Viêm khớp háng uống thuốc gì và biện pháp điều trị hiệu quả

Mục lục

Viêm khớp háng uống thuốc gì sẽ phải tùy vào các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, mức độ nghiêm trọng của bệnh mà từ đó bác sĩ đưa ra chẩn đoán và chỉ định biện pháp điều trị thích hợp để tránh gây ra biến chứng bất ngờ. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về các loại thuốc điều trị cùng các biện pháp khác giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm khớp háng là nỗi khổ của người lớn tuổi

Tình trạng đau khớp háng khá phổ biến, đặc biệt là những người cao tuổi. Khớp háng là bộ phận nối giữa xương chậu với xương đùi, giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể và chi dưới di chuyển linh hoạt. Khi sụn ở khớp háng bị mòn hoặc hư hỏng, xương ở khớp bắt đầu cọ xát với nhau, gây viêm khớp háng.  

Điều này làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Để xác định viêm khớp háng uống thuốc gì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân và triệu chứng của bệnh để bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. 

Viêm khớp háng là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.
Viêm khớp háng là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.

2. Những dấu hiệu cần lưu ý của bệnh viêm khớp háng

Nếu cảm thấy đau khi đi lại, gặp khó khăn khi xoay người, gập người hoặc dạng háng, đó có thể là dấu hiệu của viêm khớp háng. Một triệu chứng khác là cảm giác tê cứng ở đùi sau khi thức dậy hoặc ngồi quá lâu. Đây là những dấu hiệu ban đầu của viêm khớp háng ở giai đoạn nhẹ.  

Nếu không được điều trị, cơn đau có thể nặng hơn kèm theo cảm giác nóng rát ở vùng bẹn, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Ở giai đoạn nặng, cơn đau xuất hiện nhiều vào buổi sáng và chiều tối, làm hạn chế khả năng đi lại của người bệnh. Lúc này, khớp háng có thể bị thoái hóa và teo lại, dẫn đến nguy cơ liệt vĩnh viễn hai chân.

3. Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng

Muốn biết viêm khớp háng uống thuốc gì cần phải tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến chúng ta bị viêm khớp háng:

3.1. Gặp chấn thương trong sinh hoạt và tập luyện

Các hoạt động như chạy bộ, nhảy hoặc đổi hướng đột ngột khi đang chạy có thể gây đau khớp háng. Ngồi hoặc nằm ngủ sai tư thế cũng làm tăng nguy cơ đau khớp háng dẫn đến viêm. Bên cạnh đó, người thường xuyên mang vác đồ vật nặng trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao bị căng cơ háng, dẫn đến viêm khớp háng.

3.2. Viêm khớp háng trong lúc mang thai

Phụ nữ đang mang thai và sau sinh là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc viêm khớp háng khá cao. Trong quá trình mang thai, cơ thể sản phụ có những thay đổi về nội tiết tố và cân nặng. Thai nhi phát triển khiến cho phần bụng trở nên nặng hơn, phần khớp ở háng chịu lực tác động trong một thời gian dài, dẫn tới sụn ở khớp bị hao mòn theo thời gian. Đây cũng là nhóm đặc biệt chú trọng đến việc viêm khớp háng uống thuốc gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi. 

Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị viêm khớp háng.
Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị viêm khớp háng.

3.3. Viêm khớp háng do các bệnh lý khác

Viêm khớp háng không chỉ là một tình trạng bệnh riêng biệt mà còn có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác về cơ xương khớp:

  • Viêm khớp vảy nến: Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, sưng và cứng ở khu vực khớp háng.
  • Thoát vị bẹn: Xảy ra khi lớp niêm mạc hoặc ruột bị mắc kẹt ở ống bẹn, gây sức ép lên cơ vùng háng, dẫn tới nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng khớp: Thường xảy ra ở những người trên 80 tuổi, biểu hiện qua tình trạng đau háng dữ dội mỗi khi đi lại, bị sưng tấy và nóng đỏ quanh hông, có thể kèm theo sốt cao.
  • Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Là tình trạng tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi, có thể do tự phát hoặc do chấn thương. Được phát hiện chủ yếu thông qua chụp X-quang.
  • Viêm cột sống dính khớp: Tình trạng viêm mãn tính, thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Bệnh trở nặng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như tim, gan, phổi và khu vực khớp háng.
  • Khối u: Một tình trạng tương đối hiếm gặp khi khối u xuất hiện ở vùng cơ đùi trong, cực kì nguy hiểm và cần phải tích cực điều trị.

3.4. Viêm khớp háng sau phẫu thuật

Các trường hợp gặp tai nạn phải tiến hành phẫu thuật phần hông trở xuống, nếu không có một chế độ nghỉ ngơi và tập luyện hợp lý có thể dẫn tới tình trạng khớp háng bị viêm cũng như tổn thương, gây đau nhức khó chịu.  

4. Viêm khớp háng uống thuốc gì và các biện pháp khác

Với câu hỏi viêm khớp háng uống thuốc gì, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán tình trạng bệnh để có những chỉ định cụ thể. Ngoài dùng thuốc Tây y còn có thể áp dụng các bài thuốc Đông y, mặc dù hiệu quả chậm hơn khá nhiều. Trường hợp nghiêm trọng có thể áp dụng phẫu thuật, vật lý trị liệu hoặc phương pháp trị liệu thần kinh cột sống.

4.1. Dùng thuốc kê đơn

Với trường hợp viêm khớp háng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol khá phổ biến, thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) như ibuprofen, acetaminophen và naproxen nhằm kiểm soát cơn đau. Thuốc giảm viêm Steroid cũng có tác dụng hạn chế các cơn đau kéo dài.  

Viêm khớp háng uống thuốc gì đều phải theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm khớp háng uống thuốc gì đều phải theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó là thuốc Dmard chống thấp khớp, làm chậm quá trình phá hủy và bào mòn sụn khớp. Một loại thuốc khác có thể dùng dưới dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào cơ thể là Corticoid, giảm viêm nhiễm và ngăn ngừa quá trình viêm khớp.

4.2. Vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật

Bên cạnh việc tham khảo ý kiến bác sĩ xem viêm khớp háng uống thuốc gì, người bệnh cũng có thể thực hiện những biện pháp vật lý trị liệu. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, tái tạo mô khớp để giảm viêm. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật, với một số phương pháp thường áp dụng là phẫu thuật bảo tồn hông, hợp nhất khớp, phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp háng và tái tạo bề mặt hông.

4.3. Trị liệu thần kinh cột sống

Đây là một liệu pháp tương đối mới, khi bác sĩ chuyên khoa nắn chỉnh cấu trúc xương khớp háng bị sai lệch về đúng vị trí ban đầu. Cách này có thể giúp kích hoạt khả năng tự chữa lành của cơ thể. Liệu pháp này chủ yếu áp dụng khi người bệnh bị thoái hóa khớp hoặc lệch cấu trúc xương khớp.

Viêm khớp háng có thể gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng với sự chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, duy trì chất lượng cuộc sống. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, kết hợp giữa thuốc, vật lý trị liệu, và các liệu pháp khác là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị để đảm bảo sức khỏe khớp háng của bạn được chăm sóc tốt nhất. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ