Ung thư phổi giai đoạn 3 sống được bao lâu là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân và gia đình đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này có thể khác nhau ở từng bệnh nhân, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng quát, mức độ tiến triển của bệnh và phác đồ điều trị áp dụng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Những triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn 3
Trước khi trả lời câu hỏi "Ung thư phổi giai đoạn 3 sống được bao lâu?", cần nhận biết rõ các triệu chứng đặc trưng của giai đoạn này. Các triệu chứng ung thư phổi thường gặp bao gồm:
- Ho kéo dài: Tình trạng ho khan hoặc ho có đờm không giảm sau điều trị, thậm chí tái phát nhiều lần, kèm viêm phế quản hoặc viêm phổi mạn tính.
- Ho ra máu: Đây là dấu hiệu cảnh báo quan trọng cần chú ý.
- Đau ngực: Cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhói, thường xuất hiện khi hít thở sâu hoặc ho.
- Khó thở, hụt hơi: Người bệnh cảm thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động thể lực như leo cầu thang, đi bộ, tập thể dục.
- Mệt mỏi và sụt cân: Tình trạng suy nhược, không muốn ăn, kèm giảm cân không rõ nguyên nhân.
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể gặp một số biểu hiện khác tùy thuộc vào vị trí và mức độ xâm lấn của khối u:
- Xâm lấn thành ngực và cột sống: Gây đau ở ngực, xương sườn, vai và lưng.
- Xâm lấn thực quản: Gây khó nuốt hoặc cảm giác nghẹn khi ăn uống.
- Xâm lấn thần kinh quặt ngược thanh quản: Dẫn đến tình trạng khàn tiếng hoặc mất giọng.

2. Chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 3
Để xác định ung thư phổi và giai đoạn tiến triển, ngoài việc thăm khám lâm sàng, các phương pháp cận lâm sàng hiện đại được áp dụng như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET-CT scan) để đánh giá loại mô bệnh học, giai đoạn, các yếu tố liên quan (như đột biến gen,...).
Sau khi hoàn thành các bước chẩn đoán, hội đồng chuyên gia sẽ đánh giá toàn diện tình trạng bệnh để xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa, tối ưu cho từng bệnh nhân.
3. Ung thư phổi giai đoạn 3 có chữa được không?
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, với tỷ lệ mắc và tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh ung thư.
Bệnh ung thư phổi được chia thành hai loại chính:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): Chiếm khoảng 10 - 15% các trường hợp.
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC): Chiếm khoảng 85% các trường hợp.
Trong phân loại của ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn III được đặc trưng bởi:
- Khối u có kích thước lớn hơn 5 cm.
- Xâm lấn các cấu trúc lân cận như trung thất, thành ngực.
- Lan đến các hạch bạch huyết ở trung thất hoặc hạch thượng đòn.
- Chưa có di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Nhìn chung, ung thư phổi giai đoạn 3 vẫn có khả năng điều trị hiệu quả, đặc biệt khi được phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, tiên lượng và thời gian sống của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Đặc điểm bệnh lý: Loại tế bào ung thư và mức độ xâm lấn.
- Tuổi tác và sức khỏe tổng thể: Bệnh nhân trẻ tuổi và có sức khỏe tốt thường có tiên lượng tốt hơn.
- Phương pháp điều trị: Sự kết hợp giữa phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và điều trị liệu pháp nhắm trúng đích.
- Sự đáp ứng của bệnh nhân trong quá trình điều trị: Hiệu quả của các phương pháp điều trị được áp dụng.
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp ung thư phổi giai đoạn 3 đều có thể được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều bệnh nhân đã đạt được kết quả điều trị khả quan, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tuân thủ phác đồ điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện đóng vai trò quan trọng trong quá trình chiến đấu với bệnh. Vậy, ung thư phổi giai đoạn 3 sống được bao lâu?
4. Ung thư phổi giai đoạn 3 sống được bao lâu?
Theo số liệu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3 được phân loại như sau:
- Giai đoạn 3A: Tỷ lệ sống khoảng 36%.
- Giai đoạn 3B: Tỷ lệ sống khoảng 26%.
- Giai đoạn 3C: Tỷ lệ sống khoảng 13%.
Mặc dù tiên lượng ở giai đoạn này còn nhiều khó khăn, nhưng một số yếu tố có thể giúp cải thiện thời gian sống và kết quả điều trị, bao gồm:
- Tình trạng sức khỏe tổng quát tốt: Bệnh nhân không bị sụt cân quá 5% trọng lượng cơ thể trước khi điều trị.
- Không gặp các biến chứng phổi nghiêm trọng: Bao gồm không có nhiễm trùng phổi, không bị xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
- Đáp ứng tốt với điều trị: Khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch.

5. Các phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn 3
5.1. Điều trị giai đoạn 3A
Ở giai đoạn này, phương pháp điều trị ung thư phổi sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Các phương pháp thường được áp dụng gồm:
5.1.1 Phẫu thuật kết hợp điều trị hỗ trợ
- Phẫu thuật: Nếu khối u có thể cắt bỏ, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u.
- Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật: Các biện pháp nhằm tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát, bao gồm:
- Xạ trị ung thư phổi: Sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị: Sử dụng thuốc hóa trị để ngăn chặn sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư.
- Hóa - xạ trị đồng thời: Phối hợp hóa trị và xạ trị để tăng hiệu quả.
- Liệu pháp miễn dịch: Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.
- Điều trị nhắm trúng đích: Sử dụng thuốc nhắm vào các đột biến gen hoặc protein đặc hiệu trên tế bào ung thư.
Tuỳ vào kết quả sau phẫu thuật và tình trạng của từng người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

5.1.2 Trường hợp không thể phẫu thuật
Hóa - xạ trị đồng thời: Áp dụng cho các bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật. Sau đó, liệu pháp miễn dịch củng cố bằng Durvalumab (Imfinzi) có thể cải thiện thời gian sống.
5.1.3 Trường hợp khối u ở đỉnh phổi
Hóa - xạ trị trước phẫu thuật: Phương pháp này giúp thu nhỏ khối u, sau đó đánh giá khả năng phẫu thuật:
- Nếu bệnh nhân có thể phẫu thuật, sẽ tiến hành phẫu thuật, sau đó áp dụng điều trị hỗ trợ phù hợp, dựa trên kết quả sau khi phẫu thuật của bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân không thể phẫu thuật, sẽ tiếp tục điều trị bằng hóa trị hoặc hóa - xạ trị.
- Phương pháp hóa trị tân hỗ trợ (hoá trị trước) và liệu pháp miễn dịch (Nivolumab - Opdivo) trước phẫu thuật: Sau khi hoá trị tân hỗ trợ, tùy theo đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ quyết định tiếp tục phẫu thuật hoặc hóa - xạ trị đồng thời.
5.2. Điều trị giai đoạn 3B và 3C
Ở giai đoạn 3B và 3C, bệnh thường đã tiến triển quá mức và hiếm khi có thể điều trị bằng phẫu thuật. Các phương pháp chủ yếu bao gồm:
- Hóa - xạ trị đồng thời: Đây là phương pháp điều trị chính, nhằm kiểm soát sự phát triển của khối u.
- Liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích: Sau khi hóa - xạ trị, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các liệu pháp này, tương tự như ở giai đoạn 3A.
Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu khối u đáp ứng tốt với hóa trị và xạ trị, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật sau khi khối u được thu nhỏ. Tuy nhiên, khả năng này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
Việc điều trị ung thư phổi giai đoạn 3 cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và cá nhân hóa dựa trên đặc điểm của từng bệnh nhân. Bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
6. Những điều bệnh nhân cần lưu ý khi sống chung với ung thư phổi giai đoạn 3
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3 không chỉ đối mặt với những đau đớn về thể chất mà còn chịu nhiều ảnh hưởng về tâm lý và tinh thần. Các phương pháp điều trị cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau để cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ quá trình điều trị:
- Chủ động thông báo với bác sĩ: Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường hoặc tác dụng phụ từ điều trị, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và kiểm soát kịp thời.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối: Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng (đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất) để tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cơ thể trong suốt quá trình điều trị. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp.
- Thực hiện bài tập thở và phục hồi chức năng hô hấp: Các bài tập thở sâu hoặc bài tập phục hồi chức năng hô hấp giúp cải thiện triệu chứng khó thở, tăng cường dung tích phổi và giảm cảm giác mệt mỏi.
- Bỏ thuốc lá: Nếu bệnh nhân đang hút thuốc, việc bỏ thuốc lá là điều rất cần thiết để giảm tổn thương thêm cho phổi và tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và nhân viên y tế: Gia đình là nguồn động viên quan trọng trong hành trình điều trị. Đồng thời, mọi người cần duy trì liên lạc thường xuyên với nhân viên y tế để nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
- Tham gia các hoạt động mang lại niềm vui: Tận hưởng những hoạt động yêu thích hoặc tạo dựng niềm vui nhỏ hàng ngày sẽ giúp bệnh nhân giữ tinh thần lạc quan, yêu đời hơn. Điều này góp phần nâng cao sức khỏe tinh thần, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị.
Sự phối hợp giữa tinh thần lạc quan, lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị sẽ giúp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3 cải thiện chất lượng cuộc sống và đối mặt với bệnh tật một cách tích cực hơn.

Ung thư phổi giai đoạn 3 sống được bao lâu là mối quan tâm lớn của hầu hết bệnh nhân và gia đình. Thời gian sống thêm sau chẩn đoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ tiến triển của bệnh, sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và các phương pháp điều trị được áp dụng.
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân cần chú trọng duy trì sức khỏe tinh thần bằng cách thực hiện các biện pháp hỗ trợ như xây dựng lối sống lành mạnh, tìm kiếm sự động viên từ gia đình, tham gia các hoạt động mang lại niềm vui và giữ tinh thần lạc quan. Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.