Công dụng của rau mùi tàu

Cây mùi tàu hay được gọi với tên khác là cây ngò gai. Đây chính là loại rau thơm rất quen thuộc giúp làm tăng hương vị cho nhiều món ăn. Ngoài ra, mùi tàu còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe.

1. Đặc điểm chung về cây mùi tàu

1.1. Mô tả thực vật

  • Cây rau mùi là loại cây thân thảo sống hàng năm.
  • Thân cây mọc đứng có nhiều khía, độ cao trung bình khoảng 15 – 40cm, nhiều lần rẽ đôi.
  • Lá cây mọc sát đất thành hình hoa thị ở gốc.
  • Phiến lá dạng hình mác hẹp, thuôn dài, không có cuống.
  • Mép lá khía tai bèo với nhiều răng có gai khá sắc.
  • Lá ở trên thân càng lên phía trên ngọn càng ngắn dần, nhỏ dần, có nhiều răng cưa và gai sắc hơn.
  • Các lá ở trên xẻ 3 – 7 thùy ở chóp cây và có nhiều gai.
  • Hoa của cây mùi tàu thành đầu hình trụ hay dạng hình trứng. Hoa có màu trắng, mọc thành tán, gồm 5 – 7 lá bắc hình mũi mác dẹt, mỗi bên có 1 – 2 răng và một gai ở chóp.
  • Quả mùi tàu gần giống hình cầu, hơi dẹt, đường kính khoảng 2mm, chứa nhiều hạt bên trong. Khi già, quả rụng và phát tán hạt.
  • Toàn thân cây mùi tàu có mùi thơm của tinh dầu.

1.2. Phân bố

Cây mùi tàu có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới ở châu Mỹ. Ở nước ta, cây mùi tàu mọc hoang, phổ biến ở nơi đất ẩm thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc. Cây mùi tàu cũng thường được trồng nhiều trong vườn các gia đình để làm rau gia vị.

1.3. Bộ phận dùng làm dược liệu, thu hái, chế biến, bảo quản

  • Bộ phận được dùng làm dược liệu là: cả cây.
  • Thu hái: có thể thu hái rau mùi tàu quanh năm
  • Chế biến: Rau mùi tàu có thể dùng dưới dạng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm để dùng dần
  • Bảo quản: Rau mùi tàu sau khi sơ chế cần bảo quản và cất giữ thuốc ở những nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Tránh những nơi ẩm thấp làm hư hại thuốc; đồng thời, cũng cần tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm mất giá trị của tinh dầu trong thuốc.
cây mùi tàu
Cây mùi tàu thường được sử dụng như một loại rau gia vị

2. Rau mùi tàu có tác dụng gì?

Rau mùi tàu có vị hơi đắng, cay, tính ấm và có mùi thơm. Hiện nay chưa có nghiên cứu về quy kinh của cây mùi tàu.

Theo tài liệu Y Học Cổ Truyền cây mùi tàu có tác dụng như:

  • Rau mùi tàu có tác dụng tiện kỳ, sơ phong thanh nhiệt;
  • Hành khí tiêu thũng, giảm đau;
  • Thông khí, giải nhiệt và giải độc;
  • Kích thích khả năng tiêu hóa, khử mùi hôi.

Theo những nghiên cứu của Y Học Hiện Đại:

  • Hữu ích cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ chữa đầy hơi và giảm khó tiêu;
  • Hỗ trợ điều trị một số bệnh da liễu như mụn nhọt, mẩn ngứa hay nám;
  • Kích thích sự bài tiết của thận, đồng thời hạ nồng độ cholesterol trong máu;
  • Điều trị ho có đờm, cảm mạo, cúm và sốt nhẹ;
  • Hỗ trợ làm giảm cảm giác nóng rát cũng như sưng đau ở mắt;
  • Hỗ trợ tốt việc trao đổi chất trong cơ thể.

Rau mùi tàu không chỉ được sử dụng để làm rau gia vị trong bữa ăn hằng ngày mà còn được dùng làm vị thuốc trong điều trị nhiều bệnh. Rau mùi tàu dùng được cả ở dạng tươi hay dạng khô.

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà liều lượng rau ngò gai sẽ có sự khác biệt. Khi áp dụng các bài thuốc, bạn cần chú ý tuân thủ đúng liều lượng được khuyến cáo để nhận được kết quả tốt nhất.

3. Uống nước rau mùi tàu có tác dụng gì?

Uống nước rau mùi tàu có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe con người như chữa bệnh hôi miệng, trị nám da và điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa. Mặt khác, nước rau mùi tàu có nguyên liệu dễ chuẩn bị và khá dễ uống.

3.1. Tác dụng chữa hôi miệng

  • Chuẩn bị: Khoảng 30g rau mùi tàu tươi
  • Thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu rau mùi tàu rồi đem đun sôi với khoảng 200ml nước. Bạn có thể thêm vài hạt muối rồi dùng nước này để súc miệng. Nên áp dụng uống nước rau mùi tàu thường xuyên 3 lần/ngày và đều đặn trong khoảng 1 tuần liên tục nhất định sẽ giúp hơi thở thơm tho hơn.

3.2. Tác dụng trị nám da

Chuẩn bị: khoảng một nắm rau mùi tàu tươi.

Thực hiện: Đem thái vụn rau mùi tàu tươi và ngâm vào nước ấm trong vòng 2 tiếng. Lọc bỏ phần bã rau và dùng nước cốt để thoa đều lên vùng mặt liên tục khoảng 15 – 20 phút. Mỗi ngày, bạn nên sử dụng 2 lần vào sáng sớm và lúc chuẩn bị đi ngủ.

3.2. Tác dụng điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa

  • Chuẩn bị: 1 nắm rau mùi tàu ở dạng tươi.
  • Thực hiện: Đem rửa sạch rau mùi tàu đã chuẩn bị ở trên rồi giã và ép lấy phần nước. Mỗi ngày uống nước rau mùi tàu khoảng từ 3 – 5 lần và mỗi lần chỉ uống 1 – 2 muỗng. Bài thuốc này có thể giúp điều trị tình trạng ăn không tiêu, viêm ruột kết và bệnh viêm gan.
cây mùi tàu
Cây mùi tàu có một số công dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh lý

4. Những bài thuốc khác từ rau mùi tàu

4.1. Điều trị mụn đỏ, mẩn ngứa trên da cho trẻ em

  • Chuẩn bị: 1 nắm rau mùi tàu tươi.
  • Thực hiện: Rau mùi tàu giã nát rồi ép lấy nước cốt và bôi trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Chú ý đến những phản ứng trên da trẻ, nếu có kích ứng thì lập tức ngừng bôi và rửa sạch với nước ngay.

4.2. Điều trị bệnh mụn bọc, mụn trứng cá

  • Chuẩn bị: 1 thìa nước ép rau mùi tàu và 1 thìa bột nghệ.
  • Thực hiện: Trộn đều 2 nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên với nhau rồi bôi trực tiếp lên vùng da mặt trước khi đi ngủ. Bạn nên bôi đều đặn mỗi ngày sẽ giúp làn da nhanh chóng được cải thiện, sáng mịn hơn.

4.3. Bài thuốc chữa bệnh cảm cúm

  • Chuẩn bị: 40g rau mùi tàu, 20g ngải cứu, 20g cúc tần và 10g gừng tươi.
  • Thực hiện: Các nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên đem rửa sạch và để ráo nước. Riêng gừng tươi cần đập dập và thái nhỏ. Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi nước và sắc chung với khoảng 400ml nước. Sắc thuốc nhỏ lửa đến khi nước thuốc rút còn khoảng 100ml thì tắt bếp và chắt ra uống khi thuốc còn đang ấm. Bạn có thể dùng với tần suất là mỗi ngày 2 lần để nhận được kết quả tốt nhất.

4.4. Điều trị đầy hơi, khó chịu, tức bụng do ăn nhiều chất đạm

  • Chuẩn bị: 50g mùi tàu và 3 lát gừng tươi đập dập.
  • Thực hiện: Mùi tàu và gừng tươi đem rửa sạch rồi cho vào ấm thuốc sắc chung với khoảng 500ml nước. Bạn tiếp tục sắc thuốc đến khi còn khoảng 200ml thì chắt ra chia làm đôi và uống 2 lần/ngày khi còn ấm nóng. Sau đó, chia làm dùng 2 lần cách nhau khoảng 4 tiếng là tốt nhất và đều đặn trong 3 ngày liên tục.

4.5. Bài thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy

  • Chuẩn bị: 20g rau mùi tàu, 12g sả, 12g tía tô, 12g gừng tươi.
  • Thực hiện: Các dược liệu đã chuẩn bị ở trên đem rửa sạch và sắc chung với nước để uống. Khi bị đau bụng kèm tiêu chảy, bạn có thể uống hằng ngày thay thế cho nước lọc.

4.6. Chữa trị chứng đái dầm ở trẻ em

  • Chuẩn bị: 20g mùi tàu, 20g rau ngổ, 20g cỏ mần trầu và 10g cỏ sữa lá.
  • Thực hiện: Tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc cùng với khoảng 500ml nước. Khi lượng thuốc đun rút còn khoảng 150ml thì tắt bếp. Mỗi ngày cho trẻ uống chỉ 1 lần vào sau bữa tối trong khoảng 7 – 10 ngày liên tục. Nếu tình trạng đái dầm của trẻ chưa được khắc phục có thể lặp lại liệu trình mới khoảng từ 1 – 2 lần nữa.

4.7. Bài thuốc điều trị bệnh sởi ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: 1 nắm rau mùi tàu tươi.
  • Thực hiện: Với trẻ sơ sinh: Đem giã nát rau mùi tàu tươi rồi sao nóng sau đó cho vào tấm khăn để áp nhẹ lên cơ thể của trẻ. Do trẻ sơ sinh có làn da mỏng và nhạy cảm, bạn cần chú ý đến nhiệt độ để tránh khiến da trẻ tổn thương bởi nhiệt.
  • Với những trẻ lớn hơn mà có thể ăn uống được. Dùng mùi tàu sắc nước cho trẻ uống hàng ngày sẽ giúp kích thích các nốt sởi nhanh lên cũng như nhanh khỏi hơn.

5. Một số lưu ý khi sử dụng rau mùi tàu trong điều trị bệnh

  • Phụ nữ đang mang thai nên kiêng sử dụng rau mùi tàu.
  • Những người bị bệnh đau dạ dày nên dùng dưới dạng xay hoặc ép nước sẽ đỡ bị kích ứng hơn dùng trực tiếp.
  • Người cơ địa có da mỏng, dễ kích ứng thì nên cẩn thận khi dùng trực tiếp trên da do tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi có tính gây kích ứng da.
  • Hạn chế dùng rau mùi tàu cho những người đang bị hen phế quản hoặc viêm phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Không nên ăn thịt lợn với mùi tàu, dễ gây khó tiêu, đầy bụng
  • Không nên ăn nội tạng động vật với rau mùi tàu, sẽ khiến cơ thể sinh ra những ion đồng và sắt làm giảm giá trị dinh dưỡng có trong thức ăn, thậm chí là gây ngộ độc thức ăn vô cùng nguy hiểm.

Rau mùi tàu là loại rau gia vị phổ biến trong mâm cơm của nhiều gia đình, và cũng là một vị thuốc hữu ích. Tuy nhiên, những người có bệnh nên đi thăm khám tại các bệnh viện có khoa Đông Y để được tư vấn cách sử dụng dược liệu và sinh hoạt một cách hợp lý nhất. Tránh trường hợp tự ý sử dụng thuốc có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

123.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan