Áp dụng kỹ thuật sinh thiết vú bằng kim có hút chân không hỗ trợ dưới định vị Stereotactic tại Hệ thống Y tế Vinmec

Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Hương - Phó trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Trung tâm sàng lọc vú - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Kỹ thuật sinh thiết vú có hút chân không hỗ trợ dưới định vị stereotactic ( vacuum - assisted biopsy – VAB) là kỹ thuật chẩn đoán ung thư vú đã được áp dụng trên thế giới từ giữa những năm 1990. Kỹ thuật này được thực hiện trên hai dòng thiết bị chính, gồm dòng thiết bị sinh thiết ở tư thế nằm sấp (prone) và dòng thiết bị sinh thiết ở tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng (up-right).

1. Tổng quan về kỹ thuật sinh thiết vú có hút chân không hỗ trợ dưới định vị stereotactic

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến ở nữ giới, phương pháp sàng lọc chính với bệnh lý này là chụp nhũ ảnh. Các biểu hiện sớm của tổn thương ác tính trên X-quang vú thường là các vi vôi hóa với các điểm đặc trưng về hình thái và tính chất phân bố.

Các vi vôi hóa nghi ngờ ác tính từ lâu đã được sinh thiết bằng kim lõi hoặc đặt kim dây định vị dưới hướng dẫn của X quang rồi sinh thiết mở. Sinh thiết lõi thường được áp dụng với cỡ kim phổ biến là 14G, với kỹ thuật này thì những đám vi vôi hóa nhỏ sẽ khó lấy được bệnh phẩm [3]. Kỹ thuật sinh thiết mở mang tính chất xâm lấn nhiều hơn và có những hạn chế nhất định như để lại sẹo, cần chăm sóc hậu phẫu. Kỹ thuật sinh thiết có hút chân không hỗ trợ dưới định vị stereotactic ( vacuum - assisted biopsy – VAB) đã được áp dụng trên thế giới từ giữa những năm 1990[1]. Kỹ thuật này được thực hiện trên hai dòng thiết bị chính, gồm dòng thiết bị sinh thiết ở tư thế nằm sấp (prone) và dòng thiết bị sinh thiết ở tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng (up-right)[5]. Từ tháng 12/2018 Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã áp dụng thành công kỹ thuật VAB dưới định vị stereotactic, phát hiện được nhiều ca ung thư vú từ giai đoạn rất sớm khi chưa có các biểu hiện trên lâm sàng.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định

Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện sinh thiết vú khi có các tổn thương nghi ngờ ác tính như sau:

  • Các vôi hóa.
  • Các tổn thương rối loạn cấu trúc.
  • Các tổn thương dạng khối nhưng không sinh thiết được dưới siêu âm.

2.2. Chống chỉ định

Kỹ thuật này chỉ có chống chỉ định tương đối. Không có chống chỉ định tuyệt đối. Cụ thể:

  • Có tiền sử dị ứng thuốc tê lidocain.
  • Có bệnh lý rối loạn đông máu.
Chống chỉ định sinh thiết vú
Người mắc bệnh rối loạn đông máu chống chỉ định sinh thiết vú

3. Phương tiện và các vật tư cần thiết khi thực hiện sinh thiết vú

  • Phương tiện định vị: Máy X quang vú Mammomat Inspiration – Siemens. Máy có tính năng chụp Tomosynthesis, định vị tổn thương ở chế độ stereotactic, giá gắn kim sinh thiết có chế độ điều khiển tự động và bằng tay.
  • Phương tiện hỗ trợ: Ghế chuyên dụng dùng cho thủ thuật giúp đặt bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng.
  • Kim sinh thiết Encore của BARD Biopsy cỡ kim 10G.
  • Máy hút và điều khiển kim: Máy Encore Enspire của BARD Biopsy.
  • Các vật tư tiêu hao, marker đánh dấu vị trí sinh thiết vú.

4. Quy trình kỹ thuật sinh thiết vú bằng kim có hút chân không hỗ trợ dưới định vị Stereotactic

Quy trình thực hiện kỹ thuật sinh thiết vú bằng kim có hút chân không hỗ trợ dưới định vị Stereotactic như sau:

  • Chuẩn bị hồ sơ bệnh án, xét nghiệm đông máu.
  • Phim chụp tư thế ML(Medial – Lateral) giúp xác định vị trí tổn thương theo hướng trên dưới, cùng với phim chụp CC giúp lựa chọn đường vào.
  • Xác định tọa độ tổn thương: Chụp hai hướng -15 độ và + 15 độ, chọn mục tiêu, phần mềm sinh thiết sẽ tự tính tọa độ và điều khiển giá đỡ kim sinh thiết di chuyển tới đúng vị trí.
  • Gây tê tại chỗ: Bằng lidocain 1% pha với adreanlin 1:100.000.
  • Đưa kim sinh thiết vào vị trí.
  • Chụp kiểm tra vị trí kim.
  • Lấy bệnh phẩm.
  • Xác định lấy bệnh phẩm thành công: Chụp bệnh phẩm xác định có vôi hóa trong bệnh phẩm hoặc chụp sau sinh thiết vú thấy vôi hóa biến mất hoặc giảm đi tại vị trí sinh thiết.
  • Đặt marker đánh dấu.
  • Rút kim, băng ép vùng sinh thiết.

5. Bệnh án minh họa

Bệnh nhân nữ 47 tuổi, khám sàng lọc có đám vi vôi hóa đa hình thái ở vú trái, hiện có đặt túi ngực, không có tiền sử bản thân và gia đình đặc biệt. Không có chống chỉ định làm thủ thuật, tiến hành sinh thiết vú ở tư thế ngồi, kim sinh thiết theo hướng ngang.

Kỹ thuật sinh thiết vú
Sinh thiết u vú
Bước thực hiện sinh thiết u vú
Sinh thiết vú
Sinh thiết vú là gì
Kết quả sinh thiết vú

6. Ưu điểm của kỹ thuật

Ưu điểm của kỹ thuật sinh thiết vú bằng kim có hút chân không hỗ trợ dưới định vị Stereotactic là hiệu quả hơn so với phương pháp sinh thiết kim lõi: Nhờ sử dụng kim sinh thiết có kích thước lớn từ 12 G trở lên, kết hợp với lực hút chân không nên giúp lấy được nhiều bệnh phẩm hơn, từ đó khả năng thành công cao hơn. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng ít xâm lấn hơn so với phương pháp sinh thiết mở: Vị trí rạch da không cần khâu phục hồi, không cần chăm sóc đặc biệt, người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường ngay ngày hôm sau.

Ngoài ra, việc đặt marker đánh dấu vị trí can thiệp được tiến hành ngay trong thủ thuật giúp việc quản lý tổn thương sau khi có kết quả xét nghiệm được thuận lợi hơn.

7. Hạn chế của kỹ thuật

Hạn chế của kỹ thuật sinh thiết vú bằng kim có hút chân không hỗ trợ dưới định vị Stereotactic là khó thực hiện ở những trường hợp tuyến vú mỏng.

Khi ép vú nếu độ dày mô vú quá mỏng, tọa độ tổn thương ở vị trí không phù hợp kỹ thuật sẽ khó thực hiện được. Lúc này cần tiến hành các kỹ thuật làm gia tăng độ dày mô vú tại vị trí sinh thiết hoặc thay đổi đường vào theo hướng khác[6, 109-115].

Hệ thống sinh thiết tại Vinmec có tính năng sinh thiết theo hướng kim đi ngang song song với bàn ép và detector. Vì vậy giải quyết được những tình huống vú mỏng không có khả năng thực hiên theo hướng dọc.

Sinh thiết vú
Hình 13: Hướng kim dọc bị hạn chế với tuyến vú mỏng. Cần khoảng cách an toàn tối thiểu từ mũi kim tới mặt detector.
Sinh thiết u vú
Hình 14: Hướng kim ngang song song với detector. Thực hiện được cho các trường hợp tuyến vú mỏng

8. Biến chứng có thể gặp khi thực hiện kỹ thuật

Nhìn chung kỹ thuật là tương đối an toàn, một vài biến chứng có thể gặp là chảy máu, tụ máu, tổn thương thành ngực, nhiễm trùng. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất hiện các biến chứng là thấp và hiếm khi phải can thiệp ngoại khoa để xử trí [6, 116-118].

Người bệnh có thể quay trở lại ngay cuộc sống sinh hoạt bình thường ngay ngày hôm sau. Vị trí can thiệp sẽ tự liền sẹo sau 3-4 ngày mà không cần chăm sóc đặc biệt.

9. Nhận định kết quả

Mẫu bệnh phẩm được xử lý theo quy trình chuẩn, được đọc bởi các bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh, có hội chẩn liên chuyên khoa với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong các trường hợp cần thiết.

Kỹ thuật sinh thiết tuyến vú bằng kim có hút chân không hỗ trợ dưới định vị stereotactic giúp lấy bệnh phẩm chính xác, mẫu bệnh phẩm lớn hơn so với sinh thiết lõi nên tăng khả năng chẩn đoán sớm ung thư vú. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City được trang bị hệ thống sinh thiết định vị đồng bộ, đảm bảo chất lượng chuyên môn ở mức cao, chẩn đoán sớm bệnh ung thư vú từ khi chưa có triệu chứng. Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể liên hệ đến Hotline bệnh viện để được thăm khám và phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Burbank F, Parker SH, Fogarty TJ (1996). Stereotactic breast biopsy: improved tissue harvesting with the Mammotome. American Surgeon, 62, 738–744.
  2. Carr et al (2001) Stereotactic localization of breast lesions: How it work and methods to improve accuracy. RadioGraphics , 21, 463–473
  3. Dershaw D (2003). Stereotactic core biopsy. Imaging guided interventional breast techniques, Spinger, New York, 73-75 .
  4. Esen G et al (2016) Vacuum-assisted stereotactic breast biopsy in the diagnosis and management of suspicious microcalcifications. Diagn Interv Radiol, 22(4), 326–333.
  5. E.A.M. O’Flynn et al (2010). Image-guided breast biopsy: state-of-the-art. Clinical Radiology 65, 259–270
  6. Hahn M, Tardivon A, Casselman J (2013). Stereotactic – guided vacuum – assisted breast biopsy with Mammotome® ST. Dignostic primer vacuum –assisted breast biopsy with Mammotom®, Spinger, Berlin, 46-77, 109-115, 116-119
  7. Jackman RJ, Marzoni FA Jr, Rosenberg J (2009). False-negative diagnoses at stereotactic vacuum-assisted needle breast biopsy: long-term follow-up of 1,280 lesions and review of the literature. AJR Am J Roentgenol, 192(2), 341-351
Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

299 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan