Ngăn ngừa gãy xương nếu bạn bị loãng xương

Hiện nay, loãng xương là một trong những bệnh lý về xương phổ biến nhất, thường gặp ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Người bệnh loãng xương thường phải đối mặt với các nguy cơ như gù lưng, gãy hoặc lún đốt sống,... Chính vì vậy, việc ngăn ngừa gãy xương do loãng xương là vô cùng cần thiết.

1. Gãy xương do loãng xương có nguy hiểm?

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa ở xương khiến mật độ xương giảm, suy yếu, mỏng manh và dễ gãy. Loãng xương thường có xu hướng phát triển chậm trong một khoảng thời gian dài và chỉ phát hiện ra bệnh lý khi được bác sĩ chẩn đoán hoặc xảy ra các tai nạn té ngã, va chạm nhẹ gây chấn thương ở xương.

Theo khảo sát trên toàn thế giới, hằng năm có đến hơn 8,9 triệu ca gãy xương. Cứ mỗi 3 giây trôi qua thì có 1 trong 5 nam giới và 1 trong 3 phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xương làm gãy xương. Theo dữ liệu sơ bộ của Viện Dinh dưỡng tại Việt Nam, bệnh loãng xương ảnh hưởng đến 1 trong 8 nam giới và 1 trong 3 phụ nữ trên 50 tuổi. Mỗi năm nước ta ước tính có đến có 2,5 triệu người bị loãng xương và hơn 150.000 người bị nứt hoặc gãy xương do căn bệnh này.

Gãy xương do loãng xương thường gây ra những hậu quả nặng nề, khiến người bệnh phải chịu đau đớn, nặng hơn là bị gù lưng, lún đốt sống, thậm chí tàn tật,... Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Loãng xương làm gãy xương thật sự nguy hiểm đối với sức khỏe vì diễn biến âm thầm trong nhiều năm. Bạn chỉ biết mình mắc bệnh khi đã gặp những biến chứng từ bệnh lý này.

gãy xương do loãng xương
Gãy xương do loãng xương rất nguy hiểm

2. Những phương pháp ngăn ngừa gãy xương do loãng xương

Khi dự phòng và điều trị loãng xương, các bác sĩ thường chú trọng và đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng gãy xương. Để đạt được mục tiêu đề ra thì cần chú ý đến phương hướng điều trị sau:

  • Ngăn chặn tình trạng mất hoặc hủy xương;
  • Trong giai đoạn phát triển xương cần chú trọng tăng cường khối lượng xương;
  • Phục hồi cơ hóa xương cũng như cấu trúc xương đã có loãng xương.

2.1. Các biện pháp sử dụng thuốc

  • Thuốc bổ sung bắt buộc: Người có nguy cơ gãy xương do loãng xương bắt buộc phải bổ sung thuốc đúng liều lượng mỗi ngày, bao gồm Canxi (từ 1000 - 1200 mg/ngày) và Vitamin D (từ 800 - 1000 IU/ngày).
  • Thuốc chống hủy xương: Có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương, được chia thành 2 nhóm:
  • Thuốc nhóm Bisphosphonate: Được ưu tiên hàng đầu để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người trên 60 tuổi. Nhóm thuốc Bisphosphonate bao gồm các loại sau:
  • Alendronate: Fosamax 5600 (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 5.600IU) hoặc Fosamax plus (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 2.800IU). Sử dụng với liều lượng 1 viên/ tuần. Nên uống thuốc vào buổi sáng trước bữa ăn. Lưu ý sau khi uống thuốc, người bệnh không nên nằm trong khoảng 30 phút nhằm tránh biến chứng viêm loét thực quản.
  • Zoledronic acid (Aclasta, 5mg/ 100ml). Sử dụng với liều lượng 1 chai 5mg trong 1 năm và là liều duy nhất. Cách dùng: truyền thuốc qua tĩnh mạch chậm 1 chai 5mg/ 100ml trong khoảng thời gian trên 30 phút. Trước khi truyền thuốc, cần đảm bảo đủ lượng vitamin D và canxi cho người bệnh. Chống chỉ định đối với người bệnh có rối loạn nhịp tim hoặc chức năng thận suy giảm (hệ số thanh thải Creatinin ≤ 30ml/ phút).
  • Calcitonine: Chỉ sử dụng với bệnh nhân bị gãy xương kèm theo triệu chứng đau xương nhiều do loãng xương. Khi dùng Calcitonine cần kết hợp điều trị cùng nhóm thuốc Bisphosphonate. Sử dụng với liều lượng là 50-100IU/ ngày, thời gian từ 10-15 ngày/ đợt điều trị. Calcitonine thường được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp tay sau ăn. Người có tiền sử bị dị ứng cần lưu ý test trên da trước khi sử dụng, không dùng calcitinine liên tục và kéo dài.
  • Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs) gồm có Raloxifen (Evista). Chỉ sử dụng đối với phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương. Liều lượng viên 60mg/ ngày, thời gian uống không quá 2 năm.
  • Các nhóm thuốc khác: Có khả năng ức chế hủy xương và tăng tái tạo xương. Phổ biến là thuốc Strontium ranelate (Protelos) với liều dùng 2g/ngày, nên uống vào buổi tối và sau khi ăn khoảng 2 giờ. Khi uống thuốc sẽ làm tăng quá trình đồng hóa giữa Durabolin và Deca-Durabolin. Tuy nhiên, thuốc này lại có tác dụng phụ nghiêm trọng lên hệ tim mạch nên hiện nay không được áp dụng rộng rãi cho người bị gãy xương do loãng xương.

2.2. Các biện pháp không sử dụng thuốc

Áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện để xây dựng xương chắc khỏe là biện pháp ngăn ngừa loãng xương tối ưu. Dưới đây là những cách bảo vệ xương mà bạn có thể dễ dàng thực hiện được:

  • Ngừng uống cà phê: Uống cà phê thường xuyên sẽ khiến bạn mất đi 150mg canxi qua nước tiểu mỗi ngày. Nếu có thói quen uống cà phê mỗi sáng, bạn nên cân nhắc thêm ít sữa hoặc kem để bổ sung thêm lượng canxi. Ngoài ra, bạn có thể thay thế cà phê bằng một cốc trà đã khử caffeine tự nhiên.
  • Ngừng uống soda: Trong các nước uống dạng soda có chứa nhiều phốt pho ở dạng axit photphoric. Tiêu thụ quá mức phốt pho sẽ làm quá trình hấp thụ canxi của cơ thể bị chậm lại và gây ra tình trạng thiếu canxi.
  • Giảm stress và thư giãn tinh thần: Stress dễ gây ra một số thay đổi sinh lý nhất định, đặc biệt là làm tăng cortisol. Nếu nồng độ cortisol luôn ở mức cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hủy xương. Cortisol tồn tại lâu dễ đối kháng insulin, khiến lượng đường trong máu tăng và gây mất canxi. Để giảm bớt căng thẳng bạn nên tìm cách thư giãn nhiều hơn, đảm bảo ngủ đủ giấc, giấc ngủ phải chất lượng và có thể tâm sự cùng người thân.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên: Người bệnh loãng xương nên cố gắng duy trì tập các bài tập tải trọng và bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp mỗi ngày (theo khuyến nghị từ bác sĩ). Đồng thời, các bài tập như chạy bộ, nhảy dây, leo cầu thang,... cũng sẽ giúp xương của bạn chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đang có nguy cơ gãy xương do loãng xương thì chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, tập với máy elip, tập nhịp điệu,... Những bài tập này cũng có thể cải thiện sức khỏe và khả năng thăng bằng của bạn. Ngoài ra, nên tránh những bài tập có tác động mạnh đến xương.
gãy xương do loãng xương
Có nhiều phương pháp điều trị gãy xương do loãng xương

2.3. Điều trị các biến chứng

  • Đối với gãy xương: Người bệnh có thể đeo nẹp, thay đốt sống nhân tạo hoặc bơm xi măng vào thân đốt sống, thay khớp hoặc kết xương (nếu có chỉ định).
  • Đối với các cơn đau: Người bệnh có thể điều trị theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp cùng calcitonine.

2.4 Điều trị lâu dài

Khi điều trị lâu dài, bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị và phải có sự theo dõi sát từ bác sĩ. Sau mỗi 1 - 2 năm, nên đo lại mật độ xương để đánh giá kết quả quá trình điều trị. Thông thường, việc điều trị loãng xương thường kéo dài từ 3 - 5 năm. Sau khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ đánh giá tổng quát tình trạng bệnh và nguy cơ gãy xương do loãng xương để đưa ra quyết định phương hướng điều trị tiếp theo.

Để việc ngăn ngừa loãng xương làm gãy xương, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị bệnh của bản thân. Ngoài ra, việc kiểm soát chế độ ăn uống, tập luyện cũng cần được áp dụng để tình trạng bệnh loãng xương khả quan hơn. Trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu, triệu chứng gãy xương thì cần được khám và điều trị tại bệnh viện có chuyên môn cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

570 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan