Các loại rối loạn cong cột sống

Cột sống, hoặc xương sống, được tạo thành từ các xương nhỏ (đốt sống) xếp cùng với các đĩa đệm, chồng lên nhau. Cột sống bình thường khi nhìn từ mặt bên có dạng là những đường cong nhẹ, tự nhiên. Những đường cong này giúp cột sống hấp thụ và triệt tiêu các áp lực từ chuyển động cơ thể và trọng lực.

Khi nhìn từ phía sau, cột sống phải chạy thẳng trục và nằm giữa lưng. Khi có bất thường của tại cột sống, độ cong tự nhiên của cột sống bị sai lệch hoặc tăng độ cong ở một số vị trí nhất định, xuất hiện trong các bệnh lý như tật ưỡn cột sống (lordosis), tật gù lưng (kyphosis) và vẹo cột sống (scoliosis).

1. Sơ lược giải phẫu cột sống

1.1. Đặc điểm chung

Cột sống có từ 32 - 34 đốt và chia thành 5 đoạn, bao gồm: đoạn cổ, đoạn ngực, đoạn thắt lưng, đoạn cùng và đoạn cụt.

Mỗi đốt sống gồm có thân đốt, cuống sống, hai mỏm ngang, một mỏm gai (gai sau) và bốn mỏm khớp (hai khớp mấu sống trên và hai khớp mấu sống dưới).

1.2. Đặc điểm riêng của từng đoạn cột sống

1.2.1. Đốt sống cổ (có 7 đốt)

  • Thân đốt nhỏ, rộng bề ngang.
  • Cuống sống không dính vào mặt sau mà dính vào mặt bên của thân đốt.
  • Mỏm ngang có lỗ cho động mạch đốt sống đi qua. Đỉnh mỏm gai tách làm 2 (trừ đốt sống cổ 7).
  • Đốt cổ 1 hay còn gọi là đốt đội (atlas) không có thân đốt sống, chỉ có hai cung nối với nhau bởi khối bên.
  • Đốt sống cổ 2 hay còn gọi là đốt trục (axis) có thân nhỏ, phía trước thân nhô lên một mỏm dài khoảng 1,5 cm gọi là mỏm nha.

Ngoài hệ thống các khớp liên mấu sống, cột sống cổ còn có khớp mấu bán nguyệt (khớp Luschka).

Đốt sống ngực
Đốt sống ngực

1.2.2. Đốt sống ngực (có 12 đốt)

Mỏm gai dài đi chếch xuống dưới, mỏm ngang có diện khớp với đầu xương sườn, để tạo thành khớp sống sườn.

1.2.3. Đốt sống thắt lưng (có 5 đốt)

  • Thân đốt sống to, rộng ngang.
  • Cuống đốt sống dày.
  • Mỏm ngang thắt lưng 3 dài nhất.
  • Mỏm gai hình chữ nhật.

1.2.4. Đốt sống cùng

Có 5 đốt dính vào nhau thành một khối xương cùng tạo với xương chậu thành hai khớp cùng - chậu.

1.2.5. Đốt sống cụt

Có 3 - 5 đốt nhỏ tạo thành xương cụt hình tam giác.

Đốt sống cụt
Đốt sống cụt

1.3. Cấu tạo đĩa đệm

Đĩa đệm là một hình thấu kính hai mặt lồi, dày từ 3 đến 9mm, rất đàn hồi, được cấu tạo từ các lớp sụn và vòng sợi. Các vòng sợi đan chéo nhau thành các lớp đồng tâm. Chiều cao của đĩa đệm ở cột sống cổ là khoảng 3mm, ở cột sống ngực là 5mm, ở cột sống thắt lưng là 9mm. Tổng chiều cao của 24 đĩa đệm chiếm khoảng 1/4 chiều cao cột sống.

Đĩa đệm không cản quang trên phim chụp X quang thường. Trong lòng đĩa đệm có nhân nhầy. Nhân nhầy hình cầu hoặc hình bầu dục, được các lớp vòng sợi bao bọc xung quanh. Nhân nhầy thường nằm ở vị trí 2/3 sau của đĩa đệm.

1.4. Ống tủy

Ống tủy do các lỗ sống chồng lên nhau tạo thành, ở đoạn cổ và thắt lưng rộng, ở đoạn ngực hẹp. Ống tủy có hình tam giác, trừ đoạn ngực hình tròn. Chiều ngang được xác định bằng khoảng cách giữa hai chân cuống sống trên phim thẳng, chiều rộng trước - sau được xác định bằng khoảng cách giữa mặt sau thân đốt với mặt trước của mấu khớp dưới.

Ngoài ra, cột sống còn có các cấu trúc tăng cường sự vững chắc bao gồm các dây chằng dọc trước, dọc sau, dây chằng vàng và dây chằng liên gai.

2. Các loại rối loạn cong cột sống là gì?

Có ba loại rối loạn cong cột sống chính, bao gồm:

  • Ưỡn cột sống (lordosis). Cũng được gọi là swayback, cột sống của một người bị lordosis có độ cong ra trước đáng kể ở phần lưng dưới.
  • Gù cột sống (Kyphosis) được đặc trưng có độ cong bất thường ra trước ở phần lưng trên (độ cong hơn 50).
  • Vẹo cột sống (Scoliosis) là tình trạng bên cột sống không thẳng trục và cong về hai bên. Đường cong thường có hình chữ S hoặc hình chữ C.

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn độ cong cột sống?

Trượt đốt sống thắt lưng ra trước
Trượt đốt sống thắt lưng

Có một số vấn đề sức khỏe có thể khiến cột sống cong hơn bình thường hoặc bị lệch.

3.1. Các điều kiện sau đây có thể gây ra bệnh ưỡn cột sống (lordosis)

  • Loạn sản sụn xương (Achondroplasia) là một rối loạn trong đó xương không phát triển bình thường, dẫn đến chậm phát triển chiều cao và cấu trúc xương bất thường.
  • Trượt đốt sống thắt lưng (Spondylolisthesis) là tình trạng trong đó một đốt sống, thường ở lưng dưới, trượt về phía trước.
  • Loãng xương, một tình trạng mà các đốt sống trở nên mỏng manh và có thể dễ dàng bị phá vỡ (gãy xương dạng đè nén).
  • Béo phì nặng.
  • Gù cột sống, bất thường độ cong ở phần lưng trên.
  • Viêm đĩa đệm. Viêm phần cấu trúc sụn giữa các đốt xương cột sống, thường gặp do nhiễm trùng.
  • Ưỡn cột sống lành tính ở trẻ nhỏ.

3.2. Các điều kiện sau đây có thể gây ra bệnh gù cột sống (kyphosis)

  • Sự phát triển đốt sống bất thường ở trong phôi thai (kyphosis bẩm sinh)
  • Tư thế xấu hoặc vận động sai tư thế (kyphosis do tư thế)
  • Bệnh Scheuermann, một tình trạng do sự thoái hoá sụn xương ở độ tuổi thiếu niên (Scheuermann's kyphosis)
  • Viêm khớp
  • Loãng xương
  • Nứt đốt sống (spina bifida), một khuyết tật bẩm sinh trong đó cột sống của thai nhi không đóng hoàn toàn trong quá trình phát triển bên trong tử cung
  • Nhiễm trùng cột sống
  • Khối u cột sống

Nguyên nhân gây ra loại vẹo cột sống phổ biến nhất được thấy ở thanh thiếu niên vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các bác sĩ biết rằng vẹo cột sống có xu hướng di truyền trong gia đình. Một bệnh lý, chấn thương, nhiễm trùng, hoặc dị tật bẩm sinh cũng có thể là nguyên nhân gây nên gù cột sống.

4. Các triệu chứng của rối loạn độ cong cột sống là gì?

bệnh kyphosis
Bệnh kyphosis

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn cong cột sống và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

4.1. Các triệu chứng của bệnh ưỡn cột sống có thể bao gồm

  • Xuất hiện phần lưng ưỡn cong so với với phần mông rõ rệt hơn
  • Có một khoảng cách lớn giữa lưng dưới và sàn khi nằm ngửa trên một bề mặt cứng, không thay đổi khoảng cách này khi bạn cúi về phía trước
  • Đau lưng và cảm giác khó chịu
  • Hạn chế vận động trong một số tư thế nhất định

4.2. Các triệu chứng của bệnh kyphosis bao gồm

  • Phần đầu cúi về phía trước nhiều hơn so với phần còn lại của cơ thể
  • Xuất hiện khối gồ hoặc cong ở phần lưng trên
  • Đau ở lưng hoặc chân

Gù do tư thế thường không có triệu chứng đau lưng; tuy nhiên, gù do các hoạt động thể chất hoặc do đứng trong thời gian dài và ngồi lâu có triệu chứng khó chịu vùng lưng ở những người mắc bệnh gù Scheuermann.

4.3. Các triệu chứng vẹo cột sống có thể bao gồm

  • Xương bả vai không cân đối, một xương cao so với xương ở phía đối diện
  • Vòng eo hoặc hông không đều
  • Tư thế luôn có xu hướng nghiêng về một phía

5. Rối loạn độ cong cột sống được điều trị như thế nào?

Thuốc giảm đau
Sử dụng thuốc giảm đau và sưng điều trị bệnh ưỡn cột sống

Nói chung, điều trị được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng và loại rối loạn độ cong cột sống. Độ cong cột sống nhẹ, như xảy ra với tình trạng gù tư thế, có thể không cần điều trị ở hầu hết trường hợp. Độ cong cột sống nặng hơn có thể được điều trị bằng nẹp lưng hoặc phẫu thuật.

5.1. Điều trị bệnh ưỡn cột sống có thể bao gồm

  • Thuốc giảm đau và sưng
  • Tập thể dục và vật lý trị liệu để tăng sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp
  • Đeo nẹp lưng
  • Giảm cân
  • Phẫu thuật

5.2. Điều trị bệnh gù cột sống có thể bao gồm

  • Tập thể dục và thuốc chống viêm để giảm đau hoặc sự khó chịu
  • Đeo nẹp lưng
  • Phẫu thuật để điều chỉnh độ cong cột sống nghiêm trọng và bệnh gù bẩm sinh
  • Các bài tập và vật lý trị liệu để tăng sức mạnh cơ bắp

5.3. Điều trị vẹo cột sống có thể bao gồm

  • Điều trị theo dõi. Nếu mức độ cong nhẹ, bác sĩ có thể chọn kiểm tra tình trạng cột sống sau mỗi bốn đến sáu tháng để xem mức độ cong có trở nên tồi tệ hơn không.
  • Đeo nẹp. Tùy thuộc vào mức độ cong vẹo cột sống, một số trường hợp có thể chỉ định đeo nẹp lưng ở trẻ em và thanh thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển. Đeo nẹp có thể giúp ngăn ngừa mức độ cong vẹo trở nên nặng hơn.
  • Phẫu thuật. Nếu mức độ cong nghiêm trọng và ngày càng xấu hơn, đôi khi cần phải phẫu thuật.
  • Bó bột thân mình, là phương pháp sử dụng bột để cố định vai đến thân dưới ở trẻ em và được thực hiện dưới gây mê. Bột được thay thế cứ sau mỗi vài tháng và kéo dài cho đến 3 năm. Bó bột thân mình được chỉ định ở trẻ nhỏ khi mức độ cong vẹo cột sống trở nên nặng hơn khi chúng lớn lên.

Các chương trình tập thể dục, điều trị chỉnh hình, kích thích điện và bổ sung dinh dưỡng chưa được chứng minh để ngăn ngừa tình trạng vẹo cột sống trở nên xấu hơn. Các phương pháp này chỉ góp phần trong tăng cường sức khoẻ và dẻo dai của cơ thể nhằm duy trì chức năng bình thường.

6. Những loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị rối loạn độ cong cột sống?

Phẫu thuật tạo hình cột sống
Phẫu thuật tạo hình cột sống

Các thủ tục sau đây có thể được sử dụng để điều trị rối loạn cong cột sống:

  • Phẫu thuật đặt phương tiện vào cột sống. Các dụng cụ như móc, nẹp và dây được gắn vào cột sống để sắp xếp lại xương cột sống và cố định cột sống sau khi nắn chỉnh cột sống.
  • Thay đĩa đệm nhân tạo. Các thoái hóa vị đĩa đệm ở cột sống được thay thế bằng các thiết bị nhân tạo.
  • Phẫu thuật tạo hình cột sống (Kyphoplasty). Một quả bóng được đưa vào bên trong cột sống để làm thẳng trục, ổn định lại cấu trúc giải phẫu ở khu vực bị ảnh hưởng và giảm đau.

7. Làm thế nào để nhận biết nếu bị rối loạn độ cong cột sống?

Bác sĩ có thể chẩn đoán rối loạn độ cong cột sống bằng hỏi về tiền sử bệnh và gia đình, kiểm tra độ cong cột sống bằng thăm khám và sử dụng các xét nghiệm hình ảnh, như tia X, để khảo sát kỹ hơn về cột sống. X-quang có thể cho thấy nếu có bất kỳ bất thường nào đối với xương cột sống và cũng có thể đo được độ cong của xương sống.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn có bất thường về cột sống hoặc có tư thế vận động bất thường liên quan đến cột sống, hãy đến gặp bác sĩ để bạn có thể được đánh giá và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan