Công dụng của Lidocaine là gì?

Lidocain được nhiều người biết đến như một thuốc gây tê phổ biến. Ngoài ra nó còn được sử dụng trong điều trị các rối loạn nhịp cấp tính nguy hiểm. Vậy Lidocain là thuốc gì và cần lưu ý gì trong quá trình sử dụng?

1. Thuốc Lidocaine là gì?

Thuốc lidocaine có hoạt chất là lidocaine, thuộc nhóm thuốc tê, thuốc chống loạn nhịp nhóm 1B. Hàm lượng và liều lượng của thuốc Lodicaine được tính theo hoạt chất lidocaine hydroclorid. Hiện nay trên thị trường có nhiều dạng bào chế khác nhau của Lidocaine với nhiều hàm lượng khác nhau:

  • Dạng thuốc tiêm: 0,5% (50ml); 1% (2ml, 5ml, 10ml, 20ml, 30ml, 50ml); 1,5% (20ml); 2% (2ml, 5ml, 10ml, 20ml, 30ml, 50ml); 4% (5ml); 10% (3ml, 5ml, 10ml); 20% (10ml, 20ml);
  • Dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch trong glucose 5%: 0,2% (500ml); 0,4% (250ml, 500ml, 1000ml); 0,8% (250ml, 500ml);
  • Dạng dung dịch 4% (25ml, 50ml), dung dịch 5% (20ml) pha với dung dịch glucose 5% thành 250-500-1000ml dịch tiêm truyền tĩnh mạch lidocaine hydroclorid 0,2%; 0,4%; 0,8%; 1%;
  • Dạng thuốc dùng ngoài dạng gel: 2% (30ml); 2,5% (15ml);
  • Dạng thuốc mỡ: 2,5%; 5% (35g);
  • Thuốc dùng ngoài dạng dung dịch: 2% (15ml, 240ml); 4% (50ml);
  • Dạng kem: 2% (56g), 4% (5g, 15g, 30g).

Cơ chế tác động của thuốc Lidocaine:

  • Lidocaine bản chất là một thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm amid và có thời gian tác dụng trung bình. Cơ chế tác dụng của Lidocaine là phong bế cả sự phát sinh và dẫn truyền xung động thần kinh thông qua việc giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh với ion natri. Do đó có thể giúp ổn định màng, ức chế quá trình khử cực, làm giảm lan truyền hiệu điện thế hoạt động và cuối cùng là ngăn chặn các dẫn truyền xung động thần kinh;
  • Lidocaine được sử dụng rộng rãi do ưu điểm gây tê nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian tác dụng dài hơn so với thuốc tê procain cùng nồng độ;
  • Thuốc Lidocaine còn được chỉ định điều trị cho các trường hợp có tiền sử mẫn cảm/dị ứng với các thuốc tê loại este.
Lidocaine
Lidocaine được bào chế ở nhiều dạng khác nhau

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Lidocaine

2.1. Chỉ định

Thuốc Lidocaine được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Lidocaine có tác dụng gây tê tại chỗ trước khi tiến hành thăm khám, thực hiện nội soi, đặt thiết bị kỹ thuật vào cơ thể hoặc tiến hành các thủ thuật khác... mục đích để làm giảm triệu chứng đau cho bệnh nhân;
  • Thuốc lidocaine dùng trong gây tê từng lớp và gây tê phong bế thần kinh, bao gồm gây tê thần kinh ngoại vi, gây tê hạch giao cảm, gây tê ngoài màng cứng, gây tê khoang cùng và gây tê tủy sống;
  • Điều trị một số rối loạn nhịp thất cấp tính sau nhồi máu cơ tim hoặc trong quá trình tiến hành các thao tác kỹ thuật tim mạch (như phẫu thuật tim hoặc thông tim). Các loại rối loạn nhịp cần điều trị bằng lidocain bao gồm: ngoại tâm thu thất trong nhồi máu cơ tim, nhịp nhanh thất và rung thất.

2.2. Chống chỉ định của Lidocaine

  • Thuốc lidocaine có chống chỉ định tuyệt đối cho các trường hợp có tiền sử dị ứng hay quá mẫn với thuốc tê nhóm amid;
  • Người mắc hội chứng Adams-Stokes, Wolff-Parkinson-White hoặc một số rối loạn nhịp như rối loạn xoang nhĩ nặng, blốc nhĩ - thất tất cả các mức độ, block trong thất (không có thiết bị tạo nhịp);
  • Suy cơ tim nặng;
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Lidocaine

Liều lượng và cách sử dụng ở người trưởng thành sẽ phụ thuộc vào mục đích điều trị:

  • Trường hợp sử dụng thuốc lidocaine để gây tê tại chỗ (các vị trí như niêm mạc mũi, miệng, họng, khí phế quản, thực quản, đường tiết niệu - sinh dục): Bôi trực tiếp dung dịch lidocaine hydroclorid (2 - 10%) với liều tối đa ở người cân nặng 70kg là 500 mg. Lưu ý không sử dụng nhắc lại trong vòng 2 giờ;
  • Dùng thuốc lidocaine trong gây tê từng lớp: Tiêm trực tiếp vào mô thuốc tiêm lidocaine hydroclorid (nồng độ 0.5 - 1%). Liều dùng của thuốc lidocaine tùy thuộc có tiêm cùng adrenalin hay không, nếu có là khoảng 4.5 mg/kg còn không thì có thể tăng liều lên thêm 1⁄3 là 7 mg/kg;
  • Lidocaine dùng trong gây tê phong bế vùng: Sử dụng bằng cách tiêm dưới da dung dịch lidocaine hydroclorid cùng nồng độ và liều lượng như gây tê từng lớp;
  • Gây tê phong bế thần kinh: Tiêm dung dịch lidocaine vào vị trí gần dây thần kinh hoặc vào đám rối thần kinh ngoại vi sẽ mang lại hiệu quả gây tê rộng hơn so với các kỹ thuật nêu trên. Để phong bế thần kinh trong thời gian 2 - 4 giờ, bác sĩ có thể chỉ định dùng lidocaine (nồng độ 1 - 1,5%) với liều khuyến cáo tương tự các cách gây tê ở trên;
  • Điều trị cấp tính loạn nhịp thất: Liều nạp 3 - 4 mg/kg dùng trong 20 – 30 phút, sau đó có thể duy trì bằng đường tiêm truyền liên tục với liều 1 - 4 mg/phút.

Liều lượng sử dụng thuốc lidocaine cho các đối tượng khác: Những trường hợp người bệnh suy tim và mắc các bệnh về gan cần giảm tổng liều nạp ban đầu và tốc độ tiêm truyền duy trì. Liều khởi đầu 0.75 mg/phút hoặc 10 microgam/kg/phút; tối đa 1.5 mg/phút hoặc 20 microgam/kg/phút. Một số người bệnh nhồi máu cơ tim cấp có thể cần nồng độ lidocaine huyết tương cao hơn bình thường để duy trì hiệu lực chống loạn nhịp.

bào chế
Lidocaine cần được sử dụng đúng liều lượng

4. Tác dụng phụ của thuốc Lidocaine

Các tác dụng phụ có thể xảy ra của Lidocaine bao gồm:

  • Hạ huyết áp, đau đầu khi thay đổi tư thế;
  • Rét run;
  • Block tim, loạn nhịp tim, thậm chí có thể gây trụy mạch và ngừng tim;
  • Khó thở, suy hoặc ngừng hô hấp;
  • Thay đổi tri giác, hôn mê, kích động;
  • Nói líu nhíu, co giật;
  • Rối loạn lo âu, cảm giác sảng khoái hoặc xuất hiện ảo giác;
  • Ngứa ngáy, phát ban ngoài da kèm phù nề hoặc cảm giác tê bì quanh vùng môi và đầu lưỡi;
  • Buồn nôn, nôn ói, dị cảm, rối loạn thị lực như nhìn mờ hay song thị.

5. Một số lưu ý khi sử dụng Lidocaine

5.1. Lưu ý chung trong quá trình sử dụng thuốc

  • Không sử dụng chế phẩm lidocaine có chứa các chất bảo quản với mục đích gây tê tủy sống, ngoài màng cứng hay gây tê khoang cùng;
  • Cần sử dụng thận trọng cho các trường hợp mắc bệnh lý gan, suy tim, thiếu oxy máu hay suy hô hấp nặng, sốc hay mắc các bệnh lý gây giảm thể tích máu, block tim không hoàn toàn, nhịp tim chậm hoặc rung nhĩ;
  • Khi sử dụng ở các bệnh nhân mức độ nặng hay cơ thể suy nhược cần thận trọng vì nguy cơ ngộ độc toàn thân với lidocaine có thể xảy ra;
  • Không tiêm thuốc gây tê ở những vị trí đang bị viêm, nhiễm khuẩn, tổn thương hoặc bỏng vì nguy cơ thuốc hấp thu nhanh hơn, từ đó gây tác dụng toàn thân thay vì tác dụng tại chỗ.

5.2. Dấu hiệu quá liều lidocaine và cách xử trí

Những triệu chứng quá liều bao gồm rối loạn tri giác (an thần, lú lẫn, hôn mê), xuất hiện các cơn co giật, ngừng hô hấp, ngộ độc tim (ngừng xoang, block nhĩ - thất, suy tim và hạ huyết áp), rối loạn nhịp trên ECG (như khoảng QRS và QT kéo dài khi quá liều trầm trọng) kèm một số biểu hiện toàn thân như chóng mặt, dị cảm, rét run, mất điều hòa và rối loạn tiêu hóa;

Cách xử lý: Các biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu chỉ với mục đích hỗ trợ triệu chứng thông thường như truyền dịch, duy trì tư thế bệnh nhân phù hợp, kiểm soát huyết áp, dùng thuốc chống loạn nhịp tim hay chống co giật). Việc sử dụng Natri Bicarbonat có thể hỗ trợ phục hồi tình trạng QRS kéo dài, loạn nhịp chậm và giảm huyết áp. Một số trường hợp có đủ điều kiện có thể tiến hành thẩm phân máu để tăng tốc độ thải trừ lidocaine.

6. Tương tác thuốc của Lidocaine

Các thuốc có khả năng gây tương tác với thuốc Lidocain bao gồm:

  • Sử dụng Adrenalin phối hợp Lidocaine có thể làm giảm tốc độ hấp thu và giảm độc tính, do đó thời gian tác dụng của lidocaine có thể kéo dài hơn;
  • Các thuốc tê nhóm amid (như bupivacain, levobupivacain, lidocain, bupivacain) dùng phối hợp các thuốc chống loạn nhịp dẫn đến tăng nguy cơ ức chế cơ tim;
  • Thuốc chẹn beta: Sử dụng cùng lúc có thể dẫn đến giảm chuyển hóa và tăng nguy cơ ngộ độc Lidocaine;
  • Cimetidin gây ức chế chuyển hóa lidocain ở gan, dẫn đến nguy cơ ngộ độc lidocaine cao hơn khi dùng chung;
  • Ranitidine có thể gây giảm nhẹ độ thanh thải lidocaine;
  • Succinylcholine dùng đồng thời với lidocaine có thể làm tăng tác dụng của succinylcholine;
  • Lidocaine có khả năng làm tăng tác dụng của colchicine, tamoxifen, salmeterol hay tolvaptan;
  • Tác dụng của Lidocaine sẽ cao hơn khi dùng chung với Amiodaron, thuốc chẹn beta, conivaptan hay giảm tác dụng khi dùng đồng thời với cyproterone, etravirin, peginterferon alfa-2b, tocilizumab;
  • Sử dụng đồng thời Lidocaine với các thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến hạ kali máu do tác dụng đối kháng của 2 nhóm thuốc;
  • Nguy cơ loạn nhịp thất hay QT kéo dài cao hơn khi dùng đồng thời Lidocaine với các thuốc chống loạn thần, prenylamine, adrenalin (tiêm tĩnh mạch) hoặc thuốc đối kháng 5HT3 (như Tropisetron, Dolasetron).

Thuốc Lidocaine chỉ đem lại hiệu quả điều trị khi được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Do đó để an toàn uống thuốc, bạn cần tuân thủ quy định của bác sĩ. Khi cơ thể xảy ra bất cứ triệu chứng gì sau sử dụng thuốc cần báo ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Please dial HOTLINE for more information or register for an appointment HERE. Download MyVinmec app to make appointments faster and to manage your bookings easily.

This article is written for readers from Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

101.9K

Relating articles