Chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Tràn dịch khớp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như làm suy giảm chức năng vận động, phá hủy khớp, gây ảnh hưởng tới cuộc sống bệnh nhân,... Chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm được chỉ định để điều trị tình trạng này.

1. Chọc hút dịch ổ khớp là gì?

Chọc hút dịch khớp là thủ thuật được chỉ định trong các trường hợp tràn dịch khớp nhằm đánh giá, phân tích dịch khớp (tế bào, sinh hóa hoặc vi khuẩn học) để từ đó cung cấp các thông tin cần thiết cho chẩn đoán, điều trị bệnh. Ngoài ra, chọc hút dịch khớp còn có tác dụng làm giảm áp lực và giảm đau cho bệnh nhân. Đồng thời, tùy theo chỉ định, sau khi chọc hút dịch khớp, có thể tiêm nội khớp để đưa thuốc vào khớp.

Chọc hút dịch khớp có thể thực hiện mù với những khớp lớn. Tuy nhiên, lựa chọn này bộc lộ nhiều hạn chế như tỷ lệ thành công thấp, tỷ lệ tai biến cao do cấu trúc giải phẫu của khớp phức tạp. Vì vậy, hiện nay, các bác sĩ đã ứng dụng thủ thuật chọc hút dịch khớp dưới hướng dẫn của siêu âm vì có độ chính xác cao, an toàn và dễ thành công hơn.

2. Chi tiết phương pháp chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm

2.1 Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Chọc hút dịch để xét nghiệm dịch phục vụ chẩn đoán;
  • Chọc tháo dịch khớp nhằm mục đích điều trị;
  • Phối hợp tiêm nội khớp (đưa thuốc vào khớp), rửa khớp.
Thuốc tiêm, tiêm thuốc, thuốc nước
Phương pháp chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm chỉ định trong phối hợp tiêm nội khớp

Chống chỉ định

  • Người bệnh rối loạn đông máu;
  • Người bị nhiễm khuẩn ngoài da tại vị trí khớp cần chọc hút hoặc nhiễm khuẩn toàn thân;
  • Không đủ điều kiện vô trùng để thực hiện thủ thuật.

2.2 Chuẩn bị thực hiện

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp, bác sĩ siêu âm và điều dưỡng;
  • Thuốc: Gồm thuốc gây tê tại chỗ và dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc;
  • Phương tiện kỹ thuật: Máy siêu âm với các đầu dò chuyên dụng, giấy in, máy in ảnh và hệ thống lưu trữ hình ảnh; túi nilon vô trùng bọc đầu dò siêu âm;
  • Vật tư y tế: Bơm tiêm các cỡ, nước cất (hoặc nước muối sinh lý), găng tay, áo, mũ, khẩu trang, bông gạc, băng dính, bộ dụng cụ can thiệp vô trùng, hộp thuốc, dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc cản quang, kim chọc khớp chuyên dụng;
  • Bệnh nhân: Được giải thích rõ ràng về thủ thuật; tại phòng can thiệp bệnh nhân nằm, đặt đường truyền tĩnh mạch và lắp máy theo dõi mạch, nhịp thở, huyết áp, SpO2, điện tâm đồ; sát trùng da, phủ khăn vô khuẩn có lỗ; dùng thuốc an thần nếu bệnh nhân quá kích thích và không nằm yên;
  • Phiếu xét nghiệm: Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật, phim ảnh chụp X-quang, MRI, CT nếu có

2.3 Tiến hành thủ thuật

Thủ thuật được tiến hành tại phòng vô khuẩn với quy trình sau:

  • Kiểm tra hồ sơ bệnh án, xem xét chỉ định và chống chỉ định;
  • Siêu âm kiểm tra vị trí tổn thương, kiểm tra siêu âm màu nếu có thể loại trừ các tổn thương mạch máu. Cụ thể, trong trường hợp chọc hút dịch ổ khớp vai ở bệnh nhân viêm khớp vai thì cần siêu âm vai;
chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm
Bác sĩ tiến hành đưa kim vào vị trí khớp vai được xác định dưới hướng dẫn siêu âm
  • Xác định vị trí chọc kim và vị trí cần tiêm, đặt người bệnh ở tư thế thuận lợi, xác định chính xác đường chọc, độ sâu cần chọc từ mặt da tới tổn thương;
  • Bác sĩ sát trùng tay và đi găng tay vô khuẩn;
  • Dùng túi nilon vô trùng bọc đầu dò siêu âm;
  • Sát khuẩn vị trí chọc kim, đưa kim vào vị trí đó (xác định dưới siêu âm);
  • Thực hiện hút dịch ổ khớp tới khi hết dịch (quan sát trên màn hình siêu âm);
  • Lấy dịch khớp đưa đi xét nghiệm nếu mục đích chọc hút dịch là để chẩn đoán;
  • Nếu bệnh nhân có chỉ định tiêm khớp thì bác sĩ thực hiện tiêm thuốc vào ổ khớp;
  • Rút kim, sát trùng thêm một lần nữa và băng vị trí chọc dịch khớp bằng băng dính y tế;
  • Dặn người bệnh không để nước tiếp xúc với vị trí chọc dịch trong 24 giờ. Tiếp theo, cần theo dõi mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, đau, viêm,... trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ kể từ thời điểm chọc hút dịch khớp mới bỏ băng dính, rửa nước bình thường. Người bệnh tái khám nếu bị chảy dịch hoặc viêm tấy tại vị trí chọc dò, bị sốt,...

2.4 Nguy cơ tai biến và biện pháp xử trí

Thủ thuật chọc hút dịch ổ khớp có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Chảy máu tại vị trí thực hiện chọc dò: Xử trí bằng cách băng ép cầm máu. Nếu bệnh nhân bị chảy máu kéo dài thì cần kiểm tra tình trạng bệnh lý rối loạn đông máu của người bệnh để có biện pháp xử trí phù hợp;
  • Nhiễm khuẩn khớp hoặc phần mềm quanh khớp: Nguyên nhân do thủ thuật chọc dịch không đảm bảo vô khuẩn. Tình trạng này biểu hiện bởi sốt, sưng đau ở vị trí chọc dịch và tràn dịch. Biện pháp xử trí thích hợp là điều trị kháng sinh;
  • Biến chứng khác: Bệnh nhân bị choáng váng, vã mồ hôi, tức ngực, ho khan, khó thở, rối loạn cơ tròn,... Đây là những biến chứng ít gặp, chủ yếu do bệnh nhân quá sợ hãi. Để xử trí, nên đặt người bệnh nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi huyết áp và mạch để có biện pháp can thiệp cấp cứu nếu cần thiết.

Chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm là thủ thuật có độ an toàn và thành công cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bệnh nhân vẫn cần làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ xảy ra tai biến không mong muốn.

Siêu âm hút dịch khớp
Chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm cần được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan