Ung thư thực quản giai đoạn 2: Triệu chứng và điều trị

Mục lục

Ung thư thực quản giai đoạn 2 thường biểu hiện với các triệu chứng rõ ràng và xảy ra thường xuyên hơn so với giai đoạn 1, bao gồm nuốt nghẹn, nuốt khó, đau tức ngực, nôn và sụt cân. Tiên lượng điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng quát, tinh thần của bệnh nhân và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ung thư thực quản giai đoạn 2 là gì?

Ung thư thực quản giai đoạn 2 là tình trạng tế bào ung thư đã xâm lấn đến lớp cơ hoặc lớp áo ngoài của thực quản nhưng chưa lan đến các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, nếu tế bào ác tính chỉ mới xâm nhập vào lớp cơ thực quản nhưng đã di căn đến từ 1 đến 2 hạch bạch huyết lân cận, trường hợp này cũng được xếp vào giai đoạn 2. 

Ung thư thực quản giai đoạn II là tình trạng khối u đã phát triển và xâm lấn vào lớp cơ hoặc lớp vỏ ngoài của thành thực quản nhưng chưa lan rộng đến các cơ quan xa trong cơ thể.
Ung thư thực quản giai đoạn II là tình trạng khối u đã phát triển và xâm lấn vào lớp cơ hoặc lớp vỏ ngoài của thành thực quản nhưng chưa lan rộng đến các cơ quan xa trong cơ thể.

2. Dấu hiệu ung thư thực quản giai đoạn 2

Ung thư thực quản giai đoạn II thường có các triệu chứng rõ ràng hơn và xuất hiện với tần suất cao hơn so với giai đoạn I. Tuy nhiên, mức độ biểu hiện của các dấu hiệu này có thể khác nhau ở từng người bệnh và không phải trường hợp nào cũng có đầy đủ triệu chứng.

Dưới đây là các biểu hiện của ung thư thực quản giai đoạn II thường gặp:

  • Nuốt nghẹn, nuốt khó: Đây là triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn II phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 95% bệnh nhân ung thư thực quản. Người bệnh thường gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, cảm thấy vướng hoặc nghẹn ở thực quản. Ban đầu, cảm giác này thường xảy ra khi ăn các loại thức ăn đặc như thịt, cơm, nhưng sau đó có thể xuất hiện ngay cả khi nuốt thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp và thậm chí cả nước hoặc sữa.
  • Sụt cân: Tình trạng này được ghi nhận ở 40-50% bệnh nhân ung thư thực quản. Sụt cân thường đi kèm với triệu chứng nuốt khó, do người bệnh ăn uống không đủ dinh dưỡng. Việc cải thiện tình trạng sụt cân thường phụ thuộc vào khả năng khắc phục vấn đề ăn uống và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ.
  • Đau tức vùng ngực sau xương ức khi nuốt: Triệu chứng này xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân và thường xuất hiện khi người bệnh ăn những thức ăn đặc,khô và khó nuốt. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, ngay cả việc uống nước cũng có thể gây đau tức.
  • Nôn: Khi tình trạng nuốt nghẹn trở nên rõ rệt, người bệnh thường có biểu hiện nôn. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn. Chất nôn thường là thức ăn vừa nuốt vào, không kèm dịch vị dạ dày, nhưng đôi khi có thể lẫn ít máu.
  • Tăng tiết nước bọt: Do nuốt nghẹn, nước bọt không thể đi xuống dạ dày cùng thức ăn, khiến người bệnh cảm thấy như có nhiều nước bọt trong miệng và phải thường xuyên nhổ bỏ. 
Đau tức vùng ngực là một trong những biểu hiện ung thư thực quản giai đoạn 2.
Đau tức vùng ngực là một trong những biểu hiện ung thư thực quản giai đoạn 2.

Những triệu chứng trên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn là dấu hiệu cảnh báo cần thăm khám và điều trị kịp thời. Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tư vấn chuyên môn.

3. Cách điều trị ung thư thực quản giai đoạn II

Điều trị ung thư thực quản giai đoạn 2 thường áp dụng phương pháp đa mô thức, tức là kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm tối ưu hóa hiệu quả. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như thể trạng người bệnh, bệnh lý đi kèm, tình trạng dinh dưỡng, tinh thần và nguyện vọng của bệnh nhân. Các hướng dẫn điều trị hiện nay nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và các liệu pháp hỗ trợ khác, đồng thời cần cá thể hóa điều trị dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

3.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để cho hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn IIA (T2N0M0). Mục tiêu là loại bỏ khối u và các hạch bạch huyết lân cận.

  • Quy trình phẫu thuật: Cắt bỏ phần thực quản có khối u và nạo vét các hạch bạch huyết xung quanh. Phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày để duy trì chức năng tiêu hóa. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng một đoạn ruột để thay thế phần thực quản đã cắt bỏ.
  • Hỗ trợ sau phẫu thuật: Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu tế bào học, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bổ sung, chẳng hạn hóa trị hoặc xạ trị, để tăng cường hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát. 
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị ung thư thực quản giai đoạn 2.
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị ung thư thực quản giai đoạn 2.

3.2. Hóa xạ đồng thời (kết hợp hóa trị và xạ trị)

Phương pháp này thường được áp dụng khi khối u đã xâm lấn đến lớp áo ngoài của thực quản (T3) và/hoặc di căn đến 1–2 hạch bạch huyết (N1).

Mục tiêu: Điều trị triệt căn khối u hoặc làm giảm kích thước khối u trước phẫu thuật.

Chỉ định:

  • Bệnh nhân không thể phẫu thuật triệt căn thực quản.
  • Trường hợp cần hóa xạ trước phẫu thuật để tăng khả năng loại bỏ hoàn toàn khối u.

3.3. Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn ngừa sự phát triển và lan rộng của các tế bào.

  • Hình thức sử dụng: Thuốc hóa trị có thể được tiêm tĩnh mạch, uống hoặc kết hợp cả hai.
  • Vai trò trong điều trị: Hóa trị chủ yếu được sử dụng như phương pháp hỗ trợ sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát. 
Trong quá trình điều trị ung thư thực quản giai đoạn II, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc hoá trị để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Trong quá trình điều trị ung thư thực quản giai đoạn II, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc hoá trị để tiêu diệt các tế bào ung thư.

3.4. Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm giảm tốc độ tăng trưởng của tế bào.

Chỉ định:

  • Xạ trị đơn thuần được áp dụng cho những bệnh nhân không đủ điều kiện để thực hiện hóa xạ đồng thời.
  • Trong trường hợp không thể điều trị triệt căn, xạ trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng như đau, nuốt khó.

Việc điều trị ung thư thực quản giai đoạn 2 cần được cá thể hóa dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ung thư để nhận được phác đồ điều trị phù hợp nhất. Chủ động đi khám và chẩn đoán kịp thời sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tỷ lệ điều trị thành công cũng như tăng khả năng hồi phục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ