Cách xác định xương sườn 12

Xương sườn của người có bao nhiêu cái, có cấu tạo như thế nào, cách xác định vị trí mỗi xương sườn ở lồng ngực là những vấn đề được rất nhiều người quan tâm đến. Bởi khi nắm rõ những thông tin cơ bản này, sẽ có biện pháp bảo vệ phù hợp và hướng xử trí đúng đắn khi gặp chấn thương hay những biểu hiện bất thường.

1. Đặc điểm 12 đôi xương sườn

Xương sườn là các xương dài, dẹt và cong, nằm hai bên lồng ngực, chạy chếch xuống dưới và ra trước, gắn với xương ức để tạo thành lồng ngực. Các xương này có trọng lượng khá nhỏ, thường phục hồi nhanh sau chấn thương. Đa số con người đều có tổng cộng 24 cái xương sườn được tạo thành 12 đôi xương. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bẩm sinh nhiều hơn 24 cái, những xương đó được xếp vào nhóm xương thừa. Cũng có những trường hợp bẩm sinh không đủ 24 cái thì được xếp vào nhóm thiếu xương sườn.

Cấu tạo xương sườn có ba phần: Đầu, cổ và thân.

  • Phần đầu: Là khớp cung đốt sống, có tác dụng liên kết xương sườn và đốt sống với nhau.
  • Phẩn cổ: Phần xương này sẽ giúp gắn đầu xương với phần trục. Đây là vị trí bị hẹp lại và chứa những khớp cung tương ứng. Các khớp này được gọi là khớp dịch chuyển ngang.
  • Phần thân: Đây là phần xương phẳng và cong. Mỗi xương có 1 rãnh nhỏ phía trong để bảo vệ các động mạch, dây thần kinh sẽ chạy dọc theo các xương này.

Phân loại xương sườn:

  • Xương sườn thật: Xương sườn thật bao gồm 7 đôi xương đầu tiên trong cấu tạo xương sườn của con người. Một đầu của xương sườn gắn với các đốt sống ngực ở vị trí cột sống phía sau và phía trước gắn với xương ức nhờ sụn liên sườn.
  • Xương sườn giả: Là các xương sườn từ số 8 đến số 10. Các xương này không gắn trực tiếp vào xương ức mà được liên kết với các xương phía trên nhờ các sụn sườn. Tuy nhiên những xương này vẫn gắn với đốt sống ngực tại cột sống phía sau.
  • Xương sườn cụt: 2 đôi xương sườn số 11 và số 12 được gọi là xương sườn cụt. Các xương sườn này chỉ liên kết một đầu với các đốt sống ngực ở phía sau, đầu kia tự do.

2. Cách xác định xương sườn 12

Xương sườn 12 thuộc nhóm xương sườn không điển hình vì có cấu tạo không giống với những xương sườn khác, chúng không gắn với xương ức mà chỉ bao quanh lồng ngực. Xương sườn này có kích thước ngắn, không có củ sườn và chỉ có một diện khớp ở chỏm sườn.

Việc xác định xương sườn số 12 có thể dựa vào kết quả chụp X-quang hoặc kiểm tra tổn thương cơ bản dựa vào thủ thuật sờ nắn y khoa.

3. Chức năng của xương sườn

Các chức năng chính của xương sườn bao gồm:

  • Duy trì khoảng không gian vừa đủ ở trong khoang ngực để giúp phổi có thể nở rộng ra và co vào trong khi xảy ra quá trình hô hấp. Sự di chuyển của xương sườn giúp lồng ngực giãn ra, khi đó áp suất không khí bên trong và bên ngoài có sự chênh lệch. Nhờ vậy, không khí bên ngoài sẽ đi vào phổi để thực hiện chức năng trao đổi khí để đẩy khí ra bên ngoài. Các xương sườn sẽ di chuyển xuống dưới sau khi giãn cơ hoành làm tăng áp lực trong khoang ngực.
  • Bảo vệ cơ quan nội tạng bên trong khoang ngực, bao gồm tim phổi, thực quản, khí quản, một phần của lá lách và gan, cơ hoành, các dây thần kinh, cơ và mạch máu. Đây được xem là chức năng quan trọng nhất của xương sườn.

4. Những thói quen xấu gây hại cho xương sườn

Dưới đây là một số thói quen thường ngày có thể làm ảnh hưởng xấu đến xương sườn như:

  • Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại, làm tiêu hủy tế bào xương. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn làm tăng hormone cortisol, khiến xương yếu đi. Đồng thời ngăn cản sự sản xuất hormon Calcitonin giúp tăng sinh xương. Các trường hợp người bệnh bị chấn thương xương sườn, việc tiếp tục hút thuốc lá hoặc thường xuyên ngửi phải khói thuốc lá (hút thuốc lá bị động) sẽ có nguy cơ làm chậm quá trình liền xương. Nguyên nhân gây ra tình trạng này do các chất độc hại trong thuốc lá sẽ làm tổn thương mạch máu, giảm khả năng vận chuyển oxy của cơ thể đến nơi có vết thương cần hồi phục.
  • Ít vận động: Chế độ luyện tập thể dục, thể thao hạn chế cũng có nguy cơ gây teo xương nhanh hơn những người thường xuyên luyện tập. Đặc biệt, ở độ tuổi trung niên, cần tích cực vận động bằng các hoạt động nhẹ nhàng đơn giản như đi bộ, bơi lội, đi cầu thang...
  • Ăn nhiều muối: Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm cơ thể đào thải canxi qua nước tiểu nhiều hơn làm tăng nguy cơ loãng xương. Vì vậy cần cố gắng điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày hạn chế muối tối thiểu nhất có thể để giúp xương chắc khỏe.
  • Uống nhiều bia, rượu hay các chất có cồn: Tương tự như việc hút thuốc lá, dùng nhiều bia rượu cũng làm tăng sản xuất cortisol của cơ thể, khiến lượng hormone estrogen và testosteron bị suy giảm. Kết quả làm cho xương sườn bị yếu đi, giảm mật độ xương và tăng nguy cơ bị ngã, gãy xương.
  • Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Nếu cơ thể bị thiếu vitamin D, xương sườn trở nên mỏng và giòn hơn. Ngoài chế độ ăn giúp cung cấp vitamin D thì ánh nắng mặt trời là cách giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D tự nhiên.
  • Chế độ ăn nghèo canxi, photpho, magie: Đây là những dưỡng chất rất cần thiết đối với sức khỏe của hệ xương khớp. Cần bổ sung những dưỡng chất này vào chế độ ăn hàng ngày.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp các thông tin cần thiết về xương sườn cũng như cách xác định xương sườn 12 để người đọc có thể nắm những kiến thức cơ bản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan