Việc ngăn ngừa loãng xương là một vấn đề quan trọng để bảo vệ và duy trì sức khỏe xương khớp tốt nhất. Các biện pháp phòng ngừa không chỉ phụ thuộc vào thuốc mà còn có thể được thực hiện hiệu quả thông qua các phương pháp tự nhiên giúp tăng mật độ xương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các biện pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương (Osteoporosis) là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa xương, đặc trưng bởi sự giảm mật độ khoáng chất trong xương, làm tổn thương cấu trúc xương v à giảm sức khỏe của xương, khiến xương trở nên dễ gãy.
Đây là một bệnh lý phổ biến, chỉ sau các bệnh tim mạch, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi. Khoảng 1/3 phụ nữ và 1/8 nam giới trên 50 tuổi mắc loãng xương. Bệnh có thể dẫn đến tình trạng gãy xương dễ dàng, gây đau cấp và mạn tính, thay đổi hình dáng cơ thể, tăng nguy cơ tàn phế và thậm chí tử vong. Bệnh lý này gây gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội vì thế cần ngừa loãng xương để bảo vệ sức khỏe.
Phân loại:
- Loãng xương nguyên phát: Loại loãng xương này chiếm phần lớn số trường hợp bệnh hiện nay. Đây là tình trạng sinh lý xảy ra do quá trình lão hóa, bao gồm loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh (loãng xương type I) và loãng xương ở cả nam và nữ lớn tuổi (type II).
- Loãng xương thứ phát: Do các bệnh lý nội tiết như bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận, hoặc do việc sử dụng một số thuốc như corticosteroid.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương
Trước khi tìm hiểu cách ngừa loãng xương, chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh. Bệnh xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương, trong đó quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn, trong khi quá trình tạo xương vẫn bình thường hoặc giảm. Hậu quả là mật độ xương giảm dần, làm thay đổi cấu trúc cơ bản của xương, khiến xương trở nên dễ gãy.
Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh bao gồm:
- Người cao tuổi.
- Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ cao hơn nam giới.
- Tiền sử gia đình có người mắc loãng xương hoặc gãy xương.
- Thể trạng kém phát triển, suy dinh dưỡng, mắc các hội chứng kém hấp thu dinh dưỡng từ khi còn nhỏ.
- Chế độ ăn thiếu Canxi, Vitamin D, Phospho, Magie...
- Lối sống ít vận động, bất động lâu ngày do bệnh tật hoặc nghề nghiệp.
- Thường xuyên sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá...
- Bất thường bẩm sinh hệ sinh dục nam và nữ.
- Phụ nữ mãn kinh sớm.
- Hội chứng Cushing.
- Sử dụng thuốc lâu dài như corticosteroid, thuốc tiểu đường, thuốc chống động kinh, thuốc kháng đông, thuốc chống ung thư...
- Các bệnh viêm mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ hệ thống...
- Các bệnh lý khác có nguy cơ mất xương cao như cường giáp, cường cận giáp trạng, bệnh tuyến thượng thận, suy thận mạn, bệnh tiêu hóa mãn tính, bệnh huyết học.
3. Chẩn đoán loãng xương
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng của bệnh loãng xương thường tiến triển âm thầm, hầu hết bệnh nhân không có dấu hiệu loãng xương lâm sàng rõ ràng, trừ khi xảy ra gãy xương. Do đó, cần thực hiện chẩn đoán sớm để phòng ngừa loãng xương.
Các triệu chứng của bệnh loãng xương thường chỉ xuất hiện khi có biến chứng hoặc khi có bệnh lý gây loãng xương thứ phát:
- Đau lưng cấp hoặc mạn tính do gãy lún đốt sống.
- Biến dạng cột sống như vẹo cột sống, gù, giảm chiều cao do gãy thân đốt sống.
- Khó thở, đau ngực, chán ăn, chậm tiêu do ảnh hưởng đến xương ở lồng ngực hoặc thân đốt sống.
- Gãy xương ở các vị trí khác như gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay, gãy các đốt sống, có thể xảy ra sau chấn thương nhẹ, tai nạn sinh hoạt hằng ngày hoặc thậm chí không rõ nguyên nhân.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu thiếu canxi như móng tay yếu, dễ gãy, run tay chân, chuột rút, da khô, chóng mặt, mất ngủ.
3.2. Cận lâm sàng
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng gồm:
- Các xét nghiệm huyết học bao gồm công thức máu, chức năng đông máu và thời gian máu lắng.
- Sinh hóa máu như chức năng gan, thận, điện giải đồ, định lượng Canxi máu, CRP.
- Tổng phân tích nước tiểu.
- Đo độ loãng xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA, DXA) tại vùng đầu trên xương đùi và xương cột sống thắt lưng.
- Chụp X-quang phổi, cột sống ngực, cột sống thắt lưng và các vị trí khác nếu nghi ngờ biến chứng gãy xương.
- Các xét nghiệm và thăm dò khác giúp xác định nguyên nhân loãng xương thứ phát, chẩn đoán phân biệt hoặc đánh giá các bệnh kèm theo, bao gồm: hormone tuyến giáp (FT3, FT4, TSH), PTH, phosphatase kiềm, albumin, 25-OH-vitamin D huyết thanh, cortisol máu, phospho máu, điện di đạm, hormone sinh dục, tủy đồ...
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI, xạ hình xương...
- Định lượng Marker chu chuyển xương như NTX, PINP, CTX... nhưng chưa được khuyến cáo sử dụng thường quy trong lâm sàng.

4. Bệnh loãng xương có chữa được không?
Bệnh loãng xương hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn do xương đã phát triển hoàn thiện sau tuổi dậy thì. Vì vậy, điều trị chỉ giúp cải thiện tình trạng, không thể phục hồi khối lượng xương ban đầu. Phác đồ điều trị chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ khối lượng xương, giảm gãy xương, giảm đau và duy trì chức năng xương.
5. Cách điều trị bệnh loãng xương
5.1. Cách tự nhiên tăng mật độ xương
Xác định loãng xương do thiếu chất gì giúp lựa chọn phương pháp tăng mật độ xương không dùng thuốc, bao gồm:
- Bổ sung canxi qua chế độ ăn với thực phẩm như hải sản, sữa, sữa chua, phô mai, đậu, rau lá xanh, cá... Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và K như dưa cải, phô mai, chế phẩm đậu nành... Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và hỗ trợ khoáng chất liên kết với xương. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể hấp thụ vitamin D bằng cách phơi nắng vào buổi sáng.
- Bổ sung rau xanh ít calo, giàu khoáng chất, chất xơ và vitamin như bông cải xanh, bắp cải, rau xanh và thảo mộc.
- Tăng cường vận động như tập gym, yoga giúp tăng mật độ xương, giảm viêm, hạn chế mất sinh khối xương và tăng cơ bắp.
- Giữ cân nặng ổn định, tránh suy dinh dưỡng, thiếu cân hoặc béo phì.
- Tránh chế độ ăn thiếu calo vì có thể làm thiếu hụt dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho sự phát triển của xương.
- Bổ sung thực phẩm giàu protein, axit béo Omega-3 như cá thu, cá hồi, các loại hạt và thực phẩm giàu magie và kẽm như quả hạch, cây họ đậu, hạt và ngũ cốc.
- Thay đổi lối sống, hạn chế sử dụng rượu bia, nước ngọt, cà phê, thuốc lá… không chỉ giúp điều trị mà còn là cách phòng ngừa loãng xương hiệu quả.
5.2. Điều trị dùng thuốc
- Bổ sung canxi và vitamin D qua thuốc: Đảm bảo cung cấp 1000 – 2000 mg canxi nguyên tố và 800 – 1000 IU vitamin D mỗi ngày.
- Sử dụng thuốc chống hủy xương như nhóm Bisphosphonates (BPN), gồm Alendronate, Zoledronic Acid, Ibandronate, Risedronate, là lựa chọn đầu tay trong điều trị loãng xương.
- Sử dụng thuốc tăng tạo xương hoặc thuốc có tác dụng kép (tăng tạo xương và chống hủy xương) như Strontium Ranelate, Teriparatide.
- Sử dụng thuốc làm tăng quá trình đồng hóa như Durabolin, Deca-Durabolin.
- Điều trị giảm đau bằng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, kết hợp với Calcitonin.
- Thuốc giảm đau thần kinh như Pregabalin, Gabapentin...
5.3. Điều trị ngoại khoa
- Sử dụng nẹp thắt lưng và điều chỉnh tư thế cho các trường hợp chèn ép rễ thần kinh.
- Thực hiện phẫu thuật nẹp cố định, kết hợp xương hoặc thay chỏm cho các trường hợp gãy cổ xương đùi.
- Thực hiện tạo hình đốt sống đối với gãy đốt sống hoặc biến dạng cột sống.
- Phẫu thuật liền xương cho các trường hợp gãy xương khác.
6. Các cách tự nhiên giúp ngăn ngừa loãng xương
Phòng ngừa loãng xương có thể thực hiện qua việc cải thiện thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng. Dưới đây là một số cách ngừa loãng xương hiệu quả:
6.1. Vận động thường xuyên
Để ngăn ngừa loãng xương, các bài tập như chạy bộ, đi bộ nhanh, khiêu vũ, quần vợt… là những lựa chọn lý tưởng, giúp tăng cường sức khỏe xương. Bên cạnh đó, các bài tập nâng cao sức bền cũng mang lại lợi ích lớn cho việc phát triển, duy trì sức mạnh và khối lượng cơ bắp. Ngoài ra, các hoạt động như yoga, thái cực quyền cũng rất có ích để cải thiện sự cân bằng cho cơ thể, từ đó giảm thiểu nguy cơ té ngã và các chấn thương nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc tập luyện để ngăn ngừa loãng xương nên được duy trì với cường độ vừa phải và tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn lựa bài tập phù hợp.
6.2. Từ bỏ thói quen hút thuốc và uống rượu bia
Uống hơn hai ly rượu mỗi ngày và hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương, trong đó, thuốc lá gây rối loạn hormone Estrogen nên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, không tiêu thụ rượu bia và hút thuốc lá là cách ngừa loãng xương hiệu quả.

6.3. Tắm năng, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D và canxi
Tắm nắng là biện pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả, giúp thúc đẩy sản xuất Vitamin D nhưng cần tuân thủ khuyến nghị về sức khỏe để tránh nguy cơ ung thư và các vấn đề khác.
Ngoài ra, mọi người nên bổ sung vitamin D thông qua một số thực phẩm để giúp ngăn ngừa loãng xương, bao gồm:
- Cá hồi, cá thu, cá ngừ,…
- Gan bò, phô mai, lòng đỏ trứng,…
- Sữa, ngũ cốc, nước cam,…
Cùng với việc bổ sung vitamin D, việc tăng cường canxi là cần thiết để ngừa loãng xương hiệu quả. Lượng Canxi cần thiết cho người trưởng thành là 1.000mg/ngày, nhưng nam giới trên 70 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi cần 1.200mg/ngày. Để bổ sung canxi, mọi người nên lựa chọn các loại sữa ít béo, nước trái cây, ngũ cốc, sữa đậu nành, đậu phụ, cá mòi, cá hồi có xương, cải xoăn và bông cải xanh.
6.4. Bổ sung đạm
Nghiên cứu cho thấy bổ sung protein giúp tăng mật độ xương. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nên bổ sung protein mỗi ngày từ các thực phẩm giàu protein, gồm trứng, sữa, phô mai và hạnh nhân, để ngừa loãng xương hiệu quả.
6.5. Hạn chế thức uống có gas
Soda là tác nhân chính gây loãng xương, vì vậy nên thay thế soda bằng nước trái cây, sữa đậu nành để phòng ngừa loãng xương hiệu quả.
6.6. Duy trì cân nặng hợp lý
Thiếu và thừa cân đều làm tăng nguy cơ loãng xương và ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy duy trì cân nặng ổn định và hợp lý là rất quan trọng để ngừa loãng xương.
6.7. Phòng tránh té ngã
Để giảm nguy cơ té ngã, giúp bảo vệ xương, ngăn ngừa loãng xương, mọi người cần:
- Thực hiện bài tập cải thiện thăng bằng theo chỉ định bác sĩ.
- Đeo kính khi cần.
- Tạo không gian sống an toàn.
- Mang giày đế bằng, vừa vặn.
- Đeo thiết bị bảo vệ hông khi cần.
6.8. Kiểm tra mật độ xương định kỳ
Việc kiểm tra định kỳ xương là rất quan trọng để xác định độ chắc khỏe của xương, giú[p phát hiện sớm và ngừa loãng xương (nếu có). Điều này giúp can thiệp kịp thời, giảm thiểu rủi ro gãy xương. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, mọi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp kiểm tra phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Loãng xương có thể là tình trạng bệnh lý hoặc sinh lý do quá trình lão hóa cơ thể. Việc kết hợp ngừa loãng xương bằng các phương pháp tự nhiên giúp tăng mật độ xương cùng với điều trị thuốc, phẫu thuật ngoại khoa sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, từ đó giúp cải thiện và tăng cường sức khoẻ xương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.