Ung thư vú có đau không là vấn đề mà nhiều chị em thắc mắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoảng 60% đến 80% khối u vú là lành tính và không gây hại cho sức khỏe. Do đó, phụ nữ cần hiểu rõ các dấu hiệu của ung thư vú để tránh nhận định sai và ảnh hưởng đến tâm lý. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Khối u ở vú là gì?
Khối u vú thường biểu hiện bằng tình trạng sưng tấy và phồng lên một cách bất thường gây đau ở bên trong hoặc xung quanh mô vú và vùng nách. Các khối u này có nhiều hình dạng, kích thước và đặc điểm khác nhau.
Trong đó, khối u có dạng tròn, nhẵn và dễ di chuyển thường là lành tính chiếm từ 60% đến 80%. Ngược lại, các cục u cứng thường cố định và có bề mặt lởm chởm gắn chặt vào da, núm vú và cấu trúc xung quanh có khả năng cao là ác tính.
Để xác định phương pháp điều trị thích hợp cho khối u hoặc sự thay đổi ở vú, người bệnh cần phải được khám và đánh giá sớm. Vậy, ung thư vú có đau không?

2. Ung thư vú có đau không?
Mặc dù hầu hết các trường hợp ung thư vú không gây đau, ngay cả khi có cục sưng trong khuôn ngực. Tuy nhiên, người bệnh vẫn sẽ cảm thấy đau nhói khi ấn vào vùng có khối u, nằm sấp hoặc khi có vật nặng đè lên.
Một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư vú quan trọng là cảm giác đau khi ấn vào vùng có khối u. Để được điều trị hiệu quả và tránh nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiến hành khám và xét nghiệm.

3. Dấu hiệu và cảm giác khối u ung thư vú cần gặp bác sĩ
Nhằm phát hiện kịp thời các thay đổi, người bệnh nên làm quen với cảm nhận khuôn ngực và thực hiện tự kiểm tra tuyến vú hàng tháng sau khi sạch kinh. Những dấu hiệu và thay đổi bất thường về cảm giác ở khuôn ngực sau đây là lý do người bệnh cần đến bác sĩ ngay lập tức.
3.1 Sưng ở ngực hoặc nách
Các khối u cứng, sưng bất thường có hình dạng không đều và cạnh lởm chởm xuất hiện trên khuôn ngực hoặc dưới nách. Nếu không biến mất sau một thời gian theo dõi và gây ra cảm giác đau khi ấn vào thì đây là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú.
3.2 Da ngực lõm và dày lên
Khi khối u nằm sâu trong mô vú, vùng da phía trên sẽ trở nên dày và bị lõm xuống dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
3.3 Núm vú co lại, tấy đỏ, bong tróc hoặc dày lên
Núm vú của chị em sẽ có xu hướng thụt vào bên trong với hình dáng giống lúm đồng tiền kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa và loét. Đồng thời, da quanh núm vú còn bị sưng đỏ, tróc vảy và nhăn nheo bất thường.
3.4 Tiết dịch núm vú
Một dấu hiệu cảnh báo ung thư vú khác là tình trạng tiết dịch bất thường từ một bên vú mà không cần phải bóp và dịch này không phải sữa. Khi ung thư tiến triển đến giai đoạn muộn, khối u sẽ phình to, vỡ ra và tiết dịch mủ có mùi khó chịu kèm theo chảy máu.
3.5 Vú nóng rát, tê hoặc ngứa ran kéo dài nhiều ngày
Khi cảm giác ngứa râm ran, châm chích, nóng rát hoặc tê dai dẳng ở khuôn ngực xuất hiện, chị em nên đi khám sớm tại cơ sở y tế ngay cả khi chưa cảm nhận thấy khối u. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư vú.
4. Yếu tố rủi ro cần lưu ý nếu phát hiện khối u ung thư vú
Một số yếu tố rủi ro sau đây là điều mà chị em cần lưu ý khi phát hiện khối u ung thư tại vú:
- Cảnh báo người thân: Khi phát hiện khối u ác tính ở vú, người bệnh cần nhanh chóng thông báo cho tất cả các thành viên trong gia đình để sớm tiến hành tầm soát ung thư vú, giúp phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu.
- Bỏ hút thuốc, bia rượu: Nếu có khối u ung thư vú, người bệnh phải ngừng sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác vì các loại thức uống này có khả năng làm khối u phát triển nhanh và khó kiểm soát hơn.
- Kiểm soát cân nặng: Khi gặp tình trạng thừa cân hoặc béo phì và đồng thời được phát hiện có khối u ác tính ở ngực, người bệnh hãy cố gắng kiểm soát cân nặng ở mức an toàn. Các mô mỡ, đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh sẽ tham gia vào quá trình sản xuất estrogen. Tình trạng gia tăng estrogen có thể thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khối u ung thư vú.
- Kiểm soát đường huyết: Đối với người bị bệnh tiểu đường, việc tham khảo ý kiến bác sĩ về cách kiểm soát chỉ số đường huyết là rất quan trọng. Nồng độ đường trong máu cao sẽ “hỗ trợ” cho sự phát triển của các khối u ung thư.
- Hoãn kế hoạch có con: Nếu phát hiện mắc ung thư vú trong khi có kế hoạch sinh con, người bệnh nên tạm thời trì hoãn việc này cho đến khi điều trị ung thư xong.
- Cố gắng tăng cường vận động: Vận động thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe và tạo cảm giác thoải mái, đồng thời hỗ trợ trong việc điều trị các loại ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Vì vậy, chị em nên thực hiện một số bài tập như yoga, đi bộ và đạp xe…

Trên đây là tất cả các thông tin giải đáp thắc mắc “ung thư vú có đau không”. Chị em không cần quá lo lắng khi mắc bệnh vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Thay vào đó, khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.