Cảnh giác dược với thuốc điều trị ung thư

Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga - Dược sĩ Lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Cảnh giác dược có vai trò thiết yếu trong điều trị ung thư do đa số các thuốc điều trị ung thư được biết đến với khoảng điều trị hẹp và độc tính cao. Do đó, việc điều trị ung thư cần được lựa chọn tại các cơ sở y tế uy tín, có sự giám sát và tư vấn sát sao bởi các bác sĩ, nhân viên y tế.

1. Tầm quan trọng của cảnh giác dược trong điều trị ung thư

Cảnh giác dược có vai trò thiết yếu trong điều trị ung thư do đa số các thuốc điều trị ung thư được biết đến với khoảng điều trị hẹp và độc tính cao [5]. Đã có nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ ADR được báo cáo gặp ở các bệnh nhân điều trị ung thư với các biến cố khác nhau dao động từ khoảng 10% đến 60% và có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh [5].

Rất nhiều tác dụng bất lợi của các hóa chất độc tế bào dùng trong điều trị ung thư như độc tính trên tim mạch, thần kinh trung ương và tâm thần, độc tính trên da, huyết học, tiêu chảy, nôn,... đã được tổng kết và cảnh báo [6]. Mặc dù các phản ứng bất lợi này được coi là vấn đề không tránh khỏi, hoạt động cảnh giác dược đã và đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện nguy cơ liên quan đến thuốc và có can thiệp kịp thời. Hoạt động cảnh giác dược giúp kiểm soát và giảm thiểu các độc tính mà người bệnh phải trải qua [6].

Bên cạnh các hóa chất độc tế bào, thuốc điều trị đích đã góp phần thay đổi việc điều trị ung thư. So với các thuốc điều trị truyền thống, các thuốc nhắm trúng đích có ghi nhận được ít ADR hơn ở một số loại phản ứng cụ thể (biểu hiện trên tiêu hóa, thay đổi công thức máu, triệu chứng thần kinh, viêm loét miệng – mucositis), nhưng lại có nhiều hơn các phản ứng cấp tính, khởi phát nhanh vì các thuốc này liên quan đến phản ứng tự miễn và phản ứng viêm không dự đoán trước hoặc tăng huyết áp [2].

Việc giám sát các độc tính của các thuốc điều trị ung thư cũng rất quan trọng bởi hầu hết các ADR được chỉ ra trong tờ thông tin sản phẩm (SPC) được lấy từ kết quả các thử nghiệm lâm sàng chính, trong khi các thử nghiệm này được tiến hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ với nhiều tiêu chí nghiêm ngặt và trên một số lượng hạn chế người bệnh. Khi sử dụng trên lâm sàng, từng cá thể người bệnh có thể rất khác so với các đối tượng trong nghiên cứu về sinh lý, bệnh lý cũng như điều kiện dùng thuốc.

cảnh giác dược trong điều trị ung thư
Cảnh giác dược có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư

2. Thực tế và thách thức với công tác cảnh giác dược trong điều trị ung thư

Báo cáo không đầy đủ (under-reported) là vấn đề nổi bật trong cảnh giác dược. Sự nhạy cảm của nhân viên y tế với các báo cáo ADR tự nguyện rất khác nhau giữa các quốc gia và giữa các cơ sở y tế, vấn đề này càng gặp nhiều hơn trong ngành ung bướu do các độc tính của thuốc điều trị ung thư được coi là “phản ứng thông thường” (hoặc không thể tránh khỏi). Thái độ, thói quen và kiến thức của nhân viên y tế là yếu tố quyết định chất lượng của các báo cáo ADR tự nguyện [3]. Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng cần được lưu tâm, ví dụ như bác sĩ không sẵn sàng báo cáo, lo ngại việc báo cáo ADR sẽ ảnh hưởng xấu tới việc đánh giá năng lực của họ, hoặc không muốn tạo ra các vụ việc liên quan đến pháp lý với các công ty dược phẩm [1]. Vì vậy, việc đào tạo cho cán bộ y tế được cho là cách hiệu quả để cải thiện chất lượng báo cáo ADR. Ngoài ra, việc tham gia và hợp tác của các tổ chức y tế cũng như các công cụ thông tin để giáo dục người bệnh cũng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển cảnh giác dược, đặc biệt cảnh giác dược trong lĩnh vực ung thư [4].

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Inch Jackie, Watson Margaret C, et al. (2012), "Patient versus healthcare professional spontaneous adverse drug reaction reporting", Drug safety, 35(10), pp. 807-818.
  2. Kroschinsky Frank, Stölzel Friedrich, et al. (2017), "New drugs, new toxicities: severe side effects of modern targeted and immunotherapy of cancer and their management", Critical Care, 21(1), pp. 89.
  3. Lopez-Gonzalez Elena, Herdeiro Maria T, et al. (2009), "Determinants of under-reporting of adverse drug reactions", Drug safety, 32(1), pp. 19-31.
  4. Scurti Veronica, Romero Marilena, et al. (2012), "A plea for a more epidemiological and patient-oriented pharmacovigilance", European journal of clinical pharmacology, 68(1), pp. 11-19.
  5. Visacri Marília Berlofa, Souza Cinthia Madeira de, et al. (2014), "Pharmacovigilance in oncology: pattern of spontaneous notifications, incidence of adverse drug reactions and under-reporting", Brazilian Journal of Pharmaceutical Sciences, 50(2), pp. 411-422.
  6. Baldo Paolo, Fornasier Giulia, et al. (2018), "Pharmacovigilance in oncology", International journal of clinical pharmacy, 40(4), pp. 832-841.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

506 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan