Công dụng thuốc Capreomycin

Thuốc Capreomycin được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, có thành phần chính là Capreomycin. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lao kháng thuốc.

1. Thuốc Capreomycin là thuốc gì?

Thuốc Capreomycin là thuốc gì? Thuốc Capreomycin là thuốc kháng sinh, thuốc chống lao, được bào chế dưới dạng bột pha tiêm Capreomycin sulfat tương đương với 1g Capreomycin base.

Capreomycin là 1 kháng sinh polypeptid, chiết xuất từ Streptomyces capreolus với tác dụng kìm khuẩn. Thuốc có tác dụng đối với các chủng Mycobacterium tuberculosis, M. kansasii, M.bovis và M. avium. Bên cạnh đó, ở nồng độ cao, thuốc Capreomycin còn có tác dụng đối với một số chủng vi khuẩn gram âm và gram dương.

Capreomycin là 1 trong các thuốc chống lao thuộc nhóm 2 (thuốc chống lao dạng tiêm), được dùng để điều trị bệnh lao kháng thuốc, dùng cùng với thuốc chống lao khác. Chỉ sử dụng Capreomycin nếu điều trị bằng các thuốc chống lao hàng đầu không đạt hiệu quả hoặc có chống chỉ định.

Chỉ định sử dụng thuốc Capreomycin:

  • Điều trị bệnh lao kháng thuốc có chủng vi khuẩn M. tuberculosis đã biết hoặc dự đoán có nhạy cảm với thuốc, đặc biệt là trong trường hợp đa kháng thuốc (kháng đồng thời với rifampicin và isoniazid) hoặc người bệnh không dung nạp với các thuốc chống lao hàng đầu;
  • Phối hợp với 2 - 4 thuốc điều trị lao khác đã biết hoặc dự đoán có tác dụng đối với chủng M. tuberculosis kháng thuốc.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Capreomycin:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Capreomycin hoặc thành phần khác của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Capreomycin

Cách dùng: Có thể sử dụng thuốc Capreomycin đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Cụ thể:

  • Tiêm bắp: Hòa tan lọ 1g Capreomycin sulfat trong 2ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9%. Đợi khoảng 2 - 3 phút trước khi bắt đầu tiêm (để thuốc tan hoàn toàn). Sau đó, dùng thuốc Capreomycin sulfat đã pha tiêm bắp sâu vào 1 khối cơ to (vì mũi tiêm nông có thể gây đau nhiều hơn, gây áp xe vô khuẩn);
  • Truyền tĩnh mạch: Hòa tan Capreomycin trong 100ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, truyền tĩnh mạch chậm trong 60 phút.

Liều dùng:

  • Người lớn: Để trị bệnh lao, Capreomycin luôn được sử dụng phối hợp với các thuốc chống lao khác với liều hằng ngày 15 - 20mg/kg hoặc tới 1g (Capreomycin base) x 1 lần/ngày trong 60 - 120 ngày. Sau đó, dùng liều 1g, tiêm 2 - 3 lần/tuần;
  • Người bệnh suy thận: Cần giảm liều dùng thuốc Capreomycin theo độ thanh thải creatinin. Cụ thể:
    • Độ thanh thải creatinin > 110ml/phút: Liều hằng ngày tương tự liều thông thường, liều cách nhật là 14mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 110ml/phút: Liều hằng ngày là 13,9mg, liều cách nhật là 14mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 100ml/phút: Liều hằng ngày là 12,7mg, liều cách nhật là 14mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 80ml/phút: Liều hằng ngày là 10,4mg, liều cách nhật là 14mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 60ml/phút: Liều hằng ngày là 8,2 mg, liều cách nhật là 14mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 50ml/phút: Liều hằng ngày là 7,0mg, liều cách nhật là 14mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 40ml/phút: Liều hằng ngày là 5,9mg, liều cách nhật là 11,7mg/kg/48 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 30ml/phút: Liều hằng ngày là 4,7mg, liều cách nhật là 9,5mg/kg/48 giờ hoặc 14,4mg/kg/72 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 20ml/phút: Liều hằng ngày là 3,6mg, liều cách nhật là 7,2mg/kg/48 giờ hoặc 10,7mg/kg/72 giờ 4,9mg/kg/48 giờ hoặc 7,3mg/kg/72 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 10ml/phút: Liều hằng ngày là 2,4mg, liều cách nhật là 7,2mg/kg/48 giờ hoặc 10,7mg/kg/72 giờ 4,9mg/kg/48 giờ hoặc 7,3mg/kg/72 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin 0ml/phút: Liều hằng ngày là 1,3mg, liều cách nhật là 2,6 mg/kg/48 giờ hoặc 3,9 mg/kg/72 giờ
  • Trẻ em: Điều chỉnh liều dùng theo độ tuổi:
    • Trẻ em dưới 15 tuổi hoặc cân nặng ≤ 40kg: Dùng liều 15 - 30mg/kg/ngày (tối đa 1g/ngày) x 1 lần/ngày hoặc 2 lần/tuần;
    • Trẻ em 15 tuổi trở lên: Dùng liều 15mg/kg/ngày (tối đa 1g/ngày) x 5 - 7 lần/tuần trong 2 - 4 tháng đầu hoặc cho tới khi kết quả cấy vi sinh được cải thiện. Sau đó có thể giảm liều xuống còn 15mg/kg/ngày (tối đa 1g/ngày), dùng 2 - 3 lần/tuần tùy theo hiệu quả của các thuốc khác trong phác đồ điều trị;
  • Người cao tuổi: Là nhóm đối tượng tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận và suy giảm thính lực nên cần sử dụng liều ở giới hạn thấp của phạm vi liều. Bệnh nhân trên 59 tuổi nên dùng liều 10mg/kg (tối đa 750mg/ngày), dùng liều hằng ngày trong giai đoạn tấn công, dùng liều 2 - 3 lần/tuần trong giai đoạn duy trì;
  • Bệnh nhân suy gan: Chưa có thông tin về liều dùng thuốc Capreomycin, cần sử dụng thận trọng.

Quên liều: Thuốc Capreomycin được sử dụng ở cơ sở y tế, thực hiện bởi nhân viên y tế, có sự theo dõi trong suốt quá trình điều trị nên thường sẽ không xảy ra tình trạng quên liều.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Capreomycin quá liều, người bệnh có thể có biểu hiện dưới dạng các tác dụng phụ của thuốc nhưng trầm trọng hơn, chủ yếu là các phản ứng độc hại với thận và thính giác như chóng mặt, ù tai, thở nông hoặc thở yếu, thiểu niệu hoặc vô niệu. Bệnh nhân sử dụng thuốc Capreomycin quá liều cũng có thể bị giảm calci huyết, giảm kali huyết, giảm magnesi huyết, rối loạn điện giải, giống như hội chứng Bartter,...

Việc điều trị quá liều Capreomycin chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Người bệnh được bảo vệ đường dẫn khí, thông khí hỗ trợ, truyền dịch, theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn, các khí trong máu, các chất điện giải trong huyết thanh, đồng thời duy trì ở mức phù hợp. Ngoài ra, nên theo dõi chặt chẽ cân bằng nước, điện giải và độ thanh thải creatinin của bệnh nhân. Việc thẩm phân máu có thể làm tăng thải trừ Capreomycin (đặc biệt ở người bị suy giảm chức năng thận). Bệnh nhân có chức năng thận bình thường cần được cung cấp đủ nước để duy trì lượng nước tiểu là 3 - 5ml/kg/giờ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Capreomycin

Trong quá trình sử dụng thuốc Capreomycin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp:
    • Độc tính với thận: Thường hồi phục sau khi ngừng dùng thuốc Capreomycin, hiếm khi xảy ra tử vong. Ở người bệnh cao tuổi, người bị mất nước hoặc bị rối loạn chức năng thận, việc sử dụng đồng thời thuốc Capreomycin với các thuốc gây độc cho thận khác có thể làm tăng nguy cơ hoại tử ống thận cấp;
    • Độc tính với tai: Ù tai, mất thính giác, điếc,... có thể hồi phục hoặc không hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc Capreomycin. Các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ù tai, mất khả năng cảm nhận âm sắc cao,... đã được ghi nhận ở người bệnh sử dụng Capreomycin mà có chức năng thận bất thường, mất nước hoặc đang dùng thuốc có độc tính trên thính giác;
    • Gan: Suy giảm chức năng gan (giảm bài tiết BSP, không tăng ALT, AST);
    • Huyết học: Giảm bạch cầu, tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan (mức độ nhẹ);
  • Ít gặp:
    • Thần kinh trung ương: Chóng mặt;
    • Nội tiết và chuyển hóa: Giảm calci huyết, giảm magnesi huyết, giảm kali huyết;
    • Tại chỗ: Đau, cứng, chảy máu ở vị trí tiêm;
    • Tác dụng phụ khác: Quá mẫn (mày đay, sốt, ban dát sần).

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Capreomycin, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách can thiệp, ứng phó phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Capreomycin

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Capreomycin là:

  • Cần đánh giá chức năng thận, tiền đình và thính giác trước khi bắt đầu điều trị và định kỳ trong quá trình dùng thuốc Capreomycin. Ở bệnh nhân suy thận và suy giảm thính giác, cần cân nhắc tới nguy cơ tăng suy thận và tổn thương dây thần kinh thính giác (dây thần kinh sọ VIII) so với những lợi ích có thể đạt được khi sử dụng thuốc;
  • Nếu nồng độ nitrogen của ure huyết tăng lên trên 30mg/decilit hoặc nếu người bệnh có biểu hiện suy giảm chức năng thận thì cần xem xét cẩn thận bệnh nhân, có thể giảm liều Capreomycin hoặc ngưng sử dụng thuốc;
  • Vì có nguy cơ giảm kali huyết trong quá trình điều trị với thuốc Capreomycin nên cần thường xuyên theo dõi nồng độ kali huyết thanh của bệnh nhân;
  • Cần theo dõi chức năng gan (ALT, AST) 1 lần/tháng trong khi điều trị với thuốc Capreomycin;
  • Vì thuốc Capreomycin gây phong bế thần kinh cơ một phần nếu sử dụng với liều cao nên việc dùng thuốc này có thể làm tăng thêm tình trạng nhược cơ;
  • Nguy cơ phong bế thần kinh cơ hoặc liệt hô hấp có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc Capreomycin bằng đường truyền tĩnh mạch nhanh;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Capreomycin ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng, đặc biệt là dị ứng với thuốc;
  • Hiện chưa rõ thuốc Capreomycin có đi qua nhau thai hay không. Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc này ở phụ nữ mang thai khi thật cần thiết, sau khi đã cân nhắc lợi ích lớn hơn nguy cơ. Tốt nhất nên tránh dùng thuốc Capreomycin trong thời kỳ mang thai để tránh nguy cơ gây độc cho thận và thính giác của thai nhi;
  • Hiện không rõ thuốc Capreomycin có phân bố trong sữa mẹ hay không. Tốt nhất chỉ nên sử dụng thuốc này một cách thận trọng ở bà mẹ đang cho con bú, khi đã được bác sĩ cân nhắc, cho phép.

5. Tương tác thuốc Capreomycin

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc, gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Một số tương tác thuốc của Capreomycin gồm:

  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc Capreomycin với các thuốc viomycin, streptomycin vì tăng nguy cơ độc tính trên tai và thận, đôi khi không thể hồi phục;
  • Thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Capreomycin với các thuốc như: Polymyxin A sulfat, amikacin, gentamicin, colistin sulfat, tobramycin, vancomycin, kanamycin và neomycin.

Thuốc Capreomycin được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, có thành phần chính là Capreomycin. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lao kháng thuốc. Khi được chỉ định sử dụng thuốc Capreomycin, người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng và tiền sử bệnh lý của bản thân. Từ đó, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp, tránh nguy cơ tương tác thuốc. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần tuân thủ đúng chỉ định sử dụng thuốc, không được tự ý thay đổi liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc,... để tránh gặp phải những tác dụng phụ bất lợi đối với sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

235 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan