Nhận biết và điều trị đứt gân bánh chè

Mặc dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song tổn thương gân bánh chè thường gặp hơn ở lứa tuổi trung niên, vận động viên điền kinh, nhảy cao. Khi gân bánh chè bị đứt hoàn toàn, bạn sẽ mất khả năng duỗi khớp gối và cần phải điều trị bằng phẫu thuật.

1. Các mức độ tổn thương gân bánh chè

Gân bánh chè là gân bám từ cực dưới của xương bánh chè đến đầu trên của xương chày. Còn gân bám ở cực trên xương bánh chè là gân cơ tứ đầu.

Hai gân này có vai trò như sợi dây ròng rọc, còn rãnh liên lồi cầu đùi như ròng rọc. Khi cơ tứ đầu đùi co sẽ kéo căng gân bánh chè, tạo nên động tác duỗi gối.

Gân bánh chè có thể bị tổn thương không hoàn toàn hoặc hoàn toàn:

  • Tổn thương không hoàn toàn: Gân bánh chè được tạo thành bởi nhiều sợi kết hợp lại, giống như dây cáp được tạo bởi nhiều sợi cáp. Trường hợp gân bánh chè tổn thương không hoàn toàn là tình trạng đứt một phần, hay đứt một số sợi nhất định trong gân, phần còn lại vẫn giữ được vai trò duỗi gối nhưng yếu hơn bình thường. Trong trường hợp này, gối của bạn có thể duỗi được nhưng yếu hơn à không duỗi được hết tầm.
  • Tổn thương hoàn toàn: Là khi gân bánh chè bị đứt hoàn toàn thành 2 phần tách biệt, không còn sợi gân nào nguyên vẹn. Gân bánh chè thường bị đứt ở vị trí bám vào đầu dưới của xương bánh chè, có thể bong một phần sụn chỗ bám gân. Khi đứt hoàn toàn, gân bánh chè sẽ co ngắn lại về hai phía, bạn sẽ mất hoàn toàn khả năng duỗi gối. Trường hợp đứt gân bánh chè do bệnh lý như viêm gân thì vị trí đứt thường là 1/3 giữa của gân.

2. Nguyên nhân đứt gân bánh chè là gì?

Một số nguyên nhân gây đứt gân bánh chè đó là:

  • Do chấn thương: Phải có một lực chấn thương rất lớn mới có thể làm đứt gân bánh chè. Có thể do:
  • Ngã: Một lực va chạm mạnh, trực tiếp vào phía trước gối do ngã hoặc bị đánh. Hay do vết chém trực tiếp vào trước gối cũng là một nguyên nhân thường gặp.
  • Nhảy cao: Khi bạn nhảy cao, chân tiếp đất trong tư thế gập gối, bàn chân “duỗi” (bàn chân duỗi về phía gan chân), gân bánh chè dễ bị tổn thương ở tư thế này.
  • Do bệnh lý: Do bệnh lý làm cho gân bánh chè mất sức bền, rất dễ bị tổn thương. Trong trường hợp này gân thường bị đứt ở vị trí 1/3 giữa. Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng này đó là:
  • Viêm gân bánh chè: Bệnh lý này thường thấy ở những người thực hiện các động tác lặp đi lặp lại, thường xuyên như chạy, nhảy. Một phương pháp điều trị bệnh lý này đó là tiêm corticoid vào trực tiếp hoặc xung quanh gân bánh chè. Phương pháp này lại chính là một nguyên nhân làm suy yếu và tăng nguy cơ đứt gân bánh chè.
  • Bệnh lý mãn tính: Một số căn bệnh mãn tính khiến cho tình trạng cấp máu kém cũng làm cho gân bánh chè bị yếu và dễ tổn thương hơn. Các bệnh lý đó bao gồm suy thận mạn, viêm khớp dạng thấp, bệnh đái tháo đường, bệnh chuyển hóa,, nhiễm trùng và một số bệnh lý bắt buộc sử dụng corticoid điều trị dài ngày.
  • Phẫu thuật: Một số phẫu thuật tiến hành xung quanh vùng gối trước như thay khớp gối, tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân bánh chè tự thân sẽ làm tăng nguy cơ bị đứt gân bánh chè.
điều trị đứt gân bánh chè
Điều trị đứt gân bánh chè do chấn thương cần đúng phương pháp

3. Dấu hiệu đứt gân bánh chè

Ngay sau khi bị chấn thương, bạn sẽ cảm thấy đau và gối từ từ sưng lên, đồng thời có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như:

  • Sờ thấy vùng lõm ngay phía dưới xương bánh chè (tại vị trí gân bánh chè bị đứt).
  • Bầm tím.
  • Chuột rút.
  • Xương bánh chè chồi lên cao hơn bình thường.
  • Không thể duỗi hết khớp gối.
  • Bước đi khó khăn là một trong những dấu hiệu đứt gân bánh chè điển hình.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử chấn thương và các bệnh lý liên quan bạn có thể gặp phải. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khớp gối của bạn. Để xác định tổn thương gân bánh chè, bác sĩ yêu cầu bạn co duỗi gối chủ động, động tác này có thể gây đau.

Để khẳng định thêm chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho bạn chụp phim Xquang thường hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng gối.

Trên phim X-quang khớp gối tư thế nghiêng, bạn sẽ thấy hình ảnh xương bánh chè nằm ở vị trí cao hơn so với bình thường. Trong trường hợp đứt hoàn toàn gân bánh chè, chỉ cần chụp phim X-quang thường là đủ chẩn đoán. Để có thể xác định vị trí của xương bánh chè, các bác sĩ sẽ dựa vào tỷ lệ giữa chiều dài gân bánh chè (A) và chiều dài của xương bánh chè (B) trên phim X-quang thường hoặc trên phim MRI gối, chụp ở bình diện nghiêng, gối gấp 30 độ. Bình thường tỷ lệ A:B nằm trong khoảng từ 0,8-1,2 (gọi là tỷ lệ Insall-Salvati). Nếu tỷ lệ này > 1,2 thì chứng tỏ xương bánh chè lên cao.

Phim MRI cho thấy hình ảnh rõ nét hơn về các tổn thương phần mềm. Với tổn thương gân bánh chè, phương pháp này có thể xác định được mức độ tổn thương là đứt hoàn toàn hay không hoàn toàn và vị trí gân bị đứt. Ngoài ra, phim MRI còn giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác cũng gây ra các triệu chứng lâm sàng tương tự.

4. Điều trị đứt gân bánh chè như thế nào?

Khi đã được chẩn đoán bị đứt gân bánh chè, bạn cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để tư vấn và điều trị. Chỉ định phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Mức độ và tính chất của tổn thương gân bánh chè.
  • Mức độ hoạt động của bạn
  • Tuổi tác của bạn.

Các phương pháp điều trị đứt gân bánh chè gồm có:

4.1. Điều trị đứt gân bánh chè bằng phương pháp bảo tồn

Được chỉ định cho trường hợp rách nhỏ, một phần gân bánh chè. Điều trị bảo tồn đa phần mang lại kết quả tốt.

  • Bất động: Bằng cách sử dụng nẹp ở tư thế duỗi gối trong thời gian 3-6 tuần. Khi đi lại, bạn cần dùng hai cái nạng đỡ, để tránh tỳ toàn bộ trọng lượng cơ thể lên chân tổn thương.
  • Tập luyện: Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện một số bài tập để tăng sức khỏe của cơ và lấy lại biên độ vận động của khớp gối. Trong thời gian mang nẹp, bạn sẽ tập gồng cơ bằng cách nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế duỗi thẳng gối. Sau khi tháo nẹp có nghĩa là gân đã liền kỳ đầu, bạn sẽ chuyển sang tập gấp duỗi gối từ từ và tăng dần biên độ. Thông thường bạn có thể chơi thể thao trở lại sau 6 tháng điều trị.
điều trị đứt gân bánh chè
Tập luyện điều trị đứt gân bánh chè

4.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Đa phần các tổn thương gân bánh chè phải phẫu thuật thì mới có thể lấy lại được chức năng bình thường của gối. Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp gân bị rách lớn hoặc đứt hoàn toàn gân bánh chè. khi có chỉ định, bạn nên phẫu thuật càng sớm kết quả càng tốt.

Nếu để lâu tổ chức xơ đã hình thành và đầu gân đã co ngắn lại sẽ ngăn cản sự liền gân. Khi đó phẫu thuật khâu lại gân thường đem lại kết quả kém, bắt buộc phải phẫu thuật chuyển gân thay thế. Có nhiều kỹ thuật chuyển gân có thể được sử dụng, tuy nhiên phổ biến nhất hiện nay vẫn là sử dụng gân cơ bán gân và gân cơ thon tự thân.

Ngay sau phẫu thuật, bạn sẽ được dùng thuốc giảm đau, chườm đá. Sau 2 tuần sẽ cắt chỉ khâu da. Bạn sẽ được bất động chân ở tư thế duỗi gối, bằng ống bột trong thời gian từ 3-6 tuần. Đi lại cần phải có nạng, tỳ một phần chân mổ (50%) từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4. Sau 4-6 tuần có thể dồn hoàn toàn trọng lượng cơ thể.

Sau khi tháo bột, bạn sẽ tập gấp duỗi gối từ từ tăng dần để lấy lại biên độ vận động của khớp gối. Một số trường hợp mũi khâu chắc, bạn sẽ có thể tập vận động gối ngay sau mổ. Thông thường phải sau 6 tháng bệnh nhân mới có thể trở lại mọi hoạt động bình thường, cũng có trường hợp phải mất 12 tháng.

Tóm lại, khi gân bánh chè bị đứt bạn sẽ mất khả năng hoặc khó duỗi khớp gối đau và gối từ từ sưng lên, đồng thời có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như lõm ngay phía dưới xương bánh chè, bầm tím chuột rút, đi lại khó khăn... Nếu có các dấu hiệu, triệu chứng trên, đặc biệt là sau khi bị chấn thương vùng gối thì bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan