Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng

Mục lục

Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều loại thuốc điều trị loãng xương, đặc biệt là nhóm bisphosphonate, có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn đối với răng miệng. Khi dùng thuốc trong thời gian dài, nguy cơ hoại tử xương hàm tăng lên đáng kể.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Thuốc điều trị loãng xương được sử dụng như thế nào?

Bệnh loãng xương là gì? Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm dần theo thời gian khiến cấu trúc xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy. Những vị trí thường bị ảnh hưởng nhất gồm cột sống, hông và cổ tay. Nguyên nhân gây loãng xương rất đa dạng, bao gồm:

  • Tuổi cao.
  • Phụ nữ ở giai đoạn sau mãn kinh.
  • Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất.
  • Yếu tố di truyền.
  • Tiền sử gãy xương.
  • Ít hoạt động thể chất.
  • Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời.  
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, hay mắc một số bệnh lý và sử dụng một số loại thuốc lâu dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây loãng xương.
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây loãng xương.

Loãng xương là một căn bệnh tiến triển thầm lặng. Triệu chứng của bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, chỉ khi cơ thể bị thiếu hụt canxi nghiêm trọng, người bệnh mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau nhức xương khớp, mệt mỏi, chuột rút. Khi mắc bệnh, xương trở nên giòn và dễ tổn thương, dẫn đến nguy cơ cao bị rạn, nứt hoặc gãy khi té ngã hay gặp tai nạn.  

Đặc biệt, những xương chịu lực lớn nhất trong cơ thể cũng là vị trí dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các vị trí gãy thường gặp nhất do loãng xương bao gồm cổ xương đùi, khớp háng, cổ tay và xương hông. Hậu quả của những tổn thương này có thể làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, thậm chí có những trường hợp không thể hồi phục hoàn toàn.

Điều trị loãng xương bao gồm hai phương pháp chính: sử dụng thuốc điều trị loãng xương và áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Trong số các loại thuốc loãng xương, nhóm Bisphosphonat đóng vai trò quan trọng trong việc ức chế quá trình hủy xương.  

Loại thuốc này thường được sử dụng trong nhiều trường hợp như loãng xương ở người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, loãng xương do dùng corticoid kéo dài, bệnh đa u tủy xương có hủy xương, bệnh lý hủy xương ác tính và tăng canxi máu ác tính.

Bisphosphonat là nhóm thuốc loãng xương bao gồm nhiều loại khác nhau như acid alendronate, acid risedronate, acid zoledronic,... Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị loãng xương nhờ cơ chế ức chế quá trình tiêu xương, từ đó giúp gia tăng mật độ khoáng của xương và giảm lượng canxi trong máu.  

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, Bisphosphonat có khả năng giảm 40-50% nguy cơ gãy xương hông ở bệnh nhân loãng xương. Ngoài ra, nhóm thuốc loãng xương này còn giúp phòng ngừa hàng trăm nghìn ca gãy xương hông ở những người có nguy cơ cao, đồng thời hạn chế đáng kể số ca tử vong do các biến chứng liên quan đến gãy xương mỗi năm.

Bisphosphonat là nhóm thuốc có thể bị giảm hiệu quả nếu dùng cùng thức ăn. Vì vậy, người dùng cần uống thuốc khi bụng đói với một ly nước lớn (khoảng 200ml). Khi dùng thuốc, người bệnh cần ở tư thế ngồi hoặc đứng và nên vận động sau khi uống, tránh nằm trong vòng 30 phút.  

Tùy vào loại thuốc loãng xương, hàm lượng và mức độ loãng xương, thuốc có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau: uống hàng ngày, mỗi tuần một lần, mỗi tháng một lần hoặc tiêm mỗi năm một lần. Việc điều trị bằng loại thuốc này thường kéo dài trong nhiều năm.

2. Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng

Dựa trên các báo cáo về ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng, nhiều cơ quan quản lý dược phẩm hàng đầu thế giới đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ hoại tử xương hàm khi dùng Bisphosphonat trong thời gian dài.

Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phạm Trung Hiếu
Phạm Trung Hiếu
Bác sĩ chuyên khoa II,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng là nguy cơ hoại tử xương hàm khi dùng Bisphosphonat trong thời gian dài.
Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng là nguy cơ hoại tử xương hàm khi dùng Bisphosphonat trong thời gian dài.

Dù hiếm gặp, biến chứng này có thể gây hậu quả nghiêm trọng, khó điều trị và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng. Khi xảy ra, hoại tử xương hàm có thể dẫn đến biến dạng khuôn mặt, răng lung lay, suy giảm chức năng nhai cùng nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.

So với những bệnh nhân ung thư sử dụng thuốc loãng xương liều cao, nguy cơ gặp biến chứng hoại tử xương hàm ở người điều trị loãng xương thấp hơn đáng kể. Khi thuốc được truyền qua tĩnh mạch, khoảng 70% lượng thuốc được lưu giữ trong xương, trong khi con số này chỉ là 10% đối với thuốc dạng uống.  

Vì vậy, nguy cơ gặp biến chứng khi tiêm tĩnh mạch cao hơn và xảy ra sớm hơn so với khi uống thuốc loãng xương. Theo thống kê, bệnh nhân dùng Bisphosphonat qua đường tĩnh mạch có thể gặp tác dụng phụ sau khoảng 12 tháng, trong khi người sử dụng thuốc dạng uống thường chỉ gặp biến chứng sau khoảng 3 năm.

Đối với bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do Bisphosphonat, phương án điều trị sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ tổn thương xương hàm, bao gồm:

  • Điều trị bảo tồn: Sử dụng dung dịch súc miệng có tính sát khuẩn phối hợp thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh và thuốc chống nấm nhằm kiểm soát nhiễm trùng, giảm triệu chứng.
  • Điều trị can thiệp phẫu thuật: Dựa trên mức độ hoại tử, bác sĩ có thể thực hiện cắt lọc một phần hoặc cắt bỏ hoàn toàn vùng xương bị ảnh hưởng.
  • Liệu pháp hỗ trợ: Áp dụng các phương pháp giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo và phục hồi xương bị hoại tử.

Bệnh nhân ung thư điều trị bằng Bisphosphonat có thể gặp biến chứng hoại tử xương hàm. Khi đó, bệnh nhân cần cân nhắc lợi ích và rủi ro trước khi quyết định dừng hay tiếp tục thuốc.  

Nếu việc dừng thuốc làm bệnh tiến triển xấu hơn, tăng khả năng tử vong thì người bệnh vẫn nên duy trì điều trị. Tương tự, nếu bệnh nhân bị loãng xương mà việc ngừng thuốc khiến nguy cơ gãy xương đùi tăng cao, gây hậu quả nặng nề hơn thì việc tiếp tục dùng thuốc với sự kiểm soát nghiêm ngặt là điều cần thiết.  

Quyết định cuối cùng nên dựa trên hội chẩn giữa bác sĩ răng hàm mặt (người phát hiện biến chứng) và bác sĩ kê đơn Bisphosphonat (bác sĩ ung thư, bác sĩ nội khoa hoặc thuộc khoa chấn thương chỉnh hình).

Quyết định điều trị cuối cùng nên dựa trên hội chẩn giữa các bác sĩ chuyên khoa.
Quyết định điều trị cuối cùng nên dựa trên hội chẩn giữa các bác sĩ chuyên khoa.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng, đặc biệt là biến chứng hoại tử xương hàm và loãng xương do tác dụng phụ của Bisphosphonat, bệnh nhân nên kiểm tra răng miệng trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Điều này nhằm đảm bảo không có ổ nhiễm trùng hoặc bệnh nhân không cần can thiệp nha khoa trong thời gian tới.  

Đối với những người có nguy cơ cao, bác sĩ cần xem xét kỹ tình trạng răng miệng và đánh giá cẩn thận giữa lợi ích và rủi ro trước khi kê đơn. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng tốt, khám nha khoa định kỳ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các vấn đề như đau nhức, sưng tấy, răng bị xô lệch hoặc xuất hiện mủ không lành.

Thuốc Bisphosphonat sau khi sử dụng có thể tích lũy trong cơ thể và không bị đào thải nhanh chóng. Ngay cả khi đã ngừng thuốc, phải mất hơn 11 năm để loại bỏ hoàn toàn thuốc ra khỏi cơ thể. Do đó, bệnh nhân cần khám nha khoa định kỳ trong thời gian dài - có thể là suốt đời, để kiểm soát nguy cơ biến chứng.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt đã hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Ông có chuyên môn vững vàng trong các lĩnh vực như: nhổ răng khôn ít đau, điều trị tủy hiệu quả, lấy cao răng an toàn, hàn răng nhẹ nhàng, giảm thiểu tối đa cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ còn có tay nghề cao trong việc thiết kế và phục hình răng sứ thẩm mỹ. Hiện tại, bác sĩ Đạt đang làm việc tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ