"Uống thuốc dị ứng có hại gan không?" là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi phải sử dụng các loại thuốc chống dị ứng trong thời gian dài. Các loại thuốc như kháng histamin và corticoid tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng gan nếu không được dùng đúng cách. Hãy cùng giải đáp thắc mắc trên về những dấu hiệu cho thấy gan bị ảnh hưởng do dùng thuốc dị ứng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Vinmec.
1. Thuốc dị ứng là gì?
Muốn biết uống thuốc dị ứng có hại gan không, điều quan trọng là hiểu rõ về dị ứng, nguyên nhân gây ra và cách thuốc phát huy tác dụng.
Dị ứng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như yếu tố di truyền, sự thay đổi của thời tiết hoặc môi trường sống. Khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như lông động vật, bụi bẩn, phấn hoa,... hệ miễn dịch sẽ nhận diện chúng là mối đe dọa và giải phóng histamin. Điều này dẫn đến các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban, chảy nước mũi, nước mắt và cảm giác khó chịu. Có hai nhóm thuốc chính thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng dị ứng:
1.1 Nhóm thuốc kháng histamin:
Đây là nhóm thuốc có tác dụng ngăn chặn hoạt động của histamin trong cơ thể và được chia thành hai thế hệ:
- Thế hệ 1: Bao gồm các thuốc như Chlorpheniramin maleat, diphenhydramine hydrochloride, Brompheniramine maleat, hydroxyzine hydrochloride,… Các thuốc thế hệ 1 thường gây buồn ngủ và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Thế hệ 2: Bao gồm các thuốc như Fexofenadin, Loratadin, Cetirizin hydroclorid, Acrivastin,… Thuốc thế hệ 2 ít gây buồn ngủ hơn, thường được sử dụng trong điều trị dị ứng dài hạn.

1.2 Nhóm thuốc corticoid
Các thuốc corticoid như Dexamethasone, Fluocinolone, Triamcinolone, Cortibione,… có tác dụng chống viêm, giảm dị ứng, giúp làm lành vết mẩn đỏ, ngứa. Nhóm thuốc này có nhiều dạng chế phẩm như kem bôi, thuốc nhỏ mắt, xịt mũi, thuốc uống, mỡ bôi da và thuốc tiêm. Liều dùng sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và độ tuổi của bệnh nhân. Vậy uống thuốc dị ứng có hại gan không?
2. Uống thuốc dị ứng có hại gan không?
Gan là cơ quan quan trọng đảm nhận nhiều chức năng phức tạp, trong đó giải độc và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể là vai trò chính yếu. Tuy nhiên, gan rất dễ bị tổn thương do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.
Các nguyên nhân khách quan có thể gây tổn thương gan bao gồm hệ miễn dịch yếu hoặc rối loạn chuyển hóa, trong khi các yếu tố chủ quan thường là do lạm dụng rượu, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc sử dụng thuốc lâu dài. Những thói quen này có thể khiến gan bị ngộ độc, dẫn đến suy gan, viêm gan và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây hoại tử gan.

Trong số các nguyên nhân gây tổn thương gan, viêm gan do thuốc hiện đang rất phổ biến, chiếm khoảng 10% các trường hợp phản ứng phụ do thuốc gây ra.
Theo nhiều chuyên gia y tế cho biết, một số loại thuốc có thể gây hại cho gan, làm tăng men gan AST và ALT, bao gồm các thuốc kháng sinh, kháng khuẩn, kháng nấm, thuốc điều trị lao, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ mỡ máu, vitamin, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và thuốc kháng histamin dùng trong điều trị dị ứng.
Thuốc có thể gây tổn thương gan qua hai cơ chế chính:
- Do cơ địa dị ứng với thuốc: Những người có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử gia đình bị dị ứng dễ bị tổn thương gan ngay cả khi dùng thuốc với liều lượng nhỏ, vì cơ thể phản ứng quá mức với thuốc.
- Do dùng thuốc quá liều hoặc kéo dài: Khi dùng thuốc quá liều hoặc dùng trong thời gian dài, thuốc sẽ tích tụ tại gan, gây ngộ độc và làm tổn thương hệ thống giải độc, từ đó làm giảm khả năng thải độc của gan và phá hủy tế bào gan.
Ngoài ra, một số người có thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, tự điều chỉnh liều lượng hoặc kết hợp các loại thuốc không phù hợp. Về lâu dài, thói quen này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng gan.

3. Những dấu hiệu cho thấy gan bị ảnh hưởng do dùng thuốc dài ngày
Tùy thuộc vào cơ chế gây tổn thương gan (do dị ứng thuốc hoặc do sử dụng quá liều, dài ngày), các dấu hiệu của tổn thương gan có thể xuất hiện sau vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tháng sau khi dùng thuốc. Trong nhiều trường hợp, tổn thương gan do thuốc không có triệu chứng rõ ràng, mọi người chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm máu (kết quả cho thấy men gan tăng).
Với những người phải dùng thuốc điều trị bệnh mãn tính dài hạn (như lao, tiểu đường, trầm cảm…), các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nổi mẩn. Sau đó, bệnh nhân có thể gặp những dấu hiệu rõ ràng hơn của tổn thương gan như vàng da, nước tiểu sẫm màu, khó thở, đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.
Bài viết đã giải đáp thỏa đáng thắc mắc “uống thuốc dị ứng có hại gan không”, đồng thời cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác. Tóm lại, trong quá trình sử dụng thuốc lâu dài, nếu có biểu hiện nghi ngờ tổn thương gan, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân cần khai báo đầy đủ về tiền sử bệnh, tình trạng dị ứng và quá trình sử dụng thuốc để bác sĩ có thể đánh giá chính xác mức độ tổn hại của gan và đề ra phương pháp điều trị phù hợp và an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.