Các tương tác có thể gặp của thuốc Bostacet

Thuốc Bostacet với hai hoạt chất chính Paracetamol và Tramadol, là thuốc giảm đau được sử dụng trong điều trị các cơn đau từ trung bình đến nặng. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về công dụng thuốc Bostacet cũng như tương tác thuốc có thể gặp trong quá trình sử dụng thuốc Bostacet.

1. Thuốc Bostacet là thuốc gì?

Bostacet có hai hoạt chất chính là Paracetamol với hàm lượng 325mg và Tramadol hydroclorid với hàm lượng 37,5mg, thuốc được bào chế với viên nén bao phim.

Tramadol là thuốc giảm đau tổng hợp có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương. Tramadol và chất chuyển hoá có hoạt tính M1 tác dụng không chọn lọc trên thụ thể opioid, trong đó có ái lực cao hơn trên thụ thể muopioid. Ngoài ra, Tramadol còn ức chế sự tái hấp thu của norepinephrin và serotonin, điều này góp phần vào tác dụng giảm đau của thuốc. Tramadol có tác dụng trị ho. Khác với morphin, với liều thông thường, Tramadol không có tác dụng ức chế hô hấp, nhu động ruột không thay đổi, tác dụng trên tim mạch không đáng kể. Hiệu lực của Tramadol chỉ bằng 1/10 – 1/6 của morphin.

Paracetamol là chất hạ sốt giảm đau tổng hợp và là dẫn xuất của p - aminophenol. Cơ chế tác dụng của Paracetamol là hạ sốt và giảm đau, nhưng không có tác dụng chống viêm và chống kết tập tiểu cầu như acid salicylic.

Paracetamol tác dụng lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tỏa nhiệt tăng do giãn mạch và làm tăng lưu lượng máu ngoại biên. Nghiên cứu trên động vật ở phòng thí nghiệm cho thấy phối hợp Paracetamol và Tramadol chúng có tác động hợp lực.

2. Công dụng thuốc Bostacet

2.1 Thuốc Bostacet trị bệnh gì?

Thuốc Bostacet được chỉ định trong điều trị cơn đau từ trung bình đến nặng. Bostacet chỉ nên được giới hạn sử dụng trong điều trị ở bệnh nhân có cơn đau thật sự cần thiết phải sử dụng phối hợp Paracetamol và Tramadol.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Bostacet

  • Dị ứng, quá mẫn với Paracetamol, Tramadol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc với các opioid.
  • Bệnh nhân ngộ độc cấp tính do rượu, thuốc ngủ, ma tuý, thuốc giảm đau thần kinh trung ương, thuốc hướng tâm thần và thuốc opioid.
  • Đang điều trị hoặc ngưng điều trị với thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO) trong vòng 2 tuần.
  • Suy gan nặng.
  • Động kinh không được điều trị.

3. Cách dùng thuốc Bostacet

Viên nén bao phim thuốc Bostacet được sử dụng đường uống. Uống Bostacet nguyên viên, không được bẻ hoặc nhai viên thuốc. Liều dùng thuốc Bostacet:

Người lớn, trẻ em trên 12 tuổi:

Liều khởi đầu là 2 viên/ngày, bổ sung liều khi cần thiết nhưng liều tối đa 8 viên/ngày. Liều thuốc Bostacet tối đa: 8 viên/ngày (tương đương với 300mg Tramadol và 2600mg Paracetamol). Khoảng cách giữa các liều dùng thuốc không nên ít hơn 6 giờ.

Điều chỉnh liều dùng thuốc Bostacet cho bệnh nhân tùy theo cường độ đau và đáp ứng của từng người. Nên sử dụng liều Bostacet thấp nhất có hiệu quả giảm đau.

Thuốc Bostacet không nên sử dụng lâu hơn mức cần thiết. Nếu cần sử dụng lặp lại hoặc điều trị kéo dài thuốc Bostacet do tính chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh thì phải thận trọng và theo dõi thường xuyên.

Trẻ em dưới 12 tuổi:

Hiện nay chưa có nghiên cứu về độ an toàn và tính hiệu quả của việc sử dụng thuốc Bostacet ở trẻ em dưới 12 tuổi. Do đó, thuốc Bostacet không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Người lớn tuổi

Không cần phải điều chỉnh liều Bostacet cho người lớn trên 75 tuổi. Nghiên cứu cho thấy người lớn trên 75 tuổi có thời gian bán thải của Tramadol tăng 17%. Thời gian khoảng cách giữa các liều dùng Bostacet tối thiểu 6 giờ,

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Bostacet

Không được dùng thuốc Bostacet quá liều chỉ định, liều tối đa 8 viên/ngày. Quá liều Paracetamol có thể gây ngộ độc gan.

Co giật đã được báo cáo ở bệnh nhân điều trị bằng Tramadol tăng nguy cơ gây co giật khi dùng đồng thời với thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, thuốc giảm đau thần kinh trung ương hoặc giảm đau cục bộ, thuốc chống loạn thần. Hoặc bệnh nhân có tiền sử co giật hoặc bệnh nhân có nguy cơ co giật. Không khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 10 mL/phút) và suy hô hấp nặng.

Không khuyến cáo sử dụng thuốc Bostacet cho bệnh nhân suy gan nặng. Nguy cơ quá liều Paracetamol tăng cao ở bệnh nhân có tiền sử bệnh gan do rượu, xơ gan. Cân nhắc tăng khoảng cách liều thuốc ở bệnh nhân có suy gan mức độ trung bình.

Không khuyến cáo sử dụng thuốc Bostacet đồng thời với các thuốc chủ vận hoặc đối kháng với morphin (Nalbuphin, Buprenorphin, Pentazocin), thuốc tê hoặc thuốc mê.

Không dùng đồng thời Bostacet với các thuốc chứa Paracetamol và Tramadol.

Tránh dùng thuốc trong thời gian dài, nhất là ở bệnh nhân có tiền sử nghiện opioid. Tramadol không có tác dụng ngăn triệu chứng cai nghiện morphin.

Dùng thuốc Bostacet kéo dài có thể gây quen hoặc nghiện thuốc, tránh dùng thuốc đột ngột. Bệnh nhân có tiền sử lạm dụng hoặc nghiện ma tuý, lệ thuộc opioid nên được dùng thuốc trong thời gian ngắn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Bostacet cho bệnh nhân chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, đang trong tình trạng shock hoặc thay đổi ý thức không rõ nguyên nhân, rối loạn trung tâm hô hấp hoặc chức năng hô hấp.

Các triệu chứng cai thuốc Bostacet có thể xảy ra, cả ở liều điều trị hoặc khi điều trị trong thời gian ngắn. Giảm liều thuốc từ từ trong thời gian ngưng thuốc giúp làm giảm nguy cơ xảy ra triệu chứng cai thuốc, đặc biệt là sau khi dùng thuốc trong thời gian dài.

Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), hội chứng Steven – Johnson (SJS), hay hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP), hội chứng Lyell.

Thuốc Bostacet có chứa lactose, do đó không sử dụng cho bệnh nhân có các tình trạng như thiếu hụt lactase, không dung nạp galactose hoặc kém hấp thu glucose-galactose.

Tramadol có trong thuốc Bostacet có thể buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm nhận thức. Trường hợp xuất hiện các tác dụng phụ trên, bệnh nhân không nên vận hành máy móc hay lái xe.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Bostacet

Trong thời gian sử dụng thuốc Bostacet, có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:

  • Tiêu hoá: khô miệng, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, đi cầu phân đen.
  • Thần kinh: chóng mặt, đau đầu, ngủ gà, run rẩy, dị cảm, ù tai, co giật, ngất xỉu.
  • Da: đổ mồ hôi, ngứa. Ít gặp hơn: phát ban da hoặc nổi mề đay.
  • Tâm thần: rối loan giấc ngủ, lú lẫn, thay đổi tâm trạng, lệ thuộc thuốc.

6. Các tương tác có thể gặp của thuốc Bostacet

6.1 Tương tác với Tramadol

  • Phối hợp thuốc bị chống chỉ định:

IMAO (thuốc ức chế MAO không chọn lọc và thuốc ức chế MAO chọn lọc A, B) khi dùng chung với Tramadol gây hội chứng serotonin với các triệu chứng như nhịp tim nhanh, tiêu chảy, vã mồ hôi, run rẩy, lú lẫn thậm chí là hôn mê. Ngưng sử dụng thuốc IMAO hai tuần trước khi sử dụng Tramadol.

  • Phối hợp thuốc không được khuyến cáo

Rượu, đồ uống chứa cồn: tăng tác dụng an thần của Bostacet. Carbamazepin, thuốc cảm ứng enzym làm tăng sự chuyển hoá Tramadol, có thể làm giảm hiệu quả và thời gian tác dụng của Bostacet.

Thuốc chủ vận hoặc đối kháng với Morphin: giảm tác dụng giảm đau của Tramadol do ngăn chặn cạnh tranh các thụ thể với nguy cơ xảy ra hội chứng cai thuốc.

  • Phối hợp cần thận trọng khi sử dụng

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRI, chất tái hấp thu serotonin – norepinephrin SNRI, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng: sử dụng đồng thời với Tramadol có thể làm tăng nguy cơ gây co giật.

Các thuốc serotonin đồng thời với Tramadol có thể gây ngộ độc serotonin. Các dẫn xuất opioid khác, benzodiazepin, barbiturat làm tăng nguy cơ suy hô hấp, thậm chí có thể gây tử vong khi dùng quá liều.

Thuốc ức chế thần kinh trung ương như các dẫn xuất opioid khác, benzodiazepin, barbitura, thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1, thuốc hạ huyết áp tác dụng thần kinh trung ương, thuốc an thần, thalidomid, baclofen làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương khi dùng chung với Tramadol, có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức.

Sử dụng đồng thời với thuốc thuộc nhóm Warfarin: tiến hành đánh giá định kỳ chỉ số thời gian prothrombin. Đã có báo cáo về trường hợp tăng INR và nguy cơ chảy máu ở một số bệnh nhân. Thuốc ức chế CYP3A4 chẳng hạn như Erythromycin, Ketoconazol ức chế chuyển hoá của Tramadol.

6.3 Tương tác thuốc với Paracetamol

Cholestyramin: làm giảm hấp thu của Paracetamol.

Domperidon, Metoclopramid: tăng hấp thu của Paracetamol.

Thuốc chống đông máu: tác dụng chống đông máu của Warfarin có thể tăng lên khi sử dụng Paracetamol thường xuyên.

Mong rằng với những chia sẻ trên sẽ giúp quá trình sử dụng thuốc Bostacet được hiệu quả và an toàn hơn ở bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan