tình trạng bệnh, là tiền đề để bác sĩ đưa ra các chẩn đoán quan trọng và định hướng hoạt động thể dục thể thao hiệu quả cho trẻ.
Bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về các môn thể thao mà trẻ có thể tham gia, trẻ nên chơi thể thao như thế nào, vào thời điểm nào và trong thời gian bao lâu là an toàn nhất.
Quá trình sàng lọc, thăm khám tim mạch rất quan trọng vì có khả năng xảy ra tình trạng tử vong do bị ngừng tim đột ngột khi đang tham gia hoạt động thể thao. Những trường hợp tử vong này khá hiếm, xảy ra với tỷ lệ từ 1/ 50.000 đến 1/300.000 người, nhưng vẫn có thể xảy ra.

2.2 Hồi sức tim phổi (CPR)
Hồi sức tim phổi (CPR) là một kỹ năng sống quan trọng mà bất kỳ ai cũng nên có, đặc biệt là những gia đình có trẻ em mắc bệnh tim nặng. Kỹ năng hô hấp nhân tạo có thể giúp ba mẹ cấp cứu kịp thời cho trẻ ở các trường hợp khẩn cấp. Đây là một trong những giải pháp phòng ngừa rủi ro được các bác sĩ đánh giá cao.
Khi xảy ra một sự cố về tim mạch, người thân có thể hô hấp nhân tạo cho trẻ trong lúc chờ cấp cứu đến, nhờ đó có thể kéo dài thời gian sống và nâng cao tỷ lệ cứu sống bệnh nhân đó.
Chính vì thế, để bảo vệ tốt trẻ mắc bệnh tim, bác sĩ khuyên mọi người xung quanh trẻ (người nhà, giáo viên, huấn luyện viên thể thao của trẻ...) nên tham gia các khóa học để biết hô hấp nhân tạo đúng cách.