Các tác dụng phụ của thuốc thải sắt

Thuốc thải sắt thường được chỉ định để điều trị tình trạng ứ sắt mãn tính do truyền máu gặp ở bệnh nhân beta thalassemia hoặc điều trị hàm lượng sắt cao ở bệnh nhân rối loạn máu không do truyền máu. Vậy hiện nay có các loại thuốc thải sắt nào và các tác dụng phụ của thuốc thải sắt ra sao?

1. Chỉ định thuốc thải sắt trong máu khi nào?

Các thuốc thải sắt như Deferasirox là thuốc thải sắt đường uống hoạt động bằng cách kết hợp với sắt cho phép cơ thể đào thải sắt qua phân. Thuốc thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị ứ sắt mãn tính do truyền máu thường xuyên ở bệnh nhân thalassemia thể nặng từ 6 tuổi trở lên.
  • Điều trị hàm lượng sắt cao ở bệnh nhân rối loạn máu không phải do truyền máu như bệnh thalassemia không phụ thuộc truyền máu.

Tuy nhiên thuốc thải sắt trong máu cũng có một số chống chỉ định cần lưu ý gồm:

  • Bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc thải sắt.
  • Bệnh nhân dùng kết hợp với các liệu pháp thải sát khác vì tính an toàn của các kết hợp này chưa được nghiên cứu.
  • Bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 60ml/ phút.
  • GFR ước tính dưới 40ml/ phút/ 1.73 m2.
  • Hội chứng rối loạn sinh tủy có nguy cơ cao.
  • Số lượng tiểu cầu ít hơn 50 x 10^9/ L.

2. Cách uống thuốc thải sắt như thế nào?

Viên nén thải sắt thường được hoà với nước cho đến khi tan hoàn toàn và tan đều trong nước. Nếu liều lượng ít hơn 1g có thể pha với 100ml còn với liều trên 1g thì pha với 200ml nước. Uống hỗn hợp ngay sau khi tan đều, người bệnh nên dùng thuốc khi đói ít nhất 30 phút trước khi ăn, thông thường 1 lần/ ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nhai viên thuốc hoặc nuốt cả viên. Luôn pha thuốc cùng với nước theo chỉ dẫn.

Một số thuốc kháng axit chứa nhôm có thể làm giảm khả năng hấp thu deferasirox của cơ thể. Nếu đang dùng thuốc kháng axit cần chờ ít nhất 2 giờ sau khi dùng deferasirox. Người bệnh nên dùng thuốc thường xuyên để phát huy tác dụng tốt nhất.

Tùy thuộc vào mục tiêu điều trị mà liều sử dụng thuốc sẽ khác nhau:

Điều trị quá tải sắt truyền máu:

  • Liều khởi đầu cho bệnh nhân trên 2 tuổi là 14mg/ kg/ ngày.
  • Điều chỉnh liều theo các bước từ 3.5 - 7mg/ kg phù hợp với đáp ứng của từng bệnh nhân và mục tiêu điều trị. Ở bệnh nhân không được kiểm soát đầy đủ với liều 21mg/ kg (nồng độ ferritin huyết thanh liên tục trên 2500mg/ l và không có xu hướng giảm theo thời gian), có thể xem xét liều lên đến 28mg/ kg.
  • Bệnh nhân điều trị với liều lớn hơn 21mg/ kg nên giảm liều theo các bước từ 3.5 - 7mg/ kg khi đã đạt được sự kiểm soát. Ở bệnh nhân có mức ferritin huyết thanh đã đạt đến mục tiêu (thường từ 500 - 1000mg/ l) thì nên giảm liều. Nếu ferritin huyết thanh liên tục giảm xuống dưới 500mg/ l nên xem xét ngừng điều trị.

Các hội chứng Thalassemia không phụ thuộc vào truyền máu:

  • Liều khởi đầu là 7mg/ kg thể trọng.
  • Sau mỗi 3 - 6 tháng điều trị, nên xem xét việc tăng liều theo từng bước từ 3.5 - 7mg/ kg nếu LIC của bệnh nhân là trên 7mg Fe/ g dw, hoặc nếu ferritin huyết thanh luôn > 2000mg/ l và không có xu hướng giảm.
  • Ở bệnh nhân không được đánh giá LIC và ferritin huyết thanh là < 2000mg/ l, liều dùng không được vượt quá 7mg/ kg.
  • Đối với bệnh nhân đã tăng liều lên > 7mg/ kg khuyến cáo giảm liều xuống 7mg/ kg hoặc thấp hơn khi LIC < 7mg Fe/ g dw hoặc ferritin huyết thanh < 2000mg/ l.
  • Khi đã đạt được mức sắt thoả đáng (LIC < 3mg Fe/ g dw hoặc ferritin huyết thanh < 300mg/ l) nên ngừng điều trị.
  • Liều khuyến cáo đối với bệnh nhi từ 2 - 17 tuổi bị thừa sắt do truyền máu cũng giống như đối với bệnh nhân người lớn
  • Ở trẻ em bị thừa sắt do truyền máu từ 2 - 5 tuổi, mức độ phơi nhiễm thấp hơn ở người lớn. Do đó, nhóm tuổi này có thể cần liều cao hơn mức cần thiết ở người lớn. Tuy nhiên liều ban đầu phải giống như người lớn rồi sau đó chỉnh liều theo từng đối tượng.
  • Ở bệnh nhi mắc hội chứng thalassemia không phụ thuộc truyền máu, liều dùng không được vượt quá 7mg/ kg.

Ngoài ra, ở bệnh nhân suy gan trung bình (Child - Pugh B) nên giảm liều đáng kể sau đó tăng dần lên tới giới hơn 50%. Khi sử dụng quá liều thuốc thải sắt deferasirox có thể gây ra các triệu chứng ban đầu như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các rối loạn về gan thận bao gồm cả tăng men gan và creatinin có hồi phục đã được báo cáo. Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu cho deferasirox nên điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc thải sắt

Các tác dụng phụ của thuốc thải sắt:

  • Rối loạn tiêu hoá: thường nhẹ và thoáng qua, xảy ra ở 15% bệnh nhân và bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, kéo dài ít hơn 8 ngày. Các triệu chứng này hiếm khi cần tới chỉnh liều hoặc ngưng thuốc.
  • Phát ban: thường ngứa toàn thân nhưng đôi khi chỉ giới hạn ở lòng bàn tay, bàn chân. Trường hợp điển hình ban thường xuất hiện trong vòng 2 tuần đầu điều trị. Chỉ một số ít bệnh nhân phải ngưng điều trị hẳn, ban nhẹ thì thường tự khỏi và không cần giảm liều.
  • Tăng creatinin máu là tác dụng phụ của thuốc thải sắt gặp nhiều ở bệnh nhân dùng liều 20 - 30mg/ kg/ ngày. Tuy nhiên chưa có trường hợp suy thận tiến triển nào được báo cáo khi sử dụng và chỉnh liều.
  • Tác dụng trên gan: một số bệnh nhân có nguy cơ tăng men gan khi sử dụng thuốc thải sắt.
  • Tác dụng phụ khác: đục thuỷ tinh thể, điếc, đau thanh quản, hội chứng Fanconi.
  • Hiếm gặp: viêm dây thần kinh thị giác, viêm thực quản, phù nề, mệt mỏi.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc thải sắt

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc thải sắt gồm:

  • Khuyến cáo đánh giá creatinin huyết thanh và nồng độ cystatin C trước, trong và sau khi dùng thuốc thải sắt.
  • Không khuyến cáo dùng thuốc thải sắt trên bệnh nhân có nguy cơ cao như hội chứng loạn sản tủy hoặc bệnh nhân cao tuổi do có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
  • Theo dõi ferritin huyết thanh hàng tháng để đánh giá đáp ứng của điều trị và tránh tình trạng quá tải.
  • Chức năng tim nên được theo dõi ở bệnh nhân bị ứ sắt nặng khi điều trị lâu dài với thuốc.
  • Theo dõi các triệu chứng loét đường tiêu hoá và xuất huyết nhanh chóng bắt đầu từ đánh giá và điều trị bổ sung nếu nghi ngờ có phản ứng phụ nghiêm trọng về đường tiêu hoá.
  • Khuyến cáo không sử dụng thuốc thải sắt cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết .

Trên đây là những thông tin về thuốc thải sắt và các tác dụng phụ khi dùng thuốc thải sắt. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng bất thường nào thì cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn điều trị cụ thể.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan