Công dụng thuốc Cefotalis

Thuốc Cefotalis được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm, có thành phần chính là Cefotaxime. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất Cefotaxime.

1. Cefotalis là thuốc gì?

1 lọ thuốc Cefotalis có chứa 1g Cefotaxime (dưới dạng Cefotaxime natri). Cefotaxime là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3 với phổ kháng khuẩn rộng. Các vi khuẩn thường nhạy cảm với Cefotaxime gồm: Enterobacter, E.coli, Serratia, Shigella, P. mirabilis, P.vulgaris, Salmonella, Haemophilus influenzae, Haemophilus spp,... Các loại vi khuẩn kháng Cefotaxim gồm: Listeria, Staphylococcus kháng methicillin, Pseudomonas cepacia, Enterococcus, Xanthomonas hydrophila,...

Chỉ định sử dụng thuốc Cefotalis: Điều trị nhiễm các vi khuẩn nhạy cảm với Cefotaxime trong:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp (bao gồm cả viêm phổi);
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục, phụ khoa, viêm nội mạc cổ tử cung, bệnh lậu niệu đạo;
  • Viêm màng não ở trẻ em và người lớn;
  • Bệnh Lyme giai đoạn muộn;
  • Nhiễm khuẩn xương - khớp;
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng;
  • Nhiễm khuẩn huyết;
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm;
  • Dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cefotalis:

  • Bệnh nhân quá mẫn với các thành phần của chế phẩm, với các cephalosporin và penicillin;
  • Người có tiền sử bệnh xuất huyết (thuốc có thể gây giảm prothrombin huyết, có thể xuất huyết);
  • Bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm loét đại tràng, viêm đại tràng, viêm tiểu tràng từng vùng (do cephalosporin có thể gây viêm đại tràng màng giả).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cefotalis

Cách dùng: Đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Pha chế: Thêm 5ml nước cất vô khuẩn pha tiêm, lắc đều cho tới khi đạt dung dịch trong suốt là được.

Liều dùng:

  • Trẻ em: Dùng liều 50 - 100mg/kg mỗi 8 - 12 giờ;
  • Người lớn: Dùng liều 1 - 2g mỗi 6 - 8 hoặc 12 giờ. Liều tối đa là 12g/ngày, chia làm nhiều liều.

Quá liều, quên liều: Thuốc Cefotalis được dùng đường tiêm, dưới sự thực hiện của nhân viên y tế nên hiếm khi xảy ra tình trạng quá liều hoặc quên liều. Trường hợp người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào bất thường thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời, hữu hiệu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefotalis

Khi sử dụng thuốc Cefotalis, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, viêm ruột kết có màng giả;
  • Huyết học: Giảm tạm thời bạch cầu, giảm tạm thời tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin;
  • Thận: Tăng tạm thời nồng độ ure và creatinin máu;
  • Thần kinh: Nhức đầu, ảo giác, hoa mắt;
  • Phản ứng dị ứng, đặc biệt là phản vệ: Co thắt phế quản, hạ huyết áp, ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens - Johnson, rối loạn chức năng thận, các phản ứng tương tự bệnh huyết thanh (đau khớp, sốt, phát ban), cơn co giật (đặc biệt khi dùng thuốc liều cao, ở người bệnh có rối loạn chức năng thận), viêm tĩnh mạch huyết khối;
  • Triệu chứng khác: Phát ban da, sốt, ngứa da, giảm prothrombin máu, nhiễm nấm Candida miệng, loạn nhịp tim.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà bản thân gặp phải khi sử dụng thuốc Cefotalis để được tư vấn, hướng dẫn về cách xử lý phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefotalis

Một số vấn đề người bệnh cần lưu ý trước và trong khi dùng thuốc Cefotalis:

  • Chỉ được sử dụng thuốc Cefotalis khi có sự kiểm soát y tế chặt chẽ bởi nhân viên y tế;
  • Trước khi khởi đầu điều trị, nên đánh giá xem người bệnh có tiền sử phản ứng quá mẫn với Cefotaxime, các cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác không;
  • Cần chăm sóc đặc biệt khi sử dụng thuốc Cefotalis ở những bệnh nhân đã có phản ứng dị ứng với penicillin hoặc với các thuốc beta - lactam khác. Do có nguy cơ dị ứng chéo giữa các penicillin với các cephalosporin nên cần thận trọng khi dùng thuốc này ở người bệnh mẫn cảm với penicillin;
  • Thuốc Cefotalis khi dùng dự phòng quanh phẫu thuật (trước - trong - sau phẫu thuật) thường nên ngừng thuốc 24 giờ sau khi mổ;
  • Trong thời gian sử dụng thuốc Cefotalis, cần chú ý thực hiện các kiểm tra chức năng gan, thận và các thông số huyết học. Có thể xảy ra phản ứng với test Coombs trực tiếp dương tính giả hoặc phản ứng glucose - niệu dương tính giả với một số test thông thường (ví dụ như phản ứng khử);
  • Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả và độ an toàn của thuốc Cefotalis ở trẻ em nhưng cho tới nay không thấy có vấn đề gì liên quan tới tuổi tác;
  • Đã sử dụng thuốc Cefotalis cho người cao tuổi và chưa thấy có tác dụng phụ liên quan tới tuổi tác. Tuy nhiên, người bệnh quá cao tuổi dễ bị suy chức năng thận do tuổi tác nên cần điều chỉnh liều dùng thuốc hoặc nới rộng khoảng cách giữa các liều gần nhau cho phù hợp, theo chỉ định của bác sĩ;
  • Sử dụng thuốc Cefotalis kéo dài có thể tạo điều kiện cho sự sinh trưởng của nấm Candida albicans, gây nhiễm Candida ở miệng;
  • Nên giảm liều dùng thuốc Cefotalis ở người bệnh bị suy giảm chức năng thận;
  • Không nên dùng thuốc Cefotalis khi mang thai, khi có khả năng mang thai hoặc trong thời kỳ đang cho con bú. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc ở nhóm đối tượng này, cần có sự cho phép của bác sĩ;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Cefotalis ở người lái xe, vận hành máy móc vì thuốc có thể gây tác dụng phụ như hoa mắt, nhức đầu,...

5. Tương tác thuốc Cefotalis

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh hoặc làm gia tăng tác dụng phụ của một/một vài loại thuốc. Do đó, bệnh nhân không được tự ý bắt đầu, ngưng dùng hoặc thay đổi liều dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Một số tương tác thuốc của Cefotalis gồm:

  • Khi sử dụng đồng thời thuốc Cefotalis với probenecid, aminoglycosid, thuốc lợi tiểu có tiềm năng (như furosemid) thì có thể làm tăng nguy cơ gây độc với thận;
  • Khi sử dụng đồng thời thuốc Cefotalis với rượu có thể gây phản ứng như với disulfiram như co thắt vùng bụng hoặc dạ dày, buồn nôn, ói mửa, hạ huyết áp, nhức đầu, thở ngắn, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, đỏ bừng mặt,...;
  • Khi sử dụng đồng thời thuốc Cefotalis với thuốc chống đông máu dẫn xuất coumarin hoặc indandione, heparin tổng hợp hay thuốc chống huyết khối thì Cefotaxime có thể ức chế sự tổng hợp vitamin K (do ngăn chặn tạp khuẩn ruột). Khi dùng thuốc Cefotaxime kéo dài ở người bệnh quá ốm yếu và suy dinh dưỡng thì nên dự phòng bằng cách sử dụng vitamin K;
  • Khi sử dụng đồng thời thuốc Cefotalis với thuốc ức chế sự kết dính tiểu cầu thì có thể gây giảm prothrombin máu, tăng nguy cơ xuất huyết;
  • Khi sử dụng đồng thời thuốc Cefotalis với Probenecid thì Probenecid làm giảm đào thải Cefotaxime qua ống thận, dẫn tới làm tăng và kéo dài nồng độ của các cephalosporin trong huyết thanh. Từ đó, nó làm tăng thời gian bán thải của thuốc, có nguy cơ gây độc tính cao hơn.

Trong quá trình sử dụng thuốc Cefotalis, người bệnh cần tuyệt đối phối hợp với bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc mà mình đang sử dụng để có sự điều chỉnh phù hợp, tránh những tương tác thuốc nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

30 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan