Công dụng thuốc Atzozem

Chứa thành phần chính là kẽm (dưới dạng kẽm sulfat) với hàm lượng 10mg - một nguyên tố vi lượng rất quan trọng và cần thiết cho sức khỏe. Thuốc được sử dụng để hỗ trợ, điều trị các trường hợp còi xương, bổ sung cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Ngoài ra, thuốc còn dùng trong rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng.

1. Atzozem là thuốc gì?

Atzozem là một biệt dược của hoạt chất kẽm chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc là một sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên dược phẩm và sinh học y tế và được bào chế dưới dạng sirô (hộp 1 chai 100ml hoặc 120ml).

Mỗi 5ml thuốc Atzozem chứa 10mg kẽm (dưới dạng kẽm sulfat) và một số tá dược khác vừa đủ.

2. Atzozem công dụng thuốc

Thuốc được sử dụng với mục đích chính là bổ sung, dự phòng thiếu kẽm hoặc hỗ trợ điều trị trong các trường hợp sau:

  • Bệnh còi xương.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Chậm tăng trưởng ở trẻ em.
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú.
  • Chế độ ăn kiêng hoặc thiếu cân bằng.
  • Nuôi ăn qua đường tĩnh mạch lâu dài .
  • Tiêu chảy cấp và mãn tính.
  • Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, chậm tiêu, táo bón, buồn nôn, nôn khi mang thai.
  • Nhiễm trùng tái diễn.
  • Khô da, vết thương chậm lành (do bỏng hoặc loét tì đè).
  • Khô mắt, loét giác mạc, quáng gà.

Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ gây nên một số triệu chứng đặc trưng của tổn thương da và niêm mạc điển hình (do khiếm khuyết trong việc phân chia các mô và hệ thống miễn dịch) như:

  • Viêm ruột.
  • Viêm da đầu chi.
  • Loạn dưỡng móng (móng nhăn, có vệt trắng, chậm mọc).
  • Khô mắt.
  • Viêm quanh lỗ tự nhiên (âm hộ, hậu môn).
  • Tiêu chảy.
  • Giảm cân.
  • Vết thương chậm lành.
  • Giảm khứu giác và vị giác.

Kẽm được cơ thể sử dụng trong sản xuất tế bào và đảm bảo chức năng miễn dịch. Mặc dù sự hiểu biết về vai trò của kẽm đối với cơ thể hiện nay vẫn chưa đầy đủ, tuy nhiên kẽm là nguyên tố vi lượng cần thiết và quan trọng với sự hoạt động của cơ thể. Kẽm là thành phần không thể thiếu của nhiều hệ thống enzym (khoảng 300 loại) như dehydrogenase, carbonic anhydrase,... cần cho sự tổng hợp acid nucleic, glucid và protein. Kẽm hiện diện trong tất cả các mô và giữ cho sự toàn vẹn của mô.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Atzozem

Để hấp thu tốt nhất nên uống siro kẽm khoảng 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn. Tuy nhiên, nếu xảy ra các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa có thể uống trong bữa ăn để khắc phục.

Liều lượng dùng được khuyến cáo dựa trên đối tượng sử dụng:

  • Trẻ em dưới 10kg: Uống liều 5ml, 2 lần mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 10-20kg: Uống liều 10ml, từ 1 đến 3 lần mỗi ngày.
  • Trẻ em trên 30kg và người lớn: Uống liều 20ml, từ 1 đến 3 lần mỗi ngày.
  • Đối với phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú: Hiện tại chưa thấy có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc trên những đối tượng này, do đó có thể sử dụng siro kẽm. Tuy nhiên cần trao đổi ý kiến với bác sĩ chuyên khoa để xác định liều lượng uống cho phù hợp.

Trước khi kê đơn thuốc Atzozem, hãy báo với bác sĩ nếu bạn có một trong các chống chỉ định sau đây:

  • Có quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Suy gan.
  • Suy thận.
  • Suy tuyến thượng thận.
  • Tiền sử có bệnh lý sỏi thận.

Có thể sử dụng thuốc đối với những người làm các công việc liên quan đến lái xe hoặc vận hành máy móc.

Thông thường thời gian điều trị là khoảng 1 đến 2 tháng. Sau đó nên nghỉ khoảng 1 tháng trước khi muốn sử dụng lại. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để xác định thời gian cần điều trị.

Những đối tượng nghiện rượu, bia cũng cần phải bổ sung thêm kẽm. Lý do là vì trên những người này có nồng độ kẽm thấp, vì họ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng do bị tổn thương đường ruột từ việc tiêu thụ rượu, bia quá nhiều hoặc do kẽm bị bài tiết nhiều hơn qua nước tiểu.

Một điều cần lưu ý là tránh sử dụng thuốc trong thời điểm đang bị loét dạ dày và nôn ói. Hơn nữa, cũng không nên dùng chung với các chế phẩm có đồng, sắt hay canxi để dự phòng trường hợp làm giảm hấp thu. Nếu cần phải sử dụng thì nên cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị cũng cần bổ sung thêm một số thực phẩm giàu kẽm để gia tăng hiệu quả như:

  • Hàu.
  • Sò.
  • Thị đỏ.
  • Gia cầm.
  • Trứng.
  • Hạt giống.
  • Mầm lúa mì.

Khi quá liều thuốc Atzozem hoặc khi uống kẽm với nồng độ cao kéo dài sẽ gây nên tình trạng giảm hấp thu đồng, từ đó gây thiếu máu và giảm bạch cầu. Trong các trường hợp ngộ độc cấp tính, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng mức (thường cần phải cho uống sữa, carbonat kiềm hoặc than hoạt).

Trong trường hợp quên liều, hãy cố gắng uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian sử dụng gần với liều kế tiếp, cần chủ động bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm đã được chỉ định. Tuyệt đối không được uống gộp liều.

Không làm rách bao bì thuốc, bảo quản ở nhiệt độ dưới 30oC và ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng. Nếu thấy thuốc có bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào hoặc thay đổi màu, chảy nước thì nên bỏ viên thuốc đó mà thay bằng một viên thuốc mới.

4. Tương tác thuốc và tác dụng phụ của thuốc Atzozem

4.1 Tương tác thuốc

Kẽm có thể gây ra các phản ứng tương tác với các thuốc sau đây khi sử dụng chung:

  • Chế phẩm có chứa sắt.
  • Phospho.
  • Penicilamin.
  • Tetracyclin.
  • Đồng.

4.2 Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ có thể gặp của Atzozem bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Khó tiêu.
  • Buồn nôn và nôn ói.
  • Tiêu chảy.
  • Kích thích dạ dày.
  • Viêm dạ dày.

Khi gặp bất cứ tình trạng nào nặng, người bệnh nên được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Khi đã hiểu rõ về công dụng, liều dùng, thành phần thuốc Atzozem người bệnh nên tham khảo để có thể sử dụng thuốc đúng mục đích giúp tình trạng sức khỏe được cải thiện tốt hơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

136 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan