U xơ tử cung là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và quá trình mang thai. Bệnh nhân mắc u xơ tử cung có thể không xuất hiện triệu chứng rõ ràng và nhiều trường hợp chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh vì những lý do khác.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là sự phát triển bất thường của các tế bào cơ và mô xơ, tạo thành khối u lành tính từ tế bào cơ trơn trong tử cung.
Theo thống kê từ Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 70–80% phụ nữ ở tuổi 50 và 20–50% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp u xơ tử cung không tiến triển thành ác tính và thường không cần can thiệp y tế.
U xơ có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc mang thai và có thể gây ra một số vấn đề trong thai kỳ.
2. Nguyên nhân u xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là một bệnh lý chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng bệnh có liên quan đến nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể. Hai hormone này, được sản sinh từ buồng trứng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thay đổi của tử cung.
Điều này giải thích tại sao u xơ trong tử cung thường phát triển lớn hơn trong thai kỳ, khi nồng độ estrogen và progesterone tăng cao đột ngột. Sau khi sinh con, nồng độ hormone giảm, kích thước u xơ thường có xu hướng co lại.
Các loại u xơ được phân loại dựa trên vị trí hình thành và phát triển, bao gồm:
- Intramural: Là dạng u xơ phổ biến nhất, phát triển trong thành tử cung.
- Submucosal: Là dạng u xơ hình thành và phát triển dưới niêm mạc tử cung..
- Subserosal: Là dạng u xơ phát triển ở bên ngoài tử cung.

3. Triệu chứng u xơ tử cung
Phần lớn phụ nữ mắc u xơ ở tử cung không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, do đó nhiều người không biết mình mắc bệnh nếu không đi khám. Dưới đây là một số dấu hiệu u xơ tử cung:
- Chảy máu bất thường là triệu chứng phổ biến nhất, gặp ở hơn 60% trường hợp. Chảy máu thường xuất hiện dưới dạng huyết loãng lẫn huyết đặc, kèm theo cường kinh kéo dài 7-10 ngày hoặc hơn. Lâu dần, bệnh nhân có thể bị rối loạn kinh nguyệt và rong kinh kéo dài, dẫn đến tình trạng mất máu nghiêm trọng.
- Vị trí đau u xơ tử cung thường tập trung ở vùng bụng dưới, ở hạ vị (vùng dưới rốn) hoặc hố chậu, với cảm giác tức nặng hoặc đau âm ỉ. Khi đứng lên hoạt động, quan hệ tình dục hoặc mỗi kỳ kinh nguyệt, cơn đau thường tăng lên và giảm đi khi nằm nghỉ. Trong trường hợp u xơ lớn hoặc chèn ép vào các cơ quan xung quanh hoặc khi viêm khung chậu xảy ra, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
- Cảm giác nặng nề hoặc áp lực ở lưng, bàng quang, hoặc ruột.
- Xuất hiện các đốm máu bất thường dù chưa đến kỳ kinh.
- Gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản, như khó thụ thai, vô sinh, sảy thai, hoặc sinh non.
- Đi tiểu thường xuyên do áp lực từ khối u lên bàng quang.
- Gặp khó khăn khi đi vệ sinh, có thể do u xơ chèn ép ruột hoặc trực tràng.
4. Ảnh hưởng của u xơ tử cung tới việc mang thai
Nhiều phụ nữ mắc u xơ ở tử cung vẫn có thể mang thai tự nhiên mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u xơ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt là u xơ dưới niêm mạc – loại u xơ phát triển vào trong khoang tử cung. Loại u xơ này có thể làm tăng nguy cơ vô sinh hoặc sẩy thai.
Trong thai kỳ, hầu hết phụ nữ mắc bệnh đều chịu một số ảnh hưởng sức khoẻ nhất định. Theo một đánh giá, khoảng 10–30% phụ nữ mắc u xơ tử cung phát triển các biến chứng trong thời gian mang thai. Biến chứng phổ biến nhất là tình trạng đau nhức, đặc biệt khi u xơ có kích thước lớn hơn 5cm, thường xảy ra trong hai tam cá nguyệt cuối của thai kỳ.
Việc theo dõi và quản lý chặt chẽ sức khỏe thai kỳ ở những phụ nữ mắc u xơ là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
U xơ tử cung có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở. Những biến chứng này bao gồm: cản trở sự phát triển của thai nhi, nhau bong non, sinh non, sinh mổ, ngôi thai ngược và sẩy thai.

5. Điều trị u xơ ở tử cung như thế nào?
Đối với các khối u xơ tử cung kích thước nhỏ, không gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc gây ra các rối loạn khác, việc điều trị thường chỉ dừng lại ở theo dõi định kỳ, với thời gian tái khám từ 6 đến 12 tháng.
Trong trường hợp các khối u xơ nhỏ nhưng gây chảy máu, cần điều trị nội khoa bằng thuốc để kiểm soát sự phát triển của khối u, điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và hạn chế tình trạng rong kinh, rong huyết.
Phẫu thuật điều trị u xơ có thể được thực hiện bằng mổ nội soi hoặc mổ mở, tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Bóc tách nhân xơ giúp giữ lại chức năng tử cung cho những người còn mong muốn mang thai.
- Cắt tử cung bán phần
- Cắt tử cung hoàn toàn.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng bệnh, số lần mang thai trước đó và mong muốn sinh con trong tương lai.
Nhìn chung, u xơ tử cung là một tình trạng lành tính và thường không cần can thiệp điều trị trong thai kỳ, trừ khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Với những trường hợp u xơ không gây ra nhiều khó chịu, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên theo dõi định kỳ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.