Hội chứng liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống

Hội chứng liệt hai chi dưới là hội chứng lâm sàng thường gặp ở thần kinh mà chủ yếu là do tổn thương thần kinh trung ương ở bó tháp tủy sống. Biểu hiện của hội chứng rất đặc trưng, tuy nhiên việc điều trị khá khó khăn khi phải kết hợp cả điều trị nguyên nhân, triệu chứng lẫn điều trị vật lý trị liệu.

1. Hội chứng liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống là gì?

Hội chứng liệt hai chi dưới biểu hiện tình trạng mất vận động tự chủ hai chân do tổn thương thần kinh trung ương, cụ thể là ở bó tháp tủy sống hoặc tổn thương thần kinh ngoại vi ở vùng sừng trước tủy, rễ hay dây thần kinh.

Các triệu chứng của liệt hai chi dưới rất đa dạng và còn phụ thuộc và nguyên nhân cũng như thể lâm sàng, được chia làm: liệt cứng (tổn thương trung ương tại bó tháp) và liệt mềm (tổn thương có thể là trung ương hoặc ngoại vi).

Chân
Hội chứng liệt hai chi dưới biểu hiện tình trạng mất vận động tự chủ hai chân.

2. Biểu hiện của liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống

Như đã đề cập, liệt hai chi dưới có 2 thể lâm sàng là liệt cứng và liệt mềm. Nếu nguyên nhân là do tổn thương tủy sống thì bệnh có thể gây ra các triệu chứng khác nhau như sau:

Liệt mềm do tổn thương trung ương

  • Bệnh nhân có biểu hiện tổn thương bó tháp như dấu Babinski;
  • Rối loạn cơ tròn thể hiện sự mất tự chủ khi đại tiểu tiện hoặc rối loạn sinh dục;
  • Rối loạn dinh dưỡng da khiến da loét ở những vùng bị đè ép do liệt;
  • Có ranh giới rối loạn cảm giác từng đoạn ngoài da ứng với vị trí tổn thương ở tủy;
  • Liệt mềm do tổn thương trung ương thường dần chuyển sang liệt cứng nếu tủy còn hồi phục chức năng.

Liệt mềm do tổn thương ngoại vi

  • Biểu hiện của liệt do tổn thương ngoại vi thường ngược lại hoàn toàn với tổn thương trung ương như không có dấu Babinski, không rối loạn cơ tròn hay rối loạn cảm giác theo khoanh tủy;
  • Rối loạn dinh dưỡng thường là teo cơ sau một thời gian bị bệnh;
  • Diễn biến khác nhất của liệt ngoại vi là sẽ không tiến triển sang thành liệt cứng.

Liệt cứng hai chân với nguyên nhân chắc chắn là tổn thương thần kinh trung ương sẽ có các triệu chứng sau:

  • Giai đoạn khởi phát: Bệnh thường biểu hiện từ từ với rối loạn cảm giác kiểu rễ do tổn thương ép rễ và tê bì khi gắng sức (ho, hắt hơi, thở mạnh,...) cuối cùng là hai chân liệt cứng dần do chèn ép tủy;
  • Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân thường phối hợp rối loạn cả vận động, cảm giác và phản xạ thần kinh tự chủ. Các cơ tăng trương lực kiểu bó tháp, ở một số bệnh nhân còn có rối loạn cảm giác nông sâu, có ranh giới rối loạn rõ và bác sĩ dựa vào đó để chẩn đoán định khu tổn thương.

3. Làm thế nào để chẩn đoán liệt hai chân?

Xét nghiệm máu
Cần loại bỏ các căn nguyên khác gây liệt hai chi dưới nhờ phương pháp cận lâm sàng.

Sau khi đã loại trừ các căn nguyên khác nhờ vào các phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ như chụp X-quang, siêu âm bụng, xét nghiệm công thức máu thì bước tiếp theo người bác sĩ cần xác định những điều sau:

  • Liệt xảy ra có phải do tổn thương thần kinh hay không? (để tránh nhầm lẫn với cá bệnh xương khớp gây trở ngại vận động khác).
  • Liệt thực thể hay chức năng?
  • Liệt trung ương hay ngoại vi? Ví dụ như xác định xem bệnh nhân liệt cứng hay liệt mềm, vì liệt cứng luôn là do tổn thương thần kinh trung ương, khác với liệt mềm có thể đến từ thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại vi.

Đối với chẩn đoán vị trí tổn thương khi bệnh nhân liệt hai chân thì xảy ra một số trường hợp sau:

  • Nếu chủ yếu vị trí tổn thương ở vùng thắt lưng thì dựa vào ranh giới trên của rối loạn cảm giác để suy ra giới hạn tổn thương, theo sơ đồ chi phối cảm giác của khoanh tủy;
  • Một số trường hợp liệt hai chân có thể do tổn thương ở vùng vận động của vỏ não như bệnh u liềm đại não;
  • Nếu tổn thương ở vùng tủy sống thì cần phân biệt bệnh tủy không do ép hoặc ép tủy để xác định hướng điều trị

4. Điều trị hội chứng liệt hai chi như thế nào?

Chân
Bệnh nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân liệt hai chi dưới.

Nguyên tắc điều trị của liệt hai chi dưới nói riêng và liệt tứ chi nói chung sẽ gồm các bước sau:

  • Bệnh nhân cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm nhất có thể, giảm khả năng liệt vĩnh viễn;
  • Phục hồi chức năng phải được lưu ý càng sớm càng tốt và duy trì tới sau khi xuất viện;
  • Trong thời gian liệt cần đề phòng bội nhiễm và loét nhờ vào các phương pháp sau:
    • Để người bệnh nằm ở tư thế ít bị đè nhất và thường xuyên trở người bệnh, đổi tư thế, vệ sinh da khô sạch để chống loét;
    • Tập cho người bệnh thở, tập ho, vỗ rung lồng ngực để chống ứ đọng đờm dãi gây biến chứng nhiễm trùng hô hấp;
    • Xây dựng chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ;
    • Có thể đặt sonde tiểu, bơm rửa bàng quang thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan