Công dụng thuốc bôi Bactroban

Thuốc Bactroban chứa thành phần chính là mupirocin được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn da tại chỗ. Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Bactroban qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Bactroban có tác dụng gì?

“Bactroban là thuốc gì?” Thuốc Bactroban được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi ngoài da, được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn da tại chỗ tiên phát và thứ phát như sau:

  • Nhiễm khuẩn tiên phát: Viêm nang lông, chốc, nhọt, chốc loét;
  • Nhiễm khuẩn thứ phát: Chàm bội nhiễm, sang thương do chấn thương bị nhiễm khuẩn như vết côn trùng cắn, vết trầy da, vết thương nhẹ và bỏng nhẹ;
  • Dự phòng nhiễm khuẩn: Thuốc bôi Bactroban có thể được sử dụng trong phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn vào vết thương nhỏ, phòng ngừa nhiễm khuẩn ở các vết cắt, vết trầy da...

Về dược lực học

Hoạt chất mupirocin là kháng sinh được chiết từ Pseudomonas Fluorescens, hoạt tính kháng khuẩn trên hầu hết các loại vi khuẩn nhiễm khuẩn da như Staphylococcus aureus, Streptococcus, Escherichia coli, Haemophilus influenzae.

Về dược động học

Thuốc mỡ Bactroban sau khi bôi lên da mang lại hiệu quả tác dụng tại chỗ, chỉ một lượng rất nhỏ thuốc hấp thu vào đường toàn thân. Lượng thuốc hấp thu vào cơ thể được chuyển hóa nhanh chóng tạo thành chất chuyển hóa không có hoạt tính là acid monic và bài tiết nhanh chóng qua thận.

2. Liều dùng thuốc mỡ Bactroban

Liều thuốc Bactroban sử dụng phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh. Liều Bactroban khuyến cáo như sau:

  • Người trưởng thành và trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên bị chốc lở do vi khuẩn S.pyogenes và S.aureus: Bôi thuốc lên vùng da bị nhiễm khuẩn 3 lần/ngày, thời gian dùng thuốc khuyến khoảng từ 5 – 10 ngày;
  • Người trưởng thành và trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên bị nhiễm khuẩn da thứ phát: Bôi thuốc Bactroban lên vùng da nhiễm khuẩn 3 lần/ngày, thời gian dùng thuốc khuyến cáo không quá 10 ngày;

Thuốc Bactroban là thuốc mỡ bôi ngoài da, người bệnh cần bôi một lượng nhỏ thuốc vào vùng da bị tổn thương (có thể băng vùng da bị tổn thương lại trong trường hợp cần thiết). Không trộn thuốc với các chế phẩm khác do nguy cơ pha loãng làm giảm tác dụng kháng khuẩn, làm mất khả năng ổn định của hoạt chất mupirocin trong thuốc mỡ.

3. Tác dụng phụ thuốc bôi Bactroban

Thuốc mỡ Bactroban có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Nóng rát tại vị trí bôi thuốc;
  • Đỏ da, ngứa, khô da và cảm giác châm chích tại vị trí bôi thuốc; phản ứng da do nhạy cảm với mupirocin hoặc với tá dược thuốc;
  • Dị ứng toàn thân.

Trong trường hợp gặp phải tác dụng phụ, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Bactroban và thông báo cho bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc mỡ Bactroban

  • Chống chỉ định ở người bệnh mẫn cảm với mupirocin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Bactroban.
  • Phản ứng mẫn cảm hoặc kích ứng tại chỗ nặng khi dùng thuốc hiếm khi xảy ra. Trong trường hợp gặp phải các phản ứng trên, người bệnh cần ngưng điều trị, lau sạch thuốc tại chỗ bôi và thông báo cho bác sĩ điều trị để được thay thế bằng thuốc chống nhiễm khuẩn phù hợp.
  • Sử dụng thuốc Bactroban kéo dài có thể tăng nguy cơ tăng sinh các vi khuẩn không nhạy cảm. Trong đó, viêm đại tràng giả mạc được ghi nhận khi sử dụng kháng sinh, mức độ nghiêm trọng từ nhẹ đến ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, điều quan trọng là cần xem xét nguy cơ này ở người bệnh có tiêu chảy sau khi điều trị bằng Bactroban nói riêng và các loại kháng sinh nói chung.
  • Người bệnh suy thận: Thành phần tá dược polyethylene glycol có thể được hấp thu từ những vết thương hở trên da, da bị tổn thương. Tương tự như các thuốc mỡ khác, không sử dụng thuốc Bactroban ở những người bệnh có nguy cơ hấp thu lượng lớn polyethylene glycol, đặc biệt là ở người bệnh suy thận từ trung bình đến nặng.
  • Không sử dụng thuốc Bactroban trong nhãn khoa, bôi thuốc bên trong mũi hay sử dụng cùng ống thông và tại vị trí đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm.
  • Không để thuốc tiếp xúc với mắt. Trường hợp để thuốc dính vào mắt, người bệnh cần rửa sạch với nước đến khi loại bỏ hết thuốc mỡ.
  • Phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu chứng minh độ an toàn của thuốc ở phụ nữ đang mang thai. Các nghiên cứu trên động vật không cho thấy độc tính trên khả năng sinh sản. Tuy vậy, việc sử dụng thuốc Bactroban ở phụ nữ mang thai cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa khi lợi ích lớn hơn nguy cơ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết qua sữa mẹ của mupirocin. Vì vậy, trong thời gian điều trị bằng thuốc cần ngưng cho trẻ bú mẹ.
  • Khả năng lái xe, vận hành máy móc: Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc của người bệnh.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Bactroban được dùng bằng đường bôi ngoài da, tỉ lệ thuốc hấp thu vào toàn thân rất thấp, do đó hiện tại chưa ghi nhận tương tác thuốc nghiêm trọng nào xảy ra. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị tất cả các loại thuốc đang sử dụng bao gồm cả thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng và các vitamin, khoáng chất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan