Bệnh thoát vị đĩa đệm có chữa được không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Duy - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Triệu chứng điển hình nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm là triệu chứng đau kèm tê lan từ mông xuống cẳng chân, có thể kèm theo yếu chân, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc. Vậy chữa bệnh thoát vị đĩa đệm như thế nào?

1. Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể được kiểm soát tốt nếu điều trị đúng cách

Theo các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, điều trị thoát vị đĩa đệm không phải là làm cho đĩa đệm trở về bình thường. Điều trị thoát vị đĩa đệm là giúp bệnh nhân thoát khỏi các triệu chứng do thoát vị đĩa đệm gây ra. Thăm khám sớm và điều trị đúng cách có thể giúp bệnh thoát khỏi những cơn đau, cũng như tránh các biến chứng teo cơ, yếu chân.

Nguyên tắc để điều trị thoát vị đĩa đệm là lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với giai đoạn bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm nội khoa (điều trị bằng thuốc), vật lý trị liệu, can thiệp thần kinh và phẫu thuật.

2. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, sẽ có cách chữa thoát vị đĩa đệm phù hợp. Các phương pháp điều trị hiện nay là:

2.1.Điều trị không dùng thuốc

Các phương pháp bao gồm massage, liệu pháp nhiệt, châm cứu, nắn chỉnh cột sống, vật lý trị liệu thường áp dụng trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm gây tình trạng đau lưng cấp tính (thời gian đau dưới 4-6 tuần). Các phương pháp trên có thể giúp bệnh nhân giảm các cơn đau nhức do thoát vị đĩa đệm gây ra.

  • Liệu pháp nhiệt

Có thể thực hiện cả chườm nóng và chườm lạnh để giảm đau thoát vị đĩa đệm. Tuân thủ nguyên tắc chung là chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị chấn thương và sau đó thì nên thực hiện chườm nóng. Một số trường hợp có thể luân phiên sử dụng cả chườm nóng và chườm lạnh để có hiệu quả tốt hơn.

  • Vật lý trị liệu

Liệu pháp xung điện, massage, tác động cột sống... có thể giúp tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ bắp, cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm hiệu quả. Bài tập vật lý trị liệu giúp kéo căng toàn bộ cột sống, đồng thời giúp tăng sản xuất endorphin - chất dẫn truyền thần kinh hoạt động tương tự như một loại thuốc giảm đau tự nhiên, giúp người bệnh cải thiện cơn đau.

2.2.Điều trị bằng thuốc

Mục đích dùng thuốc chữa thoát vị đĩa đệm là nhằm giảm các triệu chứng và đỡ khó chịu hơn.

  • Thuốc giảm đau không kê đơn

Trường hợp các cơn đau nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc giảm đau thông thường như Acetaminophen (Tylenol và một số loại khác), Ibuprofen (Advil, Motrin IB và một số loại khác) hoặc Naproxen sodium (Aleve).

  • Thuốc giãn cơ

Trường hợp bị co thắt cơ, có thể được chỉ định các thuốc chữa thoát vị đĩa đệm có tác dụng giãn cơ như eperisone, mephenesin... Thời gian sử dụng thường ngắn ngày. Tuy nhiên, thuốc có thể có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ, choáng váng và mệt mỏi...

  • Thuốc giảm đau Opioid

Nếu các loại thuốc nêu trên không giúp giảm cơn đau do thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các thuốc Opioid trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, người bệnh có thể phải chịu các tác dụng không mong muốn như gây nghiện, buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn và táo bón...

2.3.Can thiệp thần kinh tiêm Steroid

Nếu các phương pháp nói trên áp dụng đơn lẻ hoặc đã kết hợp mà không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc Steroid vào vị trí quanh dây thần kinh cột sống.

Dưới hướng dẫn của máy C-arm (chụp X-quang cột sống), bác sĩ đưa kim vào đúng vị trí cạnh đường đi của dây thần kinh. Khi đó, bệnh nhân, hoàn toàn tỉnh táo, thực hiện các động tác theo yêu cầu của bác sĩ trước khi bác sĩ bơm thuốc steroid. Thuốc này giúp giảm tình trạng viêm dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm gây nên, giúp người bệnh giảm các triệu chứng, đi lại dễ dàng hơn. Biến chứng tổn thương rễ thần kinh xung quanh, dị ứng thuốc...có tỷ lệ rất thấp.

2.4. Phẫu thuật chữa khỏi thoát vị đĩa đệm

Phần lớn thoát vị đĩa đệm không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cần phẫu thuật nhằm tránh các di chứng nghiêm trọng như: Yếu chân nhiều, đi lại khó khăn, tiểu không tự chủ (són tiểu khi ho, hắt hơi hoặc cười), điều trị các phương pháp bảo tồn sau khoảng 4 - 6 tuần mà không cải thiện. Thông qua phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ khối thoát vị gây nên triệu chứng. Tỷ lệ thành công lên đến hơn 90%. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ tái phát khoảng 5-10%.

Với sự phát triển của y học hiện nay, thoát vị đĩa đệm có thể điều trị một cách hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, để dự phòng thoát vị đĩa đệm xảy ra người bệnh cần kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục để nâng cao sức khỏe cột sống.

2.5 Sử dụng thảo dược tự nhiên hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm

Hiện nay, ngoài điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc Tây y thì nhiều người cũng đã tìm đến các loại thảo dược tự nhiên với mong muốn tránh được các cơn đau nhức tái phát, làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp cột sống đĩa đệm khỏe mạnh.

Nổi bật trong số đó là sự kết hợp độc đáo giữa dầu vẹm xanh và các thảo dược quý như thiên niên kiện, nhũ hương giúp nâng cao hiệu quả giảm đau, kháng viêm, cải thiện triệu chứng thoát vị đĩa đệm như đau lưng, tê buốt tay chân hiệu quả.

Tinh chất được chiết xuất từ con sò vẹm xanh có tác dụng giảm đau, kháng viêm do chứa các hoạt chất sinh học như PA (acid eicosapentaenoic), DHA ( acid docosahexaenoic), enzyme cyclooxygenase (COX). Ngoài ra, dầu vẹm xanh chứa rất nhiều GAGs (acid hyaluronic, keratin sulfate, chondroitin sulfate) là thành phần chính của sụn và chất lỏng hoạt dịch giúp bôi trơn sụn khớp cũng như giúp tái tạo sụn khớp, giảm đau, kháng viêm. Từ đó làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa cột sống, đồng thời ngăn ngừa thoát vị xảy ra tại vị trí khác.

Hiệu quả của dầu vẹm xanh đã được chứng mình trên nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện 108 và đăng trên Tạp chí Y dược lâm sàng 108. Trong đó, việc phối hợp giữa điều trị vật lý trị liệu và dầu vẹm xanh đem lại kết quả điều trị tốt hơn (giảm đau tốt hơn) ở các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm so với điều trị vật lý trị liệu đơn thuần. Vì thế, dầu vẹm xanh có thể xem là một lựa chọn khi bị thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ và trung bình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan