Các vấn đề về đầu gối

Các vấn đề liên quan đến đầu gối, chẳng hạn như viêm, thoái hoá hoặc đau, đều là những tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Việc phát hiện và điều trị sớm những vấn đề về khớp gối có thể giúp bạn ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng nguy hiểm như mất khả năng vận động hoặc tàn tật vĩnh viễn.

1. Giải phẫu cơ bản về đầu gối

Đầu gối là loại khớp dễ bị tổn thương khi phải chịu áp lực lớn từ các hoạt động thường ngày, chẳng hạn như quỳ, nâng đồ, hoặc do thực hiện những hoạt động thể chất có tác động mạnh như thể dục nhịp điệuchạy bộ. Thông thường, đầu gối được cấu tạo bởi những bộ phận sau:

  • Xương chày – xương ống chân (xương lớn của cẳng chân).
  • Xương đùi – xương chân trên.
  • Xương bánh chè.

Mỗi một đầu xương sẽ được bao phủ bởi một lớp sụn có khả năng bảo vệ đầu gối và hấp thụ sốc. Về cơ bản, đầu gối được tạo thành từ 2 xương chân dài kết nối với nhau bởi dây chằng, cơ và gân.

Có 2 nhóm cơ chính liên quan đến đầu gối, bao gồm:

  • Cơ tứ đầu: Nằm ở mặt trước của đùi, giúp chân duỗi thẳng.
  • Cơ gân kheo: Nằm ở mặt sau của đùi, giúp chân có thể co duỗi linh hoạt.

2. Các vấn đề liên quan đến đầu gối thường gặp nhất

Các vấn đề về khớp gối thường là kết quả của quá trình lão hoá, liên tục bị mài mòn và chịu căng thẳng (chẳng hạn như viêm khớp). Ngoài ra, đầu gối có vấn đề cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác như chuyển động đột ngột hoặc gặp chấn thương.

Dưới đây là những tình trạng về đầu gối thường gặp nhất, bao gồm:

Bong gân hoặc căng cơ và dây chằng đầu gối

Dây chằng hoặc cơ của đầu gối bị căng hay bong gân thường là do một yếu tố gây tác động đột ngột lên khớp gối, chẳng hạn như cú va đập hoặc xoay khớp gối bất ngờ. Những triệu chứng của bong gân / cơ / dây chằng đầu gối thường bao gồm sưng đau, khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại.

Rách sụn

Chấn thương ở đầu gối được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rách sụn – một miếng đệm của mô liên kết hoạt động, giữ vai trò như bộ giảm xóc, đồng thời giúp mang lại sự ổn định cho khớp gối. Rách sụn có thể xảy ra song hành với tình trạng bong gân. Khi đó, người bệnh có thể được điều trị bằng cách đeo nẹp để bảo vệ đầu gối khỏi bị tổn thương thêm. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật để làm liền vết rách ở sụn.

Viêm gân

Viêm gân cũng là một trong các vấn đề liên quan đến đầu gối phổ biến nhất. Tình trạng này thường xảy ra do gân đầu gối phải làm việc quá mức trong các hoạt động nhất định, chẳng hạn như nhảy, chạy bộ hoặc đạp xe.

Viêm gân thường ảnh hưởng chủ yếu đến những động viên điền kinh hoặc nhảy xa. Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể xảy ra đối với các bộ môn thể thao khác như bóng rổ.

Viêm khớp

Thoái hoá khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu gối. Tình trạng thoái hoá khớp có liên quan đến sự mài mòn của sụn khớp do lão hoá tự nhiên. Do đó, nó chủ yếu xảy ra ở những người từ độ tuổi trung niên trở lên. Ngoài ra, thoái hoá khớp cũng có thể xuất hiện khi các khớp gối phải chịu sự căng thẳng quá mức, ví dụ như thừa cân hoặc chấn thương lặp lại nhiều lần.

Bên cạnh thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp cũng là một trong các vấn đề về khớp gối thường gặp khác. Tình trạng này có thể xảy ra khi sụn đầu gối bị viêm và phá huỷ. Nhìn chung, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và cao tuổi.

Có tiếng kêu lạch cạch ở gối sau hút dịch khớp gối có sao không?
Đầu gối bị đau có thể do viêm khớp gối gây ra

3. Phương pháp chẩn đoán các vấn đề liên quan đến đầu gối

Dưới đây là những phương pháp giúp chẩn đoán các vấn đề về khớp gối thường được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:

Chụp X-quang

Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng chùm năng lượng điện từ vô hình để có thể tạo ra những hình ảnh cụ thể của xương, các mô bên trong và những cơ quan khác trên phim.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Xét nghiệm chẩn đoán này thường sử dụng nam châm lớn, cùng tần số vô tuyến và máy tính nhằm giúp tạo ra các hình ảnh chi tiết về cấu trúc đầu gối. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định được những tổn thương và các vấn đề ở cơ / dây chằng xung quanh đầu gối.

Chụp cắt lớp vi tinh (Chụp CT hoặc CTA)

Phương pháp này thường sử dụng tia X và công nghệ máy tính, giúp tạo ra các lát cắt của đầu gối. Qua hình ảnh chụp CT chi tiết, bác sĩ có thể đánh giá cụ thể mức độ tổn thương của khớp gối, đồng thời tìm kiếm các tình trạng sức khỏe liên quan mà bệnh nhân đang mắc phải.

Nội soi khớp

Nội soi khớp là một quy trình chẩn đoán và điều trị xâm lấn, thường được áp dụng đối với các vấn đề liên quan đến đầu gối. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống soi khớp nhỏ có ánh sáng, sau đó đưa vào khớp gối thông qua một vết rạch nhỏ.

Kết quả hình ảnh bên trong khớp gối sẽ được hiển thị lên màn hình máy tính, giúp bác sĩ đánh giá bất kỳ sự thay đổi nào bên trong khớp. Thủ thuật này cũng góp phần giúp bác sĩ phát hiện sớm các bệnh về xương và khối u trong xương, từ đó xác định được nguyên nhân cụ thể gây viêm và đau đầu gối.

Phương pháp chụp xạ hình xương

Đây là một kỹ thuật hình ảnh hạt nhân có sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ, được tiêm vào mạch máu của người bệnh nhằm giúp phát hiện các vấn đề về khớp gối thông qua máy quét. Xét nghiệm này giúp đánh giá hoạt động của tế bào trong xương cũng như lưu lượng máu đến xương đầu gối.

4. Điều trị các vấn đề về khớp gối

Trước hết, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị ban đầu cho những bệnh nhân mắc phải các vấn đề liên quan đến đầu gối. Những phương pháp này thường bao gồm sử dụng thuốc giảm đau hoặc vật lý trị liệu.

Nếu các chỉ định điều trị ban đầu không đem lại hiệu quả cao, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phương pháp phẫu thuật để khắc phục bệnh. Tuy nhiên, bất kỳ hình thức phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định, do đó bệnh nhân cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về các lợi ích và nguy cơ mà phương pháp này mang lại.

Các vấn đề về đầu gối nếu không được điều trị sớm và kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Những chấn thương ở đầu gối hoặc các tình trạng khác như viêm khớp, thoái hoá khớp có thể gây đau đớn, tổn thương khớp gối nghiêm trọng, thậm chí gây tàn tật vĩnh viễn. Do đó, việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách là một bước quan trọng, giúp ngăn ngừa các biến chứng cho sức khỏe người bệnh.

vật lý trị liệu
Bác sĩ có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu trong điều trị bệnh lý ở đầu gối

5. Làm thế nào để phòng ngừa các vấn đề về khớp gối?

Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn ngừa được các vấn đề liên quan đến đầu gối, tuy nhiên việc thực hiện một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn tránh được chấn thương cũng như thoái hoá khớp trong tương lai:

  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp: Giữ trọng lượng cơ thể hợp lý là một trong những cách giúp bảo vệ sức khỏe cho đầu gối của bạn. Thừa cân và béo phì đều là những yếu tố có thể gây thêm căng thẳng cho các khớp gối của bạn, từ đó làm tăng nguy cơ chấn thương và viêm xương khớp.
  • Dành thời gian hoạt động thể chất nhẹ nhàng: Thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng với mức độ vừa phải, chẳng hạn như yoga, đi bộ và bơi lội, có thể giúp tăng cường sự chắc khỏe cho khớp gối.
  • Tập thể thao đúng cách: Khi chơi thể thao hay bất kỳ hình thức tập thể dục nào khác, bạn cũng nên đảm bảo thực hiện đúng các kỹ thuật và kiểu chuyển động nhằm tránh gặp phải chấn thương cho đầu gối.
  • Xây dựng cơ bắp mạnh mẽ và linh hoạt: Cơ bắp yếu là nguyên nhân khiến bạn dễ bị chấn thương ở đầu gối. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị bạn nên xây dựng sức mạnh cho cơ tứ đầu, gân kheo, các cơ ở mặt trước và sau của đùi nhằm giúp hỗ trợ tốt cho đầu gối.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: Ngoài việc tập thể dục đúng cách, những người có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về khớp gối cũng nên tuân theo một chế độ ăn uống dinh dưỡng và lành mạnh. Bạn nên chọn các thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D, K2 và các khoáng chất quan trọng khác nhằm giúp tăng cường sức khoẻ cho hệ xương khớp và ngăn ngừa sự thoái hoá khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: hopkinsmedicine.org, niams.nih.gov, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

447 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan