Công dụng thuốc Agimsamine

Thuốc Agimsamine có chứa thành phần glucosamine và natri chondroitin sulfat thường chỉ định điều trị giảm đau, chống viêm, tái tạo sụn khớp trong bệnh viêm khớp, thoái hoá khớp, viêm xương khớp. Dưới đây là toàn bộ thông tin về công dụng, chỉ định, cách dùng thuốc mà người bệnh cần nắm rõ để sử dụng thuốc đạt hiệu quả.

1. Thuốc Agimsamine là gì?

Thuốc Agimsamine thuộc nhóm Thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm chống viêm không Steroid, thuốc điều trị Gút và các bệnh xương khớp với thành phần chính là hoạt chất Glucosamin hàm lượng 417mg và Natri chondroitin sulfat hàm lượng 400mg. Thuốc thường được chỉ định điều trị giảm triệu chứng trong các bệnh xương khớp ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Thuốc được bào chế dạng viên nén dài và đóng gói hộp 6 vỉ x 10 viên hoặc chai nhựa HD chứa 60 viên, mỗi viên có chứa glucosamine 417mg và natri chondroitin 400mg.

2. Công dụng thuốc Agimsamine

2.1 Tác dụng thành phần thuốc

Glucosamine là một amino-monosaccharide là nguyên liệu để tổng hợp proteoglycan. Khi vào trong cơ thể, kích thích tế bào ở sụn khớp tăng tổng hợp cấu trúc proteoglycan bình thường. Đồng thời, glucosamine sulfate ức chế các enzym phá hủy sụn khớp và giảm các gốc tự do phá hủy các tế bào sinh sụn. Ngoài ra, glucosamine còn kích thích sản sinh mô liên kết của xương, giảm mất calci của xương.

Vì glucosamine làm tăng sản xuất chất nhầy dịch khớp, nên sẽ làm tăng độ nhớt và tăng khả năng bôi trơn của dịch khớp. Vì thế, glucosamine vừa làm giảm triệu chứng của thoái khớp và còn ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Còn thành phần chondroitin trong Agimsamine có tác dụng ngăn cản những enzyme phá hoại các mô sụn khớp xương, giúp mang lại cho sụn khả năng đàn hồi và sức mạnh.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, chondroitin có tác dụng như aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) khác về khả năng điều trị các cơn đau do viêm khớp nhưng không gây cảm giác khó chịu và nguy cơ viêm loét dạ dày như hai loại thuốc trên.

Nghiên cứu cũng cho thấy, chondroitin có thể làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm chậm quá trình suy giảm của sụn khớp. Hơn nữa, còn cải thiện chức năng khớp và giảm sự đau đớn ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp hông, khớp đầu gối mãn tính.

2.2 Chỉ định

Thuốc Agimsamine được dùng để chỉ định điều trị giảm đau, chống viêm và tái tạo sụn khớp trong các bệnh lý xương khớp như: viêm khớp, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp và mãn tính, thoái hoá khớp.

2.3 Chống chỉ định

Thuốc Agimsamine chống chỉ định đối với một trong số các trường hợp sau đây:

  • Quá mẫn với thành phần glucosamine, chondroitin và thành phần tá dược trong thuốc.
  • Có tiền sử dị ứng với hải sản và các chế phẩm làm từ hải sản.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú
  • Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.

3. Cách dùng – Liều dùng thuốc Agimsamine

Thuốc Agimsamine chỉ được dùng theo chỉ định và kê đơn của bác sĩ, nên khi được chỉ định dùng thuốc người bệnh cần tuân thủ đúng cách dùng và liều dùng của bác sĩ.

Cách dùng:

Thuốc được bào chế dạng viên nén, vậy nên thuốc được dùng bằng đường uống và nên uống thuốc trước bữa ăn 15 phút hoặc trong bữa ăn. Nuốt nguyên viên thuốc với một cốc nước đầy, không nên bẻ nhỏ, nghiền nát hay phân tán thuốc có thể làm giảm tác dụng thuốc.

Không uống thuốc cùng với rượu, bia, café, đồ uống có cồn, nước ngọt, nước có gas... sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Liều dùng:

Thuốc được dùng cho người lớn trên 18 tuổi uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày. Thời gian dùng thuốc còn tùy thuộc vào thể trạng và diễn tiến của bệnh, tuy nhiên nên dùng thuốc ít nhất là 2-3 tháng để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý: Cần áp dụng chính xác về cách dùng và liều dùng được bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều lượng có thể không đạt được hiệu quả hoặc gây ra các tác dụng phụ cho sức khỏe.

4. Tác dụng phụ thuốc Agimsamine

Nhìn chung, thuốc được dung nạp tốt và tác dụng phụ của thuốc thường hiếm gặp và thoáng qua.

Một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Agimsamine như: buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, chán ăn, đau dạ dày, phát ban, nổi mày đay và ngứa, phù mạch.

Chú ý: Nếu thấy xảy ra các tác dụng phụ trên hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khi dùng thuốc người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về biện pháp xử trí kịp thời.

5. Tương tác thuốc Agimsamine

  • Khi dùng chung thuốc với heparin có khả năng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Tránh dùng chung Agimsamine với các thuốc kháng viêm, giảm đau khác.
  • Thuốc có thể làm tăng sự hấp thu tetracyclin, giảm hấp thu cloramphenicol và penicillin.
  • Chitosan làm cản trở sự hấp thu chondroitin
  • Glucosamin làm ảnh hưởng đến sự dung nạp glucose và tăng sự đề kháng với insulin.
  • Chế phẩm có chứa glucosamin hoặc kết hợp với chondroitin làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu warfarin.

Để tránh tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến tác dụng của những loại thuốc đang dùng thì tốt hơn hết là người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc điều trị bệnh được kê đơn hay không kê đơn và các thực phẩm chức năng,... để được bác sĩ hướng dẫn và có chỉ định phù hợp hơn.

6. Lưu ý và thận trọng dùng thuốc Agimsamine

Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất thì khi sử dụng thuốc Agimsamine, người bệnh cũng cần lưu ý và thận một số vấn đề sau:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ có chuyên môn và hướng dẫn của nhà sản xuất. Không được tự ý thay đổi hay điều chỉnh cách dùng, liều dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho người bị tiểu đường, người béo phì hoặc người bị rối loạn thời gian chảy máu- đông máu, người đang theo chế độ ăn nhạt.
  • Người có tiền sử dị ứng với hải sản và các chế phẩm từ hải sản thì không nên dùng thuốc.
  • Thuốc Agimsamine có chứa màu tartrazine và sunset yellow có thể gây ra phản ứng dị ứng với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng phẩm màu.
  • Đối với phụ nữ mang thai, cho con bú được khuyến cáo không dùng thuốc.
  • Chưa có thông tin về ảnh hưởng của Agimsamine khi lái xe và vận hành máy móc.

7. Xử lý quên liều, quá liều

Quên liều: Nếu quên liều bạn có thể uống ngay khi nhớ ra trong vòng 1-2h so với thời gian quy định. Còn nếu gần với thời gian dùng liều kế tiếp uống liều kế tiếp theo đúng kế hoạch, bỏ qua liều quên. Lưu ý là không dùng gấp đôi liều đã quy định để tránh tình trạng quá liều hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ.

Quá liều: Khi dùng thuốc quá liều, người bệnh có thể có một số triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mất phương hướng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, đau khớp. Trong trường hợp quá liều xảy bệnh nhân cần ngưng thuốc và báo ngay cho bác sĩ được biết để được theo dõi và điều trị triệu chứng. Trong trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm thì cần đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí hiệu quả.

8. Cách bảo quản

Thuốc cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 độ C, nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào, tránh ẩm. Cần để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ để tránh trẻ nghịch vào, uống nhầm thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Đối với thuốc hết hạn hoặc không sử dụng nữa thì cần tư vấn bác sĩ hoặc hỏi ý kiến của công ty xử lý rác thải địa phương để tiêu hủy thuốc an toàn. Không được vứt thuốc và bao bì thuốc vào toilet, hay xả dưới vòi nước sinh hoạt của gia đình.

Trên đây là những thông tin về thuốc Agimsamine mà người dùng cần nắm rõ khi được chỉ định dùng thuốc. Để từ đó sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng nhằm đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

997 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan