Cảnh giác viêm, chấn thương gân Achilles trong chấn thương thể thao

Chấn thương gân gót chân Achilles có thể xảy đến với bất kỳ ai trong các hoạt động thể thao. Chấn thương gót chân Achilles có nhiều mức độ khác nhau, mỗi mức độ tổn thương sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

1. Gân Achilles có vai trò gì?

Gân gót chân Achilles là gân lớn nhất trong cơ thể con người, nó kéo dài từ xương gót chân đến cơ bắp chân. Gân Achilles là một dải mô mềm nằm ở phía sau mắt cá chân và phía trên gót chân, cho phép chúng ta đứng trên đầu các mũi chân, nhón gót chân.

Chấn thương gót chân achilles thường xảy ra với các mức độ từ nhẹ, trung bình cho tới nặng với cảm giác đau rát hoặc đau cứng ở vùng gân Achilles. Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội thì gân có thể đã bị rách một phần hoặc đứt hoàn toàn.

Viêm gân gót chân Achilles là một dạng chấn thương khác, trong đó một số phần của gân bị viêm gây đau. Có hai loại viêm gân chính, gây ảnh hưởng đến các phần khác nhau của gân:

  • Viêm giữa gân Achilles: Là khi các sợi ở giữa gân bị đứt, sưng và dày lên.
  • Viêm gân Achilles chèn ép: Là tình trạng ảnh hưởng đến phần dưới của gót chân, nơi gân bám vào xương gót chân. Tình trạng này có thể dẫn tới gai xương.

2. Biểu hiện chấn thương gót chân Achilles

Dấu hiệu chấn thương gót chân Achilles rõ ràng nhất là hiện tượng đau phía trên gót chân, đặc biệt khi duỗi cổ chân hoặc kiễng chân. Triệu chứng đau có thể nhẹ và giảm đi hoặc nặng hơn theo thời gian. Nếu bị đứt gân, cơn đau xuất hiện tức thì và dữ dội. Khu vực gân bị tổn thương cũng có thể cảm thấy mềm, sưng và cứng.

Khi gân Achilles bị rách, bạn có thể nghe thấy giống như tiếng nổ lách tách hoặc lộp độp. Gót chân có thể bị bầm tím và sưng tấy. Bạn cũng có thể gặp khó khăn khi thực hiện kiễng chân và đẩy ngón chân ra khi bước đi.

chấn thương gót chân achilles
Dấu hiệu chấn thương gót chân Achilles rõ ràng nhất là hiện tượng đau phía trên gót chân

3. Nguyên nhân gây chấn thương gân gót chân Achilles

Chấn thương gân gót chân Achilles thường gặp phải ở những người làm những việc mà họ cần phải tăng tốc nhanh, giảm tốc độ đột ngột hoặc xoay người nhanh, như là: Chạy bộ, tập thể dục, nhảy, đá bóng, chơi bóng chày, bóng rổ, tennis, bóng chuyền,...

Chấn thương gân gót Achilles có xu hướng xảy ra khi có sự di chuyển đột ngột ở tư thế đẩy và nhấc chân lên hơn là tiếp đất. Ví dụ: Khi một vận động viên điền kinh có thể gặp chấn thương khi bắt đầu cuộc đua, lúc họ vượt khỏi vạch xuất phát bởi vận động đột ngột có thể khiến gân phải xử lý quá nhiều. Nam giới trên 30 tuổi là đối tượng đặc biệt dễ bị chấn thương, đứt gân gót chân.

Gân gót Achilles cũng có thể bị tổn thương nếu bạn làm căng gân gót chân liên tục với các hoạt động có tác động mạnh. Đây được gọi là những chấn thương do gây căng thẳng quá mức lên gân lặp đi lặp lại.

Yếu tố nguy cơ gây chấn thương, đứt gân gót achille gồm có:

  • Đi giày cao gót
  • bàn chân bẹt
  • Cơ bắp chân hoặc gân quá căng
  • Bị gai xương gót
  • Luyện tập thể dục thể thao với cường độ cao
  • Thực hiện các động tác mới
  • Đi giày không vừa chân hoặc không phù hợp với loại hoạt động thể chất.
  • Làm việc tại nơi có bề mặt không bằng phẳng.
  • Dùng glucocorticoid hoặc fluoroquinolon.

4. Chẩn đoán chấn thương gân gót chân Achilles

Chẩn đoán chấn thương, đứt gân achilles đôi khi có thể bị nhầm với bong gân mắt cá chân. Do đó để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ khám bằng cách quan sát cách bạn đi bộ hoặc chạy để tìm ra các vấn đề có thể dẫn đến tới chấn thương.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra bằng cách bóp bắp chân. Bạn sẽ quỳ trên ghế hoặc nằm sấp trên bàn. Bác sĩ sẽ bóp nhẹ cơ bắp chân bên chân lành trước. Điều này sẽ tác động gây kéo gân và làm cho bàn chân di chuyển. Tiếp theo, bác sĩ sẽ làm điều tương tự với chân đang bị đau. Nếu gân Achilles bị rách/đứt, bàn chân sẽ không cử động được, do lúc này cơ bắp chân không được kết nối với bàn chân.

Bác sĩ có thể kiểm tra phạm vi cử động của cổ chân để có thể đánh giá tình trạng gân Achilles. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang hoặc MRI có thể thực hiện nhằm xác định loại tổn thương gân để đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.

chấn thương gót chân achilles
Dùng băng thun quấn quanh cẳng chân và mắt cá chân để giảm sưng nề

5. Điều trị chấn thương gân gót chân Achilles

Chấn thương gân gót chân Achilles ở mức độ nhẹ tới trung bình có thể tự lành, tuy nhiên để giúp cho quá trình lành diễn ra nhanh hơn thì bạn có thể thực hiện các công việc sau:

  • Nghỉ ngơi: Hạn chế tối đa việc dồn trọng lượng lên chân đau, bạn cũng có thể dùng nạng.
  • Chườm lạnh: Dùng đá chườm vị trí tổn thương trong tối đa 20 phút mỗi lần nếu cần.
  • Cố định cổ chân bằng cách dùng băng thun quấn quanh cẳng chân và mắt cá chân để giảm sưng nề.
  • Kê cao chân: Bạn nên kê chân trên một chiếc gối khi đang ngồi hoặc nằm.
  • Thuốc giảm đau kháng viêm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen và Naproxen có thể giúp giảm đau và sưng tấy. Sử dụng thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc chống viêm lâu hơn 7 đến 10 ngày phải có sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ.
  • Dụng cụ nâng gót chân: Bạn có thể sử dụng miếng lót trong giày khi đang hồi phục, việc làm này giúp bảo vệ gân gót không bị kéo căng thêm.
  • Luyện tập các bài tập kéo giãn cơ và tăng cường sức khỏe theo sự hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

Quá trình hồi phục sau chấn thương, đứt gân gót chân Achilles có thể mất đến vài tháng, nhưng nó còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Bạn vẫn có thể hoạt động trong khi vết thương đang lành với sự hướng dẫn của bác sĩ. Đừng cố gắng hoạt động thể chất với mức cũ cho đến khi:

  • Bạn có thể di chuyển chân một cách dễ dàng và thoải mái như chân không bị thương.
  • Chân của bạn có cảm giác khỏe như chân không bị thương.
  • Bạn không bị đau chân khi đi bộ, chạy bộ, chạy nước rút hoặc nhảy.

Nếu bạn cố gắng vận động quá sức trước khi gân Achilles lành hẳn, bạn có thể bị chấn thương trở lại và cơn đau có thể trở thành vấn đề lâu dài. Bạn có thể tránh được một số vấn đề này bằng cách thay thế các môn thể thao có cường độ mạnh bằng bài tập cường độ thấp, nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đạp xe.

Để phòng tránh chấn thương gân gót chân Achilles bạn nên:

  • Giảm tốc độ khi chạy lên dốc.
  • Đi giày có hỗ trợ tốt và vừa vặn với đôi chân của bạn.
  • Ngừng tập luyện nếu bạn cảm thấy đau hoặc căng ở phía sau bắp chân hay gót chân.

Tóm lại, chấn thương gót chân achilles thường xảy ra với các mức độ từ nhẹ, trung bình cho tới nặng với cảm giác đau rát hoặc đau cứng ở vùng gân Achilles. Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội thì gân có thể đã bị rách một phần hoặc đứt hoàn toàn. Việc làm cần thiết trong trường hợp này là bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

811 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan