Gợi ý các bài tập giúp phục hồi khớp vai sau chấn thương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật khớp vai một chương trình tập vận động sẽ giúp cho khớp vai phục hồi chức năng, đưa người bệnh trở về với sinh hoạt, lao động bình thường. Để chương trình này thực sự an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên tập dưới sự chỉ dẫn và giám sát của bác sĩ.

1. Nguyên nhân gặp chấn thương khớp vai

Khớp vai là khớp có tầm vận động lớn nhất cơ thể vì xoay được 360 độ. Đây là khớp khởi phát toàn bộ hoạt động chi trên, đảm bảo sự khéo léo, linh hoạt trong các vận động sinh hoạt hằng ngày của hai tay.

Chấn thương khớp vai là hiện tượng chỏm xương cánh tay có thể trật khỏi ổ chảo, hoặc dây chằng, bao khớp và sụn viền bị rách, có thể kèm theo dập, gãy, vỡ xương ổ chảo hoặc xương cánh tay.

Nguyên nhân thường xảy ra chấn thương vai là do khi ngã chống tay, đập vai hoặc chấn thương trực tiếp vào vùng vai, hoặc những tổn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong các hoạt động hằng ngày hoặc chơi thể thao sử dụng vai tay quá mức làm lỏng lẻo dây chằng bao khớp.

Chấn thương khớp vai không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, sức lao động và khả năng chơi thể thao của người bệnh mà còn gây thoái hóa khớp vai và giảm chức năng vai về sau. Ngoài ra, chấn thương khớp vai còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý vì bệnh nhân thường lo sợ vai dễ dàng bị trật khớp nhiều lần khác khiến họ ngại vận động, lo lắng về cảm giác đau.

goi-y-cac-bai-tap-giup-phuc-hoi-khop-vai-sau-chan-thuong-body-1
Chấn thương vai gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh

2. Mục tiêu tập vận động khớp vai sau chấn thương

Sau một chấn thương hoặc sau phẫu thuật, một bài tập phục hồi chức năng khớp vai sẽ giúp người bệnh trở về với sinh hoạt, lao động, giải trí bình thường.

Để một bài tập phục hồi chấn thương khớp vai thực sự an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên được tập dưới sự chỉ dẫn và giám sát của bác sĩ, đặc biệt bác sĩ vật lý trị liệu sẽ chọn lọc ra động tác tập tốt để có thể phục hồi tối đa cho người bệnh, dựa trên các mục tiêu:

  • Sức mạnh: Tăng cường sức mạnh các cơ quanh khớp vai, sẽ làm cho khớp vai ổn định. Ngoài ra, tập mạnh các cơ này sẽ giúp giảm đau và giảm các tổn thương thêm;
  • Tính linh hoạt của khớp vai: Kéo căng một số cơ có kiểm soát là một quá trình quan trọng để giảm đau và phục hồi vận động cơ, tang cường tính linh hoạt của khớp vai, cũng là để tránh các tổn thương thêm;
  • Các nhóm cơ trong bài tập phục hồi chức năng khớp vai gồm: cơ Delta; cơ Thang; cơ Tròn; cơ Trên gai; cơ Dưới gai; cơ Dưới vai; cơ Nhị đầu (trước cánh tay); cơ Tam đầu (sau cánh tay).

3. Thời gian của bài tập phục hồi chức năng khớp vai

Chương trình tập này sẽ kéo dài 4 - 6 tuần, trừ khi có chỉ định điều trị khác.

Sau khi hồi phục, chương trình này vẫn nên được tiếp tục như là chương trình bảo vệ và duy trì sức khỏe cho vai. Thực hiện tập 3 - 5 lần một tuần để tiếp tục duy trì chức năng vận động và sức mạnh của vai.

4. Các bài tập phục hồi chức năng khớp vai

4.1 Dao động cánh tay

Nhóm cơ tập: Cơ delta, cơ dưới gai, cơ trên gai, cơ dưới vai.

Cách tập:

  • Tay lành bám vào bàn, ghế hoặc một vật chắc chắn, để hỗ trợ động tác. Tay bệnh có thể vận động được tự do ở bên thân mình;
  • Đung đưa cánh tay nhẹ nhàng như con lắc theo hướng trước sau, ngang và vòng tròn

Chú ý: Không dao động tay ra sau lưng và tránh bị giới hạn bởi khớp gối.

4.2. Động tác bắt chéo tay

Nhóm cơ tập: Phần sau cơ delta, bạn cần thấy có cảm giác căng phần sau vai khi tập

Cách tập:

  • Bạn hãy thư giãn khớp vai, từ từ đưa 1 tay bắt chéo qua ngực kéo cánh tay càng xa càng tốt, sau đó giữ cánh tay ở phần trên khuỷu;
  • Giữ và kéo giãn trong vòng 30 giây, tiếp đó thư giãn trong 30 giây;
  • Lặp lại thay đổi tay.

Lưu ý: Trong quá trình tập bài tập phục hồi chức năng khớp vai, bệnh nhân không kéo hay đẩy tại vùng khuỷu.

4.3. Động tác xoay trong vai

Nhóm cơ tập: Cơ dưới vai.

Cách tập:

  • Dùng một cây gậy nhỏ, ở phía sau lưng, tay đau nắm ở cuối cây gậy, tay kia cầm vào vị trí gần với tay đau nhất;
  • Kéo cho cây gậy về phía tay lành xa nhất có thể theo chiều dọc, nhưng khớp vai phải không xuất hiện đau;
  • Giữ 30 giây và thư giãn 30 giây, rồi tập động tác tiếp theo với 4 lần mỗi bên.

Chú ý: Không xoắn vặn cây gậy.

4.4. Động tác xoay ngoài

Nhóm cơ tập: Cơ trên gai, cơ tròn nhỏ.

Cách tập:

  • Cầm một đầu gậy bằng tay đau, tay kia cầm đầu còn lại với cả 2 khuỷu tay vuông góc;
  • Di chuyển gậy theo chiều dọc sao cho tay đau di chuyển ra phía ngoài tối đa;
  • Giữ 30 giây, sau đó thư giãn cơ tay và làm lại lần tiếp theo.

Chú ý: Giữ hông thẳng và không xoắn vặn gậy.

4.5. Động tác căng giãn vai tư thế nằm

Nhóm cơ tập: Cơ dưới gai, cơ tròn bé, bạn cần thấy có cảm giác căng phần sau trên ngoài vai khi tập.

Cách tập:

  • Nằm nghiêng trên bàn, với thân người nằm trên cánh tay của bạn, có thể kê đầu bằng gối cho tiện nghi;
  • Sử dụng tay không đau đè vào tay đau xuống dưới cho đến khi nào thấy đau;
  • Giữ trong vòng 30 giây thư giãn 30 giây và lặp lại 4 lần trong 1 đợt, tập 3 lần trong ngày.
goi-y-cac-bai-tap-giup-phuc-hoi-khop-vai-sau-chan-thuong-body-2
Động tác căng giãn tư thế nằm nghiêng

4.6. Động tác tập chèo thuyền

Nhóm cơ tập: Cơ thang giữa và dưới.

Cách tập:

  • Sử dụng một dây thun cột vào tường hoặc một vị trí chắc chắn, cũng có thể tập ở một trung tâm tập thể hình có dây thun hoặc dây lò xo;
  • Đứng cách xa so với vị trí cột dây thun khoảng 3 bàn chân;
  • Tay đau cầm dây tập và kéo về phía sau với tay sát thân mình.

Chú ý: Giữ chắc vai khi tập; không đè vào bàn tay hay bẻ cổ tay xuống.

4.7. Bài tập xương bả vai

Nhóm cơ tập: Cơ thang giữa, cơ răng cưa.

Cách tập:

  • Nằm sấp, với cánh tay xuôi dọc 2 bên thân mình, vai sát mặt giường;
  • Từ từ nâng vai lên khỏi mặt giường cao nhất có thể. Giữ khoảng 10 giây, thư giãn và làm động tác tiếp theo. Làm khoảng 10 lần.

Chú ý: Không nhún vai về phía tai.

4.8. Bài tập co, kéo khớp vai

Nhóm cơ tập: Cơ bậc thang giữa, cơ răng cưa.

Cách tập:

  • Nằm trên bàn hoặc giường, tay đau thả tự do bên mép giường;
  • Với tay cầm tạ, từ từ nâng vai lên tối đa có thể sau đó hạ xuống.

Chú ý: Không nhún vai về phía tai.

4.9. Bài tập co duỗi vai

Nhóm cơ tập: Cơ thang giữa và dưới, cơ trên gai, cơ tròn nhỏ, cơ deltoid ngực.

Cách tập:

  • Cũng nằm sấp trên bàn hoặc giường, với cánh tay đau bên ngoài mép giường và có thể vận động tự do.
  • Từ từ nâng cánh tay với khuỷu tay thẳng, nâng cánh tay tới ngang mắt nếu có thể. Giữ khoảng 2-5 giây, rồi thư giãn trở về vị trí ban đầu.

Chú ý: Tập với trọng lượng nhẹ nhất, không dùng tạ.

4.10. Bài tập xoay trong vai tư thế nằm nghiêng

Nhóm cơ tập: Cơ dưới vai, cơ tròn lớn

Cách tập:

  • Nằm nghiêng trên nền cứng, tay đau ở bên dưới, khuỷu tay vuông góc;
  • Từ từ nâng cẳng tay với tạ lên theo chiều ngang cơ thể, để cho cánh tay và vai xoay. Sau đó trở lại vị trí ban đầu và tập động tác tiếp theo.

Chú ý: Không xoay người khi nâng tạ lên.

4.11. Bài tập xoay ngoài với tay gấp 90 độ

Nhóm cơ tập: Cơ trên gai, cơ tròn nhỏ.

Cách tập:

  • Sử dụng một dây thun cột vào tường hoặc một vị trí chắc chắn, cũng có thể tập ở một trung tâm tập thể hình có dây thun hoặc dây lò xo;
  • Giữ vai 90 độ so với thân và cánh tay 90 độ so với cẳng tay. Sau đó từ từ xoay khuỷu tay, cánh tay (như hình bên) tối đa có thể.

Chú ý: Luôn giữ khuỷu tay ngang bằng với vai.

Chấn thương khớp vai là chấn thương thường gặp. Để hạn chế tác hại của nó thì khi bị chấn thương khớp vai người bệnh nên đi khám ở những bệnh viện có chuyên khoa để được các bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị tốt, giúp cho bệnh nhân có thể trở lại với cuộc sống hàng ngày sớm nhất.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec là một trong số ít các Trung tâm đạt chuẩn FIFA trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm được đầu tư lớn về công nghệ như 3D Technology in Medicine Center (Trung tâm nghiên cứu Công nghệ 3D trong Y học), Motion Analysis Lab (Phòng nghiên cứu, phân tích chuyển động) đầu tiên tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.

Về chuyên môn, Vinmec đã làm chủ kỹ thuật và tạo ra sự đột phá trong điều trị, với các kĩ thuật tiên tiến cá thể hóa trong điều trị như ánh xạ giải phẫu, phẫu thuật chính xác sử dụng Robot trong mổ, phục hồi chức năng và dinh dưỡng chuyên sâu ... đồng thời có mạng lưới hợp tác với nhiều chuyên gia về lĩnh vực y học thể thao trên thế giới. Chính vì vậy ngày 23/03/2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức kí hợp tác cùng Vinmec nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế dành cho các cầu thủ trong đội tuyển. Bên cạnh việc điều trị chấn thương phục vụ thi đấu, hợp tác giữa VFF và Vinmec còn bao gồm hoạt động nghiên cứu và đào tạo y học thể thao bài bản và chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan