Công dụng của thuốc Jointmeno

Loãng xương và nguy cơ gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh là một hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên nếu không can thiệp có thể để lại ảnh hưởng nặng nề. Do đó, việc sử dụng thuốc loãng xương Jointmeno là vô cùng cần thiết. Vậy thuốc Jointmeno là gì và cần sử dụng như thế nào?

1. Thuốc loãng xương Jointmeno là gì?

Jointmeno là một sản phẩm của công ty Laboratorios Liconsa (Tây Ban Nha), thành phần chính acid ibandronic. Thuốc jointmeno được sử dụng với mục đích dự phòng và điều trị loãng xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh có nguy cơ cao bị gãy xương.

Mỗi viên nén của thuốc jointmeno 150mg Ibandronic acid

2. Chỉ định của thuốc loãng xương Jointmen

Thuốc Jointmeno được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Dự phòng và điều trị loãng xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh có nguy cơ gãy xương ở mức cao;
  • Giảm nguy cơ gãy xương cột sống. Hiệu quả với các trường hợp gãy cổ xương đùi chưa được ghi lập.

Acid ibandronic là hoạt chất thuộc nhóm bisphosphonate hiệu lực cao, có tác dụng chọn lọc trên mô xương, đặc biệt là khả năng ức chế hoạt động tế bào hủy xương mà không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành xương. Thuốc jointmeno không cho thấy khả năng can thiệp vào quá trình phục hồi của các tế bào hủy xương. Về cơ chế tác dụng, Acid ibandronic giúp xương đạt được sự tăng trưởng khối lượng thực và giảm tỷ lệ gãy xương thông qua khả năng giảm tốc độ chu chuyển xương vốn tăng cao ở phụ nữ sau mãn kinh.

thuốc jointmeno
Thuốc jointmeno được sử dụng với mục đích dự phòng và điều trị loãng xương

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Jointmeno

3.1. Cách sử dụng thuốc Jointmeno

Jointmeno là một thuốc sử dụng qua đường uống. Khi sử dụng thuốc jointmeno, người bệnh cần uống vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (giấc ngủ phải kéo dài ít nhất 6 tiếng) và 1 giờ trước khi ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào khác (bao gồm cả sản phẩm bổ sung calci).

Một số lưu về cách sử dụng thuốc jointmeno:

  • Uống toàn bộ viên thuốc với một ly nước đầy (khoảng 180 – 240 ml) ở tư thế ngồi hoặc đứng, không nên nằm trong vòng 1 giờ sau khi uống thuốc;
  • Không nhai và ngậm viên thuốc jointmeno vì nguy cơ loét miệng và hầu họng;
  • Chỉ uống thuốc jointmeno với nước lọc, không nên sử dụng các loại nước khoáng có nồng độ calci cao.

3.2. Liều dùng của thuốc Jointmeno

Liều khuyến cáo của thuốc loãng xương jointmeno ở người bình thường là 1 viên nén hàm lượng 150mg/tháng. Người bệnh nên lựa chọn một ngày cố định trong tháng để uống thuốc.

Trong quá trình sử dụng thuốc jointmeno, bệnh nhân nên sử dụng các sản phẩm bổ sung calci và/hoặc vitamin D nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ 2 chất này.

Liều dùng thuốc jointmeno ở một số trường hợp đặc biệt:

  • Người bị suy thận: Không cần điều chỉnh liều với các trường hợp suy thận mức độ nhẹ và trung bình (độ thanh thải creatinin từ 30 ml/phút trở lên). Tuy nhiên, các trường hợp suy thận nặng, độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút không nên uống thuốc jointmeno do hạn chế các dữ liệu lâm sàng;
  • Người bị suy gan, người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều sử dụng ở nhóm đối tượng này;
  • Trẻ em: Không dùng thuốc jointmeno cho trẻ em vớ hoạt chất acid ibandronic chưa được nghiên cứu ở nhóm tuổi này.

Một số lưu ý về liều sử dụng của thuốc loãng xương jointmeno:

  • Thời gian tối ưu điều trị loãng xương bằng các thuốc nhóm biphosphonat chưa được công bố. Do đó cần đánh giá định kỳ trong quá trình điều trị và xem xét về việc có nên tiếp tục dựa trên lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn ở từng bệnh nhân, đặc biệt là sau khi điều trị từ 5 năm trở lên;
  • Liều dùng của thuốc jointmeno nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có được liều dùng phù hợp nhất;
  • Không có thông tin cụ thể về việc điều trị quá liều acid ibandronic. Tuy nhiên, dựa trên kiến thức đã có, việc sử dụng quá liều thuốc jointmeno có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa trên (như đau thượng vị, khó tiêu, viêm loét thực quản hay dạ dày) hoặc hạ canxi máu;
  • Trường hợp quên sử dụng thuốc jointmeno, người bệnh nên uống một viên vào buổi sáng hôm sau khi nhớ ra (khi thời gian đến lượt uống kế tiếp trên 7 ngày). Sau đó quay trở lại chu kỳ uống 1 viên/tháng vào ngày đã chọn. Nếu thời gian nhớ ra cách từ 1 – 7 ngày cho đến lượt uống tiếp theo, người bệnh nên đợi đến lượt kế tiếp và uống thuốc như thường lệ;
  • Không nên dùng 2 viên thuốc jointmeno trong thời gian 7 ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc loãng xương Jointmeno

Khi sử dụng thuốc Jointmeno, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn (ADR).

Trong đó một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp, bao gồm:

  • Tình trạng dị ứng như phát ban, ngứa ngáy, phù (mặt, môi, lưỡi và họng), khó thở, sốc phản vệ và có thể đe dọa tính mạng;
  • Đau nặng ngực, đau dữ dội sau ăn uống, buồn nôn, nôn ói nghiêm trọng;
  • Các triệu chứng tương tự cúm như sốt, rét run, rùng mình, mệt mỏi, đau nhức xương, đau cơ và khớp;
  • Đau hoặc lở loét miệng/hàm;
  • Đau và viêm mắt;

Các tác dụng phụ khác có thể gặp:

  • Đau đầu;
  • Đau hoặc tê cứng cơ, đau khớp, đau lưng;
  • Tăng huyết áp;
  • Ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn, đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Hen suyễn;
  • Buồn ngủ, chóng mặt;
  • Hoại tử xương hàm, hội chứng Steven Johnson.
thuốc jointmeno
Jointmeno là một thuốc sử dụng qua đường uống

5. Một số lưu ý khi dùng thuốc Jointmeno

Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Jointmeno:

  • Hẹp hoặc co thắt thực quản vì nguy cơ chậm làm rỗng dạ dày;
  • Bệnh nhân không thể đứng hoặc ngồi thẳng sau uống thuốc ít nhất 60 phút;
  • Nồng độ canxi trong máu thấp;
  • Quá mẫn hoặc dị ứng với acid ibandronic và bất cứ thành phần nào của thuốc Jointmeno;
  • Suy thận nặng với độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút;

Một số vấn đề cần thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị loãng xương Jointmeno:

  • Bisphosphonate đường uống có khả năng gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa trên và làm nặng thêm các bệnh lý tiềm ẩn. Do đó cần thận trọng khi dùng thuốc Jointmeno nếu có một vấn đề về đường tiêu hóa trên như bệnh Barrett’s thực quản, khó nuốt, viêm dạ dày, viêm hoặc loét thực quản...;
  • Tác dụng không mong muốn như viêm, loét và ăn mòn thực quản của thuốc Jointmeno đã được báo cáo vì phải nhập viện. Một số hiếm gặp có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết hoặc hẹp/thủng thực quản. Nguy cơ tác dụng phụ ở thực quản nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân không tuân thủ điều trị và/hoặc vẫn cố tiếp tục uống thuốc Jointmeno sau khi có triệu chứng kích ứng thực quản;
  • Hạ canxi máu: Những trường hợp được xác định hạ canxi máu tiến triển cần điều trị triệt để trước khi bắt đầu sử dụng thuốc Jointmeno. Bên cạnh đó, một số rối loạn chuyển hóa xương và các khoáng chất khác cũng nên được can thiệp phù hợp, trong đó việc bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D đóng vai trò tương đối quan trọng;
  • Hoại tử xương hàm: Thường liên quan đến việc nhổ răng hoặc nhiễm trùng tại chỗ đã được báo cáo ở những trường hợp ung thư điều trị bằng thuốc bisphosphonate truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, tình trạng hoại tử xương hàm cũng đã được báo cáo ở một số bệnh nhân loãng xương dùng bisphosphonate đường uống. Do đó cần kiểm tra và điều trị nha khoa trước khi sử dụng thuốc Jointmeno ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ hoại tử xương hàm (như ung thư điều trị hóa trị, xạ trị, đang sử dụng corticosteroid hay khả năng vệ sinh răng miệng kém);
  • Gãy xương đùi không điển hình: Gãy mấu chuyển và gãy xương đùi dài đã được báo cáo khi dùng bisphosphonate, chủ yếu xảy ra khi điều trị bệnh loãng xương kéo dài. Cần cân nhắc ngừng điều trị thuốc Jointmeno nếu người bệnh nghi ngờ gãy xương đùi không điển hình. Đồng thời trong quá trình điều trị người bệnh nên thông báo với bác sĩ nếu xuất hiện những cơn đau ở đùi, hông hoặc háng và các biểu hiện bất thường khác;
  • Bệnh nhân không dung nạp galactose do rối loạn di truyền, thiếu hụt lactase hoặc kém hấp thu glucose hay galactose không nên dùng thuốc Jointmeno.

Một số lưu ý của thuốc Jointmeno trên các đối tượng đặc biệt:

  • Jointmeno có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, đau hoặc viêm mắt nên thận trọng sử dụng khi lái xe hay vận hành máy móc;
  • Thời kỳ mang thai: Không có dữ liệu về việc sử dụng thuốc Jointmeno ở phụ nữ mang thai. Nghiên cứu trên chuột cho thấy một số độc tính trên sinh sản của loại thuốc này và một số nguy cơ tiềm ẩn chưa được xác định. Do đó, không nên dùng thuốc loãng xương Jointmeno cho đối tượng phụ nữ mang thai;
  • Thời kỳ cho con bú: Chưa rõ khả năng acid ibandronic bài tiết vào sữa mẹ. Một số nghiên cứu trên chuột cho con bú cho thấy có sự xuất hiện acid ibandronic nồng độ thấp trong sữa sau khi tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở đối tượng này.

6. Tương tác thuốc của Jointmeno

Một số thuốc có thể tương tác với thuốc loãng xương Jointmeno, bao gồm:

  • Thuốc bổ sung có canxi, magie, sắt và nhôm vì nguy cơ ảnh hưởng đến tác dụng của acid ibandronic;
  • Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (bao gồm ibuprofen, diclofenac hay naproxen) có thể gây kích ứng dạ dày ruột tương tự các thuốc nhóm bisphosphonat. Do đó cần thận trọng khi dùng đồng thời các thuốc kháng viêm không steroid và Jointmeno;
  • Sau khi uống thuốc Jointmeno, người bệnh nên đợi ít nhất 1 giờ mới bắt đầu sử dụng các thuốc khác, bao gồm cả thuốc chữa khó tiêu, bổ sung canxi và các vitamin;
  • Không dùng thuốc Jointmeno với thức ăn vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc;
  • Chỉ được uống thuốc với nước lọc bà không dùng các loại nước khác kể cả sữa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan