Mổ dây chằng cổ chân và khả năng hồi phục

mổ dây chằng cổ chân

Chấn thương cổ chân trong khi chơi thể thao là bệnh lý thường gặp ở trẻ em và người lớn khi tham gia vận động, tập luyện. Một số trường hợp nhẹ chỉ cần nắn chỉnh và cố định cổ chân là có thể hồi phục. Tuy nhiên đối với các chấn thương đứt dây chằng cổ chân cộng với tình trạng bệnh nhân đến muộn thì cần phẫu thuật điều trị. Bài viết này cung cấp những thông tin về mổ dây chằng cổ chân và khả năng hồi phục sau phẫu thuật.

1. Tổng quan về đứt dây chằng cổ chân

Đứt dây chằng cổ chân là bệnh lý khá phổ biến, thường gặp nhiều ở trẻ em – đối tượng năng động và chưa nắm vững kỹ thuật chơi thể thao và người trẻ độ tuổi 20 đến 30 – vì đây là giai đoạn vận động, tham gia các hoạt động thể thao với tần suất cao nhất, do đó dễ dàng dẫn đến tổn thương.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng, đứt dây chằng cổ chân được phân thành 3 cấp độ, cụ thể như sau:

  • Cấp độ 1: Dây chằng cổ chân bị giãn nhưng không bị rách. Tổn thương có thể giảm nhẹ sau vài ngày và lành hẳn trong vòng 2 tuần. Chân có thể cử động bình thường sau khi tổn thương giảm.
  • Cấp độ 2: Dây chằng tổn thương và bị rách một phần, khớp lỏng lẻo, khó đứng dậy và có bất thường khi di chuyển mắt cá chân. Bệnh nhân mất từ 6 đến 8 tuần để phục hồi.
  • Cấp độ 3: Dây chằng cổ chân bị rách hoàn toàn, bệnh nhân không thể đứng hoặc di chuyển chân tổn thương, đau nhức nghiêm trọng và kéo dài, khớp sưng to. Thông thường bệnh nhân cần mất từ 3 đến 6 tháng để điều trị tích cực và phục hồi khả năng vận động.

2. Đứt dây chằng cổ chân khi nào nên phẫu thuật?

Đứt dây chằng cổ chân có nhiều cấp độ khác nhau, nếu đứt dây chằng cấp độ 1 và được xử trí kịp thời, đúng cách thì có thể hồi phục khả năng vận động hoàn toàn. Tuy nhiên, đứt dây chằng cổ chân cấp độ 2 nên cân nhắc giữa lợi ích và tác hại của việc mổ dây chằng cổ chân, cần cá nhân hóa và tư vấn để lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Đối với đứt dây chằng cổ chân cấp độ 3 thì cần mổ càng sớm càng tốt vì bệnh để lâu sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bệnh nhân. Không chỉ gây cảm giác đau đớn mà lâu ngày làm mất chức năng vận động của vùng chi bị tổn thương, có thể gây thoái hóa khớp, áp xe hoặc các bệnh lý mạch máu kèm theo. Lúc này điều trị liên quan đến nhiều chuyên khoa khác nhau và sẽ rất phức tạp, khó khăn, chi phí điều trị cao.

chấn thương dây chằng cổ chân
Chấn thương dây chằng cổ chân tùy vào trường hợp mà bác sĩ chỉ định phẫu thuật

3. Kỹ thuật phẫu thuật đứt dây chằng cổ chân:

Trước đây, khi muốn phẫu thuật điều trị đứt dây chằng cổ chân chi có phương pháp mổ hở để tái tạo dây chằng vùng tổn thương, kích thước đường mổ là 5 -10cm.

Hiện nay, cùng với các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học, chỉ với một đường mổ kích thước 0,5 cm là có thể tiếp cận vùng tổn thương và điều trị. Điều này giúp cho bệnh nhân giảm được các biến chứng trong và sau khi mổ, giúp bệnh nhân sớm hoạt động bình thường trở lại.

Kỹ thuật mới áp dụng phương pháp mổ nội soi và tái tạo dây chằng bị đứt bằng cách sử dụng một vật liệu gia cố bên trong để bảo tồn các dây chằng đã tổn thương, tạo sự vững chắc tạm thời trong lúc chờ dây chằng liền hoàn toàn. Kỹ thuật này hiện này được áp dụng rất rộng rãi và cho thấy kết quả hồi phục ở nhiều bệnh nhân là rất tốt, bệnh nhân có thể cử động được cổ chân 3 ngày sau phẫu thuật, đặc biệt có những bệnh nhân sau khi phẫu thuật 5 tháng đã có thể luyện tập thể thao trở lại với cường độ cao và không bị đau hay áp xe vùng cổ chân sau phẫu thuật.

4. Tập phục hồi chức năng sau đứt dây chằng cổ chân

Sau khi mổ tái tạo dây chằng cổ chân, để bệnh nhân sớm hoạt động thể thao trở lại thì tập hồi phục chức năng sau mổ tái tạo dây chằng khớp cổ chân là điều bắt buộc ở tất cả các bệnh nhân. Các bác sĩ điều trị cần tư vấn và giới thiệu cho bệnh nhân với bác sĩ phục hồi chức năng để thăm khám cũng như đề trang một liệu trình luyện tập thích hợp nhất cho bệnh nhân.

Quá trình tập luyện tiếp cận từ thấp đến cao, từ động tác đơn giản đến phức tạp. Từ tập tầm độ khớp cổ chân, đến tập sức mạnh cho toàn bộ nhóm cơ vùng cẳng chân và cổ chân có thể mất khá nhiều thời gian. Nếu tuân thủ đúng quá trình tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, bệnh nhân có thể sinh hoạt hoặc chơi thể thao sau 8 đến 10 tháng.

Tập hồi phục chức năng sau mổ dây chằng cổ chân cần tham vấn ý kiến bác sĩ
Tập hồi phục chức năng sau mổ dây chằng cổ chân cần tham vấn ý kiến bác sĩ

5. Cần xử trí như thế nào khi bị chấn thương cổ chân?

Phương pháp RICE (phương pháp sơ cứu chấn thương hiệu quả): rest = nghỉ ngơi, ice = chườm đá, compress = băng ép, elevate = kê chân cao là cách làm đúng nhất khi mới bị chấn thương khớp cổ chân.

Đặc biệt, người chơi thể thao khi gặp chấn thương, cảm thấy đau và hạn chế vận động thì nên đến các bệnh viện hoặc phòng khám uy tín, có đầy đủ trang thiết bị để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không nên chủ quan, tự ý đi mua thuốc về dùng, không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp... Vì làm vậy không những làm việc điều trị bị chậm trễ mà còn gây ra các tổn thương rách sụn chêm thứ phát, nhiễm trùng, áp xe vùng cổ chân...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan