Vì sao mới chạy bộ hay bị đau bụng?

Mục lục

Hiện tượng đau bụng khi chạy bộ thường xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những người mới chạy bộ. Nhìn chung, mức độ đau bụng khi chạy bộ ở mỗi người sẽ khác nhau. Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp bạn sớm có biện pháp khắc phục được tình trạng này.

1. Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng đau bụng khi chạy bộ?

Tình trạng đau bụng khi chạy bộ có thể xảy ra do một số yếu tố khác nhau. Khi bạn chạy, cơ thể sẽ bắt đầu vận động, các cơ quan cũng hoạt động theo cường độ chạy của bạn. Khi chạy bị đau bụng có thể là do các cơ hoặc hệ cơ bên dưới lớp mỡ phải vận động quá sức và co bóp với tốc độ mạnh mẽ, khiến cho bạn cảm thấy đau ở vùng bụng dưới và thường tự biến mất khi bạn ngừng chạy sau một khoảng thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, bệnh viêm xương mu (viêm khớp nơi xương mu gặp nhau) cũng được xem là một nguyên nhân khác gây ra tình trạng đau bụng khi chạy bộ. Cơn đau cũng có thể lan xuống bìu ở nam giới. Khớp khi chạm vào có cảm giác hơi mềm. Điều này thường liên quan đến tình trạng viêm các cơ phụ hông bên trong đùi. Khi cơ bụng bị căng, bạn sẽ cảm thấy đau mỗi khi gập bụng.

Dây thần kinh vướng ở bụng dưới cũng có thể gây đau bụng khi chạy bộ và vận động, tuy nhiên đây không phải là một vấn đề phổ biến. Ngoài ra, tình trạng gãy xương mu do căng thẳng cũng có thể khiến cho những người chạy bộ bị đau bụng. Trong trường hợp này, bạn sẽ cảm nhận được độ mềm của xương khi chạm vào. Một trong các cơ quan ở bụng hoặc xương chậu có vấn đề cũng được xem là nguyên nhân gây đau khi vận động.

Nhằm giúp làm giảm tình trạng đau bụng khi chạy bộ do bệnh viêm xương mu, bạn nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và bắt đầu thực hiện các biện pháp điều trị thích hợp. Viêm xương mu thường được điều trị bằng vật lý trị liệu, đôi khi bệnh nhân có thể được tiêm cortisone. Tình trạng viêm xương mu có thể phải mất nhiều thời gian (khoảng vài tháng) để được giải quyết.

Một nguyên nhân khác cũng có thể khiến những người chạy bộ bị đau bụng là tình trạng co thắt cơ hoành. Cơ hoành là một trong các cơ có hình vòm, nằm duỗi thẳng và hoạt động theo mỗi nhịp của cơ thể. Do đó, mỗi khi bạn chạy bộ với cường độ quá cao sẽ khiến cho cơ hoành co thắt mạnh mẽ và liên tục gây ra hiện tượng đau thắt vùng bụng bên trái hoặc bên phải theo mỗi nhịp thở. Trong trường hợp này, bạn nên ngừng chạy bộ và chuyển sang việc đi bộ chậm rãi kết hợp với kỹ thuật thở đều. Điều này sẽ giúp cho cơ hoành của bạn giãn ra và làm giảm bớt mức độ đau bụng khi chạy bộ của bạn.


Chạy bị đau bụng có thể do tình trạng co thắt cơ hoành
Chạy bị đau bụng có thể do tình trạng co thắt cơ hoành

2. Bạn cần làm gì để tránh đau bụng khi chạy bộ?

Để làm giảm tình trạng đau bụng khi chạy bộ do hiện tượng co thắt cơ hoành, bạn nên kết hợp việc chạy bộ với vận động tay, cố gắng vươn cánh tay về cùng phía xuất hiện các cơn đau và đặt nó ra phía sau đầu. Điều này sẽ giúp các cơ hoành được kéo giãn và ngăn chúng không bị co thắt lại.

Uống nước đúng cách cũng là một trong những bước quan trọng trong quá trình chạy bộ. Việc uống nước có thể giúp cơ thể bổ sung lại lượng chất lỏng đã bị mất đi trong quá trình tập luyện. Tuy nhiên, uống nước cũng cần phải đúng cách để không làm ảnh hưởng đến hiệu suất chạy của bạn.

Khi bạn uống quá nhiều nước, sức ép của nước có thể gây áp lực lên các dây chằng và tạo ra những cơn đau xóc ở phần hông khi chạy. Tốt nhất, bạn không nên uống nhiều nước khi chạy bộ, thay vào đó chỉ nên uống khi cảm thấy thực sự khát. Ngoài ra, bạn cần tránh tiêu thụ các loại nước hoa quả mà nên chọn lựa uống nước khoáng.

Khi bạn chạy bộ, quá trình hô hấp sẽ diễn ra khó khăn hơn và cơ thể bạn thường có nhu cầu về lượng oxy lớn hơn. Việc hít thở khó khăn được xem là nguyên nhân khiến các cơ hoành và một số cơ khác bị co thắt, gây ra hiện tượng xóc và đau bụng khi chạy bộ. Để khắc phục được tình trạng này, khi nhận thấy hơi thở trở nên ngắn và nông hơn, bạn nên chuyển sang chạy chậm dần để điều chỉnh nhịp thở, từ đó tạo điều kiện cho cơ thể nhận được nhiều lượng oxy hơn.

Chạy bộ sai tư thế cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng đau bụng khi chạy bộ. Do đó, khi chạy bạn không nên dồn toàn bộ người về phía trước, vì điều này có thể gây áp lực lên màng bụng và dẫn đến các cơn đau ở vùng bụng. Tốt nhất, trong quá trình chạy bộ, bạn nên vung hai tay về phía sau để tạo một tư thế thẳng cho cơ thể, giúp các màng bụng không bị căng khi bạn hít thở.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: runnersworld.com

Chia sẻ