Viêm khớp vảy nến ở bàn chân khi không điều trị có thể dẫn đến đau và cứng khớp, gây đau, sưng tấy và có thể làm biến dạng bàn chân hoặc tổn thương vĩnh viễn. Từ đó, mục tiêu của việc điều trị là giảm viêm, giảm đau và ngăn ngừa chấn thương vĩnh viễn. Bác sĩ thường sử dụng thuốc chống viêm, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm và thuốc sinh học để điều trị bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Triệu chứng viêm khớp vảy nến ở bàn chân
Đau, sưng ở bàn chân cũng như cứng khớp là các triệu chứng phổ biến của viêm khớp vảy nến (PsA). Những triệu chứng bệnh thường trở nên nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian không cử động, chẳng hạn như sau khi bệnh nhân vừa thức dậy.
Viêm khớp vảy nến gây đau ở phía sau gót chân (viêm gân Achilles) hoặc ở lòng bàn chân (viêm cân gan chân). Cơn đau và sưng chân chỉ xuất hiện trong giai đoạn bệnh bùng phát và giảm dần khi bệnh thuyên giảm.
Viêm khớp vảy nến cũng có thể dẫn đến các thay đổi ở móng chân. Những thay đổi này bao gồm móng chân đổi màu, rỗ móng (có các vết lõm nhỏ trên móng) hoặc móng tách ra khỏi nền móng.
2. Cách kiểm soát cơn đau chân do bệnh vảy nến
2.1 Uống thuốc
Thuốc sinh học và các loại thuốc chống thấp khớp có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp vảy nến ở bàn chân. Khi bệnh nhân dùng đúng liều lượng theo chỉ định, các loại thuốc này sẽ hỗ trợ kiểm soát tổn thương khớp, giúp giảm đau chân.
2.2 Chọn giày phù hợp
Người bệnh nên tránh đi giày cao gót và giày có mũi hẹp vì sẽ gây áp lực lớn lên đôi chân đang đau nhức và sưng tấy. Thay vào đó, bệnh nhân hãy chọn giày hở mũi hoặc giày có mũi rộng để đôi chân được thoải mái hơn.

Để tăng thêm sự thoải mái, bệnh nhân có thể sử dụng miếng đệm mềm để lót chân. Những miếng lót này sẽ:
- Hỗ trợ đôi chân tốt hơn.
- Tăng cường sự thoải mái.
- Giảm áp lực lên đôi chân của bệnh nhân.
2.3 Tập thể dục
Tập thể dục hàng ngày có thể cải thiện các triệu chứng viêm khớp vảy nến ở bàn chân bằng cách giữ cho các khớp linh hoạt và giảm bớt trọng lượng lên đôi chân. Tuy nhiên, chạy bộ có thể làm tăng đau nhức,
Thay vì chạy bộ, bệnh nhân có thể lựa chọn bơi lội vì nước ấm giúp làm dịu các khớp đau và sức nổi giảm áp lực lên chân.

Đi xe đạp hoặc sử dụng máy tập elip là những lựa chọn tập luyện phù hợp cho người bị viêm khớp vẩy nến. Ngoài ra, bệnh nhân hãy luyện các động tác giãn cơ vài lần một tuần, nhất là những vùng dễ bị đau như gân Achilles và cân gan chân ở lòng bàn chân. Bên cạnh đó, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bệnh nhân các bài tập giãn cơ và những bài tập an toàn cho khớp.
2.4 Kiểm soát cân nặng
Bàn chân của bệnh nhân phải chịu đựng trọng lượng cơ thể và thừa cân làm tăng thêm áp lực lên đôi chân. Hơn nữa, mô mỡ tiết ra các chất gây viêm, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm khớp vảy nến (PsA). Vì vậy, bệnh nhân nên cố gắng duy trì cân nặng hợp lý bằng cách tuân thủ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tập thể dục thường xuyên. Nếu bệnh nhân khó kiểm soát cân nặng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
2.5 Nghỉ ngơi
Khi bị đau, hãy cho đôi chân được nghỉ ngơi. Bệnh nhân hãy ngồi xuống và kê cao chân lên ghế nhiều lần trong ngày để giảm sưng.
2.6 Ngâm chân trong nước ấm
Ngâm chân trong nước ấm pha với một chút muối Epsom có thể giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, hãy tránh ngâm chân quá lâu vì để chân tiếp xúc với nước trong thời gian dài có thể làm khô da và gây viêm khớp vảy nến.
2.7 Uống thuốc giảm đau
Người bệnh nên cân nhắc sử dụng thuốc chống viêm không steroid dạng uống hoặc dạng bôi như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen (Aleve). Những loại thuốc giảm đau này giúp giảm sưng đau ở bàn chân cũng như ở các vùng khác.

2.8 Cắt móng chân ngắn
Để tránh móng vướng vào vớ và bị kéo ra, hãy cắt móng ngắn cũng như dùng dũa móng để làm cho bề mặt móng trở nên mịn màng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi cắt móng để không cắt quá sâu vì điều này có thể làm tổn thương da và gây nhiễm trùng.
2.9 Chườm nước đá
Chườm lạnh có thể thu hẹp các mạch máu giúp giảm viêm và sưng, đồng thời tạo cảm giác tê trên da. Bệnh nhân có thể chườm túi đá trên chân khoảng 10 phút mỗi lần, thực hiện vài lần trong ngày. Người bệnh cần lưu ý quấn trước túi đá bằng một lớp khăn để bảo vệ da.
Một mẹo nhỏ nếu bệnh nhân bị viêm cân gan chân là lăn một chai nước lạnh qua lòng bàn chân. Điều này không chỉ giúp làm dịu da mà còn tạo cảm giác mát-xa nhẹ nhàng.
2.10 Tiêm steroid
Việc tiêm Corticosteroid có thể giúp giảm sưng tấy ở các khớp bị viêm. Bác sĩ có thể tiêm trực tiếp vào các khớp bàn chân bị ảnh hưởng trong giai đoạn bùng phát của bệnh.
3. Những câu hỏi thường gặp
3.1 Những dấu hiệu đầu tiên của viêm khớp vảy nến là gì?
Các triệu chứng ban đầu bao gồm đau khớp, sưng và nóng.
3.2 Điều gì làm bùng phát bệnh viêm khớp vảy nến nặng hơn?
Một trong những yếu tố chính góp phần gây ra bệnh viêm khớp vảy nến ở bàn chân là áp lực lên chân.
Viêm khớp vảy nến ở bàn chân có thể gây ra nhiều đau đớn và khó chịu nhưng với việc nhận biết sớm các triệu chứng cũng như áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp, người bệnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là hợp tác chặt chẽ với bác sĩ và chuyên gia để có phương pháp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.