Nhận biết chấn thương phần mềm xương sườn

Khi xương sườn bị chấn thương, va chạm nghiêm trọng thì có thể dẫn đến gãy xương hay chấn thương phần mềm xương sườn. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này là xương sườn bị bầm tím, có thể rạn nứt, vỡ hoặc thậm chí là gãy. Vị trí thường gặp trong chấn thương phần mềm xương sườn là phần mô, cơ bao bọc xương sườn bị bầm tím.

1. Vị trí và vai trò của xương sườn trong cơ thể người

Mỗi người có 12 đôi xương sườn, con số này có thể tăng lên hoặc giảm xuống còn 11. Mỗi xương sườn riêng lẻ bắt nguồn từ cột sống, kết nối với một đốt sống ở trung tâm của lưng trên và sau đó uốn quanh phần bên của cơ thể đến ngực.

7 cặp xương sườn trên kết nối với xương ức ở phía trước ngực được gọi là “xương sườn thật”. Ba cặp 8, 9, 10 liên kết với các xương sườn trên thông qua mô sụn được gọi là “xương sườn giả”. Hai cặp xương sườn 11 và 12 không liên kết ở phía trước cơ thể, do đó thường được gọi là “xương sườn cụt”.

Các xương sườn thay đổi theo hướng của chúng, xương sườn bên trên ít xiên hơn bên dưới; độ xiên đạt cực đại ở xương sườn thứ 9 và giảm dần từ xương sườn đó đến xương 12.

Giữa các xương sườn trên và dưới có 1 khoảng trống được gọi là khoang liên sườn. Chiều dài của mỗi khoảng trống tương ứng với chiều dài của các xương sườn liền kề và các tấm đệm của chúng; bề rộng ở phía trước lớn hơn phía sau và giữa các xương sườn trên hơn các xương sườn dưới. Các xương sườn tăng chiều dài từ xương đầu tiên đến xương thứ 7, giảm dần đến xương 12.

Vai trò của xương sườn trong cơ thể người:

  • Bảo vệ các cơ quan phủ tạng trong lồng ngực
  • Giúp cho việc hô hấp diễn ra bình thường
  • Là nơi để cơ và gân bám vào.

2. Dấu hiệu nhận biết chấn thương phần mềm xương sườn là gì?

Chấn thương phần mềm xương sườn hay xương sườn bầm tím xảy ra sau một tác động trực tiếp đến thân thể. Đó có thể là do ngã hoặc do va chạm trực tiếp từ vật cứng, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do tai nạn xe hơi. Vết thương cần được giám định để xác nhận đây không phải là tình trạng nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng chính là đau, sưng và đổi màu da. Cụ thể:

  • Có thể nhìn thấy bằng mắt thường, vùng da bên dưới vết bầm tím có thể chuyển sang màu xanh lam, tím hoặc vàng.
  • Xương sườn bị bầm tím và vùng bầm tím mềm hoặc đau.
  • Bạn có thể cảm thấy đau kể cả khi di chuyển hay nghỉ ngơi.
  • Hít thở, ho, cười hoặc hắt hơi đều có thể gây ra hoặc làm tăng cơn đau.
chấn thương lồng ngực
Một trong những triệu chứng chính của chấn thương phần mềm xương sườn là đau

Đau trong chấn thương lồng ngực là do căng hoặc chấn thương mô, sụn và cơ của thành ngực. Một cú va chạm trực tiếp vào ngực hoặc vào xương sườn có thể khiến xương sườn bầm tím, gãy hoặc tách khỏi xương ức. Vết bầm tím có thể xuất hiện trong những giờ tiếp theo và xương sườn rất có thể sẽ mềm khi chạm vào. Ho hoặc hắt hơi cũng có thể gây đau đớn.

3. Xử lý ban đầu chấn thương phần mềm xương sườn

Mặc dù xương sườn bị bầm tím là cực kỳ đau đớn, nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng sẽ lành hoàn toàn. Vết thương được gọi là xương sườn bầm tím nhưng phần lớn cơn đau là do chấn thương cơ và sụn sườn xung quanh.

Quy trình RICE là phương pháp điều trị sơ cứu tiêu chuẩn cho hầu hết các loại chấn thương mô mềm. Quy trình RICE bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao mô mềm bị thương trong 48 đến 72 giờ đầu tiên. 4 bước này giúp giảm đau và sưng tấy, ngăn ngừa tổn thương thêm cho vùng bị thương.

Phần còn lại của điều trị sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chấn thương mô mềm.

Tổn thương phần mềm xương sườn phục hồi giống như gãy xương sườn, nhưng vết bầm tím mất ít thời gian hơn so với gãy xương sườn:

  • Thời gian chữa bệnh mất khoảng 4 đến 6 tuần.
  • Có thể cần chụp X-quang, MRI hoặc CT để xác định chẩn đoán và loại trừ các chấn thương nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như gãy xương sườn hoặc tổn thương các cơ quan nội tạng.
  • Bạn sẽ không dùng thắt lưng hoặc băng quấn quanh ngực vì những thứ này sẽ giữ cho xương sườn của bạn bất động khi bạn thở hoặc ho. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi.

4. Một số cách chăm sóc chấn thương phần mềm xương sườn tại nhà

4.1. Chườm lạnh

Chườm lạnh để giảm sưng và giảm đau:

  • Chườm một túi đá lên vùng bị thương trong 10 - 20 phút, 2 đến 3 lần mỗi ngày trong một đến hai ngày đầu tiên.
  • Quấn túi đá vào một miếng vải trước khi chườm lên vùng bị thương.

4.2. Sử dụng thuốc

Nếu cơn đau của bạn không nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng thuốc Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc Naproxen (Aleve, Naprosyn) để giảm đau. Bạn có thể mua những loại thuốc giảm đau này ở hiệu thuốc nhưng cần lưu ý:

  • Hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng các loại thuốc này nếu bạn bị bệnh tim, huyết áp cao, bệnh thận, bệnh gan hoặc đã từng bị loét dạ dày hoặc xuất huyết nội trong.
  • Không dùng nhiều hơn số lượng khuyến cáo trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Acetaminophen (Tylenol) cũng có thể được hầu hết mọi người sử dụng để giảm đau. Tuy nhiên, cần lưu ý:

  • Không dùng thuốc này nếu bạn bị bệnh gan hoặc giảm chức năng gan.
  • Không dùng nhiều hơn số lượng khuyến cáo trên tờ rơi hướng dẫn sử dụng thuốc.

Nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng, bạn có thể cần các loại thuốc giảm đau theo đơn để kiểm soát cơn đau trong khi vết bầm tím của bạn lành lại:

  • Uống các loại thuốc này theo lịch trình mà bác sĩ của bạn đã kê đơn.
  • Không uống rượu, lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng khi đang dùng các loại thuốc này.
  • Để tránh bị táo bón, hãy uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ.
  • Để tránh buồn nôn hoặc nôn, hãy thử dùng thuốc giảm đau cùng với thức ăn.

Thông báo cho bác sĩ của bạn biết về bất kỳ loại thuốc nào khác mà bạn đang dùng vì tương tác thuốc có thể xảy ra.

chấn thương lồng ngực
Người bị chấn thương phần mềm xương sườn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

4.3. Các bài tập bổ trợ

Đau khi thở có thể khiến bạn thở nông. Nếu hít thở nông quá lâu, bạn có thể có nguy cơ bị viêm phổi. Để giúp ngăn ngừa các vấn đề, bác sĩ của bạn có thể đề nghị các bài tập thở sâu.

  • Thực hiện các bài tập hít thở sâu và ho nhẹ nhàng sau mỗi 2 giờ để tống khứ chất nhầy ra khỏi phổi và ngăn ngừa xẹp phổi một phần.
  • Hít thở sâu 10 lần mỗi giờ, ngay cả khi bạn thức giấc trong vài đêm đầu tiên.
  • Kê gối hoặc chăn vào phần xương sườn bị thương của bạn có thể giúp bạn bớt đau khi hít thở sâu. Bạn có thể cần uống thuốc giảm đau trước.

Trong quá trình chăm sóc chấn thương phần mềm xương sườn, người bệnh cần lưu ý:

  • Không nghỉ ngơi trên giường cả ngày. Điều này có thể gây ra chất lỏng tích tụ trong phổi của bạn.
  • Không hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào.
  • Cố gắng ngủ ở tư thế nửa thẳng đứng thoải mái trong vài đêm đầu tiên. Bạn có thể làm điều này bằng cách đặt một vài chiếc gối dưới cổ và lưng trên. Tư thế này sẽ giúp bạn thở thoải mái hơn.
  • Bắt đầu ngủ với tư thế không bị ảnh hưởng sau vài ngày đầu bị thương.
  • Tránh các hoạt động gắng sức như nâng, đẩy, kéo nặng hoặc các động tác gây đau.
  • Cẩn thận trong các hoạt động và tránh va chạm vào vùng bị thương.
  • Bạn có thể từ từ bắt đầu các hoạt động hàng ngày bình thường của mình sau khi được bác sĩ cho phép và khi cơn đau của bạn giảm và vết bầm tím của bạn lành lại.

Trong trường hợp người bệnh quá đau dù đã dùng thuốc giảm đau, sốt ho hoặc tăng chất nhầy khi bạn ho ra ho ra máu, khó thở và gặp các tác dụng phụ của thuốc giảm đau thì nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Có thể nói rằng, chấn thương xương ức, gãy, vỡ xương sườn hay chấn thương phần mềm xương sườn là một trong những chấn thương khá phổ biến, thường gặp hiện nay. Chúng ta nên chú ý cẩn thận khi vận động hoặc di chuyển trên đường để tránh những tai nạn, va chạm không đáng có, gây ảnh hưởng đến khung xương nói chung và xương sườn nói riêng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan