Biến chứng sau thay khớp vai có thể gặp

Phẫu thuật thay khớp vai là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân bị tổn thương khớp nặng hoặc bị viêm khớp xương vai. Sau phẫu thuật, biến chứng có thể xảy ra nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn hoặc do cơ thể phản ứng với thuốc.

1. Các biến chứng có thể gặp sau khi thay khớp vai

1.1. Gây mê/ gây tê

Hầu như tất cả phẫu thuật dù lớn hay nhỏ thì các bác sĩ đều sử dụng thuốc gây mê hoặc gây tê trước khi tiến hành mổ. Vì vậy, một số ít trường hợp có thể gặp vấn đề với thuốc gây mê. Người bệnh có thể phản ứng với các loại thuốc đã sử dụng, quy trình thực hiện gây mê hoặc những vấn đề liên quan đến các biến chứng y tế khác. Do đó trước khi tiến hành gây mê và phẫu thuật, bệnh nhân cần phối hợp tốt với ekip y bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

1.2. Nhiễm trùng

Biến chứng thay khớp vai có thể xảy ra do nhiễm trùng sau phẫu thuật, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe bạn. Mặc dù tỷ lệ biến chứng xảy ra là rất thấp, nhưng không đồng nghĩa rằng không hề có rủi ro. Nhiễm trùng có thể xuất hiện sau khi phẫu thuật vài ngày hoặc thậm chí sau phẫu thuật 2 - 3 tháng.

Những khu vực bị nhiễm trùng có nguy cơ lan ra các khớp nhân tạo. Khi nhiễm trùng lưu trú trong khớp, hệ miễn dịch gần như không thể loại bỏ nó. Vì thế, các bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm vi trùng sang các khớp nhân tạo.

1.3. Lỏng khớp

Những trường hợp thay khớp vai nhân tạo bị thất bại chủ yếu do lỏng ở phần kim loại hoặc xi măng kết nối với xương. Lỏng khớp nhân tạo sẽ gây ra đau khớp vai. Những cơn đau khiến bệnh nhân không thể chịu nổi, đòi hỏi cần tiến hành một cuộc phẫu thuật khác để sửa chữa khớp vai nhân tạo.

Hiện nay dù đã có nhiều tiến bộ lớn trong việc kéo dài tuổi thọ của các khớp vai nhân tạo, song vẫn còn rất nhiều trường hợp bị lỏng khớp vai và cần làm thêm phẫu thuật với kỹ thuật thay khớp vai khác tốt hơn. Các khớp vai nhân tạo có xu hướng bị lỏng sớm hơn khớp gối nhân tạo.

1.4. Khớp bị trật

Như các khớp vai thật, các khớp vai nhân tạo cũng có thể bị trật khớp, chủ yếu là trật khỏi ổ khớp. Sau khi phẫu thuật, nếu các mô chưa lành xung quanh khớp mới thì vẫn nguy cơ trật khớp. Các khớp nhân tạo có nguy cơ trật khớp cao hơn bình thường. Để tránh trường hợp này, bác sĩ trị liệu của bạn sẽ hướng dẫn cách làm thế nào để tránh các hoạt động và tư thế có xu hướng gây ra trật khớp vai. Khớp vai có thể bị trật nhiều lần dù đã phẫu thuật nên bạn cần lưu ý khi vận động và di chuyển để không ảnh hưởng đến khớp vai vừa phẫu thuật.

biến chứng thay khớp vai
Khớp vai nhân tạo có thể bị trật gây biến chứng thay khớp vai

1.5. Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh

Nách là nơi chứa các dây thần kinh và mạch máu lớn di chuyển đi qua cánh tay hay bàn tay. Vì phẫu thuật thay khớp vai được thực hiện gần nách nên các dây thần kinh hay mạch máu gần đó cũng có nguy cơ bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật kéo căng dây thần kinh. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm xảy ra và cũng không bị tổn thương vĩnh viễn mà có thể phục hồi trở lại theo thời gian.

Xem ngay: Khi nào cần phẫu thuật thay khớp vai?

2. Những việc cần làm sau phẫu thuật để tránh biến chứng khớp vai

Sau khi biên độ cử động và sức mạnh của vai được bình phục thì những cơn đau khớp vai hay cứng khớp vai dẫn đến khó cử động tay sẽ biến mất, không còn là nỗi ám ảnh cho bạn nữa. Để sớm đạt được trạng thái bình thường, người bệnh cần lưu ý:

  • Sau khi phẫu thuật, thay băng vai là việc hết sức cần thiết để vết thương có thể nhanh lành. Các nhân viên ý tế sẽ hỗ trợ bạn chăm sóc vết mổ và thay băng trong giai đoạn đầu.
  • Để máu và chất lỏng không tích tụ lại ở khớp, hầu hết các bác sĩ sẽ đặt một ống dẫn lưu nhỏ vào khớp vai của bạn. Ở ống dẫn, sẽ có một đường truyền tĩnh mạch được đặt trong cánh tay nhằm cung cấp kháng sinh và thuốc vào cơ thể.
  • Khi phẫu thuật xong, bác sĩ thường sẽ đặt vai bệnh nhân vào một máy chuyển động thụ động liên tục CMP nhằm hỗ trợ vai di chuyển và giảm bớt cứng khớp vai, đau khớp vai và tránh cho các mô sẹo hình thành từ bên trong khớp. Người bệnh sẽ sử dụng dây đeo vai để hỗ trợ cánh tay và vai khi không dùng máy CMP.
  • Bệnh nhân hậu phẫu nên gặp để trao đổi về chương trình phục hồi chức năng với nhân viên vật lý trị liệu. Phương pháp trị liệu sẽ giúp vai dần được cải thiện đến khi cử động được.
  • Nếu cảm thấy vai đỡ hơn, người bệnh cũng có thể thực hiện một vài động tác nhẹ để cải thiện chức năng của vai. Khi đã dần bình phục thì có thể mô phỏng bằng các việc làm hằng ngày nhẹ nhàng như chải đầu, mặc áo,... tùy vào sở thích, nhu cầu của mỗi người.

Trên đây là những biến chứng thay khớp vai có nguy cơ gặp phải sau khi phẫu thuật. Những biến chứng này có thể xảy ra do chủ quan hay khách quan, do cơ địa của bạn hay do quá trình phẫu thuật. Người bệnh có thể trao đổi kỹ hơn với bác sĩ về rủi ro của phẫu thuật để tránh những trường hợp không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

349 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan