Tư thế ngủ khi bó bột tay: Lời khuyên cho bệnh nhân

Mục lục

Tư thế ngủ khi bó bột tay là một yếu tố quan trọng giúp người bị gãy tay có thể nghỉ ngơi mà không gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Việc lựa chọn tư thế ngủ hợp lý không chỉ giúp giảm đau mà còn bảo vệ vùng tay bị bó bột, tránh các chấn thương ngoài ý muốn. Hãy cùng bài viết tìm hiểu về các tư thế ngủ phù hợp khi tay bị bó bột cũng như những lưu ý giúp hồi phục nhanh chóng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bó bột là gì và cần chỉ định trong những trường hợp nào?  

Bó bột là phương pháp được sử dụng để cố định vùng xương bị gãy, giúp quá trình lành xương diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời, việc bó bột cũng giúp làm lành các tổn thương phần mềm xung quanh.  

Thời gian bó bột có thể thay đổi tùy theo tình trạng của mỗi người, phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của vết thương, tốc độ hồi phục của xương và tổn thương mô mềm... Vì vậy, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hồi phục tốt nhất.

Bó bột thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Chấn thương do va chạm mạnh trong sinh hoạt, tai nạn giao thông, lao động hay ngã từ độ cao.
  • Các trường hợp bị rạn, nứt xương hoặc gãy nhẹ mà không cần phẫu thuật.
  • Gãy xương nhưng xương không bị lệch nhiều hoặc lệch ít.
  • Một số bệnh nhân có thể cần bó bột tạm thời trước khi thực hiện phẫu thuật.

Đối với những ca gãy xương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải thực hiện phẫu thuật hoặc áp dụng các phương pháp khác để phục hồi một cách tối đa. 

Tư thế ngủ khi bó bột tay khá quan trọng trong việc quá trình hồi phục của chấn thương.
Tư thế ngủ khi bó bột tay khá quan trọng trong việc quá trình hồi phục của chấn thương.

2. Tư thế ngủ khi bó bột tay

Tư thế ngủ khi bó bột tay là một vấn đề khiến nhiều người bệnh lo lắng. Làm sao để giữ được một tư thế thoải mái mà không làm ảnh hưởng đến phần xương đang được cố định? Khi vùng xương bị gãy và sưng, bó bột sẽ chặt hơn bình thường, khiến người bệnh có cảm giác căng tức hoặc chật chội trong vài ngày đầu. Để giảm bớt sự khó chịu này, người bệnh nên kê cao tay bị bó bột để máu lưu thông tốt hơn và giảm tình trạng sưng phù nề.

Ngoài ra, khi ngủ, bệnh nhân nên ngủ một mình để tránh các va chạm không mong muốn từ người khác, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

3. Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau bó bột

Bên cạnh việc tìm hiểu tư thế ngủ khi bó bột tay, việc chăm sóc bệnh nhân đúng cách sau khi bó bột là yếu tố quan trọng giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Ngược lại, chăm sóc không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm chậm quá trình lành thương.

Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý trong quá trình chăm sóc người bệnh:

3.1 Vệ sinh cơ thể và phần bó bột

Việc giữ cho phần bó bột luôn sạch sẽ và khô ráo là rất quan trọng để phòng tránh nhiễm trùng. Người bó bột cần tránh để nước, bụi bẩn hay các chất bẩn khác dính vào vùng bó bột. Mặc dù bó bột lâu ngày có thể gây ngứa hoặc khó chịu, nhưng bạn không nên dùng vật nhọn hay que để gãi vào phần bó bột. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên giữ cơ thể sạch sẽ bằng cách tắm rửa và thay quần áo thường xuyên.

3.2 Cố định và kê cao tay bị bó bột

Để tránh làm vết thương bị chảy máu và giảm sưng nề, bệnh nhân nên cố định tay và kê cao để giúp máu lưu thông tốt hơn. Điều này sẽ giúp giảm căng tức và thúc đẩy quá trình hồi phục.

3.3 Vận động nhẹ nhàng

Mặc dù nhiều người có xu hướng cố gắng giữ tay bị bó bột hoàn toàn bất động, nhưng điều này có thể dẫn đến teo cơ, loãng xương và cứng khớp. Vì vậy, bệnh nhân nên thực hiện các bài tập gồng cơ nhẹ nhàng và cử động các chi không bị bó bột để giữ lưu thông máu và giảm nguy cơ teo cơ. Ví dụ, nếu bị bó bột ở chân, người bệnh có thể tập gồng cơ ngón tay hoặc bàn tay.

3.4 Bổ sung dưỡng chất

Để giúp xương hồi phục nhanh hơn, bệnh nhân cần bổ sung các dưỡng chất quan trọng như:

  • Canxi: Giúp xương chắc khỏe và thúc đẩy quá trình lành thương. Có thể bổ sung qua thực phẩm như trứng, sữa, ngũ cốc, phô mai, bông cải xanh.
  • Magie: Giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Các thực phẩm giàu magie bao gồm bơ, chuối, rau lá xanh, cá thu.
  • Kẽm: Hỗ trợ lành xương nhanh chóng. Thực phẩm chứa nhiều kẽm gồm trứng, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cua, hàu và thịt.
  • Silic: Giúp xương khỏe mạnh và tăng tốc quá trình phục hồi. Silic có trong yến mạch, hạt mè, củ cải đường, dứa.
  • Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả. Tắm nắng là một cách bổ sung vitamin D tự nhiên. Ngoài ra, vitamin D cũng có thể được bổ sung qua lòng đỏ trứng, các loại cá béo, phô mai và sữa. 
Kẽm trong cua rất quan trọng cho quá trình lành vết thương, bao gồm cả vết thương xương.
Kẽm trong cua rất quan trọng cho quá trình lành vết thương, bao gồm cả vết thương xương.

3.5 Kiêng một số thực phẩm

  • Đồ chiên xào: Dầu mỡ có thể làm chậm quá trình lành xương.
  • Đồ ngọt: Tăng nguy cơ thừa cân và làm chậm quá trình liền xương.
  • Đồ mặn: Có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp.
  • Bia, rượu, cà phê và các chất kích thích: Nên tránh hoàn toàn trong thời gian hồi phục. 
Người nhà nên đi cùng bệnh nhân đến các buổi khám để được bác sĩ giải đáp mọi thắc mắc.
Người nhà nên đi cùng bệnh nhân đến các buổi khám để được bác sĩ giải đáp mọi thắc mắc.

3.6 Theo dõi và khám định kỳ

Việc theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân là rất quan trọng. Người nhà cần thường xuyên kiểm tra phần bó bột và theo dõi những dấu hiệu bất thường như sưng tấy, đau nhức hoặc cảm giác khó chịu. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Trên đây là những hướng dẫn về tư thế ngủ khi bó bột tay và cách chăm sóc bệnh nhân, nhằm giúp người bệnh tránh những rủi ro không đáng có và hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh chóng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ