Viêm gan A và Viêm gan B là hai trong số các bệnh viêm gan virus phổ biến nhất trên toàn cầu, mỗi loại mang những đặc điểm riêng biệt cũng như các con đường lây nhiễm khác nhau. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng về hai loại viêm gan này không chỉ giúp chúng ta phòng tránh hiệu quả mà còn là bước đệm quan trọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị và tiêm chủng phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm gan là gì?
Trước khi tìm hiểu sự khác biệt giữa Viêm gan A và Viêm gan B, hãy cùng tìm hiểu viêm gan A là gì.
Viêm gan là tình trạng viêm của gan, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như lạm dụng rượu, chấn thương, phản ứng tự miễn hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Có năm loại virus viêm gan chính được biết đến là A, B, C, D và E, mỗi loại có những đặc điểm cũng như đường lây truyền riêng.
Một số loại virus viêm gan này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, suy gan hoặc thậm chí là ung thư gan. Khi gan bị tổn thương, khả năng lọc và loại bỏ độc tố của cơ thể sẽ suy giảm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

2. Viêm gan A
Viêm gan A là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan A (HAV) gây ra, biểu hiện với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Virus này tấn công các tế bào biểu mô gan, làm suy giảm chức năng gan. Bệnh viêm gan A phổ biến ở các quốc gia đang phát triển và khu vực nhiệt đới - nơi điều kiện vệ sinh thường không đảm bảo.
Tại Việt Nam, bệnh viêm gan A xảy ra không đồng đều. Các ổ dịch chủ yếu xuất hiện ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên - nơi mà điều kiện vệ sinh kém là một yếu tố góp phần vào sự lây lan của virus.
Một điểm đáng chú ý là hơn 90% người trưởng thành ở Việt Nam đã từng nhiễm virus viêm gan A ít nhất một lần trong đời và hầu hết các ca nhiễm không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Do đó, đa số người trưởng thành đã phát triển kháng thể tự nhiên, giúp cơ thể được bảo vệ suốt đời trước virus này.

3. Viêm gan B
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan và có thể dẫn đến suy gan hoặc thậm chí là tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 2 tỷ người trên toàn cầu từng nhiễm virus này và khoảng 400 triệu người đang sống với viêm gan B mãn tính, 1.5 triệu ca mới được phát hiện hàng năm. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 20% dân số đã nhiễm virus viêm gan B.
Viêm gan B mãn tính là nguyên nhân chính gây ra suy gan, xơ gan và ung thư gan. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai và tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn cho những trường hợp mãn tính là tương đối thấp. Do đó, mục tiêu chính trong việc quản lý bệnh là ngăn ngừa nhiễm HBV, phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ để điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
4. Viêm gan A và Viêm gan B: Đường lây bệnh và triệu chứng
Viêm gan A và Viêm gan B đều là các bệnh do virus gây ra và tác động đến gan, nhưng cả hai có những đặc điểm lây truyền cùng hậu quả khác nhau đáng kể. Viêm gan B truyền qua đường máu và các dịch cơ thể khác, trong khi viêm gan A thường lây qua đường phân-miệng, chủ yếu do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
Điều quan trọng cần lưu ý là viêm gan B không lây lan qua các tương tác bình thường như nắm tay hay ăn uống chung. Tuy nhiên, viêm gan A có thể lây lan nếu người bị nhiễm bệnh chế biến thực phẩm, liên quan trực tiếp đến vệ sinh cá nhân và điều kiện vệ sinh yếu kém.
Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng cấp tính, thường tồn tại trong thời gian ngắn và hầu hết người nhiễm virus sẽ hồi phục hoàn toàn. Các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, sốt, nước tiểu sẫm màu và đau bụng. Trong khi đó, trẻ em dưới 6 tuổi thường không có triệu chứng rõ ràng. Một khi hồi phục, người bệnh sẽ phát triển kháng thể chống lại virus, ngăn ngừa sự tái nhiễm. Mặc dù viêm gan A ít khi gây ra tổn thương gan lâu dài, nhưng trong một số trường hợp hiếm, tình trạng này vẫn có thể dẫn đến suy gan cấp tính.
Trái ngược với viêm gan A, viêm gan B có thể bắt đầu như một bệnh nhiễm trùng ngắn hạn nhưng có thể tiến triển thành bệnh mãn tính hoặc suốt đời, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm từ mẹ. Viêm gan B mãn tính là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan trên toàn cầu và có thể dẫn đến các bệnh gan nghiêm trọng khác như xơ gan.
Việc xét nghiệm viêm gan B trong thai kỳ là rất quan trọng để ngăn ngừa lây truyền virus từ mẹ sang con, qua đó giảm nguy cơ phát triển bệnh mãn tính ở trẻ.
5. Phòng ngừa Viêm gan A và Viêm gan B
Việc tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất chống lại cả Viêm gan A và Viêm gan B. Nếu chưa được tiêm vắc-xin và nghi ngờ đã tiếp xúc với virus viêm gan A, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương để được xét nghiệm.
Trong trường hợp đã ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, sở y tế có thể giúp xác định nguồn lây nhiễm và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Dựa vào thời điểm phơi nhiễm, người bệnh có thể được chỉ định điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), bao gồm một liều vắc-xin hoặc thuốc miễn dịch đối với viêm gan A.

Đối với viêm gan B, những người chưa tiêm vắc-xin và có nguy cơ tiếp xúc cũng được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin phòng bệnh (PEP - post-exposure prophylaxis). Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm vắc-xin kết hợp với một liều globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) để tăng hiệu quả bảo vệ.
CDC cũng khuyến nghị tất cả trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ có kháng nguyên bề mặt viêm gan B dương tính (HBsAg dương tính) cần được tiêm cả một liều vắc-xin viêm gan B và một liều HBIG trong vòng 12 giờ đầu sau sinh để phòng ngừa lây nhiễm.
Vắc-xin Viêm gan A và Viêm gan B có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài. Vắc-xin viêm gan A thường được tiêm hai liều trong vòng sáu tháng, trong khi vắc-xin viêm gan B được tiêm ba liều trong sáu tháng.
CDC khuyến nghị những người mắc bệnh viêm gan B mãn tính nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan A để bảo vệ khỏi nhiễm trùng gan khác và giảm nguy cơ tổn thương gan. Bên cạnh đó, việc duy trì các biện pháp vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay thường xuyên cũng là phương pháp phòng ngừa quan trọng nhưng tiêm vắc-xin vẫn là cách bảo vệ tốt nhất.
Những thông tin trên cũng đã cho thấy Viêm gan A và Viêm gan B có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Việc hiểu rõ những khác biệt này không chỉ giúp chúng ta nhận biết sớm bệnh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.