Tác dụng của cây sâm cau

Còn được biết với cái tên Ngải cau, cây sâm cau với nhiều tác dụng khác nhau đang được sử dụng rộng rãi trong Đông y hay để ngâm rượu. Nhưng không có nhiều người biết được hết tác dụng của cây sâm cau và cách sử dụng nó trong những bài thuốc dân gian hay chế biến món ăn bổ dưỡng như thế nào. Thông tin về cây sâm cau có tác dụng gì sẽ có trong bài viết dưới đây.

1. Cây sâm cau là gì?

Cây sâm cau là loài cây thân thảo, sống nhiều năm, có chiều cao từ 20 - 30cm hoặc cao hơn. Trên thế giới, Sâm cau có nhiều ở Phía nam Trung Quốc, Lào và một số nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây phân bố nhiều ở Miền Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng...) và một số nơi có đồi núi ở Lâm Đồng.

Loại cây thân thảo này ưa sáng, mọc hoang dã.

Đặc điểm của loại cây này:

  • Phần thân rễ hình trụ dài, mọc thẳng, hai đầu thót lại, mang nhiều rễ phụ có dạng giống như thân rễ.
  • Lá cây tụ họp lại thành túm xuất phát từ thân rễ, xếp nếp giống như lá cau, có hình mũi mác hẹp, dài chừng 20-30cm, rộng khoảng 2,5-3cm, phần gốc thuôn, có đầu nhọn, hai mặt lá nhẵn gần như cùng màu, gân song song nổi rất rõ; phần bẹ lá to và dài; phần cuống lá dài khoảng 10cm.
  • Cụm hoa mọc trên một cán ngắn ở phần kẽ lá, mang từ 3 đến 5 hoa có màu vàng, lá bắc có hình trái xoan, đài hoa 3 răng có lông; tràng hoa 3 cánh nhẵn; có nhị 6, xếp thành hai dãy, chỉ nhị hoa ngắn; bầu hoa hình thoi, có lông.
  • Quả nang, dáng thuôn, dài chừng 1,2 – 1,5 cm. Hạt có từ 1 đến 4 hạt, phình ở phần đầu.
  • Mùa hoa quả: tháng 5 đến 7.

Phần sử dụng: Thân rễ cây thu hoạch quanh năm, sau khi đào về cần ngâm nước vo gạo để khử bớt chất độc rồi mới đem phơi khô.

Thành phần hoá học của cây sâm cau:

  • Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ (căn hành), có tên dược liệu là tiên mao (Rhizoma Curculiginis). Người ta thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu. Củ tiên mao có vỏ màu đen, thịt bên trong có màu trắng, khi phơi củ sâm có mùi thơm ngậy.
  • Khi đào lấy củ về, thường phải loại bỏ những rễ con, đem rửa sạch, cạo bỏ phần vỏ ngoài, ngâm với nước vo gạo một đêm để khử độc, rồi mới phơi hoặc sấy khô.
  • Trong thân rễ sâm cau có chứa tinh bột, tanin, chất nhầy, acid béo, beta-sitosterol, stigmasterol và các các chất thuộc nhóm cycloartan, hợp chất flavonoid.
  • Cây sâm cau là dược thảo có chứa steroid thiên nhiên, có tác dụng dạng như testosteron (một loại nội tiết tố sinh dục nam)

2. Cây sâm cau có tác dụng gì?

2.1. Theo Đông y

Theo cuốn “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi thì sâm cau có vị thơm nhẹ, tính ấm; vào 3 kinh Thận, Can và Tỳ. Có tác dụng ôn bổ thận khí, tráng dương, mạnh gân cốt, ôn trung, táo thấp, tán ứ, trừ hàn thấp, mạnh gân cốt, điều hòa tiêu hóa. Chủ điều trị liệt dương, yếu sinh lý, tinh lạnh, tiểu tiện không cầm được, chân tay, lưng lạnh.

2.2. Theo Tây y

Sâm cau có tác dụng tăng cường miễn dịch, nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể trong điều kiện thiếu ô-xy; chống oxy hóa, tăng cường khả năng thích nghi trong điều kiện khắc nghiệt, tăng cường hoạt động của tim, làm giãn mạch vành...

Ngoài ra, còn có tác dụng như hormone sinh dục nam (thí nghiệm tiêm cồn thuốc tiên mao cho chuột đã bị cắt 2 tinh hoàn, với liều 10g/kg, thấy trọng lượng của túi tinh tăng lên rõ ràng).

2.3. Những người nên dùng sâm cau

  • Bệnh nhân mắc chứng bệnh liệt dương, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, vô sinh
  • Bệnh nhân bị suy giảm chức năng tình dục
  • Người cao tuổi thường bị chân tay tê mỏi, đau nhức xương khớp
  • Người khoẻ mạnh bình thường không có bệnh vẫn có thể sử dụng sâm cau để tăng cường khả năng tình dục.

3. Chú ý khi dùng Sâm cau

  • Là vị thuốc có tính táo nhiệt, dễ làm thương âm, nên những ngày thời tiết quá nóng và những người “âm hư hỏa vượng” không nên sử dụng.
  • Sâm cau dùng liều cao và kéo dài sẽ gây cường dương mạnh, dẫn tới hao tổn tinh lực.
  • Người “âm hư hỏa vượng” thường có những biểu hiện: Họng khô miệng háo, mắt hoa, chóng mặt, gò má đỏ ửng hoặc sốt cơn về buổi chiều, lòng bàn chân bàn tay nóng, mất ngủ, phiền táo, mồ hôi trộm, đại tiện táo; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít; mạch tế sác (nhỏ nhanh) không nên dùng cây sâm cau.
  • Những người thể trạng kém, quá hư yếu cũng không nên dùng.

4. Bài thuốc và món ăn từ cây Sâm cau

4.1. Sâm cau ngâm rượu

Bài thuốc này giúp điều trị phong thấp, liệt dương, bổ thận tráng dương, lưng lạnh đau, thần kinh suy nhược).

Cách ngâm rượu sâm cau khô:

  • Chuẩn bị: Sâm cau thái mỏng, sao vàng 1kg; Mật ong 200ml; Rượu trắng 4 lít
  • Thực hiện: Ngâm tất cả nguyên liệu trên trong bình thuỷ tinh trong thời gian 1 tuần trở lên là có thể sử dụng được.

Có thể ngâm chung Sâm cau với dâm dương hoắc và ba kích với tỷ lệ:

  • Sâm cau 1kg - Dâm dương hoắc 0,5kg - Ba kích 0,5kg
  • Mật ong 200ml
  • Rượu trắng 5 lít

Tất cả các vị trên ngâm chung với nhau từ 1 tháng trở lên là có thể dùng được.

Trong dân gian, khi ngâm rượu tắc kè với chim bìm bịp, người ta thường cho thêm cả sâm cau để tăng thêm tác dụng bổ thận tráng dương.

Ngâm rượu sâm cau tươi

  • Chuẩn bị: 1kg rễ Sâm cau tươi, 3 lít Rượu trắng 45 độ
  • Thực hiện: Rễ sâm cau sau khi đào về, rửa sạch, sơ chế, ngâm nước vo gạo 1 đêm. Rồi đem ngâm trong thời gian 10 ngày trở lên là dùng được.

(Lưu ý: Khi ngâm Sâm cau tươi cần chọn loại rượu có độ cao, bởi rễ sâm tươi có chứa khá nhiều nước, nếu chọn rượu nhẹ sâm sẽ rất dễ bị thối).

Mỗi lần uống 1 ly nhỏ dùng trước bữa ăn, ngày 2 lần.

4.2. Món ăn từ sâm cau

Thịt gà hầm sâm cau:

Tác dụng: tăng cường sinh lực, bổ khí huyết, bổ thận dương, khai trừ phong thấp. Bài thuốc rất có lợi cho nam giới bị rối loạn cương dương thể thận dương hư, người cao tuổi bị đau lưng mỏi gối.

  • Chuẩn bị: 250g thịt gà, 15g sâm cau, 15g dâm dương hoắc. Gia vị các loại vừa đủ theo nhu cầu.
  • Thực hiện: thịt gà đem rửa sạch, cắt với miếng vừa ăn, ướp gia vị, để chừng 20 phút cho thấm đều. Sâm cau và dâm dương hoắc đem rửa sạch.

Tất cả cho vào trong nồi đất, cho lượng nước vừa đủ, hầm đến khi thịt gà chín mềm. Nêm lại gia vị cho vừa ăn. Nên dùng món ăn này khi còn nóng.

Sâm cau hầm thịt lợn:

Tác dụng: bổ thận tráng dương cường sinh lực, chữa nam giới vô sinh do tinh dịch bất thường

  • Chuẩn bị: 15g Sâm cau, 200g thịt lợn, Gia vị các loại vừa đủ theo nhu cầu.
  • Thực hiện: thịt lợn đem rửa sạch, thái miếng vừa phải như kho, ướp gia vị để khoảng 15-20 phút cho ngấm đều. Sâm cau đem rửa sạch.

Tất cả cho vào trong nồi đất, cho lượng nước vừa đủ, hầm đến khi thịt lợn chín mềm hoặc theo nhu cầu. Nêm lại gia vị cho vừa ăn. Nên dùng món ăn này khi còn nóng.

4.3. Bài thuốc từ Sâm cau

Chữa hen hay tiêu chảy:

  • Rễ sâm cau đem phơi khô, xắt thành lát mỏng, nhỏ, rồi sao vàng.
  • Nấu 250ml nước với 12 đến 16 gam rễ Sâm cau, sắc đến khi còn 50ml, uống trước bữa ăn, một lần trong ngày.

Chữa tê thấp, đau nhức toàn thân:

  • Chuẩn bị: Rễ sâm cau 20g, hà thủ ô đỏ (chế đậu đen) 20g, hy thiêm thảo (cỏ đĩ) 20g. Rượu trắng 500ml.
  • Thực hiện: tất cả các dược liệu đem xắt mỏng, nhỏ, ngâm với rượu trắng, trong 7 – 10 ngày (hoặc càng lâu càng tốt).
  • Cách dùng: Ngày uống hai lần, mỗi lần 30ml, trước bữa ăn.

Chữa sốt xuất huyết:

  • Chuẩn bị: Sâm cau 20g (sao đen), cỏ mực 12g, trắc bá diệp 10g (sao đen), chi tử 8g (sao đen).
  • Thực hiện: Nấu với 600ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày, trước mỗi bữa ăn.

Chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng:

  • Chuẩn bị: Sâm cau 20g, sâm bố chính, trâu cổ (sung thằn lằn), câu kỷ tử, ngưu tất, tục đoạn, thạch hộc, hoài sơn, ba kích thiên, mỗi thứ đều 12g; nữ trinh tử, ngũ gia bì mỗi thứ 8g.
  • Thực hiện: Tất cả rửa sạch, xắt lát mỏng, nhỏ, phơi hoặc sấy khô, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Bài thuốc “Nhị tiên thang” gồm:

  • Chuẩn bị: Sâm cau (tiên mao), dâm dương hoắc (tiên linh tỳ), đương quy, ba kích, mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Nấu với 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Bài thuốc này dùng chữa bệnh cao huyết áp, thích hợp với nam giới bị liệt dương do thận dương suy, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan